(TCTG) - Thế giới 7 tỷ người – Dựa vào nhau cùng chung sống. Đó là chủ đề Quỹ Dân số Liên hợp quốc phát động trên toàn cầu nhân Ngày Dân số Thế giới (11/7/2011). Dân số thế giới sẽ đạt mức 7 tỷ người vào tháng 10 năm nay. Điều này sẽ tạo ra nhiều áp lực trong việc đáp ứng đủ nhu cầu về thực phẩm nhà ở, nước sạch và vệ sinh cho tất cả mọi người.
Việt Nam, với số dân gần 86 triệu người, đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 13 trong số những nước đông dân nhất trên thế giới, đang đứng trước một bài toán khó: Tận dụng cơ hội khi bước vào kỷ nguyên “cơ cấu dân số vàng”, đồng thời cần có ngay những kế hoạch khẩn cấp ứng phó với tình trạng già hóa dân số.
Việt Nam đang nắm trong tay "cơ hội vàng" về dân số khi đang ở trong thời kỳ "cơ cấu dân số vàng". Hiện nước ta có 58 triệu người trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 64 tuổi) trên tổng số 86 triệu dân. Như vậy, cứ 2 người lao động mới có 1 người phụ thuộc. Thời kỳ này bắt đầu vào khoảng năm 2007 và theo dự báo sẽ kết thúc vào năm 2041. Thời kỳ "cơ cấu dân số vàng" chỉ xảy ra duy nhất một lần trong lịch sử nhân khẩu học của mỗi quốc gia. Thông thường, thời kỳ "cơ cấu dân số vàng" kéo dài trong khoảng 3 thập kỷ, nhưng "Cửa sổ vàng" này có cơ hội mở lâu hơn, tới 40 năm, tùy thuộc vào việc kiềm chế mức sinh. Chính vì thế, nắm bắt được cơ hội vàng về dân số sẽ tạo động lực để VN tăng tốc quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Chúng ta có thể chủ động giành lấy cơ hội này vì Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia đạt nhiều tiến bộ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, các chỉ số phát triển con người của VN tăng cao ở 3 yếu tố: thu nhập bình quân đầu người, tuổi thọ trung bình và giáo dục. Thống kê năm 2009 cho thấy, tuổi thọ bình quân của người dân Việt Nam đạt 72,8 tuổi, tăng 4,3 tuổi so năm 1999; việc học hành được chú trọng hơn, số năm đi học trung bình của cả nước đã đạt 9,6 năm. Tổng sản phẩm quốc dân bình quân đầu người đã tăng hơn 2 lần.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều thách thức để chúng ta có thể tận dụng được cơ hội vàng về dân số, khi tỷ lệ lao động qua đào tạo, chỉ số phát triển con người, vấn đề trọng nam khinh nữ, tác phong lao động, chênh lệch giới tính thai nhi, suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi, thời gian làm việc, năng suất lao động... của ta đều chưa đạt chuẩn “vàng”. Hiện tỷ lệ lao động qua đào tạo (từ công nhân kỹ thuật trở lên) của ta mới đạt 28 – 30%; chênh lệch giới tính khi sinh cao, 112 trẻ em trai/100 trẻ em gái, nhiều địa phương tỷ lệ này tới 125 - 130/100; số người thiếu việc làm, nhất là ở nông thôn khá cao, trên 10%; thể chất và các chỉ số về chiều cao, cân nặng, sức bền của người Việt chưa tốt; 1/5 trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng; tệ nạn xã hội phức tạp, nhất là tệ nghiện hút... Đặc biệt, tác phong lao động của người Việt Nam ta rất tuỳ tiện, tính tổ chức và kỷ luật chưa cao, chưa có tác phong công nghiệp.
Mỗi năm, cả nước có thêm khoảng 1 triệu rưỡi người bước vào độ tuổi lao động, đòi hỏi phải được đào tạo nghề và giải quyết công ăn việc làm. Để tận dụng cơ hội “dân số vàng” tạo sức bật cho phát triển kinh tế, đòi hỏi chúng ta phải đầu tư nhiều hơn nữa vào nguồn nhân lực, đặc biệt là tăng cường giáo dục, đào tạo, chuyên môn kỹ thuật và tạo nhiều cơ hội cho thế hệ trẻ...
Một điều đáng chú ý là thời kỳ "dân số vàng" và "già hóa dân số" ở Việt Nam diễn ra gần như đồng thời bởi việc duy trì mức sinh thấp trong nhiều năm và tuổi thọ trung bình được nâng cao. Chính vì thế, cùng với việc tận dụng thời cơ vàng mà cơ cấu dân số mang lại, thì VN phải nhanh chóng triển khai các giải pháp ứng phó với thời kỳ "già hóa dân số" đến sớm hơn so với những dự báo trước đây và ngắn hơn so với các nước khác.
Trước hết, Việt Nam cần phải nhanh chóng xây dựng và triển khai đồng bộ các các chính sách về an sinh xã hội phù hợp để đáp ứng với giai đoạn già hóa dân số đang diễn ra rất nhanh. Các chương trình bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội và hưu trí hiện nay cần phải phù hợp hơn với xu hướng già hóa dân số. Những chính sách nhằm tăng cường khả năng tự lực của người cao tuổi, khuyến khích các gia đình và cộng đồng có trách nhiệm chăm sóc người già... cần được phát huy, nhất là những tỉnh/thành phố và khu vực có chỉ số già hóa cao. Tỷ lệ người già sống độc thân ngày càng gia tăng nên cần phải phát triển các dịch vụ xã hội tương ứng cho nhóm dễ bị tổn thương này. Với dân số già thì tuổi nghỉ hưu khá thấp như hiện nay, nhất là 55 tuổi đối với lao động nữ, sẽ trở nên bất hợp lý. Điều này cần phải được cân nhắc để tận dụng sức lao động cho xã hội.
Sức mạnh tài sản thực sự của thế giới hiện đại không phải là nguồn tài nguyên khoáng sản thiên nhiên mà chính là nguồn lực con người. Tận dụng "cơ hội vàng" về cơ cấu dân số, đồng thời kịp thời ứng phó để giảm "gánh nặng" dân số già, sẽ góp phần tạo sự năng động và khả năng sáng tạo của nguồn lực con người trong nền kinh tế, tạo động lực để Việt Nam "cất cánh" trong tương lai./.
- Mai Hồng -