Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 26/10/2009 21:29'(GMT+7)

Bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên: Cần một cái nhìn tổng thể

Thưa ông, trước hết xin ông cho biết những công việc chuẩn bị cho Festival Cồng chiêng Quốc tế đầu tiên được tổ chức ở Tây Nguyên?

Lãnh đạo tỉnh Gia Lai và ngành Văn hóa- Thể thao và Du lịch Gia Lai xác định Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009 tại Gia Lai là một sự kiện quan trọng. Từ cuối năm ngoái, công tác chuẩn bị tổ chức Festival đã được các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế và nhân dân tỉnh Gia Lai quan tâm đặc biệt. Đến nay, công việc chuẩn bị cho Festival đã cơ bản hoàn thành và sẽ tiếp tục hoàn thiện từ nay cho đến khi diễn ra Festival. Chúng tôi mời gần 30 tỉnh, thành phố trong cả nước có cồng chiêng và qua Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch mời các nước trong khu vực tham gia. Các hoạt động chỉnh trang đô thị, trang trí bằng băng rôn, panô, áp phích trên các tuyến phố chính của tỉnh cũng đã được triển khai...

Trong Festival lần này, các tỉnh Tây Nguyên đã có sự kết hợp để giới thiệu những nét độc đáo của di sản cồng chiêng Tây Nguyên như thế nào, thưa ông?

Ông Phan Xuân Vũ- Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Gia Lai

Sau khi được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009 tại Gia Lai, chúng tôi đã chủ động bàn bạc với 4 tỉnh bạn nhằm giới thiệu một bức tranh tổng thể về di sản cồng chiêng Tây Nguyên. Festival không chỉ biểu dương giá trị Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên theo tinh thần Chương trình hành động nhằm bảo tồn, phục hồi giá trị di sản này, mà còn là dịp để quảng bá được giá trị văn hoá, âm nhạc Cồng chiêng Tây Nguyên và Việt Nam với bạn bè quốc tế. Trong khuôn khổ Festival còn có hơn 1 chục nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới này như: biểu diễn cồng chiêng, trình diễn chỉnh chiêng, phục dựng Lễ đâm trâu mừng chiến thắng, phục dựng lễ Pơthi (Bỏ mả)... Mỗi tỉnh Tây Nguyên sẽ giới thiệu những nét đặc sắc của địa phương mình. Chẳng hạn Đắk Lắk sẽ hỗ trợ đàn voi sang tham dự liên hoan. Kon Tum tuy dân số không lớn nhưng lại đa dân tộc, nhiều dân tộc thiểu số, sẽ cử đại diện của các dân tộc tham gia trong ngày hội. Chúng tôi mong muốn Festival phải thực sự là ngày hội văn hóa của các dân tộc ở Tây Nguyên.

Dư luận hiện nay quan tâm đến việc tổ chức lễ hội sao cho hoành tráng và gây ấn tượng nhưng lại không mang tính sân khấu hoá nặng nề. Ban tổ chức Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009 nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Công phu, hoành tráng nhưng không mang tính sân khấu hoá nặng nề- đó cũng là mục đích hướng tới của Ban tổ chức Festival... Chúng ta tái hiện không gian văn hoá cồng chiêng làm sao để bảo tồn, lưu giữ nét đặc sắc văn hoá của bà con các dân tộc ở Tây Nguyên. Nhưng đã đưa lên sân khấu khai mạc, bế mạc để truyền hình trực tiếp thì chúng ta không thể tránh được yếu tố sân khấu hóa. Tuy vậy, trong nội dung các tiết mục, chúng tôi cố gắng thể hiện được cái hồn của không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên. Ngoài lễ khai mạc và bế mạc, chúng tôi tổ chức 4 điểm trình diễn cồng chiêng để tạo không gian tương đối gần với không gian thật, với nhà rông, không gian cây cối để gần gũi với bà con, để đến chỉnh chiêng, tạc tượng..., nhằm tái hiện lại không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên.

Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009 tại Gia Lai cũng là một trong những hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên. Xin ông có thể nêu những nỗ lực của tỉnh Gia Lai để tôn vinh di sản này?

Đối với tỉnh Gia Lai, thực hiện cam kết của Chính phủ VN và chương trình hành động về tiếp tục phát huy, bảo tồn giá trị không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên..., chúng tôi đã triển khai nhiều việc làm cụ thể và thiết thực:

Thứ nhất, chúng tôi tiến hành tổng điều tra trữ lượng cồng chiêng trên địa bàn của tỉnh tới tận buôn làng và gia đình. Cuối năm 2008 thì chúng tôi đã tổng điều tra xong với 5.655 bộ cồng chiêng còn lại trong các hộ gia đình ở buôn làng. Thứ hai, chúng tôi duy trì thường xuyên hàng năm ở các xã, cấp buôn làng đều tổ chức thi sinh hoạt cồng chiêng ở dưới buôn làng và ở cấp huyện thì chúng tôi thi ở cấp huyện 2 năm/1 lần, thậm chí 1 năm/1 lần; cấp tỉnh thì 4 năm một lần. Chúng tôi đã tổ chức 7 lần ở cấp tỉnh. Trong những liên hoan gần đây, chúng tôi đã mở rộng nội dung các sinh hoạt này, chúng tôi tổ chức theo hướng liên hoan nghệ thuật dân gian để thu hút và bảo tồn thêm nhiều loại hình văn hóa dân gian độc đáo khác mà địa phương chưa có điều kiện tổ chức các cuộc thi riêng như: sử dụng các nhạc cụ cổ truyền, hát dân ca, dệt thổ cẩm, điêu khắc gỗ dân gian... Đến nay, Gia Lai có hơn 600 đội cồng chiêng. Đây là lực lượng quan trọng, đóng góp tích cực vào việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Chúng tôi cũng kêu gọi các doanh nghiệp ở tỉnh, đặc biệt là các doanh nghiệp cao su, cà phê giúp đỡ cho các buôn làng dựng nhà rông văn hóa, rồi trang bị cho bà con cồng chiêng, giúp cho bà con bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng. Thứ ba là chúng tôi đưa vào trong trường học, đặc biệt là đưa vào các trường phổ thông dân tộc nội trú để làm sao cho các em dân tộc Jrai và Bana biết đánh cồng chiêng để không làm mai một các giá trị của dân tộc mình. Cùng với việc này thì chúng tôi cũng khuyến khích các trường nội trú và các em sinh hoạt đi học mặc trang phục của đồng bào mình. Hiện nay ngành văn hóa chúng tôi đang nghiên cứu làm sao trên cơ sở bảo tồn văn hóa của đồng bào thì làm sao thiết kế các mẫu trang phục trên cơ sở kế thừa các giá trị của các dân tộc thiểu số ở đây, đặc biệt là dân tộc Jrai, Bana...

Nhưng có ý kiến cho rằng đời sống kinh tế khá lên chưa chắc đã tỷ lệ thuận với những việc làm bảo vệ và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng. Từ thực tế ở Gia Lai, ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?

Trong Chương trình hành động nhằm bảo tồn, phục hồi giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên mà Bộ Văn hóa- Thông tin (nay là Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch) đề ra trước đây, Bộ đề nghị Chính phủ hàng năm dành nguồn kinh phí để xây dựng thành đề án. Chúng tôi cũng hy vọng kinh tế phát triển thì Nhà nước cũng sẽ tạo điều kiện để tiếp tục bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Ở đây chúng ta cần phải hiểu Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là rất rộng, bao gồm cả kiến trúc, các di sản văn hóa và mọi mặt sinh hoạt của bà con. Cho nên bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng cần một cái nhìn, một chương trình tổng thể. Các chương trình gần đây của Nhà nước và Chính phủ đang triển khai trên địa bàn góp phần bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng là rất thiết thực. Ví dụ như việc giải quyết đất ở cho đồng bào, cấp đất cho đồng bào sản xuất, giao rừng cho bà con, hỗ trợ cho bà con làm nhà, giúp cho con em đồng bào có điều kiện đi học. Chính đó cũng là những việc làm nhằm tôn vinh giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng, trong điều kiện kinh tế của đất nước còn khó khăn.

Qua 4 năm Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại, di sản này vẫn tiếp tục "sống" cùng đất trời và con người Tây Nguyên. Chính đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên đã thổi hồn và tiếp thêm sức sống cho di sản này trong thời hiện đại...

Để bảo tồn cũng như phát huy giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng, theo chúng tôi nghĩ trước hết trách nhiệm của ngành văn hóa- thể thao và du lịch phải xác định đây là trách nhiệm chính để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, UBND, HĐND ban hành các văn bản bảo vệ cồng chiêng. Tuy nhiên, như tôi đã nêu ở trên, đây là một chiến lược tổng thể. Bà con phải có đất sản xuất, nhà ở khang trang, con em bà con được đi học, được chữa bệnh, thì giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng mới được phát huy. Nếu bà con đói thì cồng chiêng mất. Nếu bà con bị các thế lực thù địch lôi kéo, thì không gian văn hóa cồng chiêng cũng mất. Vì thế, không gian văn hóa cồng chiêng theo chúng tôi là cả hệ thống chính trị vào cuộc và đồng bào người Kinh đến cũng phải giúp đỡ cộng đồng với đồng bào các dân tộc để làm sao cùng phát triển bản sắc văn hóa các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc VN.

Thưa ông, nạn “chảy máu Cồng chiêng” những năm gần đây không còn quá nhức nhối như những năm trước, nhưng vẫn là một trong những thách thức đặt ra cho các nhà quản lý văn hoá ở Tây Nguyên. Theo ý kiến của ông, chúng ta cần phải làm gì để giải quyết "vấn nạn" này một cách triệt để?

Trong những năm qua, chảy máu cồng chiêng cũng có nhiều nguyên nhân. Mặt trái của kinh tế thị trường cũng làm cho cồng chiêng mất mát. Bà con bán cồng chiêng để mua xe máy, mua bò, làm nhà... cũng có. Ví dụ như một bộ cồng chiêng giá 3 chục triệu, bán đi có thể làm được nhà, mua được nhiều con bò, con trâu, cả xe máy nữa. Do yêu cầu của cuộc sống, bà con cần xe, cần bò thì người ta bán cồng chiêng. Một số thế lực tôn giáo khi thâm nhập vào đồng bào các dân tộc tuyên truyền người dân không sử dụng cồn chiêng trong các hoạt động tín ngưỡng hoặc trong sinh hoạt, nên nhiều hộ bán cồng chiêng đi. Thêm vào nữa là do tình trạng buôn bán lậu cồng chiêng cũng làm nhiều bộ cồng chiêng quí ở Tây Nguyên vắng bóng dần. Tôi biết ở Thành phố HCM có các nhà sưu tập có hàng chục, thậm chí hàng trăm bộ cồng chiêng quí...

Trước tình trạng này thì chúng tôi tuyên truyền cho bà con giữ lại di sản quí giá này. Chúng tôi cũng chú ý tuyên truyền cho thế hệ trẻ bảo tồn di sản của dòng họ, gia đình. Bởi có một thực tế là có gia đình bố mẹ cất giấu cồng chiêng thì con lại đưa đi bán và làm việc khác. Nhưng các biện pháp để bảo tồn cồng chiêng vẫn tập trung vào tuyên truyền là chính.

Thưa ông, cùng với việc bảo tồn cồng chiêng, việc bảo đảm không gian để cồng chiêng "sống" như: tổ chức các sinh hoạt, tái hiện các lễ hội... cũng hết sức cần thiết?

Đúng như vậy. Chúng tôi đã tìm mọi cách để tạo điều kiện cho bà con có thể duy trì các hoạt động biểu diễn cồng chiêng. Đã có nhiều cách làm. Chẳng hạn như tổ chức biểu diễn cồng chiêng trong các buổi tuyên truyền các nghị quyết của Đảng, Nhà nước, giáo dục pháp luật; thông qua ngân hàng nông nghiệp hỗ trợ việc cho bà con vay vốn... Tất nhiên, để việc làm này có hiệu quả, đòi hỏi cán bộ chính quyền và cấp uỷ ở cơ sở phải năng động thì mới làm được...

Thêm vào đó, chúng tôi có chính sách khuyến khích các nghệ nhân dân gian, đặc biệt là các nghệ nhân chỉnh chiêng. Điều đáng mừng là ở Gia Lai có nhiều nghệ nhân trẻ say mê với việc bảo tồn di sản văn hóa cồng chiêng. Chúng tôi cũng chú ý hướng tới giới trẻ. Ở huyện Kông Chro có nhiều em biết đánh cồng chiêng và chơi các trò chơi dân gian. Ở Chư Sê thì các em nhỏ chơi được cồng chiêng cũng rất nhiều. Trong các cuộc thi, chúng tôi cũng tổ chức các giải cho các độ tuổi, trong đó có nhiều em học sinh đánh cồng chiêng khá điêu luyện...

Vâng, xin cảm ơn ông./.

- Mai Hồng t/hiện -

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất