Thứ Bảy, 23/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 24/10/2023 17:56'(GMT+7)

Báo cáo chuyên đề - thể loại quan trọng trong hoạt động tuyên truyền miệng

Tuyên truyền miệng là một loại hình tuyên truyền đặc biệt, có nhiều ưu điểm nổi trội.

Tuyên truyền miệng là một loại hình tuyên truyền đặc biệt, có nhiều ưu điểm nổi trội.

1. Trong hoạt động tuyên truyền miệng, BCV không chỉ giới thiệu nội dung các nghị quyết hoặc thông báo tình hình thời sự mà thường tuyên truyền về các nội dung chuyên sâu về một lĩnh vực nào đó.  Tuyên truyền về một vấn đề chuyên sâu có vai trò quan trọng, không chỉ cung cấp thông tin chính thức về các nội dung tuyên truyền, đôi khi không thể thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, mà còn góp phần làm rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề, sự kiện, mối quan hệ của vấn đề, sự kiện đó đối với hoạt động chung của đất nước, của Đảng, ngành và lĩnh vực, góp phần giải quyết các vấn đề tư tưởng có thể nảy sinh. 

Báo cáo chuyên đề là một thể loại phổ biến trong công tác tuyên truyền miệng mà BCV sử dụng khi cần cung cấp cho người nghe những thông tin chuyên sâu, hệ thống về một vấn đề lý luận và thực tiễn có tác động lớn đến tư tưởng, tình cảm, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng lời nói trực tiếp nhằm cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng và điều chỉnh hành vi của đối tượng tiếp nhận.

2. Báo cáo chuyên đề được thể hiện dưới hình thức văn bản, hoặc ở dạng hoàn chỉnh; là một công trình nghiên cứu, một bài giảng thuyết trình có tính chuyên sâu ở trình độ chuyên gia, hoặc ở dạng một đề cương (đề cương tổng quát hay đề cương chi tiết) được trình bày miệng, giao lưu trực tiếp về tư tưởng, tình cảm giữa người nói và người nghe. 

Báo cáo chuyên đề có những đặc trưng sau:

Đặc trưng thể loại

Báo cáo chuyên đề mang đặc trưng học thuật, thuộc thể loại khoa học, nghiên cứu khoa học. Ở quy mô và dung lượng lớn, báo cáo chuyên đề (dù là văn bản viết cho người đọc hay thuyết trình miệng cho người nghe) có thể được coi như một công trình nghiên cứu, một tác phẩm khoa học đã hoàn chỉnh.

Báo cáo chuyên đề đôi khi mang hình thức khái quát, dưới dạng một đề cương, một thiết kế nghiên cứu, nêu lên những ý tưởng nghiên cứu, những giả thuyết khoa học, những tìm tòi phương pháp tiếp cận và nghiên cứu để triển khai đi tới kết quả chứ chưa phải là bản thân kết quả. Do đặc trưng là khoa học, nghiên cứu khoa học, nên quan trọng là ở tư tưởng, ý tưởng nghiên cứu, các luận đề, luận điểm chứ không phải là ở qui mô, dung lượng lớn hay nhỏ.

Giá trị của báo cáo chuyên đề là ở những phát hiện, những cái mới, có tính sáng tạo của chủ thể nghiên cứu, của tác giả, diễn giả. Nó là chiều sâu của tư tưởng, lý luận, biểu hiện ở hàm lượng khoa học chứa trong các thông tin, lập luận, trình bày của người nghiên cứu khả dĩ có sức thuyết phục ra sao chứ không phải ở những thông tin mang tính tư liệu, số liệu, trích dẫn từ người khác.

Đặc trưng ngôn ngữ

Bài báo cáo chuyên đề sử dụng lời nói trực tiếp với phong cách chính luận nên phải đảm bảo một số đặc điểm về mặt ngôn ngữ của thể loại như sau: tính chuẩn xác, tính thuật ngữ, tính bình giá công khai, tính phổ thông, tính biểu cảm.

Nếu là báo cáo chuyên đề khoa học thì ngôn ngữ là ngôn ngữ khoa học, tính duy lý cao, thiên về tư duy trừu tượng khoa học, sử dụng các khái niệm, phạm trù khoa học chuyên ngành, các thuật ngữ chuyên môn. Dạng ngôn ngữ này phù hợp với các chuyên đề lý luận, nghiên cứu cơ bản, chứa đựng những thông tin về nghiên cứu lý thuyết, trong không ít trường hợp còn mang tính hàn lâm, quen thuộc với tư duy của những người nghiên cứu ở trình độ chuyên gia: khái quát hoá, hệ thống hóa, diễn dịch, suy lý…Sử dụng ngôn ngữ khoa học để diễn đạt, trình bày nội dung lý luận trong các báo cáo chuyên đề dưới hình thức các luận đề, luận điểm, hợp thành một hệ thống có tính lôgíc chặt chẽ, phân tích các mối quan hệ, các tình huống, vạch ra bản chất của đối tượng nghiên cứu.

Nếu là chuyên đề tổng kết thực tiễn thì lý luận (thông qua cách diễn đạt, trình bày, bằng ngôn ngữ khoa học) được thể hiện từ tổng kết thực tiễn, một mặt, làm rõ thực tiễn đã chứng minh, xác nhận lý luận được áp dụng như thế nào, mặt khác, thực tiễn gợi mở những vấn đề lý luận mới ra sao.

Nếu là chuyên đề thông tin thì cách thể hiện lý luận lại chú ý tới sự phân loại các vấn đề, các tri thức lý luận hay phương pháp, các vấn đề thuộc về dự báo xu hướng vận động, biến đổi của thực tiễn được phản ánh bằng lý luận.

Ngôn ngữ trong các báo cáo chuyên đề dù hướng trọng tâm vào phân tích lý luận nhưng phải chú ý tới tính cụ thể, trực tiếp, sinh động và sống động của thực tiễn. Khi phân tích cần kèm theo những minh chứng cụ thể, có chất liệu đời sống thực tiễn sinh động, xác thực. Không nên lạm dụng đặc trưng lý luận và tính trừu tượng khái quát cao làm cho vấn đề trở nên cầu kỳ, khó hiểu, sáo rỗng. Cũng không nên vin vào tính thiết thực, cụ thể mà làm suy giảm tính lý luận, dẫn tới khuynh hướng thực dụng, hình thức chủ nghĩa, chủ nghĩa kinh nghiệm và bệnh giáo điều.

Ngôn ngữ là yếu tố đặc biệt quan trọng, là phương tiện chuyển tải nội dung đến đối tượng. Ngôn ngữ bài báo cáo chuyên đề đòi hỏi phải có tính chọn lọc, hàm súc, cô đọng, chứa đựng những thông tin chắt lọc, logic, kết hợp với sự truyền cảm, thu hút, lôi cuốn đối tượng cùng nhập vào mạch tư duy của chủ thể.

Tập huấn nghiệp vụ công tác tuyên truyền miệng và công tác dư luận xã hội năm 2022 tại Thái Nguyên. Trong ảnh: Đồng chí Vũ Duy Hoàng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Báo Thái Nguyên)

Tập huấn nghiệp vụ công tác tuyên truyền miệng và công tác dư luận xã hội năm 2022 tại Thái Nguyên.

3. Dàn ý bài báo cáo chuyên đề là công cụ BCV dùng để tiến hành buổi tuyên truyền đến người nghe. Dàn ý được kết cấu bởi ba phần.

Mở đầu là phần dẫn nhập cho nội dung cần truyền đạt. Phần này tuy ngắn, nhưng rất quan trọng, nhất là với đối với đối tượng mới tiếp xúc lần đầu, đối tượng là người có trình độ học vấn cao. Phần mở đầu phải tự nhiên và gắn với các phần khác của bài nói cả về nội dung và phong cách ngôn ngữ; Phải ngắn gọn, độc đáo và hấp dẫn đối với người nghe. Mở đầu thường chiếm từ 10 - 15% tổng lượng bài nói. 

Có nhiều cách mở đầu nhưng có thể khái quát thành hai cách mở đầu chủ yếu: (1) Mở đầu trực tiếp là cách mở đầu giới thiệu thẳng với người nghe chuyên đề sẽ trình bày. Mở đầu trực tiếp được cấu trúc bởi hai phần: nêu chủ đề chung bài báo cáo chuyên đề và các chủ đề bộ phận/nội dung chính phần thân bài. (2) Mở đầu gián tiếp là cách mở đầu dẫn ra một nội dung khác có liên quan, gần gũi với chủ đề nhằm tạo bối cảnh, chuẩn bị sân khấu cho chủ đề xuất hiện. Cách mở đầu này làm cho bài báo cáo chuyên đề trở nên sinh động, hấp dẫn đối với người nghe, có thể giúp họ chuyển từ tâm thế trung lập sang khẳng định, từ phủ định sang khẳng định. 

Phần thân của bài báo cáo chuyên đề chiếm khoảng 7- 80% dung lượng toàn bài nói. Có một số kiểu bố cục phần thân của bài báo cáo chuyên đề như sau: Kết cấu trật tự theo chủ đề, Kết cấu theo thời gian, Kết cấu theo trật tự không gian, Kết cấu theo trật tự nhân quả, Kết cấu theo trật tự vấn đề giải pháp, Kết cấu theo trật tự chuỗi tác động.

Phần thân trong một báo cáo chuyên đề là phần quan trọng nhấtlà khung chịu lực của toàn bộ báo cáo, là toàn bộ nội dung thể hiện mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu, chiếm dung lượng nhiều nhất trong đề cương cũng như chiếm nhiều thời gian nhất khi trình bày. Để trình bày phần thân có kết quả, phải chuẩn bị công phu về kiến thức, tư tưởng, phương pháp, phong cách và vốn sống thực tiễn, đặc biệt là những trải nghiệm trực tiếp trong công việc nghiên cứu, giảng dạy, tuyên truyền của người thuyết trình với tư cách là một tác giả, diễn giả.

Phần kết luận của bài báo cáo chuyên đề có các chức năng đặc trưng sau: Tổng kết những nội dung chính của bài báo cáo chuyên đề; Củng cố và làm tăng ấn tượng về nội dung tuyên truyền; Đặt ra trước người nghe những nhiệm vụ nhất định và kêu gọi họ đi đến hành động. Kết luận phải giàu cảm xúc, ngắn gọn – chiếm khoảng 10 - 15% dung lượng toàn bài.

TS. Vũ Hoài Phương 
Học viện Báo chí và Tuyên truyền

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất