Thứ Sáu, 27/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 16/2/2011 20:20'(GMT+7)

Báo chí góp sức thúc đẩy phát triển du lịch

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Trước tiên, để phát triển du lịch, phải xây dựng những điểm đến hấp dẫn và giới thiệu rộng rãi với du khách. Có nhiều kênh để quảng bá cho các điểm đến, những tuor du lịch, trong đó kênh truyền thông có vai trò quan trọng bởi ưu thế thông tin nhanh nhạy, lan tỏa tới các vùng miền, mọi người, mọi nhà.

Người có nhu cầu đi du lịch bao giờ cũng muốn khám phá những vùng đất mới lạ khác với môi trường sinh hoạt hằng ngày của mình đã trở nên quá quen thuộc. Nhu cầu ấy thật đa dạng và phong phú, người thích cảnh đẹp thiên nhiên, người thích tìm hiểu những di tích lịch sử văn hóa với bao nhiêu truyền thuyết, huyền thoại; người thích nơi yên tĩnh để nghỉ dưỡng; người lại thích đi mạo hiểm... Báo chí chính là nơi giúp họ tìm kiếm mục tiêu đó. Với sự bùng nổ thông tin hiện nay, người ta có điều kiện thuận lợi để lựa chọn những điểm đến làm hài lòng, thỏa mãn mong muốn của khách du lịch. Trên thực tế, có hàng ngàn, hàng vạn điểm đến du lịch ở trong nước và ngoài nước, vậy điểm đến nào gây được ấn tượng mạnh mẽ, nổi trội trong chiến dịch quảng bá? Lẽ đương nhiên, yếu tố hàng đầu là chất lượng cao của sản phẩm du lịch; sau đó là nghệ thuật tuyên truyền, quảng bá của báo chí. Từ lâu, ngành du lịch rất coi trọng vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm của mình, song việc đầu tư chưa xứng với tầm của nó. Nước ta có rất nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa. Do vậy, việc tuyên truyền, quảng bá phải chú ý lựa chọn, sắp đặt có khoa học nhằm gây sự chú ý, hấp dẫn du khách. Ðiều quan trọng nhất là chú ý miêu tả được cái hay, cái đẹp, cái đặc trưng nổi bật của điểm đến; từ đó giúp du khách dễ dàng nhận biết và lựa chọn loại hình du lịch đáp ứng nhu cầu của mình. Nhìn chung, việc tuyên truyền, quảng bá các điểm đến trên báo chí ở nước ta còn dàn trải, chưa đáp ứng tốt đòi hỏi nói trên. Ngay cả những di tích, thắng cảnh được UNESCO công nhận là di sản thế giới cũng chưa được tuyên truyền kỹ lưỡng, sâu sắc, gây ấn tượng mạnh cho mọi người. Nếu mỗi điểm đến đều diễn tả na ná như nhau, mà không khắc họa rõ nét đặc trưng độc đáo nổi bật nhất của từng vùng đất, từng di sản, dễ gây nên nhàm chán.

Vùng cao nguyên đá Hà Giang hùng vĩ nhất nước ta với vẻ đẹp mê hồn, chứa đầy chất nhân văn nhưng mãi gần đây nhiều người mới biết đến qua bộ phim truyền hình Việt Nam và các bài báo. Còn trước đó, người ta chỉ hình dung lờ mờ Hà Giang là vùng núi cao trong nhiều vùng núi của Việt Nam. Ðến bây giờ người ta mới thấy Hà Giang khác hẳn những vùng núi cao khác, có rừng cây che phủ, núi đá ở Hà Giang mọc ngay từ mặt đất với những phiến đá khổng lồ trơ trọi nối tiếp nhau vươn cao lên tận trời xanh, có những phiến đá phẳng lỳ như một tấm bia kỳ vĩ sừng sững trước mặt. Con đường men theo các triền núi như một sợi chỉ thấp thoáng bóng người đi nhỏ xíu. Những cái tên gọi, như cổng trời Quản Bạ, Cột cờ Lũng Cú Ðồng Văn, Mã Pí Lèng đầy sức gợi cảm và hấp dẫn... Ðứng giữa núi non hùng vĩ của cao nguyên đá Hà Giang, nhiều du khách liên tưởng như được đứng giữa chốn  'bồng lai tiên cảnh'. Nét đặc trưng nổi bật của vùng núi cao Hà Giang chính là sự kỳ vĩ của thiên nhiên; tiếp đó là  yếu tố nhân văn và sức vóc vĩ đại của con người làm ra từ những cây cải, cây lúa trổ bông ở các khe đá, những ngôi nhà trình tường đất của người Mông với những lò hun khói thịt lợn, thịt bò cho đến phiên chợ tình Khâu Vai kỳ thú...

Rõ ràng báo chí đã lột tả được cái cốt lõi, cái hồn của cao nguyên đá Hà Giang, giúp ngành du lịch thông qua báo chí khắc họa đậm nét sự độc đáo, hấp dẫn của điểm đến lý thú này. Cùng với việc tuyên truyền, quảng cáo, báo chí góp phần không nhỏ trong việc phát hiện tiềm năng du lịch đặc sắc của các điểm đến mới. Từ những bài báo, mà Suối cá thần ở Thanh Hóa đã trở thành một điểm du lịch đầy hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Không chỉ dừng ở chỗ hướng dẫn du khách tìm kiếm điểm đến du lịch mới, báo chí làm tốt vai trò giới thiệu, mà đồng hành cùng ngành du lịch và các nhà đầu tư khai phá những miền đất mới lạ, nguyên sơ nhưng ẩn chứa tiềm năng du lịch lớn. Ngay từ khi mới hình thành Khu du lịch tín ngưỡng Bái Ðính - Ninh Bình qua thông tin báo chí, ngay lập tức lượng du khách đến đây tăng vọt khi công trình còn đang tiếp tục hoàn thiện.

Có một điều dễ nhận thấy là, du khách nước ngoài rất ít khi đến thăm lại nhiều lần ở một điểm du lịch ở nước ta. Ðiều đó chứng tỏ các điểm đến đó, còn không ít khiếm khuyết, yếu kém, nhất là ở khâu dịch vụ. Ðành rằng khi đi du lịch, cái đích lớn nhất của du khách là cảm nhận cái đẹp của thiên nhiên, cái mới lạ của nền văn hóa và cuộc sống con người nơi đặt chân đến, nhưng chí ít các cơ sở dịch vụ, môi trường vệ sinh, trật tự an ninh phải được bảo đảm. Cho nên khi tuyên truyền quảng bá, báo chí không thể nói điều hay cái đẹp một chiều vì nói cách xa sự thật thì sự phản tác dụng là rất lớn. Chính vì vậy, việc quảng bá tuyên truyền phải đồng hành với quá trình nâng cấp, hoàn thiện các điểm đến của ngành du lịch.

Gần đây một số phương tiện thông tin đại chúng đã mạnh dạn nêu ra những khiếm khuyết, yếu kém đó và gợi mở một số giải pháp khắc phục. Hiện tượng thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh bẩn ở các điểm du lịch mà báo chí nêu ra tưởng là nhỏ, nhưng lại là vấn đề lớn vì liên quan đến nhu cầu sinh hoạt cá nhân của mỗi người trên hành trình du lịch. Việc đáp ứng nhu cầu này ở nhiều điểm đến còn chưa tương xứng, làm giảm sự thích thú, thậm chí gây ấn tượng xấu cho du khách. Ngay cả việc tổ chức lễ hội nhằm giới thiệu những đặc trưng văn hóa của dân tộc với du khách cũng chứa đựng không ít biểu hiện tiêu cực, hạn chế. Báo chí đã nêu lên rất nhiều mặt trái của lễ hội như: mê tín dị đoan, đốt nhiều vàng mã, cúng lễ xô bồ, thương mại hóa lễ hội, chèo kéo du khách, một số trẻ nhỏ, cụ già chặn đường du khách để xin ăn; hiện tượng nâng giá, ép giá; mất trật tự xã hội; vệ sinh môi trường không bảo đảm... Báo chí cũng chỉ ra những lễ hội mới về du lịch ít sức sáng tạo, giống nhau gây tốn kém, lãng phí và hiệu quả rất thấp. Ðây không phải là 'vạch áo cho người xem lưng', mà cần dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật để cùng với các địa phương và ngành du lịch xây dựng điểm đến hoàn thiện, lịch sự, văn minh, có sức cuốn hút du khách trở lại nhiều lần. Báo chí đã và đang góp sức tích cực vào mục tiêu đó.

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới, ngành du lịch nước ta  đã 'hướng nội' tốt, duy trì được sự phát triển; đồng thời tìm mọi cách để giữ vững và tăng lượng du khách nước ngoài. Hiện nay, khi kinh tế thế giới đang dần dần hồi phục thì càng có điều kiện tăng số lượng du khách quốc tế đến nước ta. Ðể góp sức thúc đẩy mục tiêu quan trọng đó, ngành du lịch cần phối hợp tốt hơn với các phương tiện truyền thông đại chúng tăng cường công tác thông tin đối ngoại, trong đó hết sức coi trọng phản ánh những ý kiến, khen ngợi của du khách nước ngoài đã từng đi du lịch ở Việt Nam. Việc làm đó rất có sức thuyết phục và lan tỏa. Mặt khác, du lịch Việt Nam phải tìm mọi cách để thường xuyên có mặt trên các phương tiện thông tin đại chúng có uy tín trên thế giới. Muốn vậy, cần có nhiều đường tiếp cận, có thể tổ chức những sự kiện văn hóa du lịch ở các nước có nhiều khách du lịch đến Việt Nam; để từ đó tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí của nước ngoài có tư liệu tuyên truyền với phương châm 'trăm nghe không bằng một thấy'. Có thể mời phóng viên nước ngoài tham gia tuor du lịch Việt Nam, nhất là đến với các di sản được công nhận là di sản thế giới của nước ta. Có thể tổ chức tốt hơn việc tuyên truyền du lịch trên các phương tiện truyền thông. Chúng ta đã từng thấy tác động tích cực khi tuyên truyền văn hóa trên kênh CNN; rồi những dòng chữ quảng bá Hoàng Anh Gia Lai Việt Nam trên sân bóng A-xê-nan có giá trị và ý nghĩa thiết thực, nhằm tăng đáng kể lượng du khách quốc tế đến Việt Nam.

Thực tế đang ngày càng chứng minh, báo chí là người bạn đồng hành đáng tin cậy của ngành du lịch trên con đường phát triển./.

PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh

(Nguồn: Nhân dân)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất