Thứ Hai, 23/9/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 16/5/2017 21:23'(GMT+7)

Bàn về việc đánh giá bên ngoài đối với chất lượng cơ sở giáo dục đại học

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Vấn đề đánh giá cơ sở giáo dục ở mọi cấp, bậc, ngành học nói chung, đại học nói riêng là khâu vô cùng quan trọng. Nó giúp cho cơ sở giáo dục, chính quyền, các cấp quản lý giáo dục có những điều chỉnh kịp thời để đổi mới mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp, quy mô, cơ cấu đào tạo cho phù hợp với yêu cầu nhân lực của địa phương và đất nước.

Việc đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học ở nước ta mới được đặt ra từ những năm đầu thế kỷ XXI với những bộ tiêu chuẩn của năm 2004, 2007, 2013 và hiện nay đang đưa ra Dự thảo Bộ tiêu chuẩn đánh giá năm 2016. Đây là vấn đề mới đối với nền giáo dục nước ta nói chung và bậc giáo dục đại học nói riêng, nên các bộ tiêu chuẩn sau một thời gian thực thi đã bộc lộ những bất cập cần phải bổ sung, sửa đổi, trong đó có nội dung đánh giá bên ngoài đối với chất lượng cơ sở giáo dục đại học.

Tìm hiểu các bộ tiêu chuẩn đánh giá, nhất là Bộ tiêu chuẩn dự thảo năm 2016, chúng tôi thấy việc đánh giá bên ngoài còn có những hạn chế, bất cập về quan niệm, trong đó chưa có được những quy định và phương pháp cụ thể để thu được thông tin chính xác về việc sinh viên tốt nghiệp ra trường tìm kiếm việc làm phù hợp, năng lực, trình độ tay nghề như thế nào.

Điều 38 của Dự thảo Bộ tiêu chuẩn đánh giá năm 2016 quy định về quy trình và thủ tục đăng ký đánh giá ngoài có ghi:“Cơ sở giáo dục đăng ký đánh giá ngoài với một tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được Bộ GD&ĐT cấp phép hoạt động”. Theo đó, tổ chức kiểm định này gồm những chuyên gia lý luận ở các trường đại học hoặc cơ quan nghiên cứu, trong đó có chủ doanh nghiệp - đối tượng tuyển dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, chủ doanh nghiệp là người quản lý cả doanh nghiệp chứ không trược tiếp sản xuất hay tổ chức sản xuất nên không thể nắm được cụ thể, đầy đủ những yêu cầu về tay nghề với người lao đông ở một công việc cụ thể. Tiêu chí 2 của tiêu chuẩn 16 Dự thảo này còn ghi rõ: “Việc đánh giá chất lượng bên trong và bên ngoài được thực hiện định kỳ bởi các cán bộ hoặc chuyên gia độc lập đã được đào tạo”.

Mác từng nói “Thực tế là thước đo mọi giá trị chân lý”, tục ngữ ta cũng có câu “Trăm hay không bằng tay quen”, vì vậy vấn đề đánh giá ngoài ở đây cần được quan niệm là đánh giá ngoài của xã hội, của thực tế đời sống, tức là của cơ sở mà sinh viên được đào tạo, chứ không phải là ngoài nhà trường, người đánh giá không nằm trong biên chế của cơ sở giáo dục đại học được kiểm định thì là đánh giá ngoài. Nếu việc đánh giá ngoài được quan niệm như vậy thì việc đánh giá mới thực chất, khách quan, mới giúp ích cho cơ sở đào tạo tự điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động. Bằng không, chúng ta vẫn sẽ tiếp tục đào tạo theo cái mà cơ sở giáo dục có và theo những quan điểm sách vở, lý thuyết.

Các tiêu chí đánh giá ở tiêu chuẩn 16: Đánh giá người học; tiêu chuẩn 22: Kết quả đào tạo cũng mới nêu lên những quan điểm chung chứ chưa chỉ ra những cách thức cụ thể buộc các cơ sở giáo dục phải làm đúng phương pháp để có được những thông tin cụ thể, chính xác về số sinh viên kiếm được việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo và sự đánh giá tay nghề của họ ở cơ sở sử dụng lao động. Theo chúng tôi, chính sự đánh giá của những cơ sở tuyển dụng, sử dụng sinh viên ra trường mới là sự đánh giá ngoài chuẩn xác nhất với cơ sở giáo dục đại học, chứ không phải là sự đánh giá của các chuyên gia theo quy định trong Bộ tiêu chuẩn. Mặt khác, nếu xem xét theo quan hệ cung - cầu hàng hóa thì cơ sở giáo dục đại học là bên “cung”, cơ sở sử dụng sinh viên tốt nghiệp là bên “cầu”. Giá trị hàng hóa phải do bên cầu thẩm định mới quyết định sức tiêu thụ hàng hóa chứ không phải do bên trung gian, môi giới (tổ chức kiểm định).

Chính vì những bất cập từ quan niệm của việc đánh giá ngoài, đồng thời chưa được quy định cụ thể, chặt chẽ theo phương pháp nhất định, nên nhiều trường đại học không đưa ra những những số liệu báo cáo chính xác về tỉ lệ sinh viên tìm được việc làm sau một năm tốt nghiệp ra trường; chưa có sự phân định rõ ràng giữa tìm được việc làm để kiếm sống và tìm việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo. Ví dụ như Đại học mở TP. Hồ Chí Minh trong báo cáo ngày 4/12/2014 đối với khóa học 2009 (và 2008) - 2013, đã đưa ra tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong 16 ngành đào tạo chính quy đạt từ 70-96%; Đại học Lạc Hồng khóa 2009-2013 đạt 100%; Đại học Giao thông vận tải Hà Nội đưa ra con số chung: hàng năm có trên 90% sinh viên ra trường kiếm được việc làm... Trong khi đó, thực tế cho thấy, nhiều năm trở lại đây, số cử nhân, thạc sĩ sau khi tốt nghiệm chưa tìm được việc làm ngày càng đông, đặc biệt là tìm được việc làm đúng với ngành nghề đào tạo. Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì cả nước đang có tới 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp (Đài Tiếng nói Việt Nam, ngày 24/02/2017).

Trong các bộ tiêu chuẩn trước đây và Dự thảo hiện nay đã nêu lên khá nhiều tiêu chí làm chuẩn mực cho việc đánh giá. Song cách thức để tìm ra mức độ thực hiện từng tiêu chí đó như thế nào - vấn đề quyết định tính khách quan của những con số báo cáo - thì các bộ tiêu chuẩn chưa nêu lên được. Vì vậy, thực tế hiện nay, mỗi trường lại có những cách thức điều tra kết quả và thực hiện từng tiêu chí theo những phương thức và cách làm khác nhau, cho ra những số liệu và mức độ khách quan khác nhau.

Để có được những số liệu báo cáo khách quan, nên chăng trong bộ tiêu chuẩn, cần chỉ ra và nêu lên được cách thức điều tra đối với từng tiêu chí, tạo cơ sở thống nhất và mặt bằng khách quan để có sự đánh giá chung nhất và so sánh giữa các trường một cách công bằng.

Rõ ràng, để có được sự đánh giá ngoài chuẩn xác về số sinh viên ra trường tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo và trình độ tay nghề, thì vấn đề đánh giá ngoài về chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học cần có những quy định cụ thể, từ cách thức thu nhận thông tin đến theo dõi sinh viên sau khi ra trường. Trước mắt, theo chúng tôi cần thực hiện một số thao tác sau:

Một là, trong danh sách sinh viên tốt nghiệp mỗi khóa đào tạo của nhà trường, cần ghi rõ ngành đào tạo, số điện thoại cá nhân, quê quán hay nơi cư trú của sinh viên. Đồng thời phòng đào tạo nhà trường cung cấp số điện thoại cho mỗi sinh viên ra trường, để các em liên hệ, thông báo về nhà trường kết quả tìm kiếm việc làm của mình; hoặc kết quả liên quan đến quá trình hỗ trợ tìm việc làm của nhà trường đối với sinh viên tốt nghiệp. Ở đây cần phân biệt giữa có một việc làm để sống và tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo, bởi vì kiếm được việc làm phù hợp, đúng chuyên ngàn mới phản ánh đúng chất lượng đào tạo của nhà trường.

Hai là, sau một thời gian làm việc nhất định, nhà trường cần xin ý kiến đánh giá của cơ sở tuyển dụng sinh viên bằng văn bản, về những nội dung: tinh thần, ý thức với công việc, năng lực công tác, kỹ năng, trình độ tay nghề… gắn với công việc cụ thể.

Ba là, khi báo cáo về tình hình tìm được việc làm phù hợp ngành nghề đào tạo của sinh viên mỗi khóa, trường đại học - cơ sở đào tạo cần kèm theo danh sách này cùng với địa chỉ, số điện thoại của cơ sở tuyển dụng, để Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể kiểm tra sác suất về tính chân thực của báo cáo đó./.

Vũ Duy Yên             

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất