Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 20/10/2016 20:47'(GMT+7)

"Báo chí ASEAN: Những góc nhìn so sánh"

Ngày 19/10, tại Hà Nội, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Viện KAS (Đức) đã tổ chức Hội thảo quốc tế "Báo chí ASEAN: Những góc nhìn so sánh" .

Tham dự Hội thảo có nhiều học giả, các chuyên gia trong lĩnh vực báo chí truyền thông quốc tế và Việt Nam như: TS Bob Iskandar, Giám đốc Liên đoàn báo chí Đông Nam Á, TS Kalinga Seneviratne, Đại học Chulalongkon; ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; ông Lê Văn Nghiêm (Bộ Thông tin và Truyền thông), ông Trần Việt Thái (Học viện Ngoại giao), bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt (Báo Thế giới & Việt Nam), ông Lê Quốc Minh (Thông tấn xã Việt Nam), bà Tạ Bích Loan (Đài Truyền hình Việt Nam), PGS.TS Đặng Thị Thu Hương (Đại học KHXH & NV) …

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ cách đây một năm, ngày 27/11/2015, Liên đoàn các nhà báo ASEAN long trọng tổ chức kỷ niệm 40 năm thành lập, bàn thảo và quyết định nhiều vấn đề quan trọng nhằm tăng cường mối quan hệ, củng cố sự liên kết của Liên đoàn và tạo ra một dấu mốc quan trọng để Liên đoàn trở thành “ngôi nhà chung” của tất cả các nhà báo khu vực Đông Nam Á như hiện nay.

Trong nhiều năm qua, Liên đoàn các nhà báo ASEAN (CAJ) đã thể hiện vai trò tích cực ngày càng rõ nét, nỗ lực thúc đẩy môi trường báo chí tự do, mang tính xây dựng, chia sẻ và đề cao các chuẩn mực đạo đức người làm báo. Dẫn chứng sinh động nhất là việc CAJ đã thông qua Quy tắc đạo đức báo chí, khẳng định các giá trị tổng quan và đặc thù. Quy định về đạo đức báo chí đó đề cao tính nhân văn, nhấn mạnh vai trò trách nhiệm và lương tâm của người làm báo, trước hết là quy tắc trung thực khách quan, phấn đấu vì sự công bằng trong xã hội.

Trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế vẫn còn diễn biến phức tạp, để giữ vững hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển rất cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của Liên đoàn các nhà báo ASEAN, của báo chí các nước ASEAN trong việc tăng cường sự hiểu biết giữa các dân tộc, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia, cũng như đề cao công lý trong giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật phát quốc tế. Báo chí ASEAN với trách nhiệm cao cả hướng dư luận tới những giá trị tốt đẹp, góp phần cho sự phát triển thịnh vượng của Cộng đồng ASEAN và thế giới.

 
 


Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung chính như: Khái quát về quá trình hình thành và phát triển của báo chí ASEAN; Định vị những nét tương đồng và những sắc thái khác biệt cơ bản giữa báo chí các nước; Phân tích về tầm nhìn ASEAN và những thách thức, cơ hội mới cho nền báo chí mỗi quốc gia và cả khu vực; Phác thảo về những ý tưởng, mục tiêu và phương thức hoạt động để báo chí toàn khu vực ASEAN phát triển ở tầm cao hơn, hợp tác chặt chẽ hơn vì một Cộng đồng ASEAN thịnh vượng.

Theo PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, nhìn lại chặng đường đã qua của báo chí các nước Đông Nam Á, có thể thấy sự gắn kết giữa quá khứ và hiện tại, sự nối tiếp giữa truyền thống và tương lai mà hệ quả của nó là sự hợp tác giữa các quốc gia, sự hòa đồng giữa các dân tộc nhằm vượt qua mọi trở ngại, tiến tới một khu vực hài hòa, phát triển năng động và bền vững. Trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều thách thức đối với hòa bình và phát triển, nhất là về bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải để giữ vững hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển rất cần có vai trò, trách nhiệm của Liên đoàn các nhà báo ASEAN, của báo chí các nước ASEAN trong việc tăng cường sự hiểu  biết giữa các dân tộc, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia, cũng như đề cao công lý trong giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế.

Các nhà báo ASEAN cần tăng cường hơn nữa thông tin về sự phát triển ASEAN, về các vấn đề liên quan đến Cộng đồng kinh tế ASEAN, tầm nhìn ASEAN đến năm 2020, những thách thức và cơ hội… để nâng cao hơn nữa hiểu biết của người dân trong khu vực và khích lệ sự đóng góp của chính người dân hướng tới một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, phát triển và thịnh vượng.

Với tham luận “Nỗ lực của báo chí ASEAN tuyên truyền về ASEAN: Góc nhìn của báo “Thế giới & Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt cho rằng, đã đến lúc báo chí ASEAN liên kết lại, tăng cường trao đổi thông  tin với nhau vì tương lai của Hiệp hội. Đó là, đưa tin tức ASEAN trên các trang nhất của các tờ báo lớn nhất ở mỗi nước ASEAN, tin tức ASEAN được đưa vào khung giờ vàng, các talkshows về ASEAN, các bản tin về ASEAN trên các kênh truyền thông toàn cầu. Thực hiện các chương trình giao lưu phóng viên, biên tập viên ở các nước ASEAN; thực hiện các bài xã luận chung trong những dịp đặc biệt; dịch phụ đề các chương trình chuyên về ASEAN ra các thứ tiếng Anh, Malayasia, Thái Lan và Trung Quốc, ưu tiên các chương trình thực tế; lựa chọn các chủ đề theo kỳ để thông tin về ASEAN. Các phương tiện truyền thông ASEAN cần đề cập sâu hơn các vấn đề đa phương, bên cạnh các vấn đề song phương. Ngoài các vấn đề lớn đối với các khu vực hay trong quan hệ giữa các quốc gia ASEAN, báo chí cũng nên đề cập đến những vấn đề cụ thể, trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống người dân; qua đó tạo một cảm giác rằng Cộng đồng ASEAN không phải là điều gì đó quá xa vời, mà là một tổ chức gần gũi với cuộc sống của người dân. Các nhà báo trong ASEAN cần được trang bị kiến thức và hiểu biết hơn nữa về ASEAN nói chung và các nước thành viên nói riêng, đồng thời cần nhạy bén trước những diễn biến trong quá trình hội nhập khu vực.

Hội thảo cũng là cơ hội tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực báo chí truyền thông của Việt Nam với các trung tâm nghiên cứu và đào tạo báo chí hàng đầu trong khu vực, góp phần xây dựng hình ảnh và vị thế quốc gia trong tiến trình phát triển cộng đồng ASEAN bền vững.

Thu Hằng

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất