Nghiên cứu cho thấy chỉ có 5% vùng biển hoang dã nằm trong những khu vực được bảo vệ, do vậy, số vùng biển còn lại bị đe dọa.
Một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Current Biology của Australia
số ra ngày 27/7 cho biết hoạt động vận tải biển, tình trạng ô nhiễm và
đánh bắt cạn kiệt... là nguyên nhân làm giảm diện tích những vùng biển
"hoang dã" xuống chỉ còn 13% các đại dương trên thế giới, đồng thời cảnh
báo những môi trường biển này có thể biến mất hoàn toàn trong vòng nửa
thế kỷ tới.
Dựa trên phân tích tác động từ các hoạt động của con người đối với hệ
sinh thái biển, các nhà nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra các vùng biển được
coi là "hoang dã", nghĩa là "phần lớn chưa chịu tác động từ các hoạt
động của con người." Số vùng biển còn lại được coi là hoang dã hiện chỉ
còn ở Bắc Cực, Nam Cực và quanh những hòn đảo xa xôi trên Thái Bình
Dương.
Người đứng đầu nghiên cứu, ông Kendall Jones thuộc Đại học Queensland,
Australia, cho biết những cải tiến trong công nghệ vận tải biển đồng
nghĩa các vùng biển hoang dã xa xôi nhất có nguy cơ bị đe dọa trong
tương lai, kể cả những vùng biển từng bị băng bao phủ nay con người có
thể tiếp cận được do biến đổi khí hậu làm tan băng.
Nghiên cứu cho thấy chỉ có 5% vùng biển hoang dã nằm trong những khu vực được bảo vệ, do vậy, số vùng biển còn lại bị đe dọa.
Theo ông James Watson của Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên hoang dã, những
vùng biển hoang dã là nơi sinh sống của vô số loài động, thực vật đa
dạng về gen, giúp chúng thích ứng với những mối đe dọa như biến đổi khí
hậu.
Tuy nhiên, những vùng biển này đang giảm ở mức báo động, do vậy, việc
bảo vệ các vùng biển này phải là trọng tâm của các thỏa thuận quốc tế về
môi trường. Ông cảnh báo nếu không hành động ngay, các vùng biển này có
thể sẽ biến mất trong vòng 50 năm nữa.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học kêu gọi các nước cùng phối hợp nhằm
điều tiết các đại dương trên thế giới, ngăn chặn tình trạng đánh bắt cạn
kiệt, hạn chế hoạt động khai khoáng dưới biển mang tính tàn phá...
Năm ngoái, Liên hợp quốc đã bắt đầu đàm phán về một thỏa thuận bảo tồn
đầu tiên đối với những vùng biển, theo đó sẽ có hành động ràng buộc về
mặt pháp lý liên quan việc quản lý và sử dụng bền vững các đại dương
ngoài hải phận của các nước./.
TTX