Thứ Ba, 17/9/2024
Xã hội
Thứ Năm, 30/3/2023 15:22'(GMT+7)

Long An: Đề xuất điều chỉnh đường vành đai 4

Hướng tuyến của Vành đai 4. Đồ họa: Khánh Hoàng

Hướng tuyến của Vành đai 4. Đồ họa: Khánh Hoàng

“Né” khu đông dân cư để giảm chi phí

Theo quy hoạch được phê duyệt, dự án Vành đai 4 - vùng TP. Hồ Chí Minh qua Long An có đoạn tuyến dài nhất với 69,1km, với điểm đầu tuyến tại kênh Thầy Cai (giáp ranh giữa huyện Đức Hòa, Long An và huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh) và điểm cuối tuyến nối với trục Bắc - Nam tại khu vực cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè (TP. Hồ Chí Minh).

Trong văn bản trình lên Bộ Giao thông Vận tải, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Long An đã đề xuất phương án dịch chuyển một đoạn đường Vành đai 4 đi qua địa bàn tỉnh để tránh khu vực đông dân cư, tiết kiệm chi phí. Cụ thể, theo hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi mà nhà đầu tư vừa lập, hướng tuyến về cơ bản vẫn tuân thủ theo quy hoạch chi tiết đã được Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, đoạn đường từ nút giao giữa đường tỉnh 825 và quốc lộ N2, thị trấn Hậu Nghĩa, Đức Hòa xuống gần nút giao cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương thuộc thị trấn Bến Lức trước đây được tính toán chạy dọc phía đông sông Vàm Cỏ Đông theo đường tỉnh 830 hiện hữu (26km), nay được thay đổi bằng cách mở đường mới, thêm 2 cầu, chạy dọc phía tây sông Vàm Cỏ Đông. Với thiết kế này, toàn tuyến đường sẽ dài thêm 5,4km, nâng tổng tuyến qua Long An là 74,5km. Cộng thêm 3,8km đoạn qua TP. Hồ Chí Minh để đấu nối vào trục Bắc - Nam, toàn tuyến dự án mà nhà đầu tư nghiên cứu là 78,3km.

Theo đại diện Sở Giao thông Vận tải tỉnh Long An, việc nắn tuyến, điều chỉnh tuyến đường vành đai 4 đã được Long An đề xuất cách đây 2 năm. Tuy kéo dài thêm 5,4km và phải bắc thêm 2 cây cầu lớn qua sông Vàm Cỏ Đông, tăng tổng tuyến lên 21 cây cầu, nhưng né được khu dân cư đông đúc và các tuyến đường hiện hữu sẽ giúp giảm hàng nghìn tỷ đồng kinh phí giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, khi dịch chuyển một đoạn đường từ phía tây sang phía đông sẽ hòa vào tuyến đường tỉnh quy hoạch chính yếu là đường Bình Chánh - Lương Hòa - Bình Hòa Bắc - Mỹ Quý Tây để nối kết thêm vùng giáp ranh TP. Hồ Chí Minh từ huyện Bình Chánh lên đến biên giới tỉnh Long An.

Điều chỉnh từ cao tốc thành trục đường chính đô thị

Cùng với kiến nghị chỉnh lại 26km đường để tránh khu đông dân cư nhằm giảm chi phí, báo cáo của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Long An cũng kiến nghị điều chỉnh đoạn cuối dài 9,5km từ cao tốc đô thị thành đường trục chính đô thị nhằm thuận lợi kết nối với các đô thị hai bên và tiết kiệm kinh phí nhờ kết nối đơn giản vào đường tỉnh 826D.

Theo Sở, nếu đoạn cuối 9,5km này đầu tư theo thiết kế cao tốc đô thị sẽ không thuận lợi kết nối các đô thị dọc hai bên tuyến, việc đấu nối nút giao với đường tỉnh 826D sẽ làm chiếm dụng mặt bằng lớn, ảnh hưởng đến quy hoạch khu đô thị Phước Vĩnh Tây, khu dân cư thương mại dịch vụ Tân Tập - Long Hậu (huyện Cần Giuộc).

Dự kiến, phân kỳ đầu tư sẽ chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn trước mắt sẽ đầu tư xây dựng cao tốc và một đoạn đường đô thị 9,5km với quy mô 4 làn xe và một số đoạn đường song hành mà tuyến đường này trùng với các tuyến đường cũ. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đầu tư xây dựng cao tốc đô thị với quy mô hoàn chỉnh theo quy hoạch 8 làn xe và các đoạn đường song hành còn lại. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 được dự kiến là 43.456 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và vốn của nhà đầu tư.

Ngoài Long An, TP. Hồ Chí Minh cũng đã đề xuất nắn đường Vành đai 4 đoạn qua Củ Chi để tiết kiệm chi phí và giảm ảnh hưởng đến đời sống dân cư. Phương án mới sẽ giảm số lượng nhà dân phải đền bù xuống tối đa 669 hộ dân, tiết kiệm khoảng 4.000 tỷ đồng. Theo Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh, việc lựa chọn hướng tuyến tiết giảm chi phí sẽ giúp dự án có thêm cơ hội thu hút các nhà đầu tư tham gia. Hơn hết, công tác giải phóng mặt bằng cũng là khâu khó khăn trong quá trình thực hiện dự án. Vì vậy, việc giảm thiểu tác động đến người dân cũng giúp dự án sớm hoàn thiện hơn.

 Vành đai 4 dài gần 200km, đi qua 5 tỉnh, thành phố gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và Long An. Công trình được chia thành 5 dự án thành phần, do các địa phương liên quan thực hiện theo hình thức PPP. Theo kế hoạch, năm nay các địa phương sẽ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tuyến đường và khởi công vào quý IV.2024. Toàn bộ tuyến đường dự kiến hoàn thành và khai thác từ quý I.2028.

Hoàng Mạnh Tùng - Bùi Chí Tuệ - Nguyễn Lan Anh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất