Mọi nỗ lực triển khai ứng dụng CNTT hướng tới phát triển Chính phủ điện tử đều phải nhằm trả lời được câu hỏi này, chỉ có vậy mô hình Chính phủ điện tử mới đem lại hiệu quả. Đây chính là điều mong mỏi của tất cả các đại biểu tham dự Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử 2008 vừa diễn ra.
|
Người dân được hưởng gì từ Chính phủ điện tử là câu hỏi được đặt ra bởi nhiều đại biểu tham dự Hội thảo quốc gia về CPĐT hôm 17/12. | |
|
Theo con số thống kê được ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục ứng dụng CNTT và Truyền thông Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra tại hội thảo, hiện giờ cứ 100 người dân Việt Nam đã có 86 người có điện thoại. Tỷ lệ người dân sử dụng Internet cũng đã chiếm hơn 20% dân số. Đây chính là cơ hội để các ứng dụng CNTT hướng tới phát triển Chính phủ điện tử có điều kiện đến với mỗi người dân Việt Nam.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, người dân vẫn mới chỉ được hưởng một phần những tiện ích từ việc ứng dụng CNTT mà chưa phải là tất cả bởi những mục tiêu đề ra cho một mô hình Chính phủ điện tử của Việt Nam vẫn đang là định hướng.
Năm nay, Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử được tổ chức với chủ đề “Xây dựng Chính phủ điện tử gắn với cải cách thủ tục hành chính nhà nước”. Mục tiêu của những nhà tổ chức hội thảo lần này chính là làm sao thúc đẩy được quá trình tin học hoá trong các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương để tạo sự chuyển biến nhận thức về vai trò, ý nghĩa của Chính phủ điện tử đối với cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân khi thực tế hiện nay việc phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam còn có khoảng cách so với yêu cầu chung và với quốc tế
Trên thực tế, một mô hình Chính phủ điện tử hiệu quả quan trọng nhất là làm sao người dân có thể giao tiếp được với cơ quan quản lý nhà nước qua mạng Internet. “Một chính phủ điện tử vì dân” sẽ phát huy tôi đa quyền làm chủ của người dân thông qua việc hỏi đáp trực tuyến. Và điều này lại cần tới cả việc cải cách hành chính sao cho phù hợp.
Đại diện của Bộ Nội vụ, ông Đinh Duy Hoà thừa nhận cải cách hành chính hiện nay vẫn đang chậm so với yêu cầu và do vậy hiệu quả đạt được chưa cao. Vẫn còn nhiều lời kêu ca, phàn nàn của người dân và doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước về các vấn đề liên quan tới thủ tục hành chính.
Ông Hoà cho rằng nếu cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc giao tiếp thông qua môi trường truyền thông sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người dân cũng như doanh nghiệp. Thay vì phải tới tận cơ quan quản lý nhà nước mới thể đề đạt những yêu cầu, ứng dụng CNTT sẽ giúp người dân và doanh nghiệp chỉ cần ở nhà hay văn phòng làm việc nhưng vẫn có thể giao tiếp được với cơ quan quản lý nhà nước.
Nhưng hiện giờ việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến qua mạng của các cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn rất hạn chế. Mới chỉ có Bộ Ngoại giao là đáp ứng được phần nào việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân mà thôi.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Thế Dũng - đại diện của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng hiện nay chỉ số sẵn sàng về Chính phủ điện tử ở Việt Nam đã có, song hiệu quả đem lại cho người dân lại không nhiều. Nhưng cản trở lại không phải do vấn đề công nghệ mà xuất phát từ thể chế. Theo ông Dũng, Việt Nam cần phải có một chiến lược phát triển CNTT với định hướng cụ thể hướng tới người dân, từ đó việc xây dựng mô hình chính phủ điện tử cũng sẽ phù hợp hơn.
Để tìm được một mô hình Chính phủ điện tử phù hợp với Việt Nam, ở thời điểm này, Việt Nam vẫn đang phải xây dựng cho mình một lộ trình cụ thể với những chương trình phù hợp, gắn với cải cách hành chính cũng như chú trọng việc đầu tư.
Ông Nguyễn Thành Phúc cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông hiện đang xây dựng chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT nhằm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2011-2015 với mục tiêu hầu hết các dịch vụ hành chính công được thực hiện trực tuyến qua mạng như đăng ký cấp phép, nhận giấy phép qua mạng…
Câu hỏi được đặt ra đó là bao giờ những mục tiêu này trở thành hiện thực? Có lẽ trên hết những vấn đề đó, việc xác định cụ thể một mô hình “chính phủ điện tử vì dân” sẽ là kim chỉ nam dẫn đường chỉ lối đúng đắn trong lúc này.
(Theo VnMedia)