Chỉ khoảng 19,4% trẻ sơ sinh được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, trên 70% bà mẹ không ý thức hết lợi ích của việc cho con bú… khiến mỗi năm Việt Nam tiêu tốn khoảng 3 tỷ USD cho sữa bột (sữa công thức), chưa kể gánh nặng về bệnh tật mà trẻ sơ sinh và bà mẹ gặp phải. Trong khi đó, quy định về việc kinh doanh sữa, các chính sách hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ chưa được giám sát chặt chẽ. Đó là những thông tin được đưa ra tại hội nghị tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ (từ ngày 1 đến ngày 7/8).
“Đói”... sữa mẹ
Từ nhiều năm qua, BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.Hồ Chí Minh, chứng kiến không ít cảnh dở khóc dở cười khi các bà mẹ đến tư vấn dinh dưỡng cho con. Có trường hợp trẻ mới 10 tuổi nhưng đã nặng xấp xỉ 70kg, có trẻ đã 7 - 8 tuổi nhưng suy dinh dưỡng chẳng khác trẻ mới lên 3. “Phần lớn các bà mẹ thực hành dinh dưỡng cho con không đúng, trong đó không ít trường hợp xuất phát từ việc thiếu sữa mẹ ngay từ đầu”, BS Diệp nói.
Hàng ngày, Khoa Tư vấn dinh dưỡng của Trung tâm Dinh dưỡng TP.Hồ Chí Minh tiếp nhận không dưới 100 bà mẹ hỏi các vấn đề liên quan đến sữa cho con. “Thậm chí có bà mẹ còn xin tư vấn có nên cho con bú sữa mẹ không vì thấy quảng cáo sữa bột hấp dẫn chẳng khác nào sữa mẹ. Hay bỏ bú khi con đầy 3 tháng thì có tốt không… Nói chung, vẫn còn nhiều bà mẹ thiếu hiểu biết về sữa mẹ”, BS Diệp băn khoăn.
Theo BS Diệp, khoa học đã chứng minh việc trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu mang lại những lợi ích rất lớn cho sức khỏe của bé về sau, đó là trẻ ít mắc các bệnh nhiễm khuẩn, suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì, ít mắc các bệnh mãn tính và phát triển hoàn thiện trí não. Đó là chưa kể bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu giúp ngăn ngừa 13% trẻ em tử vong dưới 5 tuổi. Ngược lại, việc cho con bú giúp bà mẹ giảm 39% nguy cơ ung thư vú, 26% ung thư buồng trứng…
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện tỷ lệ trẻ bú mẹ hoàn toàn dưới 6 tháng tuổi đang thấp đến mức báo động. BS Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Thống kê của Bộ Y tế cho thấy hiện khoảng 19,4% trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Còn sữa non (dòng sữa đầu tiên trong vòng 1 giờ sau sinh) được ví như “vaccine quý hiếm”, thống kê năm 2010 cũng chỉ mới 1/2 (tương đương 750.000) trẻ ở Việt Nam được bú. Xu hướng cho thấy trẻ sơ sinh đang “đói” sữa mẹ trong khi khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới cũng như các nhà khoa học từ lâu là không một thực phẩm nào tốt nhất thay thế được sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời của trẻ”.
Chính vì thế mà gánh nặng về bệnh tật của cả trẻ lẫn mẹ càng nặng hơn. BS Diệp cho biết, thống kê sơ bộ của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) mỗi năm Việt Nam tiêu tốn 3,6 tỷ USD cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống các loại sữa bột và khoảng 500 triệu USD chi phí điều trị các bệnh liên quan đến nuôi con không bằng sữa mẹ.
Thiếu ý thức lẫn chế tài
“Truyền hình quảng cáo sữa bột cho trẻ sơ sinh ra rả suốt ngày mà không thấy quảng cáo sữa mẹ. Quy định trước khi quảng cáo sữa phải đọc câu “sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ” thì đọc thật nhanh để không ai nghe rõ”, TS Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh nói về sự bất cập trong quảng cáo sữa. Dù rằng nhiều nhà sản xuất sữa cố gắng làm sữa bò cho thật giống sữa mẹ để câu khách nhưng theo TS Giang thì làm sao giống được. “Sữa bò là cho con bò con bú, còn sữa mẹ là cho em bé bú. Làm gì có sữa bò nào giống sữa mẹ”, TS Giang nói.
Lý giải về tình trạng tỷ lệ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu còn thấp, TS Giang cho rằng các chính sách và chế tài chưa đầy đủ. Chẳng hạn với thời gian nghỉ thai sản theo Luật Lao động là 4 tháng, đương nhiên trẻ không thể bú đầy đủ sữa trong 6 tháng nếu người mẹ phải đi làm. Đó là chưa kể áp lực công việc, nhiều bà mẹ phải đi làm sớm và “cai” sữa sớm cho trẻ.
Còn BS Đỗ Thị Ngọc Diệp cho rằng một bộ phận bà mẹ trẻ hiện chưa ý thức về lợi ích cho con bú sữa mẹ. Thậm chí nhiều bà mẹ sợ cho con bú sẽ làm… ngực xấu! Hoặc việc cho trẻ ăn dặm sớm trước 6 tháng tuổi cũng trở nên phổ biến. “Điều này đòi hỏi vai trò của cán bộ y tế có trách nhiệm hơn trong tư vấn dinh dưỡng cho bà mẹ”, BS Diệp nói.
Trong khi đó, việc quảng cáo sữa bột tràn lan, thay thế cả sữa mẹ vẫn chưa có những giám sát, chế tài nghiêm ngặt. Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị định 21/2006/NĐ-CP (NĐ 21) của Chính phủ về việc kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, vẫn còn nhiều kẽ hở. TS Hoàng Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm Truyền thông sức khỏe Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết, nhiều quảng cáo sữa mập mờ, gây ngộ nhận nhưng chế tài xử lý rất nhẹ.
TS Thanh dẫn chứng, mới đây thanh tra Sở Y tế Hà Nội xử phạt hành chính chỉ 7 triệu đồng đối với Công ty cổ phần G&P Mama sữa non vì có hành vi so sánh sản phẩm tương đương với sữa mẹ. Cụ thể, sản phẩm thực phẩm bổ sung Mama sữa non New (NSX: 020211, HSD: 010213) được quảng cáo trên bao bì là có tính năng tương tự sữa mẹ. Trong khi đó theo NĐ 21, các sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ trên nhãn không được ngụ ý sản phẩm có chất lượng tương đương hoặc tốt hơn sữa mẹ.
Theo TS Thanh, hiện theo NĐ 21, mức phạt cao nhất cũng chỉ 10 triệu đồng tùy vào hành vi vi phạm. Như vậy, chưa đủ sức răn đe. Hiện quy định của NĐ 21 chỉ cấm giới thiệu sữa cho trẻ dưới 1 tuổi ở các cơ sở y tế, còn những nơi khác, các công ty sữa tha hồ tiếp cận, nào là phát tờ rơi, tổ chức hội thảo, cho dùng thử, tặng quà… làm lung lay hoặc thay đổi ý thức của các bà mẹ có con nhỏ./.
(Tường Lâm/SGGP)