Thứ Bảy, 12/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 3/7/2014 22:18'(GMT+7)

Quảng Trị: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng của đảng bộ xã

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhận thức được vị trí, tầm quan trọng đó, những năm qua Công tác tư tưởng (CTTT) ở các đảng bộ xã trên địa bàn Quảng Trị đã được các cấp ủy đảng coi trọng và quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trên tất cả các mặt. CTTT được tăng cường, tổ chức quán triệt, tuyên truyền kịp thời đầy đủ, nghiêm túc các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng cho cán bộ, đảng viên; gắn việc triển khai thực hiện Nghị quyết với việc xây dựng kế hoạch thực hiện sát và hợp tình hình của địa phương; phương pháp triển khai quán triệt và học tập được cải tiến; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ngày càng phát huy tốt vai trò của mình; các hoạt động tuyên truyền về các ngày lễ, kỷ niệm của đất nước..; việc tổ chức triển khai học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã được triển khai thường xuyên, liên tục ngày càng đi vào chiều sâu; công tác nắm bắt dư luận xã hội bước đầu được chú trọng v.v…
Một số xã đã thành lập Ban biên soạn lịch sử đảng bộ và chỉ đạo triển khai biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương cùng với đó là việc các đảng bộ xã đã đặt và phát hành các báo, tạp chí của Đảng, bản tin nội bộ của tỉnh đến từng chi bộ.
Nhờ thực hiện tốt CTTT, tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân các xã đều phấn khỏi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên định đường lối đổi mới, mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đại đa số cán bộ, đảng viên đã nắm được những vấn đề cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đồng thời nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nhận thức ngày càng rõ hơn những âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, sự nghiệp đổi mới sự nghiệp đổi mới của các thế lực thù địch. Nhiều cán bộ đảng viên và quần chúng đã chấp hành tốt các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tựu đã đạt được, CTTT của các đảng bộ xã vẫn còn những hạn chế, khó khăn nhất định như: nhận thức của một số cấp ủy về vị trí, vai trò của CTTT chưa đầy đủ; kinh nghiệm tiến hành CTTT còn hạn chế; việc nắm bắt thông tin, phản bác các luận điệu xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sác pháp luật của Nhà nước có lúc, có nơi chưa kịp thời; số lượng đội ngũ báo cáo viên còn thiếu và yếu; công tác nắm bắt, điều tra dư luận xã hội còn hạn chế; nội dung, phương pháp CTTT, có lúc, có nơi chưa phù hợp v.v…
Trước yêu cầu và nhiệm vụ mới, đặc biệt khi tình hình biển Đông đang hết sức căng thẳng, tình trạng một bộ phận nhân dân một số tỉnh trong thời gian qua bị các thế lực lôi kéo, xíu dục, kích động làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội gây hoang mang và lo lắng trong dư luận thì việc nâng cao chất lượng, hiệu quả CTTT của các đảng bộ xã là một nhiệm vụ cấp thiết hiện nay.
Vì vậy, một trong những đòi hỏi của CTTT của các đảng bộ xã là phải bám sát thực tiễn cuộc sống, kịp thời giải đáp những đòi hỏi của thực tiễn, làm cho CTTT có sức sống và hiệu quả cao.  Bởi vậy, cấp ủy đảng cần quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch, tiến hành CTTT. Đồng thời, phát huy vai trò của người đứng đầu, nhất là của đồng chí bí thư cấp ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện CTTT. Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân trong trong đảng bộ về vị trí, vai trò của CTTT trong tình hình mới; nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn nắm vững, nhất trí với mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ CTTT. Đổi mới, tăng cường tuyên truyền, cổ vũ, động viên các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trên mọi lĩnh vực, phát huy chủ nghĩa yêu nước, năng lực thực thi dân chủ, tinh thần sáng tạo, tự lực, tự cường, tạo ra phong trào hành động cách mạng nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của địa phương.
Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp CTTT cho phù hợp với từng đối tượng và sát thực tế. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng, hiệu quả CTTT các đảng bộ cần đổi mới, nâng cao chất lượng học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng theo hướng cụ thể, thiết thực tránh phô trương, hình thức. Trong đó, cần kết hợp nhiều hình thức trực tiếp và gián tiếp, chú trọng kết hợp giữa nghe giới thiệu với tăng cường trao đổi, thảo luận, kết hợp giữa viết thu hoạch với xây dựng chương trình kế hoạch hoạt động cụ thể của mỗi tập thể, cá nhân trong việc trong việc triển khai thực hiện các chỉ thị nghị quyết của Đảng.
Củng cố, kiện toàn ban tuyên giáo của đảng ủy xã, lựa chọn, bố trí những cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ phụ trách. Đây là đội ngũ giữ nhiệm vụ chính trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng trong quần chúng và đảng viên góp phần nâng cao trình độ giác ngộ của quần chúng, giáo dục phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên và quần chúng. Vì vậy, yêu cầu của một người làm CTTT phải là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng; có năng lực dự báo và định hướng sự phát triển, tổng kết thực tiễn, tham gia xây dựng đường lối, chính sách, pháp luật; thuyết phục và tổ chức nhân dân thực hiện; có ý thức và khả năng đấu tranh bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, đội ngũ này phải là những người “nói tốt, viết tốt”, có khả năng về sư phạm; gương mẫu về đạo đức, lối sống; có tinh thần dân chủ, cầu thị, biết lắng nghe và đối thoại v.v...
Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong CTTT. Để thực hiện tốt yêu cầu này một mặt các đảng ủy xã phải tăng cường chỉ đạo việc phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở tham gia thực hiện CTTT; mặt khác phát huy vai trò chủ động, tích cực của cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt. Mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở phải nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của mình đối với CTTT. Để khai thác và phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong thực hiện CTTT cấp ủy đảng cần thường xuyên tiếp xúc, trao đổi, đối thoại, lắng nghe ý kiến của các tổ chức đoàn thể, trong đó đặc biệt là những ý kiến phản biện, thông qua đó nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, từ đó có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm không để xảy ra những “điểm nóng”, tranh chấp, khiếu kiện đông người vượt cấp…gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng. Đặc biệt, là chú trọng cải tạo, nâng cấp hệ thống loa truyền thanh, xây dựng nhà văn hóa, hệ thống sách, báo, tạp chí, hình thành các tủ sách chính trị - pháp luật, tủ sách khuyến nông, khuyến ngư; xây dựng hương ước, quy ước làng văn hóa, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các hoạt động thông tin tuyên truyền ở cơ sở…/.
Trần Văn Toàn (Trường Chính trị Lê Duẩn, Quảng Trị)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất