Tiếp tục chương trình Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách, dưới sự
chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, chiều 10/4, các
Đại biểu Quốc hội cho ý kiến hoàn thiện dự án Luật Xây dựng (sửa đổi).
Trước đó, tại Phiên họp thứ 25, Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi đã nhận được nhiều góp ý của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc khắc phục những điểm còn chồng chéo với các luật chuyên ngành khác như: Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.
Đổi Giấy phép xây dựng tạm thành Giấy phép xây dựng có thời hạn
Nội dung nổi bật được nhiều ý kiến góp ý tại Hội nghị lần này là nhóm các quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng và trình tự, thủ tục cấp Giấy phép xây dựng, nhất là việc cấp phép xây dựng tạm. Các đại biểu cũng đánh giá dự án Luật đã được Bộ Xây dựng sửa đổi, chỉnh lý, bổ sung tương đối hoàn chỉnh theo các ý kiến đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội.
Góp ý với cơ quan soạn thảo, các ý kiến tại buổi làm việc cho rằng: Cấp phép xây dựng là công cụ quản lý Nhà nước quan trọng đối với lĩnh vực trật tự xây dựng, do đó, cần quy định chặt chẽ vấn đề này để tránh tình trạng “trăm hoa đua nở” trong các công trình xây dựng. Tuy nhiên, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong cấp phép, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có nhu cầu.
Đặt vấn đề trên thực tế, tồn tại ở nhiều địa phương tình trạng quy hoạch treo, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân khi có nhu cầu xây nhà ở, các đại biểu: Trần Ngọc Vinh (TP.Hải Phòng); Huỳnh Thành Lập (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, cần phải cấp Giấy phép xây dựng tạm trong vùng quy hoạch để bảo đảm quyền lợi cho người dân có nhu cầu. Các đại biểu cũng kiến nghị Dự thảo bổ sung quy định rõ trình tự, thủ tục cấp Giấy phép xây dựng theo hướng cơ chế hành chính một cửa liên thông, tránh xảy ra việc tùy tiện trong thực hiện pháp luật; đồng thời có thể nghiên cứu cấp phép xây dựng tạm theo hướng quy định cụ thể về diện tích, chiều cao, quy mô xây dựng. Có như vậy mới đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho rằng nên đổi cách gọi Giấy phép xây dựng tạm như trong dự thảo Luật thành Giấy phép xây dựng có thời hạn để phù hợp với văn phong pháp luật, đồng thời tránh gây hiểu nhầm trong nhân dân.
Đề xuất này cũng được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban soạn thảo Dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) tán thành.
Lấy ý kiến tổ chức nghề nghiệp khi lập quy hoạch xây dựng
Đối với quy định về quy hoạch xây dựng, đại biểu Trần Ngọc Vinh cho rằng, dự thảo quy định trình tự xây dựng quy hoạch chưa cụ thể, chưa phân định rõ từng bước, khâu xin cấp Quy hoạch xây dựng; chưa làm rõ nội dung thủ tục của hồ sơ; đề nghị bổ sung quy định đối với từng loại quy hoạch xây dựng cụ thể. Đại biểu Vinh cũng kiến nghị cơ quan soạn thảo bổ sung việc lấy ý kiến các hội nghề nghiệp chuyên môn có liên quan ngay trong bước đầu tiên của quá trình thiết lập quy hoạch xây dựng, tránh sửa đổi, bổ sung nhiều lần.
Góp ý về việc quản lý dự án đầu tư xây dựng, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) kiến nghị cần bổ sung quy định kiểm toán chất lượng công trình và việc sửa dụng công trình xây dựng trong dự thảo Luật; tránh tình trạng nhiều công trình năm bảy năm vẫn không quyết toán được, gây thất thoát, lãng phí tài sản, tiền bạc của Nhà nước.
Trong buổi làm việc chiều nay, các đại biểu Quốc hội góp ý xung quanh những vấn đề liên quan đến phạm vi điều chỉnh, quy hoạch xây dựng, dự án đầu tư xây dựng, khảo sát xây dựng và thiết kế xây dựng, giấy phép xây dựng, việc lựa chọn nhà thầu nước ngoài, vấn đề thanh tra xây dựng và quy định giao cho Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật.
Sáng mai 11/4, Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ tiếp tục cho ý kiến đối với dự thảo Luật Đầu tư công. /.
Theo TTXVN