Thứ Bảy, 28/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 29/1/2010 21:28'(GMT+7)

Quyền thông tin: Biện pháp chống tham nhũng hiệu quả

Phóng viên báo chí tác nghiệp (Ảnh minh hoạ).

Phóng viên báo chí tác nghiệp (Ảnh minh hoạ).

Tham nhũng từ lâu đã được coi là một loại tệ nạn diễn ra ở tất cả các quốc gia không phân biệt chế độ chính trị - xã hội, không kể giàu nghèo, trình độ phát triển kinh tế cao hay thấp. Tham nhũng len lỏi vào mọi mặt đời sống xã hội gây ra những hậu quả hết sức tai hại về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, làm giảm hiệu quả của bộ máy nhà nước, làm xói mòn đạo đức, phẩm giá con người, gây cản trở sự đi lên và phát triển của xã hội. Ở nước ta, mặc dù Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đã thể hiện quyết tâm rất cao trong việc phòng chống tham nhũng, nhưng tình trạng tham nhũng vẫn diễn ra hết sức phức tạp. Để ngăn chặn tình trạng tham nhũng Đảng, Nhà nước ta cũng đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp kiên quyết để đấu tranh có hiệu quả tệ nạn này. Nhà nước đã tiến hành sửa đổi Bộ Luật dân sự, ban hành nhiều pháp lệnh liên quan đến chống tham nhũng, chống lãng phí, cải cách thủ tục hành chính và đặc biệt là Bộ Luật Chống tham nhũng cũng đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực… tất cả những nỗ lực đó nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý vững chắc cho việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống tham nhũng.

Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, để đấu tranh chống tham nhũng một cách hiệu quả cần đảm bảo thực hiện quyền thông tin của công dân. Ở nước ta, quyền thông tin là quyền hiến định đã được quy định trong Hiến pháp. Quyền này được hiểu là quyền được nhận tin và truyền tin theo quy định của pháp luật. Đảm bảo và thực hiện một cách có hiệu quả, quyền thông tin của công dân là nhân tố quan trọng hỗ trợ mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội. Bởi vậy, Nhà nước ta luôn coi thông tin là yếu tố quan trọng đảm bảo sự thành công của chiến lược phát triển đất nước. Phụ thuộc vào tính chất, phạm vi áp dụng của từng luật mà quyền thông tin của nhân dân được quy định ở mức độ khác nhau. Một trong những văn bản quan trọng cụ thể hoá quyền thông tin của công dân là Luật Báo chí, quy định cụ thể nhất, đầy đủ nhất.

Như chúng ta đã biết, báo chí ra đời do nhu cầu thông tin, do yêu cầu phát triển của xã hội; báo chí tạo dư luận xã hội phục vụ sự phát triển của xã hội theo định hướng của giai cấp cầm quyền. Do đó, chức năng chính và hàng đầu của báo chí là chức năng thông tin. Chức năng này đảm bảo một cách rộng rãi, thường xuyên nhất quyền thông tin của con người. Ở Việt Nam, báo chí không chỉ là cơ quan của Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị, tổ chức xã hội, nghề nghiệp… mà còn là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Báo chí tuyên truyền phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, thành tựu văn hoá, khoa học, kỹ thuật trong nước và thế giới theo tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí; góp phần nâng cao kiến thức, đáp ứng nhu cầu văn hoá lành mạnh của nhân dân, bảo vệ truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát triển dân chủ xã hội, tăng cường đoàn kết toàn dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ tổ quốc. Nhân dân có quyền cung cấp, tiếp nhận các thông tin mà mình quan tâm qua các chương trình thông tin đại chúng.

Sự quản lý báo chí bằng pháp luật ở Việt Nam là sự đảm bảo quyền thông tin của người dân cũng như những hoạt động báo chí của các nhà báo. Chính sự quản lý bằng pháp luật đã làm cho trách nhiệm cung cấp thông tin cho công chúng của các cơ quan công quyền ở Việt Nam được nâng cao. Nhiều việc làm cụ thể đã được triển khai để đảm bảo trên thực tế quyền được thông tin của nhân dân.

Ngoài Luật Báo chí, quyền thông tin của công dân còn được cụ thể hoá trong Luật Công đoàn, Luật Thống kê, Luật đất đai, Luật Tố tụng, Luật Xuất bản, Quy chế Dân chủ, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thương mại… Đối với người phạm tội, khai báo trước cơ quan điều tra cũng là một hình thức cung cấp thông tin. Người có hành vi tham nhũng nhưng đã chủ động khai báo, tích cực hạn chế thiệt hại do hành vi sai trái của mình gây ra, nộp lại tài sản đã tham nhũng thì tuỳ từng trường hợp mà được xem xét giảm nhẹ hoặc miễn giảm xử lý kỷ luật, giảm nhẹ hình phạt hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Người có hành vi tham nhũng mà dùng thủ đoạn xảo quyệt để che dấu hành vi vi phạm, cản trở cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc phát hiện, xử lý thì cũng sẽ bị nghiêm trị. Công dân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng, tham gia phòng ngừa đấu tranh chống tham nhũng. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng khi người đó bị đe doạ, trả thù, trù dập… Cơ quan, các tổ chức hữu quan có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu và thực hiện yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong quá trình thanh tra, xử lý người có hành vi tham nhũng.

Thông tin cho công chúng về thực trạng, nguyên nhân, các giải pháp phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên của toàn xã hội trong đó báo chí giữ vai trò quan trọng. Thực hiện vai trò cầu nối giữa công chúng với cơ quan lãnh đạo, quản lý, báo chí phải thường xuyên được cung cấp thông tin về tham nhũng và chống tham nhũng. Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các tổ chức có quyền, nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí, giúp báo chí thông tin chính xác, kịp thời và chịu trach nhiệm pháp luật về nội dung thông tin đó. Đối với những vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử thì các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền không cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng báo chí có quyền thông tin theo các tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung đã thông tin. Báo chí cũng có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện Kiểm sát nhân dân hoặc Chánh án toà án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng.

Một biện pháp thông tin về tham nhũng và chống tham nhũng nhằm phát huy vai trò công chúng trong phòng, chống tham nhũng mà báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên sử dụng là đi sâu vào phân tích rõ bản chất, đặc điểm, các hình thức, mánh khoé, thủ đoạn của các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, quan liêu... Biện pháp này đặc biệt có hiệu quả vì nó đã giúp cho nhân dân nhận diện một cách chính xác và đầy đủ để từ đó có thái độ và hành động đúng đắn, tích cực trong phòng chống tham nhũng. Có thể nói rằng, báo chí đã thể hiện vai trò tiên phong trong tuyên truyền, vận động, phát huy mạnh mẽ vai trò công chúng trong phòng ngừa, ngăn chặn, bài trừ và đấu tranh chống tham nhũng. Báo chí nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật để vạch trần, phơi bày mọi hành vi tham nhũng trước dư luận xã hội và ánh sáng công lý. Trước sự bảo hộ của pháp luật, các nhà báo đã dũng cảm vượt mọi khó khăn, nguy hiểm để có được những thông tin kịp thời mang tính phát hiện về tình hình tham nhũng và cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Đội ngũ báo chí đã dũng cảm tấn công vào tội phạm tham nhũng, nhiều khi còn phải trả giá bằng cả tính mạng để vạch trần chân tướng và những hành vi tham nhũng của từng đối tượng, vụ việc cụ thể thể hiện tinh thần trách nhiệm xã hội của công dân, của người làm báo trong công cuộc đấu tranh loại trừ cái xấu, tiêu cực trong xã hội.

Có thể nói việc thông tin chính xác, kịp thời, nghiêm minh về các hành vi tiêu cực tham nhũng trên diễn đàn công luận đã góp phần đưa ra xét xử nhanh chóng trước pháp luật có ý nghĩa hết sức to lớn trong việc củng cố niềm tin trong nhân dân. Nhờ báo chí mà nhiều vụ tiêu cực được phanh phui được các cơ quan chức năng xem xét và xử lý kịp thời. Hàng trăm vụ tham nhũng, buôn lậu, cờ bạc, tệ nạn xã hội đã được đưa ra ánh sáng, mà điển hình nhất trong thời gian gần đây là Vụ án tham nhũng chiếm đoạt đất công tại Đồ Sơn, Vụ án tham nhũng tại PMU18…và hàng loạt những vụ phạm tội về kinh tế, hình sự được báo chí thông tin đến các nhà lãnh đạo, quản lý và đông đảo quần chúng nhân dân buộc kẻ phạm tội phải nhận sự trừng trị nghiêm minh của pháp luật.

Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng quyền thông tin mà trong đó báo chí là lực lượng xung kích, luôn đi đầu trong đấu tranh, không những đã góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực mà còn phát hiện, dũng cảm đưa ra công luận nhiều vụ việc cần được xử lý, góp phần làm lành mạnh xã hôi, củng cố niềm tin của nhân dân. Phát huy tính dân chủ, huy động sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân trong công cuộc phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng. Bởi dân chủ là nền tảng của xã hội. Một xã hội dân chủ sẽ luôn phát triển vững mạnh. Thực hiện quy chế dân chủ gắn liến với sự minh bạch hoá và công khai hoá sẽ giảm thiểu tình trạng tham nhũng, bên cạnh đó lại được gắn chặt với quyền thông tin quyền tiếp cận thông tin sẽ tạo ra sự công bằng trong xã hội, và xã hội văn mình trong thời đại mới…/.

Quỳnh Chi

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất