Chủ Nhật, 22/9/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Bảy, 9/7/2011 7:44'(GMT+7)

Tranh cãi về bốn chủ đề bức xúc trong bình đẳng giới

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bà Nguyễn Thị Bích Thúy (Giám đốc trung tâm nghiên cứu giới, Viện Khoa học và Lao động, Bộ Lao động-Thương binh và xã hội) cho biết: Phụ nữ đang chịu bất bình đẳng trong lao động và việc làm so với nam giới, thể hiện trong quy định tuyển dụng, quy định ưu tiên đối với lao động nữ trong tuyển dụng, hỗ trợ trong quá trình làm việc, cũng như khi mất việc làm. Phụ nữ cũng gặp khó khăn trong tham gia và đào tạo chuyển nghề để chuyển đổi công việc do gánh nặng gia đình và con cái...

Tại cuộc hội thảo, Trung ương Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh và thảo luận bốn vấn đề chính là: thời gian nghỉ thai sản; tuổi nghỉ hưu; việc thành lập tổ chức chính trị, chính trị xã hội (CTXH) trong doanh nghiệp (DN) và vấn đề nhà trẻ, mẫu giáo ở khu công nghiệp.

Bà Dương Thị Xuân, Trưởng ban Luật pháp chính sách (Hội LHPN Việt Nam) đồng ý với phương án 1 của dự thảo và bổ sung thêm quy định người lao động (NLĐ) được nghỉ trước và sau khi sinh con, cộng lại 6 tháng và được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH). Nếu sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 30 ngày. Hiện nay quỹ ốm đau thai sản chỉ chi tiêu hết 75% còn thừa 25% (khoảng 6000 tỷ đồng). Báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong 4 năm qua cũng khẳng định, BHXH đồng ý để NLĐ nữ được nghỉ thai sản 6 tháng nếu Luật quy định.

Bà Bùi Thị Thoan, đại diện Công ty TNHH Đỉnh Vàng (Hải Phòng) cho rằng, lao động nữ làm công việc nặng nhọc được nghỉ trước và sau khi sinh con, cộng lại từ 6 đến 8 tháng nhằm đảm bảo sức khỏe mẹ và con. Theo bà Thoan, tổng thời gian nghỉ cho hai lần sinh con của một người phụ nữ không nhiều so với cả cuộc đời lao động của họ. Danh mục công việc nặng nhọc, độc hại phụ nữ được phép làm không nhiều, nên việc chi trả bảo hiểm thêm hai tháng cho đối tượng này không lớn. Quy định này thể hiện sự ưu tiên hơn với đối tượng NLĐ nữ làm công việc nặng nhọc. Ý kiến của bà Thoan được đa số đại biểu tán thành.

Một số ý kiến khác đề xuất quy định cho nam giới cũng được nghỉ hai tuần chăm sóc con trong thời gian vợ nghỉ thai sản và được hưởng nguyên lương, thời gian nghỉ tùy thuộc vào sự thỏa thuận với người sử dụng lao động (NSDLĐ) và NLĐ cho phù hợp với quy định của pháp luật về bình đẳng giới.

Về tuổi về hưu, bà Nguyễn Thị Bích Thúy, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giới, Bộ LĐTB&XH cho rằng, nên tách các đối tượng là NLĐ và cán bộ, công chức, viên chức để có quy định phù hợp. Cần giữ nguyên quy định tuổi hưu là 60 tuổi, nữ 55 tuổi kèm theo quy định điều chỉnh giảm số năm đóng BHXH là điều kiện được hưởng lương hưu hàng tháng tương đương với 5 năm lao động nữ về hưu trước nam. Bà Thúy lập luận, tính chất của NLĐ chủ yếu là sử dụng cơ bắp, lao động chân tay. Xuất phát từ đặc điểm tự nhiên của giới tính, sự phát triển cơ bắp của nữ sớm hơn và nhanh hơn nam nên sự suy giảm cũng sớm hơn nam giới. Mặt khác phần lớn lao động nữ làm những công việc đơn giản nên có nhu cầu về hưu ở tuổi sớm hơn.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức cần thực hiện nguyên tắc bình đẳng, đồng thời cũng quy định theo hướng linh hoạt trong khoảng 55 - 60 tuổi cho riêng phụ nữ để thể hiện tính ưu tiên. Đối với lao động có trình độ cao nên nghiên cứu điều chỉnh hợp lý bởi nhóm lao động trí óc, được đào tạo bài bản.

Khi tuyển dụng đầu vào là như nhau thì khi kết thúc công vụ cũng cần được quy định bình đẳng để tận dụng chất xám của cả nam và nữ. Mặt khác, độ tuổi như nhau cho nam và nữ sẽ giúp đảm bảo quyền lợi cho nam giới được hưởng lương hưu với thời gian dài hơn do tuổi thọ thực tế thấp hơn phụ nữ. Nhiều ý kiến của các chuyên gia về lao động, luật pháp đồng tình với việc quy định tuổi của nam là 62, nữ 60.

Ông Đỗ Đình Hoằng, chuyên viên Ban Tuyên giáo T.Ư cho rằng rất cần thiết phải thành lập các tổ chức chính trị, chính trị xã hội (CTXH) trong DN. Lý do là NLĐ đa dạng về đặc điểm, về tuổi, về giới tính nên có nhu cầu tham gia vào các tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích của mình. Đây là nhu cầu chính đáng của NLĐ. Khi các tổ chức này ra đời sẽ làm cho mối quan hệ giữa NLĐ và NSDLĐ tốt hơn, góp phần cho sự phát triển của DN và bản thân NLĐ. Đưa quy định về thành lập tổ chức chính trị, CTXH vào Bộ luật lao động chính là một bước thể chế hóa chủ trương, quan điểm định hướng của Đảng thành quy định pháp luật.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, không nên quy định các tổ chức chính trị, CTXH vì phần lớn đã có công đoàn, nên củng cố để công đoàn đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của các đối tượng lao động. Nếu có nhiều tổ chức chính trị, CTXH trong DN sẽ chồng chéo ảnh hưởng đến cả NSDLĐ và NLĐ vì bị chi phối thời gian.

Vấn đề nhà trẻ, mẫu giáo trong khu công nghiệp là sự quan tâm, bức xúc của NLĐ ở các khu công nghiệp tập trung, đặc biệt với các lao động nữ có con nhỏ. Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân nữ (VCCI) đề nghị việc xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo nên là trách nhiệm của ba bên Nhà nước, doanh nghiệp và NLĐ, trong đó trách nhiệm chính là của Nhà nước. Trường hợp giao trách nhiệm cho DN thì Nhà nước phải hỗ trợ mặt bằng xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cô nuôi dạy trẻ. Công việc này là rất cần thiết nhằm đảo bảo sự phát triển toàn diện và hài hòa của trẻ em.

(Theo NDĐT)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất