Thứ Tư, 2/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Tư, 18/2/2009 16:36'(GMT+7)

Chủ tịch Hồ Chí Minh và vấn đề xây dựng đội ngũ trí thức

Gần 80 năm qua, kể từ khi ra đời, Đảng ta đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và hiện đang lãnh đạo nhân dân cả nước đẩy mạnh công cuộc đổi mới, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, định hướng đi lên CNXH. Cùng với thắng lợi chung của cách mạng, đội ngũ trí thức của chúng ta cũng ngày càng phát triển. Đến nay cả nước ta đã có 2,6 triệu người có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên (chiếm 4,5% lực lượng lao động). Trong đó có 18.000 thạc sĩ, 16.000 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học. Hơn 6.000 giáo sư và phó giáo sư. Nếu nhìn lại những vốn liếng ban đầu (năm 1945, số người có trình độ đại học toàn Đông Dương mới chỉ có hơn 300 người)(1), thì mới thấy con số mà chúng ta đạt được có ý nghĩa rất đáng tự hào. Để có sự trưởng thành đó, đội ngũ trí thức nước ta cảm nhận rất rõ vai trò và sự quan tâm to lớn của Đảng mà người đặt nền móng tiêu biểu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về vai trò và vị trí của đội ngũ trí thức đối với sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc chăm lo xây dựng đội ngũ trí thức. Người nói: “... Cách mạng rất cần trí thức và thực ra chỉ có cách mạng mới biết trọng trí thức”(2). Người nhấn mạnh: “Trí thức không bao giờ thừa, chỉ có thiếu trí thức thôi”(3).

Tư tưởng của Người về việc xây dựng đội ngũ trí thức của dân tộc là kết quả của sự tổng kết những kinh nghiệm mà bản thân Người đã được thể nghiệm trong thực tiễn. Chính điều đó đã thôi thúc vị lãnh tụ dân tộc khẳng định sự cần thiết phải nhanh chóng đào tạo cho phong trào cách mạng của dân tộc một đội ngũ trí thức vừa có tinh thần yêu nước, cách mạng, vừa giàu tri thức, hiểu biết, đủ sức gánh vác sứ mệnh của lịch sử giao phó. Ngay từ những ngày đầu tập hợp lực lượng để làm cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt chú trọng đến việc tập hợp trí thức. Lớp người đầu tiên mà Người tập hợp để bồi dưỡng, chính là những thanh niên học sinh và trí thức. Đó là các đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Ngô Gia Tự,... Thông qua những thanh niên vừa có học thức và giàu nhiệt huyết này, Người đã từng bước truyền bá hệ tư tưởng Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước nước ta. Bằng các cuộc vô sản hoá, hoà mình vào phong trào công nhân và quần chúng lao động, những người trí thức cộng sản đã làm tròn được sứ mạng lúc đầu là thành lập Đảng, mở ra một bước ngoặt mới hết sức vĩ đại trong lịch sử cách mạng nước ta.

Trong thời kỳ vận động cách mạng giành chính quyền, để thu hút rộng rãi tầng lớp trí thức vào mặt trận phản đế, phản phong của Đảng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một mặt, Đảng chủ trương phải đấu tranh khắc phục một số quan niệm hẹp hòi, đố kỵ với khoa học, với trí thức theo kiểu “trí, phú, địa hào, đào tận gốc, tróc tận rễ” xuất hiện lúc bấy giờ; mặt khác Đảng xúc tiến việc thành lập một số những tổ chức riêng của trí thức như Tổng hội sinh viên, Hội văn hóa cứu quốc (1943), Đảng Dân chủ Việt Nam (1944). Đặc biệt với Bản Đề cương văn hoá Việt Nam (1943), trí thức đã không còn là vấn đề sách lược tranh thủ đồng minh, mà lần đầu tiên trong lịch sử nước nhà, Đảng khẳng định trí thức là vấn đề chiến lược nhằm thay đổi tận gốc nền tảng văn hoá và xã hội của một nước Việt Nam vốn thoát thai từ một xã hội cũ thực dân nửa phong kiến.

Sau khi chính quyền cách mạng của nhân dân được thiết lập trong cả nước, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà non trẻ cùng một lúc phải thực hiện hai nhiệm vụ vừa kháng chiến, vừa kiến quốc trong điều kiện vô cùng khó khăn. Nếu như trước đây, việc thu hút rộng rãi tầng lớp trí thức vào mặt trận đấu tranh cách mạng đã được Đảng làm tốt, thì bước sang giai đoạn mới này, nó càng được đặt ra một cách cấp bách, bởi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “muốn phát triển văn hoá thì phải cần thầy giáo, muốn phát triển kỹ nghệ phải cần các kỹ sư...”. Cũng giống như nước Nga sau Cách mạng Tháng Mười, cái thiếu lớn nhất đối với nước ta là sau khi giành được chính quyền, giai cấp vô sản chưa chuẩn bị được cho mình những chuyên gia có tài năng về mọi lĩnh vực để xây dựng một xã hội mới. Để khắc phục, một trong những biện pháp được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng là phải lôi cuốn, sử dụng ngay lớp trí thức cũ. Đành rằng ở họ còn chịu ảnh hưởng khá nặng về tư tưởng, tác phong, lối sống tiểu tư sản, nhưng xét về bản chất của họ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng dưới chế độ cũ, họ cũng chịu chung số phận của người dân mất nước, cũng bị thực dân đế quốc chèn ép, bạc đãi, bởi vậy họ là người cảm thấy thấm thía hơn ai hết cái nhục của sự mất nước và cái khổ thiếu tự do. Nhiệm vụ của Đảng là phải thấy rõ những mặt mạnh, yếu đó của họ để “dìu dắt, giúp đỡ và đưa họ về phe cách mạng, phe công nông”. Người phê phán một số thái độ còn mặc cảm, hiểu việc sử dụng trí thức theo kiểu “đưa áo nâu lên, áo trắng xuống” hay “vắt cam vứt xác”. Người yêu cầu các cấp uỷ Đảng, chính quyền hết sức tạo điều kiện cho trí thức công tác và học tập phát huy tài năng của mình phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Chủ trương đúng đắn cũng như đức độ, uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sức thuyết phục và lôi cuốn một đội ngũ đông đảo những người trí thức cũ tham gia vào các công việc của nhà nước cách mạng. Nhiều trí thức Việt kiều nổi tiếng theo tiếng gọi của Người cũng đã tình nguyện trở về Tổ quốc. Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, hầu hết những trí thức được giác ngộ đã sẵn sàng rời bỏ những phòng thí nghiệm hiện đại, những thành phố đầy đủ tiện nghi để đi theo kháng chiến, đóng góp một phần không nhỏ vào cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.

Cùng với việc động viên, giác ngộ, lôi cuốn tầng lớp trí thức cũ tham gia cống hiến cho cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng hết sức quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ trí thức mới. Người nói: “Đảng và Chính phủ biết kháng chiến và kiến quốc phải cần có những trí thức trong mọi ngành kinh tế, tài chính, quân sự, văn hoá. Vì thế, Đảng và Chính phủ rất chú ý đến việc giúp đỡ anh em trí thức cũ tiến bộ, cải tạo tư tưởng, đồng thời đào tạo trí thức mới từ công nhân, nông dân mà ra”(4). Để xây dựng đội ngũ trí thức mới, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết cần phải được thực hiện trên một cái nền là nâng cao dân trí. Đặc biệt, trong hoàn cảnh của một đất nước với hơn 90% số dân mù chữ, việc làm đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh là diệt giặc dốt, là phát triển sự nghiệp giáo dục. Quan điểm của Người về vấn đề này đã được cụ thể hoá trong các nghị quyết Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ 4 (4-1947), Hội nghị mở rộng Ban chấp hành Trung ương Đảng tháng 1-1948 và sau đó Hội nghị cán bộ tháng 5-1948. Nhờ những cố gắng của Đảng, sự nỗ lực của toàn dân và của giới trí thức yêu nước, chỉ trong một thời gian ngắn, chúng ta đã giải quyết được về căn bản công tác xoá nạn mù chữ(5). Hệ thống giáo dục phổ thông và đại học cũng từng bước được xây dựng(6). Kết quả của bước khởi đầu khiêm nhường đó chẳng những đã tạo điều kiện quan trọng cho việc đưa những tri thức khoa học vào cuộc sống lao động của hàng triệu con người, mà còn tạo ra mảnh đất rộng lớn nảy sinh những trí thức mới - những người sẽ góp phần xứng đáng trong cuộc kháng chiến và xây dựng đất nước sau này.

Là hiện thân của sự đoàn kết dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương đoàn kết trí thức và công nông thành một khối. Theo người, công nông cần phải được trí thức hoá và ngược lại trí thức cũng công nông hoá, tức là “anh em trí thức cũng biết trọng lao động, hợp thành một khối với công nông, nâng cao trình độ công nông về văn hoá và lý luận. Đó mới thật là đoàn kết”(7). Người còn chỉ ra: liên minh công nông trong chính trị, trong đấu tranh để giành và giữ chính quyền, liên minh trong làm kinh tế để cho công nghiệp và nông nghiệp phát triển. Đồng thời công nông còn cần phải liên minh với trí thức để nâng cao trình độ văn hoá và lý luận. Quan điểm liên minh công nhân, nông dân và trí thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa từ tư tưởng Lênin và được Người vận dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể nước ta. Thực tế cho thấy, chỉ có đi theo con đường cách mạng của giai cấp vô sản, đội ngũ trí thức nước ta mới có điều kiện để khắc phục những hạn chế, trau dồi thêm bản chất, lý tưởng cách mạng cũng như để phát huy có hiệu quả tiềm năng sáng tạo của mình. Ngược lại, thông qua việc liên minh với trí thức, giai cấp công nhân, nông dân nước ta sẽ có thêm một người bạn đồng minh chiến lược, tạo thêm cơ sở vững chắc cho khối đại đoàn kết toàn dân, có khả năng đánh bại mọi kẻ thù, xây dựng thắng lợi một xã hội mới phù hợp với tiến trình phát triển của lịch sử và của nhân loại.

Nghiên cứu một số quan điểm cũng như những thành công trong quá trình chỉ đạo thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với việc tập hợp, xây dựng, sử dụng đội ngũ trí thức, giúp chúng ta có thêm cơ sở để nhìn nhận một cách có hệ thống công tác vận động trí thức của Đảng ta. Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã luôn quan tâm đến việc chăm lo xây dựng đội ngũ trí thức. Trong các văn kiện Đại hội Đảng, cũng như trong nhiều chỉ thị, nghị quyết riêng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, và gần đây nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khoá X), vấn đề trí thức luôn được Đảng đặt ra như một chủ trương, chính sách lớn trong toàn bộ hệ thống các chính sách của Đảng. Chính vì vậy mà trong suốt mấy thập kỷ qua, cùng với những thắng lợi mà Đảng và dân tộc ta đã giành được trong các cuộc cách mạng dân tộc dân chủ và trong sự nghiệp xây dựng CNXH, đội ngũ trí thức nước ta cũng từng bước lớn mạnh, trưởng thành, có nhiều đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta cũng phải nghiêm khắc nhìn nhận và đánh giá rằng, trong chính sách của Đảng đối với trí thức không phải không có những mặt vẫn còn thiếu sót. Bởi thế mà trên thực tế, chúng ta vẫn chưa sử dụng và khai thác được hết tiềm năng chất xám. Hơn lúc nào hết, việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề trí thức lại càng trở nên cấp thiết và thực sự có ý nghĩa đối với chúng ta hiện nay. Đó là việc cần phải đánh giá đúng vị trí, vai trò của trí thức; phải biết lôi cuốn tập hợp trí thức; phải có chính sách đào tạo, sử dụng; chính sách đãi ngộ trí thức một cách hợp lý, thích đáng... Chỉ có như vậy, Đảng Cộng sản với tư cách là người lãnh đạo, mới có thể phát huy được hết tiềm năng to lớn của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp xây dựng một xã hội mới - xã hội XHCN mà Đảng đã định hướng và lựa chọn. /.

 PGS, TS. Nguyễn Quốc Bảo

Phó trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
———————-

(1) CNXH và Trí thức, Nxb ST, H, 1984, tr.101.

(2), (3) Hồ Chí Minh: Về vấn đề trí thức và cách mạng, Nxb ST, H, 1976, tr.28, 32.

(4), (8) Sđd, Toàn tập, t.6, Nxb ST, H, 1986, tr.370 -371, 372.

(5) Chỉ sau một năm phát động, chúng ta đã có 2.500.000 người thoát nạn mù chữ. Lịch sử ĐCSVN, sơ thảo, tập I (1920-1954), Nxb ST, 1981, tr.455.

(6) Đó là các trường Đại học Y dược (10-1947), Trường Cao đẳng giao thông công chính (1948), Trường Sư phạm cao cấp (1955) và 8 trường trung học.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất