Như vậy tính từ cuối tháng 2/2017 đến nay, Trung tâm Chống độc - Bệnh
viện Bạch Mai đã tiếp nhận 14 ca ngộ độc rượu cồn công nghiệp methanol
vào điều trị, trong đó có 1 trường hợp đã tử vong; 1 trường hợp gia đình
xin về.
Các bệnh nhân đến từ nhiều tỉnh khác nhau nhưng chủ yếu
sống và làm việc tại Hà Nội, có uống rượu, mua rượu tại các quán, các
cửa hàng trên địa bàn Hà Nội (trong đó có 7 trường hợp sống và mua rượu
trên địa bàn quận Đống Đa).
Trong số 4 bệnh nhân ngộ độc methanol nhập viện mới đây có 2 bệnh nhân
cùng quê ở Thuận Châu, Sơn La đang làm công nhân ở Hà Nội và uống rượu
cùng một chỗ. Sau 18 giờ uống rượu, bệnh nhân L.V.M (40 tuổi, Thuận
Châu, Sơn La) xuất hiện triệu chứng đau đầu, mờ mắt, ngừng tuần hoàn đã
được tuyến trước cấp cứu và chuyển về Trung tâm Chống độc ngày 8/3 trong
tình trạng hôn mê sâu, toan chuyển hóa nặng.
Bệnh nhân được
điều trị theo hướng ngộ độc methanol: bệnh nhân được chỉ định thở máy,
lọc máu để thải trừ methanol và điều trị tích cực. Tuy nhiên, do tình
trạng ngộ độc quá nặng nên hiện tại bệnh nhân vẫn đang được duy trì
thuốc vận mạch và trong tình trạng hôn mê sâu, tiên lượng rất xấu.
Bệnh
nhân L.V.H (38 tuổi, Thuận Châu, Sơn La) uống rượu cùng chỗ với bệnh
nhân L.V.M. Sau khi uống rượu gần 1 ngày, bệnh nhân cũng xuất hiện tình
trạng đau đầu, mờ mắt, khó thở, thở nhanh và toan chuyển hóa. Bệnh nhân
được đặt nội khí quản thở máy, lọc máu.
Theo BS. Nguyễn Trung
Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, bệnh nhân L.V.H may mắn hơn bệnh
nhân L.V.M là bị ngộ độc methanol nồng độ nhẹ hơn nên sau khi được lọc
máu thải trừ methanol, hiện tại bệnh nhân đã tỉnh táo, ổn định, đã rút
nội khí quản và thị lực đang dần được cải thiện.
Bệnh nhân thứ 3
là H.V.Q (40 tuổi) quê ở Đông Triều, Quảng Ninh đang làm thêm tại Hà
Nội. Bệnh nhân uống rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa phận quận
Cầu Giấy. Sau khi uống rượu, bệnh nhân xuất hiện tình trạng hôn mê, toan
chuyển hóa nặng, đã được tuyến dưới đặt nội khí quản và chuyển đến
Trung tâm Chống độc ngày 6/3. Bệnh nhân đã được lọc máu, đặt nội khí
quản, thở máy, điều trị tích cực.
Tuy nhiên do bị ngộ độc quá
nặng nên hiện tại bệnh nhân vẫn hôn mê sâu. Kết quả chụp não cho thấy
não bị tổn thương nặng và bị xuất huyết 2 bên. Được các thầy thuốc giải
thích tiên lượng xấu, chiều 9/3, gia đình đã xin cho bệnh nhân về nhà.
Bệnh
nhân thứ 4 bị ngộ độc methanol đang được điều trị tại Trung tâm Chống
độc là một nam thanh niên người nước ngoài (35 tuổi) trú tại phố Pháo
Đài Láng (Q.Đống Đa), dạy ngoại ngữ tại Hà Nội, vào viện hôm 7/3 trong
tình trạng mờ mắt, đau đầu.
Người nhà cho biết, các ngày trước
khi có biểu hiện ngộ độc, bệnh nhân uống rượu tại nhà nhưng mua rượu ở
quán ngay gần nơi cư trú. Đến chiều 6/3 thì xuất hiện mờ mắt nên đến
khám ở Bệnh viện Mắt Trung ương và tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện
Bạch Mai.
Theo ThS. BS. Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung
tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, cồn y tế cũng là methanol,
chỉ dùng để sát trùng chứ không thể uống. Đa số các ca bệnh ngộ độc rượu
là rượu trắng không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, trôi nổi
ngoài thị trường, các nhà sản xuất ham lợi nhuận đã pha cồn công nghiệp
vào rượu để bán thu lời.
Methanol vào trong cơ thể sẽ được
chuyển hóa thành chất độc hơn, phát tác chậm, sau 1-2 ngày các biểu hiện
bên ngoài mới rõ rệt. Nếu cứ uống liên tục với liều tuy không cao nhưng
chúng sẽ tích lũy dần gây các tổn thương cho người bệnh. Đa số bệnh
nhân nhập viện muộn, mờ mắt (thậm chí bị mù), hôn mê, rối loạn chuyển
hóa nặng, tổn thương não, hoại tử não...
Không ít các ca bệnh
thoát chết nhưng để lại những di chứng não, mắt rất nặng nề, não căng
phù, hoại tử nhân bèo, chảy máu não. Người bệnh tuy được cứu sống nhưng
mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
(TTXVN)