BỘ PHẬN CẤU THÀNH VĂN HÓA ĐẢNG, VĂN HÓA TRONG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ
Văn hoá có nhiều nghĩa, đa diện, nhưng dù ở góc độ nào khi nói đến văn hoá là nói đến giá trị văn hóa. Đó là những gì tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc qua nhiều thế hệ tạo thành hệ giá trị tốt đẹp để quy tụ, định hướng suy nghĩ và hành động của mọi người trong xã hội. Giá trị văn hóa có nhiều cấp độ: nhân loại, dân tộc, cộng đồng, lĩnh vực, gia đình, cá nhân. Các giá trị tiêu biểu của nhân loại là: chân - thiện - mỹ, dân chủ, tự do, bình đẳng... Các giá trị tiêu biểu của dân tộc Việt Nam là: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực… Nền văn hóa Việt Nam hiện nay đang hướng tới các giá trị: dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học. Các giá trị văn hóa gia đình Việt Nam hiện đại đang hình thành là: ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh... Tuy ở các tầm cấp khác nhau nhưng các giá trị văn hóa luôn đan xen, hòa quyện vào nhau, bởi giá trị văn hóa chung không tồn tại bên ngoài những giá trị văn hóa riêng. Trái lại, giá trị văn hóa của nhân loại, dân tộc, ngành, lĩnh vực luôn tồn tại trong mỗi giá trị của cộng đồng, gia đình, cá nhân và biểu hiện thông qua mỗi giá trị văn hóa riêng đó.
Văn hoá xuyên thấm trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Bởi vì, dù ở đâu, lĩnh vực nào, con người cũng luôn hướng tới những điều tốt đẹp, luôn có ý thức bồi đắp, sáng tạo và hành động theo các giá trị văn hóa. Trong xã hội Việt Nam hiện đại, văn hóa được gắn với nhiều lĩnh vực như văn hoá chính trị, văn hoá kinh doanh, văn hoá giao thông, văn hóa học đường, văn hóa công sở, văn hoá Đảng... Công tác tư tưởng là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng(1), vì vậy, có thể nói, văn hóa trong công tác tư tưởng là một bộ phận hợp thành văn hóa Đảng, văn hóa trong hệ thống chính trị. Do đó, xây dựng văn hóa trong công tác tư tưởng là một yêu cầu mang tính tất yếu, khách quan. Về vấn đề này, Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (Nghị quyết 33-NQ/TW) đã khẳng định: “Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”(2). Kết luận 76/KL/TW ngày 4/6/2020 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW tiếp tục khẳng định: “Tăng cường xây dựng văn hoá trong chính trị và kinh tế. Tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Coi trọng xây dựng văn hoá từ trong Đảng, trong bộ máy nhà nước”(3).
MỘT CÁCH TIẾP CẬN VĂN HÓA TRONG CÔNG TÁC TƯ TƯỞNG
Văn hoá vốn có rất nhiều định nghĩa, vì vậy, văn hóa trong công tác tư tưởng chắc chắn cũng sẽ có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, xem xét văn hóa trong công tác tư tưởng bằng phương pháp hệ thống cấu trúc là một cách tiếp cận dễ hiểu và dễ thực hiện. Theo khoa học công tác tư tưởng, mỗi hoạt động tư tưởng đều có các yếu tố cấu thành là: chủ thể, đối tượng, mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức, phương tiện và hiệu quả(4). Các yếu tố này có mối quan hệ biện chứng với nhau, vận hành trong một môi trường xã hội khách quan và chịu sự tác động mạnh mẽ của môi trường ấy. Như vậy, văn hóa trong công tác tư tưởng có thể hiểu là các yếu tố cấu thành hoạt động tư tưởng nêu trên phải luôn thấm đẫm các giá trị văn hóa. Nói cách khác, mọi hoạt động tư tưởng phải lấy các giá trị văn hóa là mục tiêu, thường xuyên thực hành các giá trị văn hóa đó trong thực tiễn và sáng tạo ra các giá trị văn hóa mới mang đặc trưng của lĩnh vực tư tưởng, đồng thời hoạt động tư tưởng cũng phải được tiến hành trong một môi trường văn hóa lành mạnh, tốt đẹp.
“Chân” là một giá trị văn hóa phổ quát của nhân loại, tương ứng với tính khoa học trong hệ giá trị của nền văn hóa Việt Nam hiện đại. Tính khoa học vốn là một nguyên tắc của công tác tư tưởng, nó đòi hỏi công tác tư tưởng phải nhận thức được quy luật khách quan, tôn trọng quy luật khách quan và vận hành theo quy luật khách quan. Công tác tư tưởng là hoạt động tác động vào thế giới tinh thần của con người. Đó là một thế giới vô cùng đa dạng, phức tạp, muốn thu phục nhân tâm, chủ thể công tác tư tưởng phải nhận thức và vận hành theo các quy luật của lĩnh vực tư tưởng, tinh thần. Mục tiêu của công tác tư tưởng phải đúng đắn, tiến bộ, phù hợp với xu thế phát triển của nhân loại. Nội dung của công tác tư tưởng phải là sản phẩm của nghiên cứu khoa học, đúng đắn, chân thật, tiến bộ. Phương thức tiến hành phải dựa vào tri thức của các ngành khoa học như tâm lý học, giáo dục học, xã hội học…, cùng với những cứ liệu chính xác, đầy đủ và ứng dụng kịp thời những thành tựu của khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại. Hiệu quả công tác tư tưởng cũng phải được đánh giá một cách khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể ở cả nhận thức, thái độ, hành vi của đối tượng. Nói một cách giản dị, tính khoa học chính là sự đúng đắn, tiến bộ, luôn đứng về lẽ phải và công lý. Ngược lại, các biểu hiện chủ quan, duy ý chí, lừa bịp, che giấu thông tin, gieo rắc mê tín, dị đoan, lạc hậu, bảo thủ, chạy theo thành tích, “làm láo báo cáo hay” đều là phi văn hóa.
Công tác tư tưởng phải tuân thủ và hướng tới cái “Thiện” vốn là một giá trị tiêu biểu của nhân loại mà trong nền văn hóa Việt Nam đó là tính nhân văn, tất cả phục vụ con người và vì sự phát triển của con người. Mục tiêu công tác tư tưởng phải hướng tới cái tốt, bao dung, độ lượng, yêu thương và tôn trọng con người, vì hạnh phúc của con người. Nội dung của công tác tư tưởng phải lấy phản ánh cái tốt là chủ đạo, luôn cổ vũ, khuyến khích cái tốt, bảo vệ hòa bình, thịnh vượng; phê phán, bài trừ cái ác, dã man, bạo lực. Công tác tư tưởng phải khuyến khích con người làm việc thiện; chia sẻ, cảm thông với những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh; lên án những hành vi phi đạo đức, chà đạp lên luân thường, đạo lý. Chủ thể công tác tư tưởng cũng phải là người có đạo đức, lối sống lành mạnh, tốt đẹp. Hiệu quả của công tác tư tưởng là phải làm cho đối tượng hiểu, tin, ủng hộ, thực hành cái thiện. Nói cách khác, giáo dục tư tưởng phải gắn chặt với giáo dục đạo đức, thiện hóa con người.
Cái đẹp cao cả trong công tác tư tưởng là phải làm cho quần chúng thấy được cái hay, cái đẹp của lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Công tác tư tưởng phải làm cho đối tượng tiếp thu nội dung một cách hào hứng trên tinh thần tự nguyện, tự giác. Phương châm của công tác tư tưởng là “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”; nội dung là ca ngợi, tôn vinh, lan tỏa cái hay, cái đẹp trong cuộc sống. Phương thức tiến hành công tác tư tưởng phải lôi cuốn, hấp dẫn, đạt tới trình độ nghệ thuật. Cái đẹp cụ thể ở đây là sự cân đối, hài hoà của các phương tiện trực quan; ngôn ngữ, lời nói chuẩn mực, sinh động; sự đúng giờ, tôn trọng người nghe; cán bộ tư tưởng có phong thái gọn gàng, lịch sự, chỉn chu trước quần chúng. Hiệu quả của công tác tư tưởng phải mang đến cho đối tượng lý tưởng cao đẹp, hình thành những xúc cảm tích cực, lành mạnh, khuyến khích mọi người suy nghĩ đẹp, hành xử đẹp và luôn sáng tạo ra cái đẹp.
NHỮNG HẠN CHẾ CỦA VĂN HÓA TRONG CÔNG TÁC TƯ TƯỞNG
Những năm qua, bên cạnh những thành tựu to lớn góp phần quan trọng vào thành công của sự nghiệp đổi mới, công tác tư tưởng vẫn còn nhiều hạn chế. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Công tác tư tưởng có lúc, có nơi chưa được cấp ủy coi trọng, chưa kịp thời, tính thuyết phục chưa cao. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa được quan tâm đứng mực, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu; một số khó khăn, phức tạp chưa được làm sáng tỏ”(5). Đối chiếu với các giá trị văn hóa nêu trên, công tác tư tưởng còn phải cố gắng rất nhiều mới đạt tới tầm văn hóa. Nội dung công tác tư tưởng chưa thật sự bảo đảm tính khoa học, chưa bắt kịp những thay đổi của hiện thực khách quan; chưa giải quyết kịp thời những vấn đề thực tiễn đặt ra, chưa làm rõ quy luật, sự biến đổi tâm lý đối tượng dưới tác động của điều kiện mới. Thông tin tốt, tích cực chưa trở thành dòng chủ lưu; cái xấu, cái ác, dối trá còn lan tràn trên các phương tiện truyền thông, nhất là mạng xã hội. Phương thức tiến hành chưa xuất phát từ đối tượng, còn mang tính áp đặt, một chiều, chưa giải quyết hài hòa giữa đáp ứng nhu cầu thông tin với giáo dục, định hướng tư tưởng, chưa phù hợp với cách nghĩ, cách cảm của người Việt Nam. Một bộ phận người làm công tác tư tưởng chưa thật sự là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực về đạo đức, lối sống. Đánh giá hiệu quả công tác tư tưởng còn chủ quan, cảm tính, chạy theo số lượng, bệnh thành tích, bệnh hình thức còn khá phổ biến.
Công tác tư tưởng đang sử dụng một số lượng khá lớn thời gian, công sức, tiền bạc của xã hội nhưng còn thiếu hiệu quả, chưa hấp dẫn, lôi cuốn người nghe, vẫn mang nặng tính bắt buộc. Tình trạng lười học, ngại học, chán học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên vẫn còn khá phổ biến. Nhiều cơ quan, cán bộ tư tưởng chưa phát huy tốt vai trò của văn học, nghệ thuật trong truyền tải nội dung tư tưởng. Tính tư tưởng, tính giáo dục của báo chí, truyền thông, văn học, nghệ thuật chưa cao, có biểu hiện xa rời hồn cốt của dân tộc, lai căng, vọng ngoại, lép vế, tụt hậu so với thông tin trên mạng xã hội, thông tin kinh tế, giải trí…
TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG VĂN HÓA TRONG CÔNG TÁC TƯ TƯỞNG TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Sau hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng, công tác tư tưởng của Đảng đã phát huy tốt các giá trị truyền thống của dân tộc và đang hình thành nhiều giá trị mới. Tuy nhiên, bước vào thời kỳ mới, những giá trị truyền thống đang bị thách thức bởi môi trường, điều kiện sống có sự thay đổi mạnh mẽ. Những giá trị mới thì còn non nớt, chưa ổn định và bền vững. Bên cạnh đó, xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng kỹ thuật số đang tạo ra một cuộc xâm lăng văn hóa từ bên ngoài, môi trường văn hóa đang bị vẩn đục bởi nhiều yếu tố phi văn hóa. Những vấn đề đó đang đặt ra cho công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa trong công tác tư tưởng nói riêng nhiều khó khăn, thách thức.
Xây dựng văn hóa trong công tác tư tưởng đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ, là một quá trình dần dần, từ từ, không thể bằng mệnh lệnh hành chính và những cách làm nóng vội, chạy theo phong trào. Nhưng cũng không vì thế mà chậm trễ, thụ động ngồi chờ, phải bắt đầu ngay từ ngày hôm nay bằng những việc làm cụ thể, có trách nhiệm, có lộ trình bước đi phù hợp. Để xây dựng văn hóa trong công tác tư tưởng, trước mắt cần tiến hành một số biện pháp sau đây:
Một là, ngành Tuyên giáo phải thấm nhuần các quan điểm của Đảng về văn hóa, nhất là tinh thần Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, cần quán triệt và thực hiện quan điểm văn hóa phải đặt ngang hàng với kinh tế và chính trị. Ngành Tuyên giáo sớm nghiên cứu làm rõ văn hóa trong công tác tư tưởng là gì, minh định hóa, giản dị hóa thành các nội dung cụ thể. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho mỗi cán bộ tư tưởng, mà trước hết là cấp ủy, cán bộ tuyên giáo các cấp quán triệt sâu sắc, tạo sự nhất trí cao, đồng tâm, hiệp lực, tạo động lực từ bên trong cho công cuộc xây dựng văn hóa trong công tác tư tưởng.
Hai là, đầu tư nghiên cứu, tổng kết, hệ thống hóa thành hệ giá trị văn hóa truyền thống của ngành Tuyên giáo trong hơn 90 năm qua. Đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng hệ giá trị văn hóa trong tương lai mà ngành cần phải hướng tới, chẳng hạn như: Chân thực, thuyết phục, minh bạch, kịp thời, đối thoại… Với những giá trị văn hóa mới, cần có sự quan tâm trợ giúp, bồi đắp, bảo vệ của cấp ủy các cấp, tạo môi trường thuận lợi cho các giá trị đó đứng vững trong môi trường không thuận lợi, từng bước kết tinh, lắng đọng thành các giá trị của lĩnh vực tư tưởng và ngành tuyên giáo. Trên cơ sở các giá trị văn hóa chung của ngành, cần hình thành các giá trị văn hóa trong từng lĩnh vực như: văn hóa trong nghiên cứu, giáo dục lý luận chính trị; văn hóa trong tuyên truyền, cổ động chính trị; văn hóa ứng xử của cán bộ, nhân viên cơ quan tuyên giáo…
Ba là, tổ chức một phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan tuyên giáo, thông tin, truyền thông trên phạm vi toàn quốc. Văn hóa là sáng tạo, đa dạng, phong phú, vì vậy cần khuyến khích những cách làm mới, “trăm hoa đua nở”, trên cơ sở đó phát hiện, nhân rộng ra toàn ngành. Qua phong trào, phải tạo ra những giá trị có thật, bền vững, có thể đo đếm, trải nghiệm được. Kiên quyết khắc phục bệnh hình thức và bệnh thành tích, tư duy rập khuôn, máy móc khi xây dựng văn hóa trong công tác tư tưởng.
Bốn là, tiến hành tổng kết, xây dựng mô hình văn hóa trong công tác tư tưởng cùng với tiếp thu những giá trị tốt đẹp từ nước ngoài, từ các ngành khác, lĩnh vực khác. Tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện biểu dương các tập thể và cá nhân tiêu biểu, đồng thời kiên quyết xử phạt, lên án những hành vi, hiện tượng vô văn hóa, phi văn hóa trong nội bộ ngành với tinh thần không sợ “vạch áo cho người xem lưng”, bởi thẳng thắn, trung thực với chính mình cũng là một nét văn hóa của người làm công tác tư tưởng.
Xây dựng văn hóa trong công tác tư tưởng sẽ góp phần xây dựng Đảng ta thực sự trí tuệ, đạo đức và văn minh, đưa nền văn hóa Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục làm vẻ vang thêm cho dân tộc, giống nòi. Văn hóa trong công tác tư tưởng sẽ tạo thành nguồn lực và động lực mạnh mẽ để xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến của dân tộc ta. |
Năm là, xây dựng thiết chế công tác tư tưởng có văn hóa, bởi đó là nơi sản sinh ra các giá trị văn hóa, lưu giữ và vận hành các giá trị văn hóa của ngành. Phải làm cho văn hóa thấm sâu vào từng cơ quan làm công tác tư tưởng, cán bộ tư tưởng. Đặc biệt là chăm lo xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tốt đẹp, văn hóa liêm chính, văn hóa trọng dân trong công sở của các cơ quan tư tưởng, tuyên giáo, tạo môi trường thuận lợi để nuôi dưỡng, bồi đắp các giá trị văn hóa của công tác tư tưởng.
Một trong những nhiệm vụ cơ bản của công tác tư tưởng là giáo dục con người về mặt chính trị, nguyên lý “người đi giáo dục phải được giáo dục” đòi hỏi công tác tư tưởng, cán bộ tư tưởng phải có văn hóa. Nếu cấp uỷ, người làm công tác tư tưởng ở đâu cũng luôn lấy các giá trị văn hóa làm mục tiêu, làm thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng thì ở đó công tác tư tưởng sẽ đạt tới tầm văn hoá. Toàn ngành Tuyên giáo, toàn Đảng và cả nước làm được như vậy thì văn hóa trong công tác tư tưởng sẽ từng bước hình thành và phát triển. Văn hoá trong công tác tư tưởng cùng với văn hóa chính trị, văn hóa trong công tác tổ chức, văn hóa trong công tác kiểm tra… sẽ góp phần tạo nên văn hoá Đảng, văn hóa của hệ thống chính trị như mục tiêu của Đảng đã xác định.
TS. Lương Ngọc Vĩnh
______________________
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1998.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2014.
(3) Kết luận số 76-KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
(4) Lương Khắc Hiếu: Cơ sở lý luận công tác tư tưởng, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2017.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2022, t.I, tr.90-91.