Trong 24 giờ tới, bão số 1 di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10 km. Ðến 22 giờ ngày 31-3, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,2 độ vĩ bắc; 108,8 độ kinh đông, cách bờ biển Ninh Thuận - Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 120 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km/giờ), giật cấp 11, cấp 12.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão số 1 di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, đi vào đất liền các tỉnh Bình Thuận - Bà Rịa - Vũng Tàu và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Ðến 22 giờ ngày 1-4, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,0 độ vĩ bắc; 107,0 độ kinh đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km/giờ), giật cấp 7, cấp 8.
Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc mỗi giờ đi được khoảng 10 km, đi sâu vào đất liền suy yếu và tan dần.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực vùng biển phía tây bắc quần đảo Trường Sa có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động rất mạnh. Vùng biển các tỉnh từ Bình Ðịnh đến Bà Rịa - Vũng Tàu (bao gồm cả khu vực đảo Phú Quý) gió sẽ mạnh dần lên cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh. Vùng ven biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bà Rịa - Vũng Tàu từ chiều 31-3 gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Các tỉnh từ Bình Ðịnh đến Bình Thuận, khu vực miền đông Nam Bộ và nam Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Ngoài ra bộ phận không khí lạnh đã báo vẫn đang di chuyển xuống nước ta. Ðêm 30-3, bộ phận không khí lạnh ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ, sau đó sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, mưa rào và có nơi có dông; gió chuyển hướng đông bắc trong đất liền cấp 3 - 4, vùng ven biển cấp 5, giật cấp 6 - 7. Ở vịnh Bắc Bộ và vùng biển ngoài khơi Trung Bộ từ đêm 30-3 có gió đông bắc mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh. Khu vực Bắc Biển Ðông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 7 - 8, giật cấp 9. Biển động mạnh. Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời trở rét.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, do ảnh hưởng của bão số 1, từ hôm nay, ngày 31-3, ở các tỉnh từ Phú Yên đến Bình Thuận, Ðồng Nai và khu vực nam Tây Nguyên sẽ có một đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông; đợt mưa này có khả năng kéo dài 2 - 3 ngày. Trên các sông từ Phú Yên đến Bình Thuận, Ðồng Nai, Ðác Lắc, Ðác Nông và Lâm Ðồng có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Mực nước trên các sông từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có khả năng lên mức báo động (BÐ) 1 - BÐ 2, có nơi trên báo động 2; các sông ở Phú Yên, Ðồng Nai và khu vực nam Tây Nguyên lên mức báo động 1. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở vùng núi.
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo PCLB T.Ư sáng 30-3, Bộ đội Biên phòng cho biết, từ đêm 29-3 đã bắn pháo hiệu tại 31 điểm để báo cho tàu, thuyền biết hướng tránh bão và đến chiều tối 30-3 đã thông báo cho chủ 47.051 tàu, thuyền biết vị trí, diễn biến của bão, để di chuyển tránh bão số 1.
Chiều 30-3, Ban PCLB T.Ư có Công điện số 07 gửi Ban chỉ huy PCLB các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên - Huế, các bộ, ngành chức năng, yêu cầu thông báo cho chủ tàu thuyền trên biển di chuyển phòng tránh; giữ liên lạc thường xuyên với chủ tàu thuyền để xử lý kịp thời khi có thời tiết xấu và sẵn sàng phương tiện cứu hộ, cứu nạn ứng phó tình huống xấu.
Ứng phó với diễn biến bất thường của bão số một, tỉnh Bình Thuận vừa có công điện khẩn chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương khẩn trương triển khai các phương án PCLB, kêu gọi tàu thuyền tìm nơi trú ẩn. Hiện toàn tỉnh có 306 tàu đang di chuyển tránh bão. Tỉnh đã lên phương án di dời 33 điểm dân cư với hơn 7.100 hộ đến nơi an toàn khi có tình huống xấu xảy ra.
Ngày 30-3, tỉnh Khánh Hòa có công điện yêu cầu các ngành, địa phương triển khai ngay phương án PCLB, sẵn sàng di dời dân, kiểm tra và gia cố các công trình chứa nước thủy lợi, thủy điện, tổ chức việc cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xảy ra. Hiện nay, 220 tàu, thuyền của ngư dân đang đánh bắt hải sản trên quần đảo Hoàng Sa. Gần 10.000 tàu thuyền đã neo đậu hoặc đang vào bờ tránh bão. Bộ chỉ huy BÐBP tỉnh Phú Yên đã liên lạc được với 218 tàu, thuyền với 2.024 người tại khu vực quần đảo Trường Sa. Tỉnh có hai tàu với 21 lao động đang neo đậu tại đảo Song Tử Tây. Tàu câu cá ngừ đại dương PY 90945 TS bị mắc cạn ngày 28-3 tại khu vực đảo Ðá Lớn đã được tàu Hải quân cứu nạn. Ban chỉ huy PCLB tỉnh cũng ra công điện khẩn chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai các phương án phòng, chống bão và duy trì lực lượng trực sẵn sàng cơ động khi có tình huống xấu xảy ra.
Huyện Phước Long, Bạc Liêu vừa hỗ trợ cho 24 hộ dân ở xã Phong Thạnh Tây B bị ảnh hưởng do lốc xoáy, tốc mái nhà, sập nhà nhiều hộ dân. Mỗi hộ được trợ giúp bước đầu một triệu đồng. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ gia đình có một người bị sét đánh chết 4,5 triệu đồng.
23 ngư dân Quảng Ngãi gặp nạn trên biển
Chiều 30-3, Ban chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Ngãi xác nhận có hai tàu cá QNg-90046TS và QNg-90252TS bị hỏng máy, trôi dạt trên biển Hoàng Sa. Hiện tỉnh đã liên lạc với ngư dân đang đánh bắt trong khu vực để đề nghị cứu giúp.
Sáng cùng ngày, tàu cá QNg-96597TS ở huyện đảo Lý Sơn, Khánh Hòa bị trôi dạt do sóng đánh chìm tàu. 14 ngư dân trên tàu đã được đưa vào đảo Song Tử Tây an toàn. |
Theo Nhân Dân