Thứ Bảy, 5/10/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 8/9/2009 15:11'(GMT+7)

Bảng đen tự sự

Bác Hồ thăm một lớp học vỡ lòng tại phố Hàng Than, Hà Nội năm 1958 (Ảnh minh hoạ).

Bác Hồ thăm một lớp học vỡ lòng tại phố Hàng Than, Hà Nội năm 1958 (Ảnh minh hoạ).







Họ nhà Bảng chúng tôi gắn liền với quãng đời cắp sách cuả các cô cậu học trò. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, họ hàng nhà tôi đã góp phần rất lớn trong việc giúp các cô cậu học trò tiếp thu mở mang kiến thức.

Này nhé:

Thời hoà bình lập lại, thực hiện chiến dịch xoá nạn mù chữ, diệt giặc dốt của Trung ương Đảng, phong trào Bình dân học vụ diễn ra sôi nổi khắp nơi. Khắp nẻo đường ngõ chợ đều thấy những tấm bảng hình tròn (Là những cái nong-nia dùng để phơi thóc lúa) viết các chữ cái. Ai muốn vào chợ phải đọc được một số chữ cái mớí cho vào. Nhờ thế mà chỉ một thời gian sau, từ chỗ 80% dân số mù chữ, nạn dốt đã bị đẩy lùi. Phần lớn dân cày đều đã biết đọc biết viết. Họ Bảng chúng tôi tự hào đã góp phần đẩy lùi giặc dốt, thanh toán nạn mù chữ cho nhân dân.

Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, Bảng chỉ khiêm tốn làm bằng gỗ. Gắn liền với các lớp học tranh tre nứa lá, trát vách đất có trộn lẫn trấu hoặc rơm là những tấm bảng được ghép bằng các mảnh gỗ dài, mỗi tấm bảng rộng chừng 1 mét rưỡi, cao khoảng 1 mét, phía trên có đục lỗ để xâu 2 sợi dây thép hoặc dây thừng rồi buộc lên xà nhà (thực ra là các lán tre làm tạm). Nếu lớp học tránh bom hoặc trong hầm chữ A thì bảng có thêm 2 cái chân choãi ra để tựa vào vách hầm cho vững. Thời buổi khó khăn, các tấm gỗ làm bảng thường là tận dụng loại gỗ không thể đóng bàn ghế nên thường cong vênh sau mỗi đợt nắng hanh. Những “anh Bảng” này thường làm bạn với các ngọn đèn dầu, đèn bão trong các lớp học sơ tán ở vùng nông thôn.

Sau khi thống nhất đất nước, Bảng gỗ đã được đóng thêm 2 chân, dưới là 1 chiếc đế hình tam giác cho vững. Loại bảng này dùng trong các lớp học nông thôn và vùng sâu vùng xa. Còn ở thành thị, Bảng được xây hẳn bằng xi măng trát liền vào tường, trên phủ sơn đen (mãi đến những năm 80 của thế kỷ trước, loại bảng xi măng này mới được phổ biến rộng ở vùng nông thôn). Nhưng kỹ thuật đánh bóng xi măng lúc bấy giờ chưa tốt, vài tháng lại bạc phếch, mất dần màu đen nên nhiều khi các cô cậu học trò phải trang điểm lại cho “bộ mặt” của họ nhà Bảng bằng cách: Dùng lá khoai lang trộn với pin đèn xát vào mặt Bảng, mỗi tuần 1 lần. Được cái nhìn rõ hơn, đỡ hại mắt nhưng các thầy cô giáo sau khi lên lớp, người nào người nấy tay đen nhẻm. Các trò liền nghĩ ra cách mỗi lớp mang 1 chậu nước để sẵn ở bục giảng, để các thầy cô rửa tay sau khi viết.

Bảng gỗ ép là bước cải tiến của những năm 90. Loại gỗ trộn bằng mùn cưa ép chặt thành tấm to, ngoài phủ sơn đen. Bảng này có ưu điểm không loá mắt như Bảng xi măng, nhưng khi gặp trời nồm thì hơi nước thấm vào, mủn ra. Nhất là những hôm trời mưa, gió tạt vào Bảng thì hôm sau đến lớp các cô cậu học trò chỉ còn có cách học chay vì Bảng gặp nước mưa đã trở thành những tấm mủn rã rời.

Từ khi thực hiện cải cách giáo dục, Đảng và Nhà nước ta ngày càng chăm lo cho công tác giáo dục hơn, và việc đầu tư trang thiết bị cho học tập của học sinh có một bước chuyển đáng kể. Họ nhà Bảng chúng tôi cũng được thay da đổi thịt, không còn là "Bảng đen" truyền thống nữa, Bảng bây giờ làm bằng sắt, có phủ sơn chống loá. Loại bảng này vừa không hại mắt vừa tiện lợi đủ đường. Ngày trước, nếu thầy cô giáo lên lớp muốn treo tranh ảnh hoặc bản đồ thì thường phải đóng đinh; nhưng bây giờ thì chỉ cần mấy cục nam châm là có thể dán được tranh lên bảng. Ở các trường tiểu học, Bảng còn được chia ra làm nhiều phần: Có chỗ thì kẻ ô vuông để viết chữ thẳng, có chỗ lại kẻ chéo để luyện chữ nghiêng. Phía bên trái còn có một phần có thể gấp vào bằng các bản lề, có tác dụng như là bảng phụ. Thật tiện lợi phải không?

Trong các lớp học sáng choang ánh điện, họ Bảng nhà tôi càng hãnh diện: cùng với màn hình của máy chiếu đa năng, cùng với các Bảng phụ thảo luận nhóm bằng platstic là loại Bảng phooc màu trắng không viết bằng phấn mà viết bằng bút dạ, không làm hại da tay. Thế mới biết các cô cậu học trò bây giờ sướng hơn gấp nhiều lần cha anh ngày trước.Chỉ là Bảng gỗ gắn với hầm chữ A, Bảng xi măng gắn với các lớp học tranh tre nứa lá mà vẫn có được biết bao kỹ sư, tiến sĩ, bao người cống hiến chất xám của mình để xây dựng đất nước, nhờ đó mới có được đất nước đẹp tươi như bây giờ./.

Diễm Nguyệt
(GV trường THCS Minh Khai - Hoài Đức - HN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất