Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu tạo bước chuyển mạnh mẽ về nhận thức nhằm thúc đẩy toàn xã hội thay đổi hành vi thực hiện bình đẳng giới; từng bước thu hẹp khoảng cách giới và nâng vị thế của phụ nữ trong một số lĩnh vực còn bất bình đẳng hoặc nguy cơ bất bình đẳng giới cao.
Chương trình được thực hiện trên phạm vi toàn quốc với 5 dự án.
Dự án 1 đặt mục tiêu 70% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang và sinh viên, học sinh các cấp, các cụm dân cư được tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới.
Nội dung của Dự án 2 là nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới. Trong dự án này sẽ tiến hành tập huấn về nghiệp vụ hoạt động bình đẳng giới, bồi dưỡng nâng cao năng lực, tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ làm công tác bình đẳng giới. Đồng thời sẽ xây dựng và sử dụng cơ sở dữ liệu về bình đẳng giới và bộ chỉ số giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Luật Bình đẳng giới.
Dự án 3 là nâng cao năng lực cho đội ngũ nữ đại biểu Quốc hội, nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nữ cán bộ quản lý, nữ lãnh đạo các cấp; nữ ứng cử đại biểu Quốc hội, nữ ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2020, nữ cán bộ thuộc diện quy hoạch.
Dự án 4 là hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới trong những lĩnh vực, ngành, vùng, địa phương có bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ cao bất bình đẳng giới. Mục tiêu của dự án này là xây dựng và thí điểm thực hiện 5 mô hình nhằm can thiệp giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng giới gồm: 1- Mô hình hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm, khởi sự và phát triển doanh nghiệp tại 10 cơ sở dạy nghề và giới thiệu việc làm; 2- Mô hình thí điểm xây dựng 10 nhà giữ trẻ trong cơ quan, trung tâm dạy nghề và các khu công nghiệp, khu chế xuất để tăng khả năng tham gia các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội của phụ nữ; 3- Mô hình về ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới tại 63 xã (mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chọn 1 xã); 4- Mô hình hỗ trợ 315 xã (mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chọn 5 xã) xây dựng, sửa đổi quy ước, hương ước bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới; 5- Mô hình thí điểm về dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới tại 30 xã, phường, thị trấn ở miền núi, vùng cao cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Dự án 5 là hỗ trợ xây dựng, phát triển dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới. Thực hiện dự án này, sẽ thí điểm thành lập và vận hành 4 Trung tâm công tác xã hội cung cấp dịch vụ hỗ trợ thực hiện hoạt động bình đẳng giới (tại 4 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đại diện 4 khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ).
Tổng kinh phí của Chương trình là 955 tỷ đồng, được bố trí từ các nguồn: Ngân sách trung ương, ngân sách địa phương; viện trợ quốc tế; huy động từ xã hội, cộng đồng và các nguồn hợp pháp khác.
Thực hiện Luật Bình đẳng giới, các quy định pháp luật về bình đẳng giới đã được triển khai khá đồng bộ ở hầu hết các ngành, các cấp.
Một trong những chỉ tiêu quan trọng về sự tiến bộ xã hội và bình đẳng giới là số lượng nữ tham gia lãnh đạo quản lý. Những năm qua, chỉ tiêu này đã được cải thiện rõ rệt, phụ nữ đã và đang tham gia tích cực trong công tác lãnh đạo, quản lý từ Trung ương đến cơ sở. Theo thống kê, nhiệm kỳ 2010-2015, tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy đạt tỷ lệ 11,3% ở cấp tỉnh, 15,15% ở cấp huyện và cấp xã là 17,98%.
Trong lĩnh vực kinh tế và lao động, nếu tính số lao động mới được giải quyết việc làm trong năm 2010, tỷ lệ phụ nữ trong tổng số lao động xã hội đạt khoảng 49,4%. Tiền lương bình quân một giờ lao động của nam và nữ không có sự chênh lệch lớn.
Trong gia đình, vai trò của phụ nữ đã được cải thiện đáng kể. Người phụ nữ được tôn trọng và được tham gia nhiều hơn vào các quyết định quan trọng trong gia đình, vào hoạt động sản xuất tạo thu nhập. |
(Theo: VGP News)