Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 4/6/2009 15:49'(GMT+7)

Báo chí Việt Nam vững vàng vượt khó

Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: Quản lý nhà nước về báo chí là một lĩnh vực rất nhạy cảm, phức tạp, mang tính đặc thù và chuyên môn cao.

Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: Quản lý nhà nước về báo chí là một lĩnh vực rất nhạy cảm, phức tạp, mang tính đặc thù và chuyên môn cao.

Đây là một trong những thành công của công tác quản lý báo chí trong hai năm 2007-2008 đã được ghi nhận tại Hội nghị Đánh giá công tác quản lý nhà nước về báo chí năm 2007-2008 và triển khai những nhiệm vụ chủ yếu năm 2009-2010 vừa khai mạc sáng nay, 4/6 tại Đà Nẵng.


Ghi nhận sự chuyển mình mạnh mẽ


Theo báo cáo do Cục trưởng Cục Báo chí Hoàng Hữu Lượng trình bày tại Hội nghị, tính đến tháng 5/2009, trên lĩnh vực báo chí in, cả nước có tới 687 cơ quan báo chí với 896 ấn phẩm, trong đó khối cơ quan báo chí trung ương có một hãng thông tấn quốc gia, 77 báo, 416 tạp chí, 105 ấn phẩm phụ.


Cả nước hiện có 67 đài phát thanh - truyền hình gồm 3 đài phát thanh, truyền hình ở trung ương và 64 đài phát thanh - truyền hình địa phương. Lĩnh vực truyền hình đã chứng kiến sự gia tăng về số lượng kênh chương trình của nhiều đài truyền hình cả trung ương và địa phương, cả truyền hình quảng bá lẫn truyền hình trả tiền. Nếu như trước đây các kênh truyền hình analog chiếm đông đảo người xem trên toàn quốc thì nay số người xem đã bị chia sẻ một phần sang các kênh truyền hình cáp. Mức tăng trưởng của truyền hình cáp tại TP.HCM năm 2007 là 60,8%, năm 2008 là 74,4%. Tại TP Hà Nội là 39,1%, năm 2008 là 50,6%. Đây là con số đáng khích lệ trong vòng 5 năm qua của thị trường truyền thông Việt Nam nói chung, lĩnh vực truyền hình nói riêng.


Với lĩnh vực thông tin điện tử, cả nước có 21 báo điện tử, 160 trang tin điện tử tổng hợp mang tính báo chí của các cơ quan báo chí in và hàng ngàn trang tin điện tử có nội dung thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các đoàn thể, hội, hiệp hội và các doanh nghiệp.


Diện mạo báo chí Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh mẽ cả về loại hình, nội dung và hình thức truyền thông. Bên cạnh những loại hình truyền thông truyền thống, sự phát triển, tích hợp và hội tụ về CNTT và truyền thông đang thúc đẩy sự ra đời của những loại hình và sản phẩm truyền thông mới trong đó có các kênh truyền thông sử dụng công nghệ online như mobile, truyền hình Internet.


Tuy nhiên, những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế trên thế giới và những khó khăn của nền kinh tế đất nước trong thời gian qua đã là lý do khiến báo chí cũng bị ảnh hưởng lớn. Sức mua của người dân giảm khiến nhiều cơ quan báo chí phải điều chỉnh kế hoạch hoạt động. Theo thống kê chưa đầy đủ, lượng phát hành của nhiều ấn phẩm báo in trong đó có những tờ nhật báo đã có thời kỳ có chỉ số phát hành lên tới ba, bốn chục vạn bản/kỳ nay bị giảm xuống dưới 40%, thậm chí có những thời điểm một số cơ quan báo in phấn đấu duy trì ở mức không lỗ đã là cả một sự cố gắng lớn.



Ảnh minh họa

Lần đầu tiên được tổ chức, Hội nghị đã thu hút đông đảo các đại biểu
làm công tác quản lý báo chí trên cả nước về tham dự


Mặc dù vẫn còn những thiếu sót, khuyết điểm như còn có tình trạng thông tin sai sự thật, thiếu nhạy cảm về chính trị, nội dung xa rời tôn chỉ, mục đích… thì trong hai năm qua, có thể nói hoạt động báo chí đã đạt được nhiều thành tích đáng kể. Hầu hết các cơ quan báo chí đã bám sát thực tiễn đời sống xã hội, thực hiện đúng sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng của thông tin của Đảng, Nhà nước, thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế, đặc biệt là các sự kiện lớn, đáp ứng tốt quyền được thông tin của nhân dân.


Quản lý nhà nước song hành cùng báo chí phát triển


Lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị toàn quốc về quản lý báo chí. Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn, đây là Hội nghị rất quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với những người làm công tác quản lý báo chí. “Thực tế, lĩnh vực quản lý báo chí có rất nhiều yếu tố phức tạp, nhạy cảm. Đây cũng là một lĩnh vực mang tính đặc thù, chuyên môn rất cao. Chính vì vậy công tác quản lý trong lĩnh vực này cũng mang đầy đủ các yếu tố đó” - Thứ trưởng nói.


Có thể nói, để có được những kết quả đáng ghi nhận trong hai năm qua, công tác quản lý nhà nước luôn đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong hoạt động báo chí. Vì vậy, hơn ai hết hiểu rõ vai trò và trách nhiệm nặng nề của mình, hai năm qua, những người làm công tác quản lý nhà nước về báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông đã nỗ lực thực hiện tốt nhiều lĩnh vực.


Bộ Thông tin và Truyền thông đã tích cực triển khai rà soát, xây dựng mới và sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật về báo chí, bước đầu đáp ứng tốt hơn những nhu cầu mới của công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đặc biệt phức tạp và nhạy cảm này; tích cực triển khai việc xây dựng chiến lược phát triển, quy hoạch hệ thống đối với tất cả các loại hình báo chí.


Bên cạnh việc quản lý thông tin và cung cấp thông tin cho báo chí, với sự phối hợp của Ban tuyên giáo Trung ương, Bộ đã tổ chức đều đặn và có chất lượng các cuộc giao ban định kỳ hàng tuần, kịp thời chỉ đạo và định hướng thông tin trên báo chí, đặc biệt là về các sự kiện lớn, quan trọng, đặc biệt nhạy cảm hoặc đột xuất…


Để công tác quản lý báo chí ở trung ương và địa phương được phát huy hiệu quả hơn, tại Hội nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2009-2010: Tiếp tục quán triệt các văn bản, chỉ đạo của Đảng; Tiếp tục sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về báo chí phù hợp với yêu cầu thực tiễn của sự phát triển báo chí; Đẩy mạnh công tác tham mưu, định hướng, chỉ đạo báo chí thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí đội ngũ cán bộ; Chuẩn bị tiến hành tổng kết công tác thực hiện chiến lược thông tin quốc gia năm 2010.

(Theo VnMedia)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất