Là đất nước có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa và điều kiện tự nhiên đặc sắc, đến nay Việt Nam đã có 17 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO ghi danh. Tuy nhiên, để di sản không dừng lại ở việc được tôn vinh, mà còn tiếp tục khẳng định và phát huy “thương hiệu”, chúng ta còn nhiều việc phải làm.
Nhận diện di sản thế giới
“Di sản thế giới” là danh hiệu được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) trao cho di sản của các quốc gia trên thế giới, có giá trị nổi bật toàn cầu theo tiêu chí nhất định, nhằm tôn vinh di sản của nhân loại và kêu gọi, khuyến khích nỗ lực bảo tồn của cộng đồng. Những hoạt động xét duyệt hồ sơ của UNESCO dựa trên Công ước quốc tế về Bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới đưa ra năm 1972, hiện đã có 193 quốc gia thành viên. Việt Nam tham gia vào Công ước này năm 1987. Khi tham gia công ước, các quốc gia tự nguyện đầu tư tiền bạc, trí tuệ, công sức để giữ gìn và bảo vệ các di sản tại quốc gia mình trước mọi đe dọa.
UNESCO hiện có bốn công ước về văn hóa, trong đó có hai công ước về di sản, đó là công ước 1972 và 2003 nhằm bảo đảm tầm nhìn rõ ràng hơn về di sản văn hóa phi vật thể (VHPVT) và nhận thức việc bảo vệ loại hình di sản này. Theo công ước 2003 định nghĩa: “Di sản văn hóa phi vật thể” được hiểu là các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kỹ năng và kèm theo đó là những công cụ, đồ vật, đồ tạo tác, các không gian văn hóa có liên quan mà cộng đồng, nhóm người và trong một số trường hợp là cá nhân công nhận là một phần di sản văn hóa của họ. Di sản VHPVT được các cộng đồng và các nhóm người không ngừng tái tạo để thích nghi với môi trường và mối quan hệ qua lại giữa cộng đồng với tự nhiên và lịch sử của họ; đồng thời hình thành trong họ một ý thức về bản sắc và sự kế tục. Qua đó, khích lệ sự tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người. Cụm từ chính xác mà UNESCO vinh danh các di sản là “được ghi danh vào danh sách di sản của nhân loại”, chứ không phải “được UNESCO công nhận là di sản thế giới”-như vẫn thường gọi.
Di sản VHPVT được tách thành hai phần: VHPVT có giá trị đại diện của nhân loại và Di sản VHPVT cần được bảo vệ khẩn cấp. Trong 9 Di sản VHPVT mà Việt Nam được công nhận, có hai di sản nằm trong diện cần được bảo vệ khẩn cấp là Hát ca trù (2009) và Hát xoan (2011); Hai loại hình Di sản VHPVT được ghi danh Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại là Nhã nhạc cung đình Huế (2003) và Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên (2005), đến năm 2008, hai di sản này được ghi danh là Di sản VHPVT đại diện của nhân loại nhằm nâng cao nhận thức về tính cấp thiết của vấn đề bảo tồn di sản. Năm loại hình di sản VHPVT đại diện của nhân loại khác được UNESCO ghi danh lần lượt gồm: Dân ca Quan họ (2009); Hội Gióng tại đền Sóc và đền Phù Đổng, Hà Nội (2010); Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (2012); Đờn ca tài tử Nam Bộ (2013) và Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh (2014).
Cùng các loại hình di sản VHPVT, Việt Nam đã có 8 Di sản thế giới (Di sản vật thể) được UNESCO công nhận. Công ước Di sản thế giới chia làm 3 loại hình: Di sản văn hóa là các tác phẩm kiến trúc, tác phẩm điêu khắc và hội họa, các yếu tố hay các cấu trúc có tính chất khảo cổ học, ký tự, nhà ở trong hang đá và các công trình; các tác phẩm do con người tạo nên hoặc có sự kết hợp giữa thiên nhiên và nhân tạo. Việt Nam có 5 di sản ở loại hình này, gồm: Quần thể di tích Cố đô Huế (1993); Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn-Quảng Nam (1999); Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội (2010); Thành nhà Hồ-Thanh Hóa (2011).
Di sản thiên nhiên bao gồm các hoạt động sáng tạo vật lý hoặc sinh học, các hoạt động kiến tạo địa chất hoặc địa lý tự nhiên; các khu vực có ranh giới được xác định chính xác, tạo thành một môi trường sống của các loài động thực vật đang bị đe dọa. Hai Di sản thiên nhiên của Việt Nam là Vịnh Hạ Long-Quảng Ninh (1994) và Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng ở Quảng Bình (2003).
Di sản hỗn hợp hay còn gọi là di sản kép, miêu tả các mối quan hệ tương hỗ nổi bật giữa văn hóa và thiên nhiên của một số khu di sản. Quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình cuối năm 2014 đã được UNESCO ghi danh ở thể loại này.
Ngoài ra, Việt Nam có 8 Khu dự trữ sinh quyển thế giới: Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, Cát Bà, châu thổ sông Hồng, ven biển và biển đảo Kiên Giang, miền tây Nghệ An, Mũi Cà Mau, Cù Lao Chàm. 4 Di sản tư liệu: Mộc bản triều Nguyễn; Bia tiến sĩ Văn Miếu-Quốc Tử Giám; Mộc bản Kinh Phật Thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm và Châu bản triều Nguyễn. Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) được ghi danh là Công viên địa chất toàn cầu.
Lan tỏa giá trị di sản trong cộng đồng
PGS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, cho biết: Giai đoạn 2012-2016, Việt Nam lên kế hoạch lập hồ sơ 10 loại hình thuộc di sản VHPVT, 2 loại di sản thiên nhiên trong đó có Quần thể danh thắng Tràng An (đã được UNESCO ghi danh) và quần đảo Cát Bà. Trước thực trạng bảo tồn di sản của Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta không nên lập hồ sơ đề nghị công nhận di sản một cách ồ ạt, mà nên tập trung vào những di sản đã được công nhận để bảo tồn, phát huy giá trị cho tốt. Tuy nhiên, với một đất nước có bề dày lịch sử hàng nghìn năm, thì số lượng các di sản kể trên chưa phải là nhiều.
Ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó cục trưởng Cục Di sản (Bộ VHTT&DL) chia sẻ: Với rất nhiều tiêu chuẩn và sự khắt khe trong công đoạn xét duyệt, thì giá trị của mỗi di sản sau khi được UNESCO ghi danh thực sự là niềm tự hào của quốc gia, giúp chúng ta nâng tầm “thương hiệu quốc gia”, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước. Việc đề nghị công nhận di sản là một việc làm hết sức cần thiết, bởi trong quá trình lập hồ sơ, chúng ta mới thấy tổng quát giá trị di sản, giới thiệu rộng rãi và “đánh thức” di sản trong nhân dân.
Theo quy định của UNESCO, mỗi quốc gia lưu giữ di sản của nhân loại phải đưa ra được một chương trình hành động thiết thực, liên tục để gìn giữ, kế thừa và phát huy di sản theo hướng ổn định, bền vững. Nếu sau một thời gian nhất định, những tiêu chí giúp công nhận và chương trình hành động không đi theo hướng cam kết ban đầu, UNESCO có thể đưa ra quyết định tước danh hiệu đó. Bài học này đã có, khi ba địa danh trên thế giới bị UNESCO cảnh báo và loại khỏi danh sách Di sản thế giới là: Thung lũng Dresden (Đức); Thành phố Ayutthaya (Thái Lan) và Khu bảo tồn linh dương sừng thẳng Ả-rập.
Với Việt Nam, UNESCO cũng đã có những cảnh báo về tình trạng ô nhiễm ở Vịnh Hạ Long; những cảnh báo do tham vọng khai thác du lịch tại Cố đô Huế, Phố cổ Hội An… Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Quan họ sau khi được công nhận đã bị “lạm dụng” trong việc tổ chức các hoạt động biểu diễn. Với Ca trù, sau những lần tổ chức liên hoan đã khiến các nhà nghiên cứu “giật mình” và ngay lập tức đưa ra các kế hoạch khẩn cấp để tìm giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị...
Ngay khi có những cảnh báo, nhiều địa phương đã triển khai đồng bộ, hài hòa trong việc quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, như: Ninh Bình đã đầu tư cơ sở hạ tầng để đưa di sản tới người dân, kết nối, lồng ghép giữa di sản văn hóa vật thể và di sản VHPVT; Phố cổ Hội An từ doanh thu du lịch quay trở lại đầu tư bảo tồn di sản; tỉnh Bắc Ninh xây dựng kế hoạch có tính bền vững với Quan họ khi đưa công tác truyền dạy vào các đoàn nghệ thuật, trường học... Bên cạnh đó, chúng ta đã thấy những người trẻ thông qua công nghệ hiện đại, chương trình nghệ thuật giải trí để phát huy nghệ thuật truyền thống đến đông đảo công chúng…
Có thể nói, sự chung tay góp sức của cả cộng đồng là yêu cầu không thể thiếu để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản./.
Vương Hà (QĐND)