2009 là năm Báo chí Việt Nam đã có nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền, với chức năng là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn đã khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên VnMedia.
- Thứ trưởng có thể đánh giá tình hình hoạt động của lĩnh vực Báo chí trong một năm qua của ngành Thông tin và Truyền thông?
Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: Năm 2009 là một năm đất nước ta cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đã chịu sự tác động rất mạnh, sâu sắc của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là suy thoái kinh tế. Điều đó cũng đã ảnh hưởng đến hoạt động báo chí nói chung như giá giấy tăng, quảng cáo cũng khó khăn, số lượng báo phát hành hạn chế.
Nhưng có thể nói, các cơ quan báo chí cũng đã cố gắng vượt qua khó khăn để ổn định hoạt động và nhất là thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị. Với chức năng là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị và là diễn đàn của nhân dân, báo chí đã làm tốt nhiều việc.
Trước hết, trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, báo chí đã đồng hành cùng với toàn xã hội làm tốt công tác tuyên truyền, tạo ra sự đồng thuận trong nhận thức, tư tưởng và trong hành động. Chính điều đó đã góp phần thực hiện tốt những nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ đã đề ra.
Thứ hai, báo chí cũng góp phần rất tích cực trong việc tuyên truyền các giải pháp, hệ thống giải pháp của Chính phủ trong điều hành nền kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính tiền tệ trong bối cảnh lạm phát đầu năm, suy thoái cuối năm. Những giải pháp đó đã được tuyên truyền có hiệu quả, góp phần ổn định nền kinh tế vĩ mô, giữ vững thị trường tài chính tiền tệ, bảo đảm an sinh xã hội. Đó là kết quả quan trọng của hoạt động báo chí.
Thứ ba đó là hoạt động báo chí trong năm 2009 đã cố gắng thực hiện đúng các quy định của pháp luật và định hướng của Đảng, Chính phủ thông qua cơ quan chức năng. Điều này thể hiện ý thức, nhận thức của đội ngũ người làm báo và cơ quan báo chí trong việc thực hiện các nhiệm vụ của mình. Một điều có thể nói cũng được đánh giá cao đó là tình hình vi phạm của báo chí trong năm 2009 giảm hẳn so với năm 2008. Ở tất cả các loại hình báo chí đều giảm hơn 50%. Đó là một kết quả thể hiện cố gắng rất lớn.
Điểm nữa đó là báo chí đã góp phần tuyên truyền có hiệu quả và xử lý tốt công tác thông tin tuyên truyền đối với những lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, đấu tranh chống các luận điệu sai trái, các âm mưu của các thế lực thù địch, những vấn đề lợi dụng tôn giáo để gây rối… Báo chí đã góp phần tạo ra một dư luận chung hết sức có hiệu quả.
Điểm thứ năm đó là báo chí cũng tham gia tích cực trong hoạt động mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế và thông tin tuyên truyền đối ngoại, mở rộng quan hệ đối ngoại.
Điểm không thể không nói đến mà báo chí đã tuyên truyền tốt đó là công tác phòng chống thiên tai dịch bệnh, an toàn giao thông. Đặc biệt, ngoài những việc làm này, báo chí còn làm tốt việc tuyên truyền các hoạt động từ thiện, góp phần tích cực trong việc giúp cho nhân dân ở những nơi gặp khó khăn, thiên tai thảm hoạ… khắc phục, kêu gọi sự quan tâm của các tổ chức, nhân dân trong nước và cả thế giới.
Đó là những vấn đề lớn mà báo chí đã đạt được trong năm 2009.
- Nhìn nhận lại một năm hoạt động của ngành, sự kiện nào khiến Thứ trưởng cảm thấy vui nhất và sự kiện nào cảm thấy thất vọng nhất?
Tôi nghĩ rằng những vấn đề vừa nêu ở trên đều hết sức quan trọng đối với chức năng, nhiệm vụ mà những người làm báo chí đã được giao phó. Đây là sự đóng góp, nỗ lực rất lớn. Còn ngược lại, chúng ta cũng không nên nói là thất vọng. Kể cả khi còn khuyết điểm trong hoạt động báo chí, còn vi phạm thì vẫn hy vọng chúng ta sẽ khắc phục và vượt qua.
Bất kỳ hoạt động nào bên cạnh những mặt tích cực cũng còn những mặt hạn chế. Vấn đề quan trọng nhất là chúng ta có thấy được khuyết điểm hay không, có đủ can đảm, bản lĩnh để khắc phục hay không.
Tôi không bao giờ nói thất vọng. Kể cả một cá nhân nào đó khi vi phạm, mắc khuyết điểm cũng không nói thất vọng mà mình vẫn luôn luôn hy vọng họ sẽ vượt qua và vươn lên. Hơn nữa đây là một nền báo chí cách mạng, trong quá trình phát triển, chúng ta có thể thực sự tin tưởng và hy vọng sẽ tiếp tục phát triển tốt, với những chuyển biến rất tích cực.
- Thứ trưởng có thể chia sẻ, trong năm 2010, công tác quản lý báo chí được Bộ Thông tin và Truyền thông định hướng như thế nào?
Thứ nhất là phải tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật. Phải rà soát xem tất cả các lĩnh vực, những chỗ nào còn thiếu thì bổ sung, hoàn chỉnh để phục vụ cho quản lý.
Thứ hai, hiện nay báo chí chúng ta có nhiều mô hình khác nhau về kinh tế báo chí nên phải nghiên cứu để có những cơ chế, chính sách cho hoạt động phù hợp cho sự phát triển.
Thứ ba là phải có quy hoạch tổng thể, tầm nhìn ít nhất từ nay đến 2020 cho Báo chí Việt Nam.
Thứ tư, cố gắng làm sao phải xây dựng một mô hình báo chí hiện đại với một đội ngũ làm báo, phương thức làm báo chuyên nghiệp để trở thành một nền báo chí chuyên nghiệp.
Một điểm mà hoạt động báo chí 2010 phải chú trọng nhất đó là báo chí phải đồng hành với sự phát triển của đất nước, bám sát các sự kiện, nhiệm vụ chính trị lớn của đất nước, những chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước để phản ánh. Đó là những nhiệm vụ cơ bản nhất để phác hoạ những bức tranh báo chí năm 2010.
Trong xã hội bao giờ cũng có những gam màu khác nhau nhưng gam màu sáng luôn đóng vai trò chủ đạo, phải lấy cái tốt để đẩy lùi cái xấu, bảo đảm nội dung tuyên truyền, cân đối các mặt khác nhau. Để làm được điều đó chúng ta phải quan tâm đào tạo. bồi dưỡng nguồn nhân lực, đội ngũ làm báo.
Và điều cuối cùng, cần phải tăng cường công tác thanh, kiểm tra, khen chê, xử phạt phải nghiêm minh, minh bạch để tạo ra được những chuyển biến tốt hơn nữa trong hoạt động báo chí.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Thuỷ Nguyên - VnMedia