Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Chủ Nhật, 9/11/2008 17:58'(GMT+7)

Báo in ở Nhật làm ăn phát đạt nhờ dân số già

Nhật và Mỹ: Hai bức tranh tương phản

Ở Hoa Kỳ - đất nước người ta vẫn luôn tự hào là trung tâm thông tin thế giới, đã có không biết bao nhiêu phóng viên, biên tập viên phải từ chức, hay buộc nghỉ việc. Tình trạng thất nghiệp trong ngành truyền thông tăng cao trong khi các chỉ tiêu tăng trưởng của một loạt tờ báo thì liên tục giảm xuống.

Thế nhưng, ở Nhật Bản, chưa một tờ báo in nào phải chứng kiến thực tế nói trên, ít nhất là tại thời điểm hiện nay.

Trong khi số lượng phát hành của các tờ báo ở Mỹ đều đã sụt giảm hơn 15% trong suốt một thập kỷ qua thì ở Nhật con số này chỉ là 3,2%. Đáng ngưỡng mộ hơn cả là số lượng độc giả của năm tờ nhật báo hàng đầu quốc gia vẫn không hề thay đổi.

Hiện nay, đất nước mặt trời mọc vẫn tự tin nắm giữ vị trí số một về số lượng khách hàng báo in. 624/1.000 người ở độ tuổi trưởng thành tìm đến nhật báo. Theo báo cáo tổng kết năm 2008 của Hiệp hội báo in thế giới, con số này gấp 2,5 lần so với Hoa Kỳ.

Trung bình, ở quốc gia này, mỗi một hộ gia đình đều đón đọc ít nhất là 1 tờ báo in. Tờ Yomiuri, với số lượng phát hành lên tới hơn 10 triệu bản mỗi năm là tờ báo lớn nhất cả nước.

Theo thống kê của Hiệp hội các nhà biên tập báo in Hoa Kỳ, trong suốt một thập kỷ vừa qua, trung bình cứ 10 nhà báo ở Mỹ thì có một người mất việc. Đơn cử như trường hợp tờ The Washington Post đã giảm số lượng nhân viên tới 1/4 chỉ trong vài năm gần đây. Ngược lại, ở Nhật Bản, việc cắt giảm biên chế với số lượng lớn và phóng viên bỏ việc vẫn chưa xảy ra.

Ngành công nghiệp báo in của chúng tôi đến nay vẫn là “một mảnh đất thiêng”. Không phải khoe khoang, nhưng quả thật số lượng phóng viên, nhà báo, ký giả của báo in vẫn không hề giảm sút trong suốt những năm vừa qua” - Megumi Tomita, giám đốc quản lý và phát hành của Hiệp hội Biên tập viên và nhà xuất bản báo in Nhật Bản tự tin khẳng định.

Lợi thế dân số già

Những người làm báo ở các nước phát triển trên toàn thế giới từ lâu đã phải chấp nhận một thực tế đó là báo in hoàn toàn không có sức thu hút giới trẻ. Những người trẻ ở Nhật cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, điểm mấu chốt ở đây là ở Nhật, điều đó không hề ảnh hưởng tới số lượng ấn bản phát hành của báo in.

Lý do đơn giản chính là vì đất nước hoa anh đào hiện đang dẫn đầu thế giới về hiện tượng “dân số già”. Theo thống kê của chính phủ Nhật, số lượng trẻ em dưới 14 tuổi đã liên tục giảm trong vòng 27 năm liên tiếp và hiện đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1908.

Những con số này đồng thời cũng là minh chứng mạnh mẽ nhất báo hiệu một cuộc khủng hoảng về nhân khẩu học của Nhật Bản.

Theo ước tính của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản, trước năm 2050, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 70% lực lượng lao động và tỉ lệ tăng trưởng kinh tế sẽ giảm dần xuống mức 0%.

Rõ ràng, nếu điều đó trở thành hiện thực thì bức tranh kinh tế và vị thế của Nhật Bản trên trường quốc tế sẽ trở nên hết sức u ám.

Tuy nhiên, cùng lúc đó, số lượng người già chiếm đông đảo trong dân số lại là tín hiệu đáng mừng của báo in. Bởi lẽ hầu như người lớn tuổi nào cũng có thói quen đọc báo viết.

Với họ, đọc báo giấy rõ ràng dễ dàng hơn hẳn việc phải tự khởi động máy tính và lướt web” - Giáo sư Yoshiyuki Hashiba thuộc trường Đại học Sophia ở thủ đô Tokyo, đồng thời là cây bút kỳ cựu của báo Mainichi trong vòng hơn 30 năm, nói.

Quan trọng hơn nữa là số lượng người già hiện nay ở Nhật Bản đang ngày một tăng nhanh. Số người từ 65 tuổi trở lên chiếm 22% dân số cả nước, cao nhất trên toàn thế giới. Chính phủ nước này cũng dự đoán đến năm 2040, số người cao tuổi sẽ cao gấp 4 lần số trẻ em dưới 14 tuổi.

Vì lẽ đó mà số lượng phát hành của báo in cũng được hi vọng sẽ vẫn tiếp tục duy trì ở mức như hiện nay.

Dửng dưng với Internet

Khác với hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, những người làm báo in ở Nhật vẫn kiên quyết giữ khoảng cách với Internet.

Thông thường, mỗi tờ báo của chúng tôi chỉ đăng tải khoảng 20% thông tin lên mạng”, bà Masaki Satsuka, giám đốc mảng phát hành của Hiệp hội các tổng biên tập và nhà xuất bản ở Nhật cho biết. Bà Masaki cũng chia sẻ, sở dĩ người Nhật không tập trung chăm chút và đầu tư một cách tỉ mỉ cho báo mạng là vì tính đến nay vẫn chưa có một mô hình nào chứng tỏ việc làm đó mang lại lợi nhuận lớn.

Doanh thu từ quảng cáo báo in ở Nhật vẫn phải chịu chung hoàn cảnh như các nước khác. Chỉ trong vòng 4 năm, doanh thu quảng cáo đã giảm 9%. Và theo nhận định của các chuyên gia, trong năm nay nó còn tiếp tục giảm từ 10 đến 20% nữa.

Trong khi đó, phần lớn các tờ báo ở Mỹ lại quay sang tập trung báo mạng, đầu tư và đăng tải tất cả các nội dung lên web mà không thu bất cứ một khoản phí nào. Mặc dù số lượng độc giả tìm đến với thông tin trên web ngày một tăng cao nhưng doanh thu về quảng cáo online tính riêng trong năm 2008 lại ở mức đóng băng.

Rút kinh nghiệm từ thực tế các đồng nghiệp ở Hoa Kỳ, các tờ báo in ở Nhật không hề có ý định đầu tư sang lĩnh vực báo mạng chừng nào độc giả của họ còn chưa quay lưng lại với báo in. Và rõ ràng, cách làm này của họ là hoàn toàn đúng!

Đề cao khách hàng đặt báo

Tất nhiên, về lý thuyết, ngày báo in Nhật Bản diệt vong không phải là hoàn toàn viễn tưởng. Tuy nhiên, trong khi chờ “ngày tận thế” của mình, những người làm báo in vẫn kiên định với cách làm của mình, mang mỗi tờ báo in đến tận mỗi gia đình người Nhật. Cách làm này phần nào thể hiện tính cách cần mẫn nhưng không kém phần hiệu quả vốn có của người dân Nhật Bản.

Hiện nay, để được giao một tờ báo tận nhà, mỗi gia đình ở Nhật phải chi khoảng 470 đôla mỗi năm – một khoản tiền không hề nhỏ. Tuy nhiên, vẫn có 95% độc giả ở Nhật nhận báo ở nhà. Trong khi đó, việc giao báo ở Mỹ chiếm tới 70% giá bán.

Ở Nhật, có tới hơn 20.000 điểm giao báo tại nhà (gần bằng số lượng các bưu điện ở đất nước mặt trời mọc). Khoảng 424.000 nhân viên giao báo vẫn đều đặn mang báo in đến với mọi ngõ ngách của cả nước. Họ mang báo, rồi thu tiền đặt báo hàng tháng và không ngừng cần mẫn gõ cửa từng nhà để thuyết phục khách hàng mua báo. Khi khách hàng tiếp tục gia hạn đặt báo, họ thường được khen ngợi bằng một tờ giấy khen và những món quà nhỏ nhằm động viên tinh thần.

Việc đăng ký đặt mua báo dài hạn chiếm khoảng 54% doanh thu báo in, cao hơn rất nhiều so với con số 20% của Hoa Kỳ. “Nhờ số lượng đặt báo dài hạn luôn giữ ở mức khá cao nên doanh thu báo in của chúng tôi luôn ổn định”.

Một yếu tố nữa khiến báo in vẫn giữ vững vị thế trong lòng độc giả là nhờ tỉ lệ 99% người Nhật biết chữ cũng như sự tin tưởng tuyệt đối của độc giả với báo in. Trong cuộc điều tra trên quy mô toàn quốc của tờ báo Yomiuri, 85% những người được hỏi cho biết họ hoàn toàn tin vào thông tin được đăng tải trên tờ báo in.

Trong khi đó, chỉ có khoảng 20% độc giả ở Mỹ tin vào những gì họ đọc được trên các tờ nhật báo. Giáo sư Hashiba thuộc trường Đại học Sophia ở Nhật khẳng định: “Niềm tin đối với người Nhật là một cái gì đó hết sức thiêng liêng. Nó đã trở thành nền tảng truyền thống và văn hóa. Hơn nữa, với người dân đất nước tôi, đọc và viết bao giờ cũng được tôn trọng hơn nói hay tranh luận”.

  • VietNamNet (theo The Washington Post)
     

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất