SỰ THAY ĐỔI DIỆN MẠO NHANH CHÓNG
Không
ít chuyên gia cho rằng, nhiều thập niên qua, lĩnh vực kiến trúc-cảnh
quan nông thôn đã bị “bỏ rơi”. Ngoài những bản quy hoạch chung phân định
ranh giới đất, tại nhiều khu vực nông thôn, Luật Xây dựng và các quy
định về xây dựng, kiến trúc hình như chưa thật sự phát huy hiệu quả.
Sự
hoạch định còn thiếu tầm nhìn xa, dự báo thiếu khoa học cùng với việc
thực thi kỷ cương chưa nghiêm của cơ quan quản lý và nhận thức của người
dân hạn chế tại nhiều vùng quê đã dẫn đến kiến trúc nông thôn phát
triển tự phát. Với cách kiến tạo không phù hợp địa hình, cảnh quan cùng
trào lưu vay mượn, chắp vá kiến trúc cũng góp phần làm cho nhiều làng
quê nguy cơ trở nên biến dạng, méo mó...
Trước hết,
chúng ta cùng thống nhất về sự ra đời của xóm làng Việt Nam để làm căn
cứ nhận diện cho những biến động trong thời đương đại. Các nhà nghiên
cứu đã đúc kết khái quát, sự hình thành văn minh làng xã gắn với việc
phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp lúa nước.
Trước
đó, khi con người sống du canh du cư thì chưa tạo nên lối sống quần tụ,
xóm làng chưa thể ra đời. Xét về quan hệ xã hội thì con người, với nhu
cầu sản xuất, sinh hoạt và giao lưu, từ quan hệ huyết thống đã nới dần
sang quan hệ láng giềng - địa vực. Đây được coi là nguyên tắc cơ bản
hình thành nên làng xã và văn hóa làng xã. Quá trình tụ cư cùng với hệ
thống thiết chế làng xã đã hình thành và phát triển trên điều kiện như
vậy; tính cộng đồng và tính tự trị cũng từ đó ra đời.
Trong quá
trình hình thành và phát triển của thiết chế làng xã, thế giới vật chất
của làng trở thành điểm tựa hình thành thế giới tinh thần của cư dân ở
đó, và ngược lại. Biểu tượng của tính tự trị mang màu sắc riêng của mỗi
ngôi làng Việt rõ ràng nhất là lũy tre ken dày như một thành lũy bất khả
xâm phạm. Còn biểu tượng của tính cộng đồng làng là mái đình, sân đình,
cây đa, bến đò, giếng làng và những nơi có thể tụ họp trong không gian
làng. Ngôi đình cổ kính mà ngày xưa làng nào cũng có không chỉ là trung
tâm tôn giáo, tâm linh, trung tâm hành chính mà còn là một địa chỉ văn
hóa của làng khi diễn ra hội hè, đình đám, hát xướng, liên hoan...
Điều
đó cho thấy thiết chế làng đã góp phần quan trọng tạo nên cảnh đẹp làng
quê Việt Nam cổ truyền với không gian trữ tình, dung dị. Hình ảnh của
làng đã đi vào tâm thức, có sức cuốn hút và lay động cảm xúc của người
ở, kẻ đi. Nỗi nhớ trong lòng mỗi chúng ta khi nghĩ về quê hương là hình
ảnh làng xóm thân thương với lũy tre xanh, những hàng cau, hàng dừa vươn
thẳng, là cổng làng uy nghi mà gần gũi.
Làng là mái đình trầm
mặc bên cây đa cổ thụ, là ngôi chùa cổ rêu phong hướng mặt ra bến sông,
là ngõ gạch đơn sơ đếm thời gian ký ức. Làng là bến sông, nơi con trẻ
bơi lội vui đùa, nơi những người phụ nữ chọn làm chốn giao lưu, tâm sự.
Làng là lúa, là khoai, là luống đậu, đám rau, là rơm rạ ngày mùa, lục
lạc trâu về trong buổi hoàng hôn.
Từ cảnh sắc thiên nhiên, kiến
trúc và văn hóa con người, thì làng Việt từng là một chỉnh thể ổn định.
Bởi vậy, tất cả hệ giá trị vật chất và tinh thần của làng trường tồn qua
mọi biến thiên thời gian đều có lý do tồn tại của nó.
Trở lại
với thực tại, nông thôn nước ta đang trong quá trình công nghiệp hóa,
hiện đại hóa và đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới. Thực hiện
chủ trương của Đảng, sự nghiệp xây dựng nông thôn mới là kiến tạo những
giá trị mới, làm cho nông thôn Việt Nam văn minh, giàu đẹp hơn nhưng
không lai căng, không làm mất những giá trị văn hóa truyền thống.
Nhưng
một thực trạng phổ biến là nhiều làng quê chúng ta có vẻ đang xấu đi,
trước hết là về cảnh quan, kiến trúc. Phong cảnh và nhiều hạ tầng cổ
truyền quý báu mang nét đẹp riêng của mỗi ngôi làng đã bị lãng quên, bị
“hô biến” những giá trị đặc sắc, bởi tư tưởng duy ý chí và cách làm nóng
vội, không phù hợp.
Hậu quả là ao làng, giếng làng bị lấp. Bến
nước đẹp bỏ hoang. Những lối đi bằng đá xanh nhẵn bóng thời gian bị cạy
lên để thay bằng những con đường bê-tông không mấy ấn tượng. Những hàng
cây cổ thụ bị chặt bỏ để phân lô, bán nền, hình thành khu dân cư mới.
Những cổng làng chứng tích trăm năm bị “hạ giải” và thay vào đó là những
chiếc cổng phô trương, vô hồn. Những ngõ trúc quanh co, những hàng rào
dâm bụt tình tứ bị thay bằng mầu xỉn sẫm của gạch đá kín cổng, cao
tường, che khuất tầm mắt và khuất luôn cả tình làng nghĩa xóm…
Không
khó để chúng ta nhận diện thực trạng về sự mất trật tự và thiếu bản sắc
của kiến trúc nông thôn đương đại như nhận định khái quát của Kiến trúc
sư Hoàng Đạo Kính: “Hiện đang thịnh hành ba cách nhìn về sự phát triển
của kiến trúc nông thôn. Nông thôn đô thị hóa nhanh, với sự áp đảo của
các hình thức kiến trúc đô thị, sự bê-tông hóa - nhựa đường hóa và phố
hóa những con đường làng, sự phổ cập các tiện nghi đô thị và đặc biệt là
sự gia tăng mật độ xây cất cùng độ cao nhà cửa mang hình thái đô thị.
Một cách nhìn khác: kiến trúc nông thôn nhại lại kiến trúc thành phố,
với nhà ống-nhà chia lô, dạng cái hộp và “tô điểm” rập khuôn theo hình
mẫu cũ kỹ từ thành phố”.
Kiến trúc
sư Hoàng Đạo Kính cũng cho rằng: “Kiến trúc nông thôn hiện nay là một nền kiến trúc
hầu như tự phát, ít được hướng dẫn cả mặt quy hoạch kiến trúc lẫn thẩm
mỹ. Nông thôn giàu lên, về phương diện nào đó tiến sát đô thị song kiến
trúc lại thiếu định hướng. Có thể nói, kiến trúc tổ ấm của hàng triệu
nông dân đang bị các nhà hoạch định chính sách cùng các nhà kiến trúc bỏ
rơi”.
Chính
sự “bỏ rơi” ấy mà không gian cảnh quan, môi trường và hệ sinh thái làng
quê của chúng ta đang bị phá vỡ. Cơn lốc đô thị hóa vội vã, thiếu kiểm
soát cùng với lối tư duy phát triển lệch lạc, ẩu đoảng, thẩm mỹ phô
trương kệch cỡm đang nguy cơ làm cho làng quê, cho nông thôn phai dần
bản sắc.
Một ngôi nhà rường truyền thống theo lối kiến trúc ba gian, hai chái.
Làng bây giờ không khác gì phố với sự ken dày của
bê-tông, giảm thiểu cây xanh và mặt nước. Không gian làng quê ngày càng
thiếu cân bằng, thiếu sự hài hòa vốn có bởi những quy hoạch tùy tiện, áp
đặt, chắp vá tạo nên sự ngột ngạt, hỗn độn, phá vỡ hình ảnh phóng
khoáng, thân thương. Những khối nhà cao tầng với các mẫu kiến trúc lai
căng đủ loại được bê nguyên xi từ thành phố, từ các quốc gia khác về đặt
ngay bên cạnh cánh đồng lúa ngàn đời trở nên lạc lõng.
Quỹ đất
nông thôn còn rộng mà hóa ra chật khi nhà ở cư dân và rất nhiều ngôi nhà
thờ họ cứ tiến ra mặt đường thỏa mãn sự khoe khoang. Làng Việt cổ
truyền đang có nguy cơ tan biến khi phố thì chưa ra phố mà làng chẳng
còn dáng dấp của làng.
Các nhà chuyên môn cho rằng, kiến trúc
nông thôn đang đứng trước những vấn đề nan giải về cách lựa chọn mô
hình, quy hoạch, thiết kế, duy trì cảnh quan, bảo vệ môi trường và nhiều
vấn đề khác. Thực trạng kiến trúc nông thôn đòi hỏi phải có những
nghiên cứu sâu, những giải pháp hợp lý. Không nên áp đặt hình mẫu chung
mà phải tìm kiếm những mô hình nhà ở phù hợp với địa hình, cảnh quan,
khí hậu, đáp ứng công năng nhưng vẫn bảo đảm bản sắc vùng miền, thậm chí
theo cảnh sắc, địa thế mỗi làng.
Những ngôi nhà nông thôn không
chỉ đáp ứng nhu cầu của con người nơi đó mà còn tạo nên sức sống, vẻ
đẹp sinh động của làng quê với nét đặc trưng riêng; hiện đại, tiện nghi
mà vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống. Về điều này, ông cha ta từ
hàng nghìn năm qua đã kiến tạo những mô hình phù hợp, điều đó là cốt lõi
để dựng nên bản sắc cho cảnh quan làng Việt.
Còn ngày nay, nền
tảng kinh tế - xã hội có sự thay đổi, công năng của mỗi ngôi nhà và cách
tổ chức sinh hoạt trong từng gia đình cũng không giống trước. Chúng ta
hãy coi đó là những thách thức khoa học, những bài toán khó mà các nhà
hoạch định, quản lý và chuyên môn cần đóng góp tâm huyết, trí tuệ để đưa
ra lời giải phù hợp.
Thời đại phát triển, chúng ta cũng không
chỉ sống bằng tâm niệm hoài cổ theo tư duy “ao làng”. Nhưng phải nhận
thức rằng, những giá trị tốt đẹp xưa cũ thì không nên để dễ dàng mất đi
mà phải bảo tồn hài hòa trong không gian mới mẻ khi tiến trình phát
triển không thể dừng lại. Xã hội ngày nay với những biến động không
ngừng của nó, cần phải được nhìn nhận và tìm kiếm những giải pháp phù
hợp.
Trong hoàn cảnh đó, nhiều quốc gia đã áp
dụng thành công mô hình “nông thị” hay cách gọi khác là “nông trấn”
(agritown) như một cách dung hòa giữa phát triển hiện đại và bảo lưu
những giá trị truyền thống. Trong một “nông thị” như thế, diện tích mặt
nước, bãi cỏ, khu vui chơi vẫn được ưu tiên và khu vực tâm linh, nhà ở,
sản xuất, thương mại, hành chính, trường học được sắp xếp hợp lý, hài
hòa. Không có một mẫu chung, mà mỗi không gian cảnh quan và kiến trúc
làng phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, địa hình, nhu cầu sản xuất và
sinh hoạt.
Gần đây, nhiều bản người Thái, người Mường ở phía
bắc, các buôn người Ê Đê, Cơ Ho phía nam hay các làng người Kinh khu vực
đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long đã rất quan tâm bảo tồn văn hóa tộc
người và không gian sống cổ truyền nhằm khai thác du lịch. Từ góc độ bảo
tồn không gian làng Việt có thể coi đó là những hình mẫu quý. Các cơ
quan chức năng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hay Viện Quy
hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) nên đặc biệt quan tâm
đến sự thay đổi diện mạo các làng quê, tích cực tham gia cùng chính
quyền cơ sở và hướng dẫn người dân ý thức hơn trong việc bảo tồn và kiến
tạo những giá trị gia tăng để làm đẹp không gian, cảnh quan làng quê
Việt Nam trong thời đổi mới.
PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA LÀNG XÃ
Cuộc sống hiện đại với nhiều biến động, văn hóa làng đứng trước nguy cơ mai một. Trong từng ngôi làng, từng mái nhà đang mất dần cốt cách truyền thống mà tiền nhân từng dày công sáng tạo, vun đắp. Hơn lúc nào các giá trị văn hóa làng xã cần được bảo tồn và phát huy.
|
Nhiều
năm qua, văn hóa làng xã luôn là một lĩnh vực đề tài được các học giả
đặc biệt quan tâm. Xuất phát từ nhiều góc độ tiếp cận khác nhau nhưng
các nghiên cứu đều chung một luận đề khái quát, văn hóa làng là kiểu
hình văn hóa đặc trưng, văn hóa “gốc” của nền văn hóa cổ truyền Việt
Nam; trong đó có hệ thống thiết chế, những mối liên kết xã hội, những
tập quán, tín ngưỡng, lối sống, sinh hoạt sản xuất, đời sống và thực
hành văn hóa đặc biệt độc đáo. Những bản sắc ấy đã làm nên hồn cốt, nơi
khởi nguồn nền văn hóa Việt Nam.
Thực tiễn cho thấy những giá
trị mang bản sắc của mỗi xóm làng, buôn, bản, những nét đẹp truyền thống
của mỗi vùng miền từ duyên hải, đồng bằng đến trung du, miền núi đều đã
được tiếp nhận, trao truyền và tồn lưu trong tâm thức của cư dân Việt
Nam. Với vai trò chủ thể sáng tạo và thụ hưởng, sau lũy tre làng, bên
gốc đa, mái đình, bến nước, người dân quê Việt Nam bao đời đã kiến tạo
nên một hệ thống giá trị văn hóa phi vật thể quý báu. Đó là cả một kho
tàng phong tục, tập quán, lối sống, tín ngưỡng, văn hóa-nghệ thuật dân
gian, là những bảo vật “gốc” tạo nên tập tính dân tộc. Chỉ nói riêng
nghệ thuật dân gian, văn hóa làng đã tạo nên một kho tàng văn hóa phong
phú và hấp dẫn. Những làng cổ Kinh Bắc bên dòng sông Cầu góp cho nhân
loại một Không gian văn hóa Quan họ đặc sắc.
Trong cát bỏng gió
Lào, người xứ Nghệ từ ngàn xưa đã cất lên câu ví, câu giặm. Những làng
quê giữa cánh đồng lúa Thái Bình mượt mà với làn điệu chèo mát rượi sân
đình. Những làng mạc bên dòng sông Hương da diết điệu Nam bình, Nam ai.
Người Đất Tổ sáng tạo hát xoan. Những làng cổ suốt miền Trung Bộ đã tạo
nên lối hô bài chòi độc đáo. Đờn ca tài tử và điệu lý, câu hò lại vang
vọng từ chín nhánh Cửu Long… Những giá trị ấy chính là “dòng máu” của
mỗi ngôi làng, là trầm tích thẳm sâu, những lớp phù sa đắp bồi hồn cốt
cho làng và nuôi dưỡng cảm xúc cho mỗi người làng.
Cũng từ mỗi
ngôi làng đã thiết lập nên những bộ hương ước để quản lý, điều chỉnh
cộng đồng; đó là những định chế cụ thể từ thực tiễn, cho thấy một dân
tộc Việt Nam luôn tôn trọng đạo lý; các chuẩn mực đạo đức xã hội từ mỗi
cộng đồng làng có khác nhau sắc thái cụ thể nhưng cùng chung một mạch tư
tưởng. Đó là truyền thống tôn thờ những bậc anh hùng có công với nước;
trọng nghĩa tình, tương trợ; trọng người già, kẻ sĩ, những người hiếu
học; không chấp nhận những thói hư, tật xấu, không đồng tình với những
đối tượng gây hại cho cộng đồng…
Ở nước ta, đô thị hình thành
muộn và nhiều thành phố ra đời từ cội nguồn thôn dã. Chính vì vậy, văn
hóa thành thị ở Việt Nam cũng bắt nguồn từ văn hóa làng; là sự dung nạp
và cộng sinh giữa văn hóa làng với quá trình kiến tạo, hình thành đô
thị; nên về cơ bản căn cốt văn hóa Việt Nam vẫn mang đậm bản sắc văn hóa
làng. Bản thân chúng ta hay những người tiếp xúc hằng ngày tại những
ngôi nhà có số, phố có tên, thì hầu hết đều mang những nét tính cách,
ứng xử mang dấu ấn vùng miền rõ rệt. Có những người tha hương hàng chục
năm đến biển Á, trời Âu nhưng niềm tự hào vẫn là “cây đa, bến nước làng
mình”. Nói một cách khái quát, văn hóa làng được người dân quê xây dựng,
sàng lọc từ hàng ngàn đời nay đã trở thành di sản. Hệ thống những giá
trị quý báu ấy đã nhập hòa vào máu thịt cư dân, góp phần đắp bồi hồn
cốt, tạo giá trị khác biệt và tỏa sáng tính đa dạng của không gian nông
thôn Việt Nam. Qua nhiều thế hệ, văn hóa làng hình thành, được lưu giữ
bởi những nhu cầu sáng tạo và thụ hưởng của người dân; nó tồn tại tương
đối ổn định và bằng cảm xúc tự nguyện trong tình yêu của mỗi người với
nơi chốn sinh thành…
Những thập niên gần đây, đất nước phát triển
mạnh mẽ với những thay đổi to lớn về kinh tế - xã hội. Trong hoàn cảnh
đó, khu vực nông thôn cũng đã chủ động và cả thụ động tiếp nhận những
tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sự du nhập văn hóa
ngoại lai. Đời sống khởi sắc là điều cần khẳng định, nhưng kết cấu văn
hóa làng xã cũng đứng trước nguy cơ bị xô lệch. Sự đa dạng và sinh động
của nông thôn Việt Nam cổ truyền mà các nhà nghiên cứu nước ngoài từng
thốt lên “sự bí mật của các làng Việt” đang đứng trước nguy cơ mai một.
Làng quê mất dần phong vị, mất đi cái sắc thái tâm tình quê kiểng, chất
phác, hồn nhiên. Những giá trị cố kết cộng đồng đang dần lơi lỏng, bởi
lối sống thực dụng len lỏi chi phối vào mỗi ngôi làng và mỗi mái nhà.
Đạo lý vuông tròn, tình làng, nghĩa xóm có phần phai lạt. Trong cơn lốc
đô thị hóa, đất đai tăng giá bất thường nhiều khi đã làm cho máu mủ tình
thân cũng bị lòng tham vật chất làm cho băng hoại, rệu rã. Những hiện
tượng của thói đố kỵ hay sự lãnh cảm, thờ ơ với nỗi đau của người khác
đã và đang xuất hiện ở nơi chốn vốn là điểm khởi phát và nuôi dưỡng đạo
lý cao đẹp tình làng nước, nghĩa đồng bào Việt Nam…
Kinh
tế phát triển nhưng nhiều kết cấu văn hóa tưởng chừng bền vững đang có
nguy cơ phai nhạt, lơi lỏng. Trước nguy cơ đó, Nghị quyết Trung ương 5
khóa VIII và mới đây, Hội nghị văn hóa toàn quốc thêm một lần xác định,
nền văn hóa Việt Nam phải đứng vững trên “đôi chân” vừa tiên tiến-hiện
đại, vừa đậm đà bản sắc, kế thừa truyền thống. Sự biến đổi văn hóa cổ
truyền trong xã hội hiện đại với sự thay đổi sâu sắc các nền tảng là một
tất yếu. Nhưng những giá trị di sản ông cha phải được con cháu trân
trọng, gìn giữ, phát huy thành sức mạnh nội sinh.
Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trước
hết, khi đời sống người dân nông thôn khởi sắc thì chính quyền cần là
người định hướng và tổ chức trong việc phát huy niềm tự hào và trách
nhiệm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống song song với xây dựng
nông thôn tiên tiến, hiện đại. Bên cạnh loại bỏ hủ tục lạc hậu trong lối
sống, văn hóa hằng ngày, cần phát huy những giá trị tốt đẹp, nhân văn
trong đời sống, các phong tục, tập quán có từ xa xưa. Chính quyền cơ sở
cần quan tâm phát huy mặt tích cực của văn hóa dòng họ trong công tác
vận động xã hội, nhất là phong trào khuyến học, bảo đảm trật tự trị an
và đẩy lùi tệ nạn. Ở các vùng, các làng có truyền thống văn hóa-nghệ
thuật đặc sắc, cần có chính sách động viên các nghệ nhân dân gian, giúp
họ có thêm niềm đam mê và động lực trong việc tiếp lửa, trao truyền. Đưa
di sản vào trường học, thành lập các câu lạc bộ; khơi dậy phong trào
bằng các cuộc thi, liên hoan. Về điều này, các làng quan họ Bắc Ninh,
hát xoan Phú Thọ, chèo cổ Thái Bình, ví giặm Nghệ-Tĩnh, ca trù Hà Nội,
bài chòi các tỉnh miền trung, ca Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ… đã làm nhưng
muốn thành công hơn thì cần phải có sự định hướng rõ ràng của chính
quyền, sự hỗ trợ nhiệt tình của các cấp, ngành liên quan…
Các
cuộc vận động lớn về xây dựng đời sống văn hóa nói chung và làng văn hóa
nói riêng đã tạo nên động lực, góp phần xây dựng nông thôn mới hiện
đại. Chúng ta tiếp tục các cuộc vận động nhưng cần đi vào chiều sâu và
thực chất, tránh mang tính hình thức. Làng văn hóa phải là làng đạt đủ
các tiêu chí, mà trong đó, người dân là chủ thể sáng tạo và thụ hưởng
các giá trị văn hóa; tình làng nghĩa xóm được thắt chặt; nhân cách và
lối sống đẹp được phát huy. Làng văn hóa cũng góp phần ổn định chính
trị, kinh tế phát triển, đời sống, dân trí nâng cao, đẩy lùi đói nghèo,
lạc hậu và tệ nạn xã hội. Việc công nhận gia đình văn hóa cũng vậy,
những gia đình được tôn vinh phải là những gương sáng, có sức lan tỏa
điều tốt ra cộng đồng. Làm sao để làng Việt hiện đại phải là một môi
trường dân chủ, văn hóa, an toàn, lành mạnh và tiến bộ.
Quá
trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nông thôn ngày càng diễn ra mạnh
mẽ, kéo theo những biến động văn hóa ở khu vực này. Trong xu hướng tương
lai, sự vận động và biến đổi ngày càng phức tạp hơn đòi hỏi chúng ta
nhận thức sâu sắc rằng gìn giữ và phát huy những giá trị quý báu của văn
hóa làng vốn đã được các thế hệ người Việt thanh lọc qua thăng trầm
thời gian, chính là giữ hồn cốt của người Việt, của tinh hoa văn hóa dân
tộc Việt Nam. Văn hóa là bản sắc, là biểu tượng nhận diện, văn hóa cũng
là kháng thể để người Việt vững vàng trước mọi biến động và thử thách
của thời cuộc. Bởi vậy, cần phải có sự định hướng rõ ràng, hệ thống
chính sách phải đi vào thực tiễn cuộc sống, can thiệp phù hợp, kịp thời
và hiệu quả. Những chương trình, dự án cụ thể về lĩnh vực này được triển
khai nhiều hơn, quy mô hơn nhằm phát huy những ảnh hưởng, xu hướng biến
đổi tích cực; đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực, những mặt trái
đang xâm thực, bào mòn hệ giá trị văn hóa cổ truyền của nông thôn Việt
Nam./.
UÔNG THÁI BIỂU (nhandan.vn)