Thứ Năm, 28/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 2/2/2011 9:55'(GMT+7)

Báo chí trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Xây dựng mối quan hệ giữa báo chí và những người chống tham nhũng

Tham nhũng là căn bệnh trầm kha, và cuộc đấu tranh chống tham nhũng không thể đi tới đích thắng lợi nếu thiếu đi những con người dũng cảm, dám dấn thân đương đầu với cái tiêu cực, cái xấu, cái ác. Những người tố cáo tham nhũng vừa là người cung cấp nguồn thông tin chính thống, vô cùng quý giá cho các cơ quan chức năng, cho báo chí và hơn thế họ còn là nhân chứng sống để phản biện, đối chất khi cần thiết. Đã từ lâu, mối quan hệ báo chí và người tố cáo tham nhũng đã hình thành một cách tự nhiên, hữu cơ, nhân quả. Ngoài hình thức đơn thư tố cáo tham nhũng được gửi đến các cơ quan có trách nhiệm từng cấp, rất nhiều đơn thư tố cáo vượt cấp đã xuất hiện khi không được giải quyết thỏa đáng ở cơ sở. Người tố cáo tham nhũng dưới nhiều phương cách khác nhau đã có sự kết nối bền chắc với các nhà báo trong cuộc đấu tranh này.

Khi nào người tố cáo tham nhũng muốn báo chí vào cuộc? Có hai tình huống thường xảy ra: Một là, ngay từ khi phát hiện cá nhân (hay tổ chức) có dấu hiệu tham nhũng hoặc thu thập được các chứng cớ tham nhũng, người chống tham nhũng sẽ liên hệ với một (hay vài) cơ quan báo chí để cùng hợp tác đấu tranh. Hai là, sau một thời gian tự mình phanh phui tham nhũng, người phát hiện, tố cáo tham nhũng gặp khó khăn, bị cản trở, đe dọa, uy hiếp đến tính mạng; bị đối tượng bị tố cáo gây cản trở trong công việc, họ mới nhờ cậy đến cơ các cơ quan báo chí bảo vệ mình trước dư luận và pháp luật. Trong cả hai trường hợp này báo chí đều có thể can dự một cách chính đáng và có trách nhiệm. Ngược lại, muốn có thông tin để triển khai đấu tranh chống tham nhũng, báo chí phải có nguồn tin thật sự tin cậy, bằng các nghiệp vụ báo chí của mình, nhà báo có thể xây dựng các “cộng tác viên đặc biệt” của mình, “nuôi” họ bằng cơ chế riêng của mình. Song, thực tế cho thấy, những người trực tiếp hay gián tiếp tham gia đấu tranh chống tham nhũng nên lựa chọn phương án kết hợp ngay từ đầu với các cơ quan báo chí. Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với báo chí sẽ mang lại kết quả khả thi hơn.

Từ trước đến nay, dường như chưa có cơ chế phối hợp giữa những người chống tham nhũng với các cơ quan báo chí, mà mới chỉ hình thành “cơ chế tự phát”, sáng tạo. Tuy nhiên, việc hình thành “đường dây nóng” của các cơ quan báo chí, các cơ quan chức năng cũng phần nào giúp cho cá nhân chống tham nhũng có thêm sự tự tin vào những quyết định không dễ dàng của mình. Báo chí không tự mình có được tất cả các tư liệu, chứng cứ về hành vi tham nhũng mà nhất định phải dựa vào những “cộng tác viên” của mình. Xét cho cùng họ cũng là những người bạn đồng hành trong cuộc đấu tranh này, nhưng có thể ẩn phía sau cuộc chiến. Xây dựng mối quan hệ chiến lược giữa báo chí và người tố cáo tham nhũng thông qua cơ chế cụ thể; thể hiện bằng các văn bản pháp quy cần sớm được xây dựng và ban hành. Cá nhân chống tham nhũng phải “tựa” lưng vào báo chí cũng, như báo chí phải khơi dậy, nuôi dưỡng tinh thần chống tham nhũng của mọi tầng lớp nhân dân, coi những người dám đương đầu với tham nhũng, dũng cảm tố cáo tham nhũng là những hạt nhân tích cực, cộng tác viên “ruột” của mình. Và đương nhiên, bằng mọi cách phải bảo vệ họ trước sự tấn công của kẻ tham nhũng. Mối quan hệ hữu cơ, nhân quả ấy đã bắt đầu hình thành nhưng chưa thật sự có cơ sở pháp lý bền chặt, vững chắc. Sức lan tỏa mạnh mẽ của cuộc đấu tranh còn khiêm tốn bởi không phải cá nhân, hay bất cứ cơ quan báo chí nào cũng dám dấn thân vào cái việc mà người đời thường khuyên “được vạ má sưng”, “đám ăn tìm đến, đám đòn tìm đi” là thế.

Những biện pháp để báo chí bảo vệ người tố cáo tham nhũng

Những năm qua, nhất là từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP về Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến 2010, khi nhận được sự hợp tác từ phía những người chống tham nhũng, đa phần các cơ quan báo chí đều sốt sắng tham gia. Trong rất nhiều vụ việc, khi thấy tính chất nghiêm trọng (vụ việc lớn, có ảnh hưởng xấu đến uy tín Đảng, Nhà nước, để lại hậu quả nghiêm trọng về mặt kinh tế, chính trị, xã hội) gây bức xúc trong xã hội, báo chí đều tỏ thái độ bênh vực đến cùng, sẵn sàng bảo vệ người tố cáo tham nhũng đúng pháp luật. Có thể hình dung đấu tranh chống tham nhũng cũng khó khăn như đánh giặc. Kẻ thù luôn lắm mưu, nhiều kế, thủ đoạn tinh vi và liều lĩnh, sẵn sàng trả đũa khi bị tấn công, cản bước tiến của chúng. “Giặc” tham nhũng (giặc nội xâm) thường biết dựa vào các thế lực “bợ đỡ” chúng. Kẻ tham nhũng nếu có thế (ô dù), có lực (chức tước, địa vị, tiền của) lại càng không dễ tiêu diệt. Vì thế, tổ chức chống tham nhũng, đôi khi, trong một số trường hợp cụ thể được xem như là tổ chức một trận đánh trong quân sự, cũng yêu cầu phải có lớp lang, bài bản: trinh sát nắm tình hình, đánh giá phân tích, dự báo các tình huống có thể diễn ra, xây dựng quyết tâm trên cơ sở chuẩn bị lực lượng, vạch kế hoạch tác chiến, chọn thời điểm tiến hành trận đánh.

Nhiều cơ quan báo chí đã chủ động phát hiện vấn đề tiêu cực, tổ chức khai thác thông tin, xây dựng mạng lưới “cộng tác viên” theo kiểu đặc tình. Khi đã chín mùi, họ sẽ đưa thông tin lên báo chí. Những cộng sự của báo chí xét cho cùng cũng là những người chống tham nhũng. Vụ phanh phui tiêu cực về đất đai ở thị xã Đồ Sơn (Hải Phòng) cách đây vài năm do ông Đinh Đình Phú, đại tá công an (đã nghỉ hưu) kết hợp chặt chẽ với một nữ phóng viên, có sự hỗ trợ tiếp sức, chia lửa, bảo vệ đến cùng của các phương tiện truyền thông, đã mang lại kết quả đúng như mong đợi. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng này để lại nhiều bài học quý về việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Ở đây, chủ thể tố cáo vốn là một cán bộ công an có nghiệp vụ, nắm vững pháp luật, được hậu thuẫn, đồng tình rất lớn từ phía cán bộ, nhân dân địa phương. Nhiều vụ tham nhũng lớn liên tiếp được báo chí và một số cá nhân tố cáo ở Tổng công ty Dầu khí, tổng công ty Hàng không, tổng công ty Thủy sản… rồi vụ PMU18 cũng được xem là “trận đánh” lớn, có sự tham gia đắc lực của báo chí. Chưa khi nào, chưa bao giờ, chống tham nhũng nhận được sự dõi theo, ủng hộ từ báo chí và được sự chia sẻ của nhân dân lớn đến như vậy. Các vụ án này đã cung cấp bài học quý về công tác bảo vệ những người tố cáo tham nhũng. Thiết lập mối quan hệ chặt chẽ trên cơ sở nguyên tắc đấu tranh theo luật pháp, có tổ chức, có bài bản mới giúp cho việc hợp đồng tác chiến nhịp nhàng, đạt hiệu quả như mong muốn.

Báo chí chống tham nhũng thông qua việc bênh vực lẽ phải cho người chống tham nhũng, đã trở thành công việc thường nhật của không ít cơ quan báo chí. Nói đến việc này cần ghi nhận, nêu gương các cơ quan báo chí đi đầu, trong đó nổi bật lên là báo Pháp luật TpHCM (Sở Tư pháp TpHCM). Trước khi Quốc hội ban hành Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN), Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về đấu tranh PCTN, báo đã có nhiều bài viết điều tra về các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Từ năm 2002 khi Quốc hội sửa đổi Bộ Luật Tố tụng Hình sự, sửa đổi Luật Báo chí, báo chí đã có nhiều bài viết bàn về cơ chế bảo vệ người tố giác, bảo vệ nguồn tin. Một số báo đài cũng đã có nhiều đóng góp trong cuộc đấu tranh và bảo vệ người tố cáo tham nhũng, tiêu biểu như Nhân dân, Quân đội nhân dân, Sài gòn giải phóng, Tuổi trẻ, Tiền phong, Thanh niên, Đại đoàn kết, Cựu chiến binh, Người cao tuổi, Đài truyền hình VN, Đài Tiếng nói VN, Văn nghệ Trẻ, Công an nhân dân, Công an TpHCM… thậm chí có cả những tờ tạp chí, báo chí điện tử cũng tích cực phát hiện và góp tiếng nói bảo vệ người chống tham nhũng. Trong bối cảnh chung là các cơ quan chức năng chưa thực sự quan tâm tới công tác PCTN, đâu đó vẫn chưa thiện cảm, hay soi xét động cơ của những người tố giác tham nhũng, các báo vẫn tìm đến gương sáng, kinh nghiệm tốt trong công tác PCTN. Tôn vinh, biểu dương khen thưởng kịp thời các cá nhân có thành tích trong cuộc đấu tranh này cũng là một cách bảo vệ họ. Tuy vậy, trên thực tế, số các cơ quan báo chí tham gia đến cùng vụ việc tiêu cực, tham nhũng và bảo vệ người tố cáo chống tham nhũng chưa nhiều. Việc khen thưởng thích đáng cho những lực lượng có thành tích trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng là rất cần thiết nhưng phải được xem xét kỹ, thận trọng để khen cho đúng và trúng đối tượng, tránh để sai sót, thiếu công bằng hay khen thưởng không tương xứng với thành tích mà họ đạt được.

Xây dựng lực lượng “nòng cột” chống tham nhũng ở các bộ, ngành trung ương

Mặc dù đã có những chuyển biến bước đầu tích cực nhưng năm 2010, tội phạm tham nhũng vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong số các vụ án tham nhũng bị khởi tố; cả nước mới chỉ có 25 cơ quan, tổ chức, đơn vị tự phát hiện được tham nhũng. Điều này càng cho thấy, nếu không có những người dám đương đầu tố cáo và chống tham nhũng, nếu không có báo chí đồng hành, giám sát, kiểm tra, phát hiện tiêu cực, tham nhũng thì khó có thể phát hiện và từng bước đẩy lui quốc nạn này. Đây được coi là hai lực lượng chủ công, rường cột của cuộc đấu tranh này. Báo chí đã đề cao trách nhiệm hỗ trợ, sẻ chia những khó khăn của các cá nhân chống tham nhũng; nhân rộng các tấm gương sáng giữa đời thường; phổ biến giáo dục cho xã hội một triết lý tưởng như quá quen thuộc: mình vì mọi người, sống vì lý tưởng cao đẹp. Báo chí phát hiện và phản ánh những kinh nghiệm quý được đúc rút từ các cuộc đấu tranh chống tham nhũng thành công và chưa thành công. Qua giám sát cho thấy, các vụ tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu ở cấp cơ sở; số người bị phát hiện được và bị khởi tố ở cấp trung ương là rất ít, nhưng số tiền bị chiếm đoạt lại rất lớn. Bởi vậy, trong hoạt động phòng chống tham những các cơ quan chức năng như Bộ Công an, Bộ Nội vụ, lãnh đạo các bộ, ngành ở trung ương cũng phải đồng hành, “vào cuộc” mới có thể giành thắng lợi.

Xây dựng và hoàn thiện thể chế về PCTN

Trong các năm 2004-2006 báo chí (nhất là báo chí khối chính trị, nội chính, trong đó đi tốp đầu là báo Pháp luật Tp. HCM) đã bám sát thông tin, tuyên truyền về quá trình xây dựng Luật PCTN, có nhiều kỳ báo giới thiệu, phân tích các nội dung mới, có tính chiến đấu cao của nghị quyết Trung ương 3 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PCTN và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”. Nghị quyết này với nhiều nội dung lớn đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự trong công cuộc PCTN. Sau khi có Luật PCTN và Nghị quyết Trung ương 3, báo chí đã có nhiều bài viết bám sát quá trình triển khai luật, nghị quyết. Báo chí đã phản ánh những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, như việc Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về PCTN vừa ra mắt đã “ngập đầu” trong đơn thư khiếu tố. Hay như nhiều khó khăn, lúng túng trong thực hiện kê khai tài sản của cán bộ, công chức, người có chức vụ quyền hạn theo Luật PCTN và Nghị định của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập. Báo chí cũng đi sâu phân tích những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Quy chế về tặng quà, nhận quà tặng của Chính phủ…

Báo chí bám sát kết quả thực hiện Luật PCTN hàng năm của Chính phủ, kết quả giám sát của Quốc hội về thực hiện Luật PCTN, cũng như việc sơ kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 3. Qua đó có nhiều bài viết phân tích sâu về hiện tượng số lượng vụ án được phát hiện, khởi tố mới giảm liên tục từ 2008 đến nay…Báo chí cũng phản ánh những vướng mắc của các cơ quan tố tụng trong việc phát hiện, xử lý án tham nhũng, trong đó có cả những vướng mắc trong thực hiện cơ chế báo cáo cấp ủy trước khi khởi tố cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý. Việc hoàn thiện thể chế về PCTN xét ở góc độ nào đó cũng góp phần gián tiếp tạo điều kiện, hỗ trợ công tác PCTN nói chung và người tố cáo tham nhũng có những cơ sở pháp lý để đấu tranh PCTN có hiệu quả hơn.

Đây là một nội dung rất quan trọng cần phải được quan tâm nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị với Chính phủ sớm ban hành cơ chế này nhằm bảo vệ có hiệu quả, dễ thực thi đối với người tố cáo tham nhũng.

Thực tế cuộc đấu tranh chống tham nhũng thời gian qua cho thấy, nếu thế giới đã có quy định rõ việc nhà báo có quyền từ chối cung cấp nguồn tin, được phép bảo vệ đến cùng nguồn tin, thì ở ta chuyện này, trong một số vụ việc cụ thể lại buộc phải chứng minh rõ nguồn gốc tư liệu, thông tin có được. Ví như, ở ta có quy định: khi để xử lý tội phạm nghiêm trọng (dự kiến mức án 5 năm trở lên), chánh án tòa án, viện trưởng viện kiểm sát tỉnh mới được hỏi nguồn tin của báo chí sử dụng; song lại có những trường hợp có những lực lượng được hỏi nhà báo nguồn tin như công an, ủy ban nhân dân, chính quyền… Điều này cho thấy, người làm báo, khi chưa có Luật tiếp cận thông tin thì việc tìm kiếm, khai thác, xử lý và công khai thông tin trên báo chí đang gặp không ít trở ngại; nay lại càng khó khăn hơn khi phải trung thực khai ra người cung cấp thông tin cho mình.

Để tạo điều kiện tốt nhất cho nhà báo hoạt động, song hành với Luật Báo chí, Đảng đã ban hành một hệ thống các văn bản về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý báo chí. Nó được coi là cơ sở pháp lý quan trọng cho quá trình tác nghiệp, hành nghề của các nhà báo. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Quy định về việc chỉ đạo, định hướng chính trị, tư tưởng, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trong nội dung thông tin của báo chí (Ban hành kèm theo Quyết định số 157-QĐ/TƯ ngày 29/4/2008) nhằm định hướng báo chí thông tin đúng đắn, chính xác, kịp thời các vấn đề chính trị, tư tưởng theo quy định của pháp luật và quy định của Đảng, phù hợp với lợi ích của đất nước, của Đảng. Các Văn bản đó giải thích rõ các khái niệm, như “vấn đề quan trọng”, “phức tạp, nhạy cảm” theo cách định tính, định lượng để những người làm báo dễ hiểu hơn khi tiếp cận thông tin và xử lý thông tin đăng, phát trên báo chí.

Bên cạnh những thuận lợi, những năm gần đây, hoạt động tác nghiệp của các nhà báo còn gặp những khó khăn như tiếp cận thông tin, bị cản trở ở nhiều mức khác nhau: từ chối hợp tác, đe dọa tính mạng, hành hung gây thương tích, uy hiếp tinh thần, trả thù… Nhất là trên lĩnh vực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực xã hội, nhà báo phải đối mặt với hiểm nguy, trong những hoàn cảnh ấy, đôi khi người làm báo cảm thấy lo lắng, đơn thương, độc mã, mặc cảm, tủi thân khi bị chèn ép, thậm chí tấn công vô cớ. Điều này cho thấy người làm báo và người tố cáo tham nhũng, tiêu cực dễ có sự đồng cảm với nhau khi họ cùng hướng đến cái đích cao cả phục vụ cho xã hội, đất nước bằng những việc làm tốt đẹp - đẩy lui cái xấu, cái ác ra khỏi đời sống xã hội.

Sát cánh cùng nhà báo chống tham nhũng tiêu cực, các cơ quan quản lý nhà nước- Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo VN, Ban Tuyên giáo Trung ương đều có ý kiến đồng thuận, kiên quyết làm sáng tỏ các vụ việc đã được công khai trong dư luận và nhất là trên các phương tiện truyền thông. Cho dù chưa có kết quả điều tra cuối cùng nhưng các nhà báo, những cơ quan báo chí tích cực tham gia cuộc đấu tranh chống tham nhũng sẽ không bao giờ đơn độc. Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn là chỗ dựa tin cậy, vững chắc để họ vững tin khi tác nghiệp gặp khó khăn, hiểm nguy.

Và hơn thế, trong tương lai, Luật tiếp cận thông tin ra đời tạo thêm điều kiện thuận lợi để các nhà báo hành nghề. Sự tham gia có tính trực tiếp của luật pháp hiện hành, trong đó có bộ luật hình sự, hình thành cơ chế thống nhất, hành lang pháp lý sẽ bảo vệ hữu hiệu quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà báo trong quá trình tác nghiệp. Bảo vệ sự nghiệp báo chí cách mạng, cụ thể hơn là bảo vệ nhà báo trong quá trình tác nghiệp (nhất là các hoạt động điều tra chống tiêu cực, tham nhũng) phụ thuộc trước hết vào các quy định của luật pháp đối với họ - với hai tư cách: công dân và nhà báo. Tiếp đó, phụ thuộc vào ý thức chủ quan của nhà báo, phải biết tự bảo vệ mình bằng sự dũng cảm, khôn khéo, nắm vững pháp luật. Một yếu tố khác tưởng như vô hình, đó là cái tâm của những người thực thi nhiệm vụ bảo vệ pháp luật. Bảo vệ nhà báo chân chính, bảo vệ công cụ của Đảng và Nhà nước vì mục tiêu cao cả xây dựng cái chân, thiện, mỹ là bảo vệ, cái đẹp, đẩy lui cái xấu ra khỏi đời sống xã hội, vì sự phát triển của đất nước, dân tộc./.

Nguyễn Văn Hùng

Vụ Báo chí - Xuất bản


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất