NHẬN THỨC MỚI VỀ KHU VỰC PHI CHÍNH THỨC
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khu vực phi chính thức bao gồm khu vực kinh tế phi chính thức và việc làm phi chính thức,
ở đó có một bộ phận không nhỏ người lao động làm việc. Với khái niệm
này, về không gian, khu vực phi chính thức có địa bàn rất rộng, bao gồm
cả kinh tế phi chính thức ở nông thôn (người lao động làm phi nông, lâm
nghiệp, thủy sản) và kinh tế phi chính thức ở thành thị. Đó là phân khúc
thị trường lao động “vùng đệm”, tạo cơ hội việc làm cho người lao động
hướng tới thị trường lao động hoàn hảo, đạt được sự nhất thể hóa thành
một khu vực kinh tế hoàn toàn chính thức của quốc gia, cả ở thành thị và
nông thôn.
Ở
nước ta, ngày 13/9/2019, Tổng cục Thống kê ban hành Công văn số
1127/TCTK-TKQG về "Hướng dẫn sử dụng khái niệm khu vực phi chính thức và
hoạt động tự sản, tự tiêu của hộ gia đình”. Theo đó, “khu vực phi
chính thức bao gồm các cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông, lâm nghiệp và
thủy sản, sản xuất sản phẩm (vật chất, dịch vụ) để bán, trao đổi và
không phải đăng ký kinh doanh”. Theo Tổng cục Thống kê, hiện nay,
khái niệm về lao động phi chính thức được hiểu là những lao động có việc
làm bấp bênh, thiếu ổn định, thu nhập thấp, không có hợp đồng lao động
hoặc có, nhưng không được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, không được chi
trả các chế độ phụ cấp và các khoản phúc lợi xã hội khác.
Sau
hơn 35 năm đổi mới, thị trường lao động đã và đang phát triển với nhiều
phân khúc thị trường ở cả hai khu vực chính thức và phi chính thức,
nhưng có sự chuyển dịch lao động (bên cung lao động) phù hợp với yêu cầu
của người sử dụng lao động (bên cầu lao động) theo hướng chuyển mạnh
sang khu vực kinh tế chính thức, nơi có quan hệ lao động, kể cả ở kinh
tế nhà nước, kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
(FDI) tốt hơn. Quá trình chuyển dịch theo hướng này cũng có một bộ phận
lao động khu vực phi chính thức tham gia.
Trong
những năm gần đây, do tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ
tư, các loại hình kinh tế phi chính thức mới đã hình thành, như “kinh tế
tuần hoàn”, “kinh tế chia sẻ”, “kinh tế tự do” hay “kinh tế Gig” (Gig
Economy) dựa trên nền tảng trực tuyến (qua ứng dụng công nghệ), như bán
hàng trực tuyến (online), giao hàng (shipper), lái xe công nghệ (Grap,
Uber)... Đây là những hình thức việc làm mới dựa trên ứng dụng công nghệ
và đang ngày càng phát triển, tạo ra số lượng lao động khu vực phi
chính thức ngày càng lớn ở nước ta.
Về mặt cầu lao động,
sự ra đời và phát triển nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế
Gig,... làm cho phân công lao động khu vực phi chính thức ngày càng đa
dạng hơn. Từ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thị
trường lao động quốc gia cũng như thị trường lao động quốc tế ngày càng
mở rộng hơn về hình thức, không gian, nhu cầu lao động, đặc biệt trên
phân khúc thị trường lao động khu vực phi chính thức, và do đó, tạo ra
nhiều cơ hội về việc làm và gia tăng thu nhập cho lao động khu vực phi
chính thức. Tuy nhiên, kinh tế chia sẻ, kinh tế Gig,... đòi hỏi người
lao động phải có kỹ năng nghề nghiệp phù hợp với vị trí việc làm độc
lập, nhất là kỹ năng nghề liên quan đến ứng dụng khoa học - kỹ thuật,
công nghệ. Có thể thấy, công nghệ là cơ hội, nhưng cũng là rào cản với
lao động, nhất là lao động trẻ khu vực phi chính thức chưa qua đào tạo
hoặc mới được đào tạo kỹ năng nghề trình độ thấp.
Về mặt cung lao động,
người lao động làm việc trong nền kinh tế chia sẻ, kinh tế tự do hay
kinh tế Gig có cơ hội thuận lợi để phát huy năng lực cá nhân và thỏa mãn
không chỉ nhu cầu của xã hội, mà còn thỏa mãn nhu cầu của cá nhân trong
tự do lựa chọn việc làm. Với một môi trường tự do, người lao động không
bị ràng buộc trong một không gian, thời gian xác định nên có thể kết
hợp tối ưu giữa làm việc và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống cá
nhân, gia đình.
Bảo
đảm an sinh xã hội cho người dân nói chung, bao gồm cả lao động khu vực
phi chính thức là một trong những quyền cơ bản của con người được hiến
định tại Điều 34, Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền được bảo đảm an
sinh xã hội”. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định “Thực hiện tốt
chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con
người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực
hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh
phúc của nhân dân”(1).
Từ
những nhận thức mới về khu vực phi chính thức nêu trên và với tính đặc
thù của lao động khu vực phi chính thức như là một trong những nhóm lao
động yếu thế trên thị trường lao động, có nhiều nguy cơ rủi ro về việc
làm, vấn đề cấp thiết đặt ra là phải bảo đảm an sinh xã hội bền vững
bằng các chính sách của Nhà nước, sự tham gia của cộng đồng xã hội và sự
nỗ lực vươn lên, tự bảo đảm an sinh xã hội của người lao động.
MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI CHO LAO ĐỘNG KHU VỰC PHI CHÍNH THỨC
Từ
khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn thực
hiện đồng bộ nhiều chính sách giảm thiểu và khắc phục những khiếm khuyết
của kinh tế thị trường để bảo vệ người lao động, tạo môi trường và điều
kiện để người lao động có cơ hội công bằng và bình đẳng trong tiếp cận
các chính sách an sinh xã hội trên cơ sở bảo đảm quyền con người, hướng
tới bao phủ toàn dân. Điều này được thể hiện rất rõ trong các quy định
pháp luật hiện hành, như Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật Giáo dục
nghề nghiệp, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật
Bảo hiểm y tế... Các luật này có những điều khoản điều chỉnh quan hệ
việc làm có an sinh xã hội đối với người lao động khu vực phi chính
thức, có tính đến trợ giúp xã hội cho người lao động khu vực phi chính
thức gặp rủi ro trên thị trường lao động, bảo đảm các quyền lợi cho
người lao động, để họ được phát triển kỹ năng nghề nghiệp, việc làm và
thu nhập tương xứng với năng lực làm việc, góp phần thúc đẩy chuyển dịch
cơ cấu ngành, nghề, từng bước chuyển vững chắc từ khu vực kinh tế phi
chính thức sang khu vực chính thức, đồng thời bảo đảm bảo hiểm xã hội
bắt buộc/tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế được thực hiện
theo hướng toàn dân.
Nhìn
tổng thể, thị trường lao động Việt Nam đang diễn ra quá trình chuyển
dịch cơ cấu lao động theo cơ cấu kinh tế, lao động chuyển từ khu vực phi
chính thức sang khu vực chính thức. Theo Tổng cục Thống kê(2),
tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực nông, lâm và thủy sản giảm từ
41,9% quý III năm 2016 xuống còn 27,6% quý III/2022. Tương ứng lao động
khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng từ 58,1% lên 72,4%. Điều đó có nghĩa
là, một bộ phận không nhỏ lao động từ khu vực phi chính thức đã dịch
chuyển sang khu vực chính thức, nhất là ở khu vực nông nghiệp, nông
thôn. Chỉ riêng năm 2022, tỷ lệ lao động làm việc khu vực phi chính thức
(kể cả phi nông nghiệp) đến quý III là 54,1%, giảm 1,5 điểm phần trăm
so với quý trước và giảm 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ
lệ phi chính thức giảm mạnh ở khu vực thành thị, tỷ lệ này ở khu vực
thành thị quý III năm 2022 là 45,4%, giảm 2,1 điểm phần trăm so với quý
trước và 0,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ này ở khu
vực nông thôn là 61,4%, giảm 0,9 điểm phần trăm so với quý trước và 0,4
điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước(3).
Đến
năm 2022, cả nước có 83 trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện các nhiệm
vụ dự báo cung - cầu lao động, thông tin thị trường lao động, giới thiệu
việc làm, tư vấn học nghề, thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp,
tư vấn chính sách, pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao
động. Giai đoạn 2012 - 2020, các trung tâm đã thực hiện các hoạt động tư
vấn, giới thiệu việc làm cho khoảng 23 triệu lượt lao động trên thị
trường lao động, kể cả lao động từ khu vực phi chính thức chuyển sang
làm việc khu vực chính thức, bình quân mỗi năm 2,875 triệu lượt lao
động. 45/83 trung tâm tổ chức sàn giao dịch việc làm định kỳ, thường
xuyên. Hằng năm, khoảng 750 - 800 phiên giao dịch việc làm được tổ chức
trên phạm vi cả nước, bình quân mỗi phiên giao dịch thu hút khoảng 40 -
50 doanh nghiệp với khoảng 650 - 750 lượt lao động khu vực phi chính
thức tham gia(4). Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động
khu vực thành thị, chủ yếu là lao động khu vực phi chính thức, luôn duy
trì dưới 4%, tỷ lệ thất nghiệp chung luôn ở mức thấp, chỉ dao động
khoảng 2 - 2,2%.
Đào
tạo nguồn nhân lực ngày càng đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo và
mô hình hoạt động với tổng số 1.911 cơ sở giáo dục nghề nghiệp(5),
tạo cơ hội cho người lao động, nhất là lao động trẻ khu vực phi chính
thức tiếp cận công bằng. Nhờ đó, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo
có bằng cấp, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên đến năm 2020 đạt 24,1%, tạo
điều kiện tiên quyết và cơ hội cho lao động tự tạo việc làm khu vực phi
chính thức hoặc chuyển vào làm việc khu vực chính thức.
Hệ
thống bảo hiểm xã hội từng bước được xây dựng, hoàn thiện theo hướng
hiện đại, đa tầng, chia sẻ, hiệu quả nên độ bao phủ tăng. Năm 2021, số
người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 10,2 triệu người (chiếm 22,76% lực
lượng lao động), đến năm 2021 tăng lên 16,5 triệu người (chiếm 33,75%
lực lượng lao động). Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự
nguyện, đạt 1,4 triệu người (chiếm 2,94% lực lượng lao động), phần lớn
là lao động khu vực phi chính thức.
Khám bệnh, tư vấn chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19 cho người lao động. (Nguồn: congdoan.quangtri.gov.vn)
Năm
2016, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 11,1 triệu người (chiếm
23,19% lực lượng lao động), đến năm 2021 tăng lên 13,4 triệu người
(chiếm 27,33% lực lượng lao động), gần đạt được mục tiêu đề ra cho năm
2021 của Nghị quyết số 28/NQ-TW(6). Tuy nhiên, lao động khu vực phi chính thức chưa được tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Về
bảo hiểm y tế, tính đến hết tháng 6/2022, cả nước có trên 86,8 triệu
người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 88,99% dân số...(7). Trong đó, phần lớn lao động khu vực phi chính thức mua hoặc được hỗ trợ của Nhà nước mua thẻ bảo hiểm y tế.
Đặc
biệt, trong 2 năm 2020 và 2021, Việt Nam thực hiện chính sách, biện
pháp mạnh vừa chống dịch COVID-19, vừa duy trì, khôi phục sản xuất, bảo
đảm an ninh việc làm và an sinh xã hội cho người lao động, người dân,
nhất là lao động khu vực phi chính thức, thể hiện trong các quyết sách
lớn của Chính phủ(8). Đó là những quyết sách xử lý tình huống
khẩn cấp, kịp thời ứng phó với đại dịch COVID-19 thông qua gói hỗ trợ
rất lớn từ ngân sách nhà nước/Ngân hàng Chính sách xã hội, huy động cộng
đồng và đã được triển khai đạt kết quả tốt. Với những giải pháp quyết
liệt và hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống
dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội”, kinh tế Việt Nam đạt được
những kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng dương. GDP
năm 2020 tăng 2,91%, năm 2021 tăng 2,58% và năm 2022 tăng 8,02%, mức
tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022. Người lao động bị mất việc
làm hoặc dãn việc làm ở khu vực chính thức, nhất là khu vực phi chính
thức được hỗ trợ kịp thời để khắc phục khó khăn và sớm trở lại thị
trường lao động, qua đó, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người lao
động, nhất là ở khu vực phi chính thức.
Lao
động khu vực phi chính thức là một trong những đối tượng được quan tâm
trong hệ thống chính sách an sinh xã hội quốc gia, giúp phòng ngừa, giảm
thiểu và khắc phục rủi ro tốt hơn về việc làm trên thị trường lao động
và trong cuộc sống, thể hiện rất rõ khi đại dịch COVID-19 xảy ra những
năm vừa qua. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề lớn đặt ra cần giải quyết,
đó là:
Thứ nhất, nhận
thức về vai trò của khu vực phi chính thức ở nước ta vẫn còn chưa đầy
đủ, toàn diện; chưa có những nghiên cứu cơ bản và cập nhật về khu vực
phi chính thức. Đây là vấn đề rất quan trọng, làm nền tảng cho những
quyết sách của Nhà nước ứng xử với các loại hình kinh tế mới, với phân
khúc thị trường lao động khu vực phi chính thức, đặc biệt là trong giai
đoạn phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thứ hai,
do tính chất lao động đặc thù của khu vực phi chính thức là không có cơ
chế 3 bên, cơ chế 2 bên trong thương lượng, đối thoại, thỏa thuận về
việc làm; cũng không có tổ chức đại diện để bảo vệ người lao động nên
nguy cơ rủi ro về việc làm, nghề nghiệp và cuộc sống rất lớn.
Thứ ba, dù có
nhiều rủi ro, nhất là về việc làm, tiền lương và thu nhập, nhưng người
lao động trong khu vực phi chính thức lại chưa được hưởng các chính
sách, chế độ an sinh xã hội cơ bản, như bảo hiểm xã hội (trừ một số tham
gia bảo hiểm xã hội tự nguyện), bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn
lao động và bệnh nghề nghiệp, giờ lao động và chế độ nghỉ ngơi, nghỉ
phép, ốm đau, thai sản...
Thứ tư,
còn những bất cập trong quản lý nhà nước đối với phân khúc thị trường
lao động khu vực phi chính thức nói chung, bảo đảm an sinh xã hội cho
người lao động khu vực này nói riêng. Đó là khuôn khổ pháp lý về khu vực
phi chính thức chưa đáp ứng yêu cầu, chưa thực sự giải quyết hiệu quả
các vấn đề thực tiễn nảy sinh; thiếu hệ thống dữ liệu đồng bộ và toàn
diện về thị trường lao động khu vực phi chính thức để kết nối cung -
cầu lao động; năng lực dự báo, tầm nhìn chiến lược về sự phát triển của
thị trường lao động khu vực phi chính thức chưa đáp ứng yêu cầu thời kỳ
mới.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP THỜI GIAN TỚI
Một là,
đẩy mạnh nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn khu vực phi chính
thức trong tình hình mới nhằm nâng cao nhận thức và phát hiện những yêu
cầu mới về chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động làm việc
ở khu vực này. Cần có các công trình nghiên cứu lý luận chuyên sâu, học
hỏi kinh nghiệm quốc tế và khảo sát, đánh giá, tổng kết thực tiễn về
thị trường lao động khu vực phi chính thức để có nhận thức đúng, phù hợp
với thế giới và đặc thù của Việt Nam. Đây là vấn đề rất quan trọng, làm
nền tảng cho những quyết sách của Nhà nước về phát triển khu vực phi
chính thức, bổ sung, hoàn thiện chính sách về thị trường lao động, bảo
đảm an sinh xã hội cho người lao động khu vực này phù hợp với bối cảnh,
điều kiện Việt Nam hiện tại cũng như trong tương lai.
Hai là,
tăng cường phát triển, nâng cao chất lượng lực lượng lao động khu vực
phi chính thức, đặc biệt là khi tham gia làm việc trong các loại hình
kinh tế mới trên nền tảng công nghệ trực tuyến, có ứng dụng công nghệ.
Đồng thời, thúc đẩy lao động khu vực này chuyển mạnh sang khu vực chính
thức trên cơ sở tạo cơ hội và điều kiện để họ tham gia vào các chương
trình đào tạo, đào tạo lại và nâng cao tay nghề để theo kịp yêu cầu kỹ
năng nghề nghiệp của thị trường lao động theo hai hướng: 1) Nhà nước
cần tiếp tục thực hiện chính sách hiện hành về giáo dục nghề nghiệp, tập
trung cho lao động khu vực phi chính thức có đủ năng lực tiếp cận,
chuyển sang việc làm khu vực chính thức - nơi có quan hệ lao động và bảo
đảm an sinh xã hội tốt hơn, trong đó, phát triển các kỹ năng cơ bản,
cần thiết để thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, như
phát triển đa kỹ năng, thạo một nghề chuyên sâu, biết nhiều nghề liên
quan; kỹ năng sáng tạo trong lao động; kỹ năng giải
quyết các vấn đề chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ phức tạp; kỹ năng đàm
phán, thương lượng và thỏa thuận về việc làm với người sử dụng lao động
(về vị trí việc làm, tiền công - tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn,
vệ sinh lao động và các điều kiện làm việc khác); kỹ năng làm việc theo
nhóm, trong môi trường đa văn hóa; kỹ năng ngoại ngữ, tin học... Người
lao động khu vực phi chính thức khi có đủ những kỹ năng này sẽ có ưu thế
lớn trong tiếp cận việc làm khu vực chính thức; đồng thời, có thể thích
ứng nhanh chóng với sự thay đổi việc làm trên thị trường lao động khu
vực phi chính thức trong các loại hình kinh tế mới với thu nhập cao, bảo
đảm và có khả năng tự bảo đảm an sinh xã hội tốt hơn; 2) Nâng cao hiệu
quả quản lý nhà nước đối với thị trường lao động khu vực phi chính thức
gắn với bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động, đồng bộ với quản lý
thị trường lao động trên phạm vi cả nước. Cụ thể, cần tập trung nâng cao
chất lượng hoạt động dự báo về sự phát triển và thông tin đầy đủ, toàn
diện, kịp thời về thị trường lao động khu vực phi chính thức trong tổng
thể hệ thống dự báo và thông tin thị trường lao động quốc gia. Bổ sung,
hoàn thiện chính sách quản lý hiệu quả rủi ro về việc làm, bảo đảm an
sinh xã hội bền vững hơn cho người lao động trên thị trường lao động khu
vực phi chính thức. Nghiên cứu, bổ sung các chính sách hỗ trợ lao động
khu vực phi chính thức trong đào tạo phát triển kỹ năng nghề nghiệp và
giới thiệu việc làm (miễn, giảm phí đào tạo, phí dịch vụ giới thiệu việc
làm,...) để có thể tiếp cận việc làm qua ứng dụng công nghệ trong kinh
tế chia sẻ hoặc kinh tế Gig..., hoặc tìm việc làm khu vực chính thức.
Trợ giúp xã hội đột xuất từ nguồn ngân sách bố trí hằng năm hoặc từ
nguồn kết dư của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp; hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho
hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nghiên cứu ban hành chính sách bảo hiểm xã hội
bắt buộc đối với lao động khu vực phi chính thức làm việc trong kinh tế
chia sẻ, kinh tế Gig,... có thu nhập cao qua giám sát thuế thu nhập theo
quan hệ đóng - hưởng bằng hình thức hoạch toán “tài khoản cá nhân danh
nghĩa”. Người lao động được giảm một phần thuế thu nhập khi tham gia bảo
hiểm xã hội bắt buộc; được hưởng quyền lợi như lao động khu vực chính
thức và tiền đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được coi là tài sản riêng,
được thừa kế khi chết...
Ba là,
mở rộng hệ thống dịch vụ việc làm quốc gia, nhất là ở các đô thị, tiếp
cận việc làm áp dụng công nghệ cao, trực tuyến để cung cấp thông tin thị
trường lao động, dịch vụ việc làm, kết nối cung - cầu lao động trên
phân khúc thị trường lao động khu vực phi chính thức và kết nối cung lao
động khu vực phi chính thức với cầu lao động trên thị trường lao động
khu vực chính thức để thúc đẩy nhanh chuyển dịch lao động khu vực phi
chính thức sang khu vực chính thức, nơi có hệ thống an sinh xã hội bảo
đảm hơn.
Bốn là,
đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nhất là với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO),
Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Ngân hàng Thế giới (WB),
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các tổ chức phi chính phủ (NGOs)
quốc tế tại Việt Nam,... trong việc nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm và
hỗ trợ kỹ thuật đào tạo, khảo sát thực tế về khu vực kinh tế phi chính
thức và thị trường lao động khu vực phi chính thức, nhất là về các loại
hình kinh tế, việc làm mới dựa trên nền tảng trực tuyến (qua ứng dụng
công nghệ) ở Việt Nam, làm cơ sở thống nhất nhận thức, khuyến nghị với
Nhà nước bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo đảm an sinh xã
hội cho người lao động làm việc ở khu vực này./.
TS. NGUYỄN HỮU DŨNG
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội
_____________________
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.47.
(2)
Thông cáo Báo chí tình hình lao động việc làm quý III và 9 tháng năm
2016, Thông cáo Báo chí tình hình lao động việc làm quý III và 9 tháng
năm 2022.
(3)
Tổng cục Thống kê: Thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm
quý III và 9 tháng năm 2022, https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2022/10/thong-cao-bao-chi-tinh-hinh-lao-dong-viec-lam-quy-iii-va-9-thang-nam-2022/.
(4)
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Báo cáo tổng kết 10 năm
thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI “Một số vấn đề về chính sách
xã hội giai đoạn 2012 - 2020” (phần về lĩnh vực việc làm), 2022.
(5)
Tổng số 1.911 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm: 410 trường cao đẳng,
444 trường trung cấp và 1.057 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục
nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; trong đó, có 688 cơ sở giáo dục
nghề nghiệp tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài.
(6)
Theo Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7
khóa XII: Mục tiêu phấn đấu đến năm 2021, số người tham gia bảo hiểm
thất nghiệp đạt 28% lực lượng lao động trong độ tuổi; đến năm 2025 đạt
35% và đến năm 2030 đạt 45%.
(7)
Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 88,99% dân số, http://www.molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=231657.
(8) Như
Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 1/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ
người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch
COVID-19 (12 chính sách); Nghị quyết số 86/NQ-CP, ngày 6/8/2021 về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị
quyết số 30/2021/QH15, ngày 28-7-2021, của Quốc hội khóa XV; Nghị
quyết số 145/NQ-CP, ngày 19/11/2021 về điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung
một số chế độ, chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19...
(Nguồn: TC Cộng sản)