Nếu không có các hành động nhằm hạn chế lượng khí nhà kính đang ngày càng gia tăng, thì nhiệt độ toàn cầu có thể tăng thêm 4 độ C vào cuối thể kỷ này, dẫn đến tình trạng axít hóa các đại dương, mực nước biển dâng cao, ô nhiễm môi trường biển, sự di trú của các loài sinh vật biển và lốc xoáy nhiệt đới khắc nghiệt hơn.
Một nghiên cứu của các nhà hải dương học công bố ngày 21/3 cho biết biến đổi khí hậu có thể tàn phá nghiêm trọng các đại dương trên thế giới, với mức thiệt hại lên tới 2.000 tỷ USD mỗi năm, tương đương 0,37% tổng sản lượng quốc nội (GDP) toàn cầu, nếu như các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính không được đẩy mạnh.
Nghiên cứu trên chỉ ra rằng nếu không có các hành động nhằm hạn chế lượng khí nhà kính đang ngày càng gia tăng, thì nhiệt độ toàn cầu có thể tăng thêm 4 độ C vào cuối thể kỷ này, dẫn đến tình trạng axít hóa các đại dương, mực nước biển dâng cao, ô nhiễm môi trường biển, sự di trú của các loài sinh vật biển và lốc xoáy nhiệt đới khắc nghiệt hơn.
Điều này cũng sẽ đe dọa các dải san hô ngầm, gây tổn thất cho ngành đánh bắt hải sản và làm giảm nguồn cá. Nếu điều đó xảy ra, tới năm 2050, mức tổn hại do biến đổi khí hậu gây ra cho các đại dương sẽ là 428 tỷ USD/năm, và tới năm 2100, con số này sẽ vọt lên gần 2.000 tỷ USD/năm.
Trong nghiên cứu với tiêu đề "Đánh giá đại dương", các chuyên gia thuộc Viện Môi trường Stockholm đã phân tích những nguy cơ lớn nhất mà môi trường biển thế giới phải đối mặt, cũng như ước tính thiệt hại do nhiệt độ ấm lên trên toàn cầu gây ra cho các đại dương. Theo đó, ngành du lịch liên quan tới đại dương sẽ phải chịu thiệt hại nhiều nhất, lên tới 639 tỷ USD mỗi năm. Lượng cácbon trên đại dương giảm làm giảm khả năng hấp thụ khí cácboníc (CO2) sẽ gây thiệt hại khoảng 458 tỷ USD.
Theo các chuyên gia, nếu việc cắt giảm phát thải khí nhà kính được thực hiện một cách mạnh mẽ hơn và mức tăng nhiệt độ toàn cầu được hạn chế ở 2,2 độ C, thì tổng thiệt hại có thể sẽ giảm bớt khoảng 1.400 tỷ USD./.
TTXVN