Thứ Bảy, 12/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Chủ Nhật, 6/7/2014 21:19'(GMT+7)

Văn hoá ứng xử của nhà báo

(Hình minh hoạ)

(Hình minh hoạ)

Tuy nhiên, thời gian qua, trước áp lực của “cơm áo gạo tiền” và bị lóa mắt bởi danh vọng, một bộ phận nhỏ nhà báo đã ngại tu dưỡng, thiếu chú tâm rèn luyện nên không giữ gìn được phẩm giá, tư cách của “chiến sĩ văn hóa”, tự đưa mình vào những lệch chuẩn văn hóa khiến dư luận phiền lòng, niềm tin của công chúng dành cho báo giới bị giảm sút.

Một trong những lệch chuẩn văn hóa đáng băn khoăn hiện nay là thái độ, hành vi ứng xử của một số nhà báo chưa đẹp về lý, mà cũng chưa thuận về tình. ở mức độ nhẹ, đó là biểu hiện tự cao, tự đại, chỉ muốn đòi hỏi người khác đáp ứng nhu cầu của mình trên mức cần thiết. Nặng hơn, đó là thái độ, hành vi lạm quyền, cố tình xăm xoi, phán xét đối tượng phản ánh một cách phiến diện, vì động cơ cá nhân hẹp hòi. Không phải ngẫu nhiên mà dư luận đã rỉ tai nhau rằng: “Nhốn nháo như… nhà báo đi họp”. Câu này, một phần hàm ý chê bai một số phóng viên (buồn thay, lại đa phần là phóng viên trẻ) đi họp báo cốt chỉ để lấy thông cáo báo chí và “chế độ” rồi… chuồn; phần khác như muốn trách móc một số phóng viên (nhất là những người non trình độ chuyên môn nghiệp vụ) tham dự họp báo có thái độ “ra vẻ ta đây” khi chủ ý đưa ra những câu hỏi khó, hỏi “xóc”, hỏi không đúng trọng tâm, trọng điểm đối với những người chủ trì họp báo. Dư luận đâu đó cũng từng xì xào to nhỏ với nhau, mấy anh chị nhà báo đến cơ sở “chảnh” lắm nên phải “chịu khó” mà “vuốt ve, cưng chiều” họ để tránh mọi... phiền hà, rắc rối có thể xảy ra! Thực tế thời gian qua, đã có một số cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, doanh nhân, doanh nghiệp tỏ ra dè dặt, e ngại, né tránh, thậm chí từ chối cung cấp thông tin cho báo chí. Thực trạng đáng buồn đó tích hợp nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có một lý do xuất phát từ thái độ, tác phong, cung cách làm việc của một số nhà báo vừa thiếu kiến thức chuyên môn và luật pháp, vừa thiếu chuẩn mực văn hóa.  

Xã hội không quá lời khi gọi nhà báo cũng là “người của công chúng”. Bởi đặc thù nghề nghiệp đã tạo cơ hội cho người cầm bút được đi đây đó nhiều, được tìm hiểu, tiếp xúc, giao lưu với nhiều thành phần trong xã hội và tiếp cận, nắm bắt được nhiều thông tin mà người khác không có. Hơn nữa, trong đám đông, nhà báo cũng được người khác để ý đến vì những đồ dùng nghiệp vụ đi kèm và tác phong tác nghiệp nhanh nhạy, hoạt bát... Tuy vậy, với tư cách là “người của công chúng”, nhà báo muốn hấp dẫn, thuyết phục được người khác không phải bằng bề nổi (tức là “đánh bóng” bề ngoài bằng trang phục rực rỡ, trang điểm lòe loẹt, phát ngôn gây “sốc” như một số “ngôi sao” nào đó trong giới showbiz), mà cần thu phục nhân tâm trước hết bằng lời ăn tiếng nói giản dị, đúng mực, giao tiếp hài hòa, ứng xử nhã nhặn, đối đáp văn minh, lịch sự và luôn thể hiện tác phong, phong cách của người làm báo có hiểu biết, có văn hóa ở mọi lúc, mọi nơi. Thực tế cho thấy, đôi khi những câu nói vu vơ, những lời buột miệng nông nổi, những phát ngôn hớ hênh, những câu hỏi mang tính chất “chọc ngoáy, xỉa xói”, hay những đòi hỏi nhu cầu cá nhân “khác người”… của một vài nhà báo nào đó, không chỉ làm tổn hại nghiêm trọng về hình ảnh của chính họ, mà còn cả các đồng nghiệp.

Xuất phát từ chức năng của báo chí là “được quyền thông tin” nên nhà báo có khá nhiều lợi thế so với một số nghề nghiệp khác và được xã hội, công chúng quý trọng, vị nể. Nhưng sự quý trọng, vị nể đó chỉ dành cho những nhà báo có tâm hồn trong sáng, đạo đức lành mạnh, tư duy nhanh nhạy, đề cao tinh thần làm việc “dĩ công vi thượng”, toàn tâm, toàn ý phục vụ những mục tiêu cao đẹp của Tổ quốc và nhân dân. Cũng là một công dân như bao công dân trong xã hội, nhưng cái chất công dân của nhà báo khác công dân bình thường ở chỗ là thông qua hoạt động chuyên môn và bằng những tác phẩm báo chí của mình, họ đã góp phần định hướng dư luận xã hội, thúc đẩy cuộc sống phát triển theo hướng ngày càng tiến bộ, nhân văn hơn. Với tư cách ấy, đòi hỏi nhà báo phải có trình độ cao và “phông” văn hóa ứng xử tương xứng với vị thế, vai trò của mình trong xã hội. Vậy nên, nói năng đúng mực, đúng nơi, đúng lúc; giao tiếp văn minh, lịch sự, phù hợp với từng hoàn cảnh, đối tượng và không gây phiền hà, nhiễu nhương cho người khác; chân thành khiêm tốn học hỏi, cầu thị trong công việc; tự giác khép mình vào những chuẩn mực văn hóa của tập thể nơi công tác và của cộng đồng… là những giá trị góp phần làm nên nền tảng đạo đức-văn hóa ứng xử của người làm báo cách mạng Việt Nam./.

Thiện Văn (QĐND)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất