Thiếu nước không chỉ đe dọa cuộc sống hàng ngày của con người mà còn làm hoang hóa nhiều khu vực. Một quan chức cao cấp của DNI cảnh báo nguồn nước ngọt có thể sẽ bị các quốc gia, nhất là các quốc gia ở đầu nguồn, khống chế và sử dụng như một thứ vũ khí để đe dọa các quốc gia có chung dòng sông ở dưới hạ lưu, chưa nói tới khả năng các phần tử khủng bố cũng sử dụng nước như một công cụ để đe dọa sự ổn định và an ninh của từng nước và của toàn cầu.
Nhân Ngày Nước thế giới ngày 22/3, Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (DNI) công bố bản báo cáo xác định tình trạng khai thác quá mức dẫn tới nguồn nước bị cạn kiệt, ngày càng bị ô nhiễm.
Cũng theo bản báo cáo, nạn lụt lội và các cuộc tranh chấp về nguồn nước của các con sông lớn trên toàn cầu hiện nay đang làm tăng các rủi ro, có thể gây bất ổn định đối với các quốc gia nói chung và đe dọa lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ nói riêng.
Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn báo cáo của DNI cho biết các nguồn cung nước ngọt hiện nay sẽ không thể thỏa mãn nhu cầu của toàn cầu vào năm 2040, do vậy có nguy cơ gây bất ổn định chính trị, làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế và đe dọa các thị trường lương thực thế giới.
Khả năng sản xuất lương thực và năng lượng của các khu vực gồm Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi sẽ bị hạn chế do phải đối mặt với những thách thức lớn liên quan tới nguồn nước ngọt. Tuy trong 10 năm tới chưa thể xảy ra một “cuộc chiến thế giới về nguồn nước ngọt,” nhưng nguy cơ của các cuộc xung đột sẽ gia tăng do nhu cầu về nguồn nước ngọt của toàn cầu vào năm 2030 sẽ cao hơn 40% so với nguồn cung hiện có.
Theo báo cáo của DNI, các rủi ro lớn đang hiện hữu đối các con sông lớn và có vai trò chiến lược của thế giới như sông Brahmaputra ở Tây Nam Á; sông Amu Darya ở Trung Á; sông Nile và lưỡng hà Tigris-Euphrates ở Trung Đông và sông Mekong ở khu vực Đông Nam Á.
Các nguy cơ này chỉ có thể giảm nếu từng quốc gia, các khu vực và toàn thể cộng đồng thế giới có các hành động tập thể khẩn cấp để quản lý việc khai thác các nguồn nước. Nếu ngay lúc này không có các biện pháp để khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn nước ngọt, nhất là trên các con sông lớn, ngành nông nghiệp thế giới sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì lĩnh vực này sử dụng tới 70% lượng nước ngọt của toàn cầu.
Thiếu nước không chỉ đe dọa cuộc sống hàng ngày của con người mà còn làm hoang hóa nhiều khu vực. Một quan chức cao cấp của DNI cảnh báo nguồn nước ngọt có thể sẽ bị các quốc gia, nhất là các quốc gia ở đầu nguồn, khống chế và sử dụng như một thứ vũ khí để đe dọa các quốc gia có chung dòng sông ở dưới hạ lưu, chưa nói tới khả năng các phần tử khủng bố cũng sử dụng nước như một công cụ để đe dọa sự ổn định và an ninh của từng nước và của toàn cầu.
Phát biểu tại Washington nhân Ngày Nước thế giới, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, người chỉ thị cho các cơ quan tình báo Mỹ soạn thảo bản báo cáo trên, khẳng định việc tiếp cận các nguồn nước ngọt có ý nghĩa sống còn đối với từng cá nhân, từng quốc gia và từng nền kinh tế. Vì vậy, bà nhấn mạnh cộng đồng thế giới phải chung sức hợp tác khai thác hiệu quả và bảo vệ nguồn tài sản vô giá này. Ngoại trưởng Mỹ cũng công bố sáng kiến “Đối tác về nước của Mỹ,” tại đó sẽ quy tụ các chuyên gia của của chính phủ và tư nhân để tìm ra các giải pháp hữu hiệu quản lý và giải quyết các vấn đề liên quan tới nguồn nước.
Cũng nhân ngày này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi cộng đồng quốc tế thúc đẩy đường lối mới toàn diện hơn đủ khả năng chống lại thách thức khan hiếm nước trên toàn cầu.
Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh nếu nhân loại không cải thiện được hiệu quả sử dụng nước trong nông nghiệp, thế giới sẽ thất bại hoàn toàn trong cuộc chiến chống đói nghèo.
Với gần 1 tỷ người trên thế giới đang bị đói và 800 triệu người chưa được tiếp cận nguồn nước an toàn, cộng đồng quốc tế cần hành động tích cực hơn để tăng cường các nền tảng ổn định ở các địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu. Tổng Thư ký nêu rõ đầu tư tương xứng cho phát triển cơ sở hạ tầng nguồn nước, phát triển nông thôn và quản lý bền vững nguồn nước là các đòi hỏi cấp thiết.
Cũng trong ngày 22/3, Chủ tịch Quỹ Quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD) Kanayo F. Nwanze đặc biệt lưu ý rằng đối với nông dân các nước đang phát triển, các vấn đề nước và đất đai không thể xử lý như các vấn đề riêng biệt. Để giảm tỷ lệ đói nghèo ở nông thôn, các nước cần phát triển đường lối mới tập trung vào nguồn nước làm nền tảng phát triển các lĩnh vực khác như nông nghiệp và y tế./.
(TTXVN)