Thứ Bảy, 5/10/2024
Cuộc sống số
Thứ Năm, 18/12/2008 9:10'(GMT+7)

Tiết kiệm tiền tỷ nhờ họp qua cầu truyền hình

“Bộ Giáo dục và Đào tạo đi đầu trong việc triển khai hình thức họp hội nghị tuyển sinh qua cầu truyền hình từ tháng 12/2004. Tính đến nay đã có hàng chục cuộc hội nghị, đông nhất lên đến gần 1.300 đại biểu và tiết kiệm kinh phí ngân sách khoảng 2,5 tỉ đồng tiền đi lại ăn ở của các đại biểu từ xa đến Hà Nội cho một hội nghị đông người này. Cầu truyền hình đã nối đến cả Đại học Tây Bắc, Đại học Tây Nguyên, Đại học An Giang cũng như các đối tác tại Mỹ, Nhật, Pháp. Hình thức họp này không chỉ đã tiết kiệm kinh phí mà còn tiết kiệm thời gian, công sức đi lại và nâng cao hiệu quả trao đổi phát biểu tại hội nghị”, ông Ngọc cho biết.

Hiện, ngay tại phòng làm việc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân có thể họp trực tiếp với 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (qua đầu cầu thành phố Long Xuyên, An Giang).

Cũng theo ông Ngọc, bên cạnh đó, Cục CNTT còn triển khai hệ thống họp qua web (web conference). Ưu điểm của hệ thống này là đơn giản, rất dễ sử dụng, chỉ cần webcam và một đường kết nối ADSL. Hệ thống này có thể dùng để họp giao ban, hội thảo, tập huấn, đào tạo từ xa, bảo vệ luận án, e-Learning… không chỉ ở Bộ mà còn giữa các sở và các trường học.

web conference cho phép chia sẻ màn hình, chia sẻ phần mềm, chia sẻ dữ liệu, chat, trình chiếu, bảng trắng, khảo sát thăm dò ý kiến…

Ảnh minh họa

Việc ứng dụng rộng rãi họp qua cầu truyền hình
sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí.


Về thiết bị, ông Ngọc cho biết, thiết bị sử dụng cho web conference tối thiểu chỉ cần webcam, loại tốt nhất là Logitech Quickcam Pro 5000, giá chỉ khoảng 75-80 USD. Webcam Logitech có ưu điểm là đã tích hợp microphone đi liền và có độ nhạy cao. Tại trụ sở có phòng họp lớn thì có thể dùng camera Sony EVI-D70 cộng thêm card chuyển đổi video kết nối USB, loại Kworld EasyCap 22 USD.

Về hình thức họp Audio conference, từ năm 2007, Cục CNTT đã triển khai thử nghiệm hệ thống đàm thoại đa bên (audio conference) dựa trên bo mạch điện tử Digium 60 đường thoại và phần mềm mã nguồn mở Asterisk. Các cuộc họp được tổ chức bằng việc các bên tham gia gọi vào một số điện thoại duy nhất rồi quay thêm số phòng họp.

Hệ thống này có thể sử dụng điện thoại IP và khi đó không mất tiền cước. Tuy nhiên chất lượng thoại IP phụ thuộc vào chất lượng đường kết nối Internet. Trong khi nếu quay số bình thường, chất lượng thoại sẽ rất tốt do băng thông cố định chuẩn 64 Kbps.

Thiết bị họp qua thoại có thể là điện thoại cầm tay, để bàn hay thiết bị chuyên dụng như Sound Station của Polycom. Giá thành thiết bị Polycom còn cao, khoảng 700-1.100 USD. Ông Ngọc khuyến cáo có thể dùng điện thoại để bàn Panasonic 2373 vì có nút tắt microphone, điều chỉnh âm lượng và có loa ngoài nên có thể phục vụ phòng họp 20 người. Giá của điện thoại Panasonic chỉ khoảng 480.000 đồng.

Mô hình này đang được phổ biến rộng cho các Sở GDĐT họp với các Phòng giáo dục, hoặc Phòng giáo dục họp với các trường. Hiện, Cục CNTT đã cấp cho Sở GDĐT Hà Nội một phòng đàm thoại ảo để sử dụng họp giao ban thường xuyên giữa Sở với 29 phòng quận huyện. Mô hình này cũng đang được triển khai cho nhiều tỉnh miền núi.

Về kết nối Internet tới trường học, ông Ngọc cho biết, Cục CNTT đã thống kê, tính đến tháng 7/2008, có 17.342 trường phổ thông chưa nối Internet trên tổng số 27.595 (trong đó có 556 trường không có điện lưới). Chiếm 62% số trường phổ thông chưa được kết nối Internet.

100% các trường đại học, cao đẳng đã nối mạng Internet bằng nhiều hình thức khác nhau. Nhiều trường đại học có mạng nội bộ, có đường thuê riêng (leased line), có phòng truy cập Internet cho sinh viên và giáo viên, có trang thông tin điện tử. Nhiều Sở GDĐT như Hà Nội, Hoà Bình, TP.HCM, Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng, Bắc Ninh,... đã xây dựng mạng nội bộ, kết nối tới các trường phổ thông, xây dựng trang thông tin điện tử của Sở. Nhìn chung, việc khai thác và sử dụng Internet còn hạn chế do cước phí và nội dung thông tin cho giáo dục chưa nhiều.
(Theo VnMedia)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất