(TCTG) - Từ hiệu quả của phương thức đối thoại trực tiếp với dân để giải quyết những vấn đề gây bức xúc trong nhân dân, thành phố Kon Tum đã phát huy được tính dân chủ trong dân, hạn chế được tình trạng khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo vượt cấp, kéo dài, qua đó làm tốt công tác tư tưởng ổn định xã hội, xây dựng được niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và cấp uỷ, chính quyền địa phương.
Thành phố Kon Tum là trung tâm chính trị, kinh tế - văn hoá của tỉnh Kon Tum với dân số trên 140 ngàn người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 28%. Đây là một thành phố "trẻ" - mới được công nhận từ tháng 4/2009 - hiện có 21 đơn vị hành chính xã, phường với 179 thôn, làng, tổ dân phố.
Đặc điểm dân cư của thành phố là sự sinh sống đan xen giữa các thành phần dân tộc, tôn giáo trên cùng một địa bàn, đây vừa là yếu tố thuận lợi cho sự giao lưu, trao đổi văn hoá, kinh tế và xây dựng tình đoàn kết thống nhất trong cộng đồng dân cư, nhưng cũng có mặt trái là do sự khác biệt về phong tục, tập quán, quan niệm sống, lợi ích... nên thường xảy ra những mâu thuẫn nội bộ, gây ảnh hưởng đến tình đoàn kết cộng đồng, qua đó tác động xấu đến tình hình trật tự xã hội ở địa phương.
Bên cạnh đó, là một thành phố "trẻ" nên hiện nay Kon Tum đang trong giai đoạn xây dựng, củng cố, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng. Nhiều công trình, dự án của địa phương và Trung ương đang được triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố, như đường Hồ Chí Minh đoạn qua thành phố Kon Tum; các khu, cụm công nghiệp; các khu đô thị, khu dân cư và hệ thống đường giao thông tỉnh lộ, thành lộ... Theo thống kê sơ bộ, hiện thành phố có hơn 100 dự án về cơ sở hạ tầng đang được triển khai quy hoạch, xây dựng và hoàn thiện. Các dự án này vừa góp phần vào việc nâng cấp đô thị, cải thiện dân sinh, thúc đẩy kinh tế- xã hội của thành phố, nhưng đồng thời cũng tác động ảnh hưởng đến lợi ích của gần 7 ngàn hộ dân do bị di dời, giải toả để thu hồi đất đai...
Từ những đặc điểm trên, nên thành phố Kon Tum được xem là nơi tập trung nhiều vấn đề, vụ việc phức tạp liên quan đến mối quan hệ giữa dân với dân; giữa người dân với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng… khiến tình hình tư tưởng, tâm trạng trong xã hội khá phức tạp. Trong năm 2009, chính quyền thành phố đã tiếp nhận 231 đơn thư khiếu nại, tố cáo (tăng hơn 99% so với năm 2008) với những nội dung liên quan đến vấn đề đất đai, đền bù, môi trường, nhà cửa, tiêu cực trong cán bộ, công chức...
Với những đặc điểm về tình hình kinh tế - xã hội như vậy, cấp uỷ, chính quyền và các lực lượng chức năng của thành phố Kon Tum đã xác định: Việc tổ chức đối thoại trực tiếp với dân là phương thức tốt nhất để ổn định tâm trạng tư tưởng trong xã hội.
Để đối thoại trực tiếp với dân, chính quyền thành phố đã xây dựng kế hoạch tiếp dân định kỳ hàng tháng và đột xuất (khi có vấn đề). Lịch tiếp công dân định kỳ, được tổ chức 4 lần/tháng; thành phần tiếp dân bao gồm lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn của thành phố, như đất đai, môi trường, y tế giáo dục, đô thị, thuế... và do đích thân chủ tịch hoặc phó chủ tịch thành phố chủ trì đối thoại. Tại các buổi đối thoại trực tiếp này, người dân được bày tỏ quan điểm, ý kiến và nội dung khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo và những tâm tư, nguyện vọng của mình của mình một cách dân chủ, thẳng thắn trước các vấn đề hiện đang gây bức xúc, lo lắng trong xã hội và liên quan đến lợi ích của nhân dân, như vấn đề đất đai, đền bù, môi trường, trật tự an toàn xã hộitiêu cực trong cán bộ, công chức...
Với tinh thần cầu thị, cởi mở, tôn trọng nhân dân, chính quyền địa phương đã lắng nghe và tiếp thu nghiêm túc những ý kiến, quan điểm và những nguyện vọng chính đáng của người dân. Những vụ việc, vấn đề mà người dân phản ảnh, yêu cầu tại buổi đối thoại trực tiếp, nếu xét thấy có thể trả lời hoặc giải quyết ngay, chủ tịch thành phố kết luận trả lời, giải quyết tại buổi đối thoại, còn đối với những vụ việc, vấn đề cần có thời gian để xác minh, làm rõ, chủ tịch thành phố giao cho các cơ quan chức năng tiếp thu, hẹn thời gian cụ thể giải quyết cho dân. Còn đối với những vấn đề, vụ việc mà người dân yêu cầu, phản ảnh không đúng với các quy định của pháp luật, không đúng với chế độ, chính sách, không đúng sự thật và khiếu nại, tố cáo không đúng với cấp thẩm quyền... do người dân hạn chế kiến thức pháp luật, thì được tuyên truyền, giải thích rõ ràng trên tinh thần tôn trọng, cởi mở, thẳng thắn.
Với phương thức làm đó, nhiều vụ việc, vấn đề liên quan đến lợi ích của người dân, gây bức xúc trong xã hội đã được chính quyền địa phương giải đáp, giải quyết thoả đáng, đúng pháp luật, người dân được thoả mãn tâm tư, nguyện vọng, yêu cầu chính đáng của mình, nên nghiêm túc chấp hành các quy định của Nhà nước và chính quyền địa phương.
Từ phương thức làm việc này, nên trong năm 2009, thành phố đã kịp thời giải quyết nhiều vụ việc, vấn đề liên quan đến lợi ích của người dân bị tồn đọng kéo dài nhiều năm, như vấn đề giải phóng mặt bằng để lấy đất xây dựng cơ sở hạ tầng, khu đô thị mới tại các đường Nguyễn Huệ, Trương Quang Trọng, đường Hồ Chí Minh và tại các khu công nghiệp Sao Mai, Hoà Bình,... Người dân, sau khi được trực tiếp đối thoại với lãnh đạo chính quyền địa phương, được tuyên truyền, giải thích rõ ràng và được giải quyết từng vấn đề, vụ việc có lý, có tình đã giải toả được tâm trạng thắc mắc, bức xúc, lo lắng, chấp nhận việc đền bù và phối hợp tốt với chính quyền địa phương chấp hành nghiêm túc việc di dời, giải toả để các công trình được thi công đúng tiến độ.
Trong năm 2009, chính quyền thành phố đã giải quyết được gần 88 đơn thư, khiếu nại, tố cáo đúng thẩm quyền giải quyết (đạt gần 90% đơn thư) và giải quyết được hầu hết những vụ việc, vấn đề mà công dân đến trình bày tại các buổi đối thoại trực tiếp.
Từ hiệu quả của phương thức đối thoại trực tiếp với dân để giải quyết vấn đề gây bức xúc trong nhân dân, thành phố Kon Tum đã phát huy được tính dân chủ trong dân, hạn chế được tình trạng khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo vượt cấp, kéo dài, qua đó làm tốt công tác tư tưởng ổn định xã hội, xây dựng được niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và cấp uỷ, chính quyền địa phương. Và cũng từ đó, chính quyền địa phương đã thành công trong việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm của Trung ương và địa phương, như đường Hồ Chí Minh, đường Bạch Đằng, khu đô thị mới tại Trung tâm thương mại tỉnh....để thực hiện thi công đúng tiến độ, thúc đẩy kinh tế- xã hội của thành phố nói riêng, tỉnh Kon Tum nói chung phát triển, ổn định./.
Lê Văn Châu
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Kon Tum