Thứ Hai, 20/5/2024
Xã hội
Thứ Hai, 9/12/2019 7:45'(GMT+7)

Tăng cường y tế cơ sở đáp ứng bệnh không lây nhiễm

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

BỆNH KLN CÓ SỐ LƯỢNG TỬ VONG CAO NHẤT Ở VIỆT NAM

 

Bệnh KLN đang trở thành nhóm bệnh có số lượng tử vong cao nhất trên thế giới hằng năm với con số 40 triệu người (chiếm 70-75% số lượng tử vong trên toàn cầu) và vẫn tiếp tục tăng lên. 

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn, bệnh KLN cũng đang là nhóm bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất ở Việt Nam. Cứ 10 người tử vong thì có gần 8 người mắc và tập trung ở các bệnh như tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh phổi mạn tính. Ước tính, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 12,5 triệu người bị tăng huyết áp (THA), 3,5 triệu người bị bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), 2 triệu người mắc bệnh tim, phổi mạn tính và gần 126.000 ca mắc mới ung thư, rối loạn tâm thần. Thường gặp nhất ở người cao tuổi là trầm cảm, sa sút trí tuệ. Tỷ lệ trẻ em mắc tự kỷ hàng năm tăng. Các bệnh KLN gây ra 73% các trường hợp tử vong hằng năm và trong số đó có tới 40% tử vong trước 70 tuổi. Bệnh KLN gây tàn phế nặng nề và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị, theo dõi, chăm sóc lâu dài theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các bệnh KLN chính gây ra các tử vong là bệnh tim mạch (chiếm 44%), ung thư (chiếm 22%), bệnh phổi mạn tính (chiếm 9%), đái tháo đường (chiếm 4%). 

Nguyên nhân của tình trạng này do nhiều người dân chưa có ý thức phòng bệnh. Các nguy cơ chủ yếu liên quan đến hành vi lối sống như hút thuốc lá, lạm dụng rượu, bia, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, ít hoạt động, áp lực, căng thẳng và một số các nguy cơ khác... Vẫn còn 45% nam giới hút thuốc lá, 77% dân số uống rượu, chế độ dinh dưỡng không phù hợp, số người thừa cân béo phì không ngừng tăng. Bên cạnh đó, người dân Việt Nam sử dụng muối cao gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (9,4gram/ngày). Tỷ lệ người mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, nguy cơ tim mạch, ung thư, tâm thần được phát hiện sớm và quản lý điều trị còn thấp, chỉ dưới 50%...

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 80% số ca bệnh tim mạch giai đoạn đầu, đột quỵ, đái tháo đường tuýp 2 và trên 40% ung thư có thể được phòng ngừa thông qua ăn uống hợp lý, hoạt động thể lực đều đặn, không hút thuốc lá. 

 PHÒNG, CHỐNG BỆNH KLN Ở TRẺ EM, HỌC SINH, SINH VIÊN

Trước sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các bệnh KLN, ngày 8-1-2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018 - 2025”.

Theo PGS. TS. Nguyễn Thanh Đề, quyền Vụ trưởng, Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc chú trọng dinh dưỡng hợp lý, tăng cường hoạt động thể lực và phòng, chống các bệnh KLN từ trong gia đình và trường học sẽ tạo nên thói quen thực hành dinh dưỡng hợp lý và tăng cường các hoạt động thể lực sẽ lan tỏa tới các cộng đồng và toàn xã hội, giúp người dân có nhận thức đúng, phát hiện sớm và kiểm soát các yếu tố nguy cơ của bệnh KLN. Nếu được phát hiện sớm, tư vấn, can thiệp và điều trị kịp thời, sẽ góp phần giảm tỷ lệ mắc các bệnh KLN ở lứa tuổi học đường, nâng cao chất lượng sức khỏe cho trẻ em, học sinh, sinh viên, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và giúp ngành giáo dục thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, học sinh, sinh viên.

Tỷ lệ thừa cân, béo phì có xu hướng gia tăng, đặc biệt là ở khu vực thành thị và các thành phố lớn. Chiều cao nam và nữ thanh niên Việt Nam thấp hơn so với mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới; sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt Nam được xếp vào mức thấp so với chuẩn quốc tế, chỉ có 20,5% học sinh có hoạt động thể lực ít nhất 60 phút/ngày và từ 5 ngày trở lên/tuần, đáp ứng mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới. 

Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” đề ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu hơn 90% dân số được quản lý sức khỏe; 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh KLN. Đến năm 2030, phấn đấu hơn 95% dân số được quản lý sức khỏe; 100% trạm y tế, xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh KLN. 

 DỰ PHÒNG, QUẢN LÝ ĐIỀU TRỊ BỆNH KLN Ở TUYẾN Y TẾ CƠ SỞ

Để khống chế và đẩy lùi các bệnh KLN, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 376/QĐ-TTG ngày 20-3-2015 “Phê duyệt chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẹn mạn tính, hen phế quản và các bệnh KLN giai đoạn 2015-2020”.  

Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2559/QÐ-BYT về kế hoạch tăng cường thực hiện điều trị, quản lý THA, ÐTÐ theo nguyên lý y học gia đình tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn giai đoạn 2018- 2020, với các mục tiêu cụ thể như: Ðến năm 2019, 100% số trạm y tế được đào tạo về dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý tăng THA và ÐTÐ theo nguyên lý y học gia đình. Ðến năm 2020, ít nhất 70% trạm y tế thực hiện dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý THA theo nguyên lý y học gia đình; ít nhất 40% trạm y tế thực hiện dự phòng, phát hiện sớm, điều trị và quản lý ÐTÐ theo nguyên lý y học gia đình. Ðến năm 2020, ít nhất 40% người trưởng thành từ 40 tuổi trở lên được đo huyết áp và đánh giá nguy cơ ÐTÐ..

Theo chương trình phòng chống các bệnh KLN của Bộ Y tế, thì nhân viên y tế tuyến cơ sở (tuyến xã) có vai trò thực hiện phòng bệnh cho cộng đồng thông qua giáo dục thay đổi hành vi nguy cơ; xác định những người có nguy cơ mắc bệnh và tác động để loại bỏ các yếu tố nguy cơ đó; sàng lọc, chẩn đoán sớm và chuyển tuyến trên để chẩn đoán và điều trị kịp thời. Quản lý, theo dõi người bệnh đã được điều trị ổn định ở tuyến trên.

Ðể thực hiện các mục tiêu trên, Bộ Y tế đã tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan để phát huy vai trò bác sĩ đa khoa, bác sĩ gia đình trong thực hiện dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý THA, ÐTÐ; sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp quy để bảo đảm người bệnh THA, ÐTÐ khi các cơ sở KCB tuyến trên kê đơn điều trị, sẽ được tiếp tục tiếp cận các thuốc này tại cơ sở khám chữa bệnh (KCB) tuyến huyện và trạm y tế xã. Ngành y tế cũng xây dựng tài liệu hướng dẫn về giám sát, báo cáo hoạt động điều trị, quản lý THA và ÐTÐ theo nguyên lý y học gia đình tại các trạm y tế xã. Tổ chức các khóa tập huấn cho cán bộ y tế tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn về quản lý lồng ghép THA và ÐTÐ tại trạm y tế; dinh dưỡng và hoạt động thể lực trong quản lý điều trị THA và ÐTÐ; triển khai hoạt động dự phòng, quản lý điều trị bệnh KLN tại tuyến y tế cơ sở./.

Lê Thoa 

 

___________________________________

Bài đăng TCTG số 11/2019

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất