Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới được công bố có
nhiều điểm mới so với chương trình hiện tại và được đánh giá là có tính
mở. Tuy nhiên, nhiều điểm mới trong Dự thảo khiến dư luận vẫn còn băn
khoăn về phương pháp, nội dung học tập và việc chuẩn bị giáo viên, cơ sở
vật chất cho học sinh phổ thông.
Để làm rõ hơn những băn khoăn của dư luận, phóng viên Cổng TTĐT Chính
phủ đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên
chương trình giáo dục phổ thông mới về những vấn đề trên.
Thưa Gáo sư, Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có
nhiều điểm mới so với chương trình hiện nay. Tuy nhiên dư luận đánh giá
chương trình vẫn còn nặng về kiến thức, nhất là ở bậc tiểu học. Giáo sư
có suy nghĩ gì về điều này?
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết:
Thứ nhất, có một số ý kiến lo ngại chương trình phổ thông quá tải xuất
phát từ dư luận về chương trình hiện hành. Thứ hai, vì thấy trong Dự
thảo tên một số môn học mới, số lượng môn học có vẻ nhiều.
Thực ra, các môn học trong Dự thảo chương trình mới đều được xây dựng
trên cơ sở các môn học trong chương trình hiện hành. Còn về số môn học
và hoạt động giáo dục so với chương trình hiện hành thực chất là ít hơn.
Ví dụ, ở tiểu học, chương trình hiện hành có từ 10 đến 11 môn học và 3
hoạt động giáo dục bắt buộc ở tất cả các lớp. Số lượng các môn học và
hoạt động giáo dục bắt buộc trong chương trình mới là: Lớp 1 và lớp 2-8;
lớp 3-9; lớp 4 và lớp 5-11.
So với chương trình các nước thì số môn học trong chương trình mới
của Việt Nam tương đương. Ví dụ, ở Anh, lớp 1-2 học 10 môn, lớp 3-6 học
11 môn. Ở Hàn Quốc, lớp 1-2 dạy 7 môn, lớp 3-4 dạy 8 môn, các lớp còn
lại dạy 9 môn. Ở Nhật, dạy 8 môn cho lớp 2, 9 môn cho lớp 3-4 và 10 môn
cho lớp 5-6.
Theo Dự thảo, Chương trình mới không đóng khung trong một bộ sách
giáo khoa mà áp dụng chủ trương "một chương trình, nhiều sách giáo
khoa". Giáo sư có thể chia sẻ rõ hơn về chủ trương này?
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Theo Nghị quyết
số 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) thì từ
khi bắt đầu triển khai chương trình mới, mỗi môn học sẽ có nhiều SGK để
thầy cô và học sinh lựa chọn. Tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo
(GD&ĐT) sẽ thông báo để các tổ chức, cá nhân đăng ký viết SGK. Tất
cả các tổ chức, cá nhân viết SGK sẽ được tập huấn và cập nhật thông tin
từ Ban Soạn thảo chương trình. SGK sẽ phải được thẩm định. Nếu được Hội
đồng thẩm định thông qua thì sách sẽ được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê
duyệt cho phép sử dụng làm tài liệu chính thức trong dạy, học. Việc lựa
chọn SGK do cơ sở giáo dục (trường phổ thông) quyết định trên cơ sở ý
kiến thống nhất của Hội đồng sư phạm (giáo viên), có tham khảo ý kiến
phụ huynh học sinh và học sinh lớn.
Bộ GD&ĐT đang chuẩn bị thông tư về tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân
biên soạn SGK, tiêu chuẩn SGK, tổ chức, hoạt động của Hội đồng thẩm định
SGK, việc phê duyệt cho phép sử dụng SGK. Dự thảo thông tư sẽ được đưa
lên cổng TTĐT của Bộ để lấy ý kiến nhân dân. Tuy nhiên, có một điều tôi
cũng xin cảnh báo trước là khi có nhiều SGK thì các nhà xuất bản sẽ có
nhiều cách vận động để các trường dùng sách của họ. Vì vậy, để chọn cho
được bộ SGK phù hợp với trường cũng không đơn giản.
Thưa Giáo sư, các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc có phân
hóa gồm: Thế giới công nghệ, Tìm hiểu tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ
thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo… Nếu nhìn về cơ sở vật chất thực
tế của các trường hiện nay, Giáo sư đánh giá như thế nào về khả năng đáp
ứng được các tiêu chí này?
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Môn học (hoặc hoạt động
giáo dục) bắt buộc có phân hóa là môn học (hoạt động giáo dục) mà nội
dung được thiết kế thành các chủ đề hoặc học phần, trong đó một số chủ
đề hoặc học phần là bắt buộc đối với tất cả học sinh, một số chủ đề hoặc
học phần được tự chọn tùy theo nguyện vọng của học sinh và điều kiện
đáp ứng của cơ sở giáo dục.
Ví dụ, môn Giáo dục thể chất trong chương trình mới ở tiểu học và
trung học cơ sở sẽ gồm nhiều nội dung như điền kinh, thể dục, thể dục
nhịp điệu, khiêu vũ thể thao…; ở trung học phổ thông gồm các câu lạc bộ
thể thao tự chọn như cờ vua, cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền... Mỗi cơ
sở giáo dục, tùy điều kiện của mình, sẽ tổ chức những nội dung học tập,
rèn luyện nhất định; và mỗi học sinh, tùy sở thích của mình, sẽ chọn học
những nội dung phù hợp.
Tin học và Công nghệ là những môn học nhất thiết phải dạy cho lớp
người lớn lên trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Tin học là giải
pháp nhanh nhất, ít tốn kém nhất để xóa khoảng cách số, lấp đầy sự chênh
lệch về tri thức, tạo ra một thế giới phẳng cho các vùng phát triển
khác nhau. Ở các lớp 1, 2, 3, các nội dung Tin học và Công nghệ được
tích hợp thành môn Thế giới công nghệ, chủ yếu là hướng dẫn học sinh làm
quen với công nghệ, trong đó có công nghệ số.
Sau đó, lên lớp 4-5, môn Thế giới công nghệ được tách thành 2 môn Tìm
hiểu công nghệ và Tìm hiểu tin học. Đây là những môn học bắt buộc có
phân hóa để phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của mỗi địa phương. Ví dụ,
các trường khác nhau có thể dạy Tin học cho học sinh bằng những phần mềm
phù hợp với điều kiện của trường mình.
Để chuẩn bị cho chương trình mới chính thức được đưa vào áp dụng
năm 2018 thì đội ngũ giáo viên sẽ được đào tạo như thế nào, đặc biệt cho
những môn học như Hoạt động trải nghiệm sáng tạo?
GT.TS Nguyễn Minh Thuyết: Nhận thức rõ giáo
viên là nhân tố quan trọng nhất để thực hiện chương trình, từ nhiều năm
nay, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các trường sư phạm đổi mới chương trình
đào tạo của mình, đồng thời đưa vào trường phổ thông nhiều chủ đề tích
hợp, nhiều phương pháp dạy học mới để huấn luyện giáo viên. Bộ cũng có
một chương trình về đổi mới đào tạo, bồi dưỡng giáo viên (chương trình
ETEP) để phối hợp hỗ trợ việc đổi mới chương trình, SGK phổ thông.
Nói riêng về hoạt động trải nghiệm sáng tạo thì đây không phải một
môn học mà là một hoạt động giáo dục. Chương trình mới có hai loại hoạt
động trải nghiệm sáng tạo: Loại 1 là hoạt động trải nghiệm sáng tạo
trong từng môn học nhằm trải nghiệm kiến thức môn học trong thực tiễn.
Loại 2 là hoạt động trải nghiệm sáng tạo mang tính tích hợp, trong đó
học sinh dựa trên sự tổng hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực giáo dục và
nhóm kỹ năng khác nhau để trải nghiệm thực tiễn đời sống và tham gia
hoạt động phục vụ cộng đồng dưới sự hướng dẫn và tổ chức của nhà giáo
dục.
Hoạt động trải nghiệm sáng tạo được phân bổ thời lượng giáo dục riêng
trong Dự thảo Chương trình tổng thể thuộc loại 2. Nội dung hoạt động
này bao gồm các hoạt động tập thể (chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt Sao
Nhi đồng Tháng Tám, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh
niên Cộng sản Hồ Chí Minh), các hoạt động tham quan, nghiên cứu thực tế,
lao động, vui chơi, thiện nguyện, phục vụ cộng đồng,… được thực hiện
theo tinh thần học sinh là người tổ chức hoạt động dưới sự hướng dẫn của
nhà giáo dục, phù hợp với lứa tuổi, nhu cầu và điều kiện thực hiện của
cơ sở giáo dục và địa phương.
Phần lớn các hoạt động tập thể, hoạt động ngoại khóa là những hoạt
động quen thuộc ở tất cả các trường phổ thông. Một số nội dung hoạt động
mới trên thực tế cũng đã được triển khai ở các trường từ nhiều năm nay.
Có người đặt câu hỏi: “Lấy giáo viên ở đâu ra dạy hoạt động trải
nghiệm sáng tạo?” Với nội dung như tôi đã giải thích ở trên thì bất kỳ
giáo viên nào đã được đào tạo trong trường sư phạm đều có thể hướng dẫn
được học sinh thực hiện hoạt động trải nghiệm sáng tạo này.
Xin cảm ơn Giáo sư./.
Theo chinhphu.vn