(TCTG) - Nhiều kinh nghiệm quý được rút ra sau khi chúng ta bảo vệ thành công hồ sơ di sản Ca trù và Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Đồng thời việc hai di sản của chúng ta được vinh danh là di sản phi vật thể của nhân loại cũng đặt ra những yêu cầu cấp bách đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị của hai di sản này.
Hồ sơ Ca trù và Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO đánh giá cao
Tại cuộc họp báo công bố kết quả xét chọn Ca trù và Dân ca Quan họ Bắc Ninh là di sản văn hóa của nhân loại do Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch tổ chức chiều 12/10 tại Hà Nội có đại diện của những cơ quan, địa phương đã tham gia hoàn thiện hai bộ hồ sơ này là: Cục Di sản văn hóa, Ủy ban UNESCO của VN, Viện Văn hóa- Nghệ thuật VN, Viện Âm nhạc Việt Nam, đại diện các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. TS Lê Thị Minh Lý- Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa VN thông báo về các diễn biến của kỳ họp của Ủy ban Liên Chính phủ về Công ước UNESCO và việc xem xét, đánh giá hai hồ sơ di sản của VN là Ca trù và Dân ca Quan họ Bắc Ninh. TS Lê Thị Minh Lý cho biết: Cả hai di sản của VN đều Ủy ban Liên Chính phủ về Công ước UNESCO được đánh giá tốt. Đặc biệt UNESCO đánh giá cao việc VN có cái nhìn chiến lược khi quan tâm tới việc bảo tồn các di sản cần được bảo vệ khẩn cấp.
Ca trù đáp ứng các tiêu chí được ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp vì đáp ứng những tiêu chí sau:
1- Ca trù bao gồm những thực hành âm nhạc và múa đa dạng cùng với trí tuệ uyên bác về thi ca đã tạo nên bản sắc của các cộng đồng người Việt. Ngày nay, truyền thống này tiếp tục được các đào nương, kép đàn và những người say mê trao truyền lại thông qua việc trình diễn, truyền dạy và phát huy.
2- Ca trù đã được quan tâm phục hồi trong những năm gần đây tạo cơ sở quan trọng cho việc phát triển bền vững văn hóa Ca trù trong bối cảnh xã hội hiện đại. Mặc dầu vậy, sự sống của di sản này vẫn còn có nguy cơ do số lượng người thực hành có đầy đủ năng lực, tri thức và kỹ năng trình diễn và truyền dạy Ca trù chỉ còn rất ít; do thiếu hụt về kinh phí cần thiết cho việc duy trì và phát triển loại hình nghệ thuật này; do sự mất đi những không gian trình diễn truyền thống và do quá trình thay đổi nhanh chóng của các lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa.
3- Các biện pháp bảo vệ đưa ra có tính tổng thể và được gắn kết với một kế hoạch có tầm nghìn cùng với những dự kiến kinh phí bảo vệ Ca trù.
4- Di sản này được đề cử tự nguyện, đồng thuận, với hiểu biết đầy đủ của cộng đồng, nhóm Ca trù, các gia đình, các Câu lạc bộ Ca trù và có sự hỗ trợ thích hợp của các cơ quan Chính phủ. Đồng thời, việc ghi danh cùng với những biện pháp bảo vệ cũng sẽ đảm bảo sự tôn trọng các phong tục, tập quán và những qui định liên quan đến các nghi lễ, tín ngưỡng các địa phương và các vấn đề khác về gia đình.
5- Ca trù nằm trong danh mục kiểm kê di sản âm nhạc và nghệ thuật trình diễn của Viện Âm nhạc VN thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Cùng với việc công nhận, UNESCO cũng khuyến cáo VN cần có các nguồn lực để hoạt động và phát huy Ca trù trong giới trẻ; khuyến nghị VN đưa thêm các nghệ sĩ và học trò trẻ vào danh mục các biện pháp bảo vệ cùng các nghệ sĩ và người truyền dạy lớn tuổi để có khuyến khích về tài chính cho các ca nương, kép đàn Ca trù. UNESCO cũng lưu ý tầm quan trọng của các chương trình giáo dục nâng cao hiểu biết về tính thi ca sử dụng trong các bài bản ca trù cũng như các hình thức âm nhạc và thẩm mỹ trong ca trù; chú trọng kỹ thuật đổ hột- yếu tố kỹ thuật quan trọng của nghệ thuật trình diễn Ca trù trong khi truyền dạy nghệ thuật này và tập trung đầu tư cho nguồn lực con người.
Dân ca Quan họ Bắc Ninh đáp ứng các tiêu chí để đăng danh sách Đại diện. Cụ thể là:
1- Dân ca Quan họ Bắc Ninh được hát ở nhiều dịp khác nhau như trong nghi lễ thờ Thành Hoàng, nghi lễ phồn thực, hay hội làng, được ghi nhận và lưu truyền bởi cộng đồng như là biểu tượng bản sắc địa phương và vùng.
2- Việc ghi danh di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh vào Danh sách Đại diện sẽ đóng góp vào việc đảm bảo tầm nhìn và nhận thức về truyền thống âm nhạc ở cấp độ địa phương, quốc gia và quốc tế, phát huy hội nhập xã hội và đẩy mạnh mối giao lưu giữa các vùng, đối thoại văn hóa và tôn trọng sự đa dạng.
3- Một số biện pháp bảo vệ khác nhau, với sự cam kết của cộng đồng và chính quyền địa phương đã được đưa ra cho thấy khả năng đảm bảo sức sống của di sản, nhất là việc thành lập trung tâm văn hóa, việc đưa các bài hát Quan họ vào chương trình học ở các trường phổ thông tại địa phương và thành lập Hội nghệ nhân.
4- Quá trình nhận diện và đề cử di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã có sự tham gia rộng rãi của chính quyền địa phương và cộng đồng ở tất cả các giai đoạn và họ đã thể hiện sự tự nguyện, đồng thuận, với sự hiểu biết đầy đủ bằng các văn bản cam kết.
5- Dân ca Quan họ Bắc Nnh nằm trong danh mục kiểm kê di sản phi vật thẻ của VN do Viện Văn hóa Nghệ thuật VN chủ trì.
Theo bà Lê Thị Minh Lý, thông qua việc hai di sản của VN được công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại, chúng ta rút ra được nhiều bài học quý giá trong việc chọn và hoàn thiện hồ sơ các di sản văn hóa của VN trình UNESCO xem xét là di sản văn hóa của nhân loại: Chúng ta rút được nhiều kinh nghiệm, nhìn nhận các tiêu chí rõ ràng hơn, chứng minh được sức sống của di sản và có các kế hoạch hành động bảo vệ và chúng ta học tập được những bài học của các nước trong việc bảo tồn di sản, vì mỗi nước lại có sáng kiến riêng bảo tồn di sản văn hóa của đất nước mình- Bà Lê Thị Minh Lý nhấn mạnh.
Và những biện pháp cấp bách bảo tồn và phát huy giá trị các di sản
Trong hồ sơ trình UNESCO, các cơ quan chức năng của VN đã nêu rất rõ các biện pháp bảo vệ di sản Ca trù và Dân ca Quan họ Bắc Ninh trong thời gian tới.
Đối với Di sản Ca trù, chúng ta sẽ tiếp tục kiểm kê và hệ thống hóa các tư liệu ca trì ở 14 tỉnh, thành phố trong cả nước; nghiên cứu và xuất bản sách về nghệ thuật Hát ca trù; phục hồi việc truyền dạy và một số di tích liên quan tới ca trù và tổ chức các liên hoan ca trù. Hỗ đời sống của 12 nghệ nhân lão thành. Tổ chức 14 lớp truyền dạy Ca trù chuyên sâu tại 14 tỉnh, thành phố có Ca trù để các nghệ nhân nhanh chóng trao truyền 30 thể cách hát và 8 thể cách múa trong Ca trù cho lớp trẻ. Dự kiến mỗi lớp học có 8 đào nương và 8 kép đàn. Các em phải học liên tục trong 3 năm, mỗi năm học 6 tháng mới có thể thành thạo các thể cách hát múa. Kết thúc khóa học, các em sẽ là lớp người kế cận các nghệ nhân, là hạt nhân nòng cốt truyền dạy Ca trù tại cộng đồng sau này. Tổ chức 84 lớp học phổ cập Ca trù tại 14 tỉnh, thành phố. Mỗi năm tổ chức 2 lớp, mỗi lớp có 12 em học hát, múa và 12 em học đàn. Thời gian học kép dài trong 1 tháng, nhằm mục đích tạo điều kiện cho thế hệ trẻ tiếp cận và làm quen với nghệ thuật Ca trù.
Còn đối với Dân ca Quan họ Bắc Ninh, cùng với việc kiểm kê di sản ca trù, hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang cùng cộng đồng tổ chức các liên hoan quan họ, thành lập hiệp hội nghệ nhân quan họ Bắc Ninh, truyền dạy quan họ trong các trường học và trong cộng đồng. Ông Nguyễn Đăng Túc- Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách đãi ngộ với các nghệ nhân, nhất là những nghệ nhân được phong tặng là "Báu vật nhân văn sống". Còn Bà Hoàng Thị Hoa- Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang thì cho rằng: Trong 5 năm tới, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, kiểm kê và khẳng định giá trị của dân ca quan họ với đời sống cộng đồng hiện nay. Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách đầu tư cho người truyền dạy, tính như thế nào để khuyến khích các nghệ nhân và những người học, đầu tư cơ sở để cộng đồng tham gia vào các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của quan họ.
Theo dự kiến của Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch), nhiều hoạt động nhằm tôn vinh, quảng bá giá trị của Ca trù và Dân ca Quan họ Bắc Ninh vừa được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại sẽ được diễn ra ở nhiều địa phương trong Ngày di sản văn hóa Việt Nam (diễn ra vào 23/11 tới). Đây sẽ là dịp để các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế hiểu hơn về các giá trị độc đáo của hai di sản, đồng thời cho thấy những nỗ lực của cộng đồng để Quan họ và Ca trù "sống" trong đời sống hiện đại./.
- Trường Thành -