Thứ Bảy, 12/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 3/7/2014 9:11'(GMT+7)

Bắc Ninh cải tiến quy trình bổ nhiệm cán bộ

Thông qua các lớp đào tạo cán bộ nguồn, các địa phương đã lựa chọn được những cán bộ có đủ đức, tài để cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét, lựa chọn nhân sự bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý. Trong ảnh: Một lớp đào tạo cán bộ nguồn tại Trường cán bộ Lê Hồng Phong (Hà Nội).                 Ảnh: BÁ HOẠT

Thông qua các lớp đào tạo cán bộ nguồn, các địa phương đã lựa chọn được những cán bộ có đủ đức, tài để cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét, lựa chọn nhân sự bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý. Trong ảnh: Một lớp đào tạo cán bộ nguồn tại Trường cán bộ Lê Hồng Phong (Hà Nội). Ảnh: BÁ HOẠT

Ðồng chí Lê Ðức Kỳ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Cơ quan Ủy ban MTTQ tỉnh là một trong hai đơn vị đầu tiên của tỉnh tổ chức để các ứng viên chức danh lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý báo cáo chương trình hành động, gồm Chánh Văn phòng Ủy ban MTTQ tỉnh và Trưởng ban Tuyên giáo Ðảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh. Tại hội nghị báo cáo chương trình hành động, cán bộ, công chức trong cơ quan đã tham gia chất vấn, phản biện nhiều vấn đề mà ứng viên nêu. Qua đó, việc đánh giá cán bộ để phục vụ quy trình bổ nhiệm có thể nói là khách quan và công tâm hơn.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, cán bộ, đảng viên, và nhân dân đều đồng tình với chủ trương này và cho rằng đây là bước cải tiến mới trong quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý, tạo môi trường bình đẳng trong đội ngũ cán bộ, công chức. Ngay từ khâu xây dựng phương án nhân sự, đòi hỏi mỗi chức danh có nhu cầu bổ nhiệm cần giới thiệu ít nhất hai người, những người được giới thiệu không chỉ là nguồn quy hoạch tại chỗ, cho nên diện cán bộ tham gia được mở rộng, kể cả cán bộ ở đơn vị khác, ngành khác, đều có cơ hội tham dự quy trình này để có thể được bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý khi bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định.

Sau khi được tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và đại diện tổ chức, công đoàn nhất trí giới thiệu trong danh sách dự kiến bổ nhiệm, người được giới thiệu phải chuẩn bị chương trình hành động để trình bày tại hội nghị toàn thể cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị (nếu tổng số cán bộ, công chức của cơ quan dưới 30 người), hoặc hội nghị gồm tập thể lãnh đạo, cấp ủy, đại diện các đoàn thể, cán bộ chủ chốt của cơ quan, đơn vị (nếu tổng số công chức, viên chức của cơ quan có ít nhất 30 người). Tại hội nghị này, có sự tham dự của Hội đồng thẩm định (HÐTÐ), bao gồm thủ trưởng cơ quan, đại diện cấp ủy, ban chấp hành công đoàn, Ban Tổ chức Tỉnh ủy hoặc Sở Nội vụ (nếu chức danh bổ nhiệm thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý thì HÐTÐ gồm đại diện Thường trực Tỉnh ủy, hoặc đại diện Thường trực HÐND, Thường trực UBND. HÐTÐ là tổ chức tư vấn, thành viên HÐTÐ thể hiện đánh giá và tín nhiệm của mình đối với từng ứng viên bằng phiếu kín, khách quan, công bằng, tránh nhận xét theo cảm tính hay thiên vị, nể nang. Sự tín nhiệm của HÐTÐ là căn cứ quan trọng để tập thể lãnh đạo và cấp ủy cơ quan, đơn vị phân tích, lựa chọn phương án nhân sự đề nghị cấp có thẩm quyền bổ nhiệm.

Các ứng viên trình bày chương trình hành động sau đó trả lời ý kiến phản biện của các thành viên dự hội nghị và của HÐTÐ. Ðây là cơ hội để ứng viên thể hiện năng lực của mình, nhất là năng lực tổng hợp, phân tích, đề xuất những giải pháp thực hiện nhiệm vụ khi được bổ nhiệm. Người lãnh đạo, quản lý, dù ở cương vị nào, cũng phải có kỹ năng thuyết trình, lý giải những vấn đề trong cuộc sống, công tác trước tập thể, năng lực thuyết phục đồng nghiệp. Thông qua việc trình bày chương trình hành động và trả lời những câu hỏi của thành viên dự hội nghị, trình độ, kiến thức và năng lực, mặt mạnh, mặt yếu của từng ứng viên sẽ được thể hiện rõ nhất, làm cơ sở để các thành viên dự hội nghị đánh giá và HÐTÐ thể hiện sự tín nhiệm đối với từng ứng viên, vì vậy sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, cần thiết ngay từ khi chuẩn bị chương trình hành động và phong cách ứng xử của các ứng viên.

Báo cáo chương trình hành động trước khi bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý là phương thức chọn "người hiền tài", đã và đang từng bước thực hiện ở nhiều địa phương, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình. Mục đích của chủ trương này là nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý chí phấn đấu, có năng lực quản lý, điều hành, có khả năng tập hợp, quy tụ đồng nghiệp, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao phó.

Mức độ tín nhiệm của HÐTÐ là căn cứ quan trọng để cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét, lựa chọn nhân sự bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý, nhưng không phải là căn cứ duy nhất. Ðiều quan trọng để bảo đảm lựa chọn, bổ nhiệm được những cán bộ có đủ đức, tài là đề cao vai trò, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, trước hết là người đứng đầu trong việc đánh giá, lựa chọn ngay từ khâu quy hoạch cán bộ, bảo đảm khách quan, công tâm, công bằng; đồng thời có sự giám sát của cấp ủy Ðảng, các tổ chức đoàn thể, sự phối hợp chặt chẽ bởi các cơ quan tham mưu như: tổ chức, kiểm tra, nội vụ... Cơ quan tổ chức của cấp ủy, chính quyền cấp trên cần lắng nghe ý kiến từ nhiều nguồn thông tin, nhất là ý kiến của đảng viên, cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị; phát hiện, uốn nắn kịp thời những biểu hiện lệch lạc trong đánh giá, nhận xét cán bộ. Ðặc biệt là khắc phục tình trạng bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo không xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ, tiêu chuẩn cán bộ hoặc nể nang, thiên vị, hoặc hẹp hòi, thành kiến trong công tác cán bộ. Mặt khác, trong quá trình chuẩn bị phương án nhân sự cần làm cho cán bộ, công chức trong cơ quan nắm vững tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý, đối chiếu với bản thân, mạnh dạn ứng cử, khắc phục tư tưởng tự ti, làm cho việc kiện toàn cán bộ lãnh đạo, quản lý thật sự bình đẳng, minh bạch theo đúng nguyên tắc và các quy định của cấp ủy.

HỒNG MINH /NhanDan     
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất