Chủ Nhật, 29/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 27/9/2009 8:4'(GMT+7)

Sách và thói quen đọc sách

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Từ thuở tôi còn nhỏ, đầu những năm 50 của thế kỷ trước, hễ có dịp vào chơi trong chợ Ðồng Xuân, chợ Hôm, chợ Mơ ở Hà Nội hay nhiều chợ huyện ở các tỉnh, thành lân cận, lần nào tôi cũng gặp rất nhiều chị, nhiều bà con tiểu thương chăm chú đọc sách. Gặp những đoạn hay họ lại đọc lên thành tiếng. Sách báo thời ấy còn rất hiếm và rất đắt, bởi cả giá giấy và giá công in đều rất cao, ấy thế mà bà con tiểu thương ở thành phố, những gia đình có người đi học, từng đi học, ở nông thôn vẫn dành tiền mua sách, đủ biết mọi người ham đọc sách chừng nào.

Vào những năm 60 - 70, thú đọc sách còn có phần ăn sâu vào mọi tầng lớp nhân dân, tới các viên chức, trẻ em... Hễ có lúc nào rảnh rỗi là lại tìm một quyển sách hay tờ báo nào đó để đọc chứ không mấy ai sa đà vào những trò giải trí như: xúc xắc, tá lả, ba quân, chắn cạ... Học sinh, sinh viên càng mê sách ghê gớm. Ðừng nghĩ chỉ sinh viên văn khoa, hoặc các bộ môn khoa học xã hội khác, mới là những con mọt sách, mà sinh viên các khoa toán, lý, hóa cũng chả thua kém gì. Vì thế, thư viện các trường đại học lúc nào cũng đông sinh viên tới mượn sách và phải thường xuyên đưa sách đi đóng lại bìa bởi quyển nào cũng qua tay hết người này tới người khác. Chịu khó đọc sách, cho nên thời gian cắp sách tới trường chẳng được bao năm, nhưng những ai thuở đó đã được đi học đều có vốn hiểu biết khá rộng, nắm khá vững tác phẩm hay của các nhà văn trong nước và thế giới.

Thời nay dường như sự ham mê đọc sách có phần giảm nhiều. Ði tàu, xe và ở các nơi công cộng như công viên, bến tàu, sân bay ít gặp cảnh mọi người chúi đầu vào đọc sách báo để tranh thủ thời gian lúc chờ đợi. Nhiều người sau khi có được tấm bằng đại học, trên đại học là "quên" luôn thói quen đọc sách. Có người giải thích vì đã có truyền hình, đài phát thanh, internet, chỉ cần nhấp chuột là đủ thứ cần biết đã hiện trên màn hình. Có phần như vậy, nhưng thử hỏi mạng lưới truyền hình, internet ở ta đã phát triển bằng ở các nước có nền kinh tế, khoa học - kỹ thuật phát triển? Và hãy xem tình hình xuất bản sách, đọc sách ở họ ra sao. Tại I-xra-en, đất nước có chưa tới 6,5 triệu người nhưng lại có tới hơn một triệu thẻ mượn sách, đọc sách ở các thư viện, tức là từ trẻ em bắt đầu cắp sách tới trường tới những người cao tuổi đều coi sách báo là người bạn thường xuyên của mình.

Ngày nay, ở nước Nga, tại Thủ đô Mát-xcơ-va vẫn có tới 400 thư viện. Trên xe buýt, tàu điện ngầm lúc nào cũng gặp những người "cắm đầu" vào quyển sách, sách chuyên môn hay sách văn học. Phụ nữ các nước Âu, Mỹ là những người tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để đọc sách nhất, bởi về tới nhà là có đủ thứ việc không tên đang chờ các bà nội trợ, các bà chủ gia đình. Người ta ước tính tủ sách riêng của các gia đình ở Nga hiện có tới 20 tỷ cuốn, tức là bình quân mỗi gia đình có tới 300 quyển sách. Người Trung Quốc ở các thành phố lớn, người Nhật Bản, Hàn Quốc cũng mê sách tới kỳ lạ. Ðiều đó giải thích tại sao, hầu hết các phát minh, sáng chế mới đều thuộc về các nước có nền kinh tế phát triển, người dân các nước này mới trông cứ tưởng ai cũng "cắm đầu vào làm việc" tới mức thở không ra hơi nhưng hóa ra họ lại là những người nắm bắt mọi thông tin trên thế giới rất mau lẹ, ít bị rơi vào tình cảnh lúng túng "đầu vào, đầu ra" của cơ chế thị trường, bởi trước khi bắt tay vào công việc họ thường tham khảo rất kỹ mọi tài liệu, mọi luồng thông tin cả trên sách báo lẫn mạng internet. Du học sinh, Việt kiều ta ở các nước học giỏi, thành đạt, nắm vững chuyên môn cũng nhờ cả đời đam mê đọc sách báo, khát khao có sách báo để học dù đã đạt được học hàm, học vị cao.

Nếu chú ý, ta thấy khách du lịch nhiều nước tuy mới tới ta lần đầu nhưng họ vẫn tự tin đi lại giao tiếp bởi trước khi sang, dù bận tới đâu, họ vẫn tìm hiểu phong tục, tập quán, thói quen của ta qua sách báo, trong khi dân ta đi du lịch vùng cao rất lớ ngớ bởi chỉ đơn giản thích thì đi, có tiền thì đi chứ có tìm hiểu gì trước khi đi đâu, thế nên lượng kiến thức có được sau một vài chuyến đi chả được bao nhiêu! Và xin thưa, sách báo ở họ - nhất là những loại sách chuyên ngành, sách văn học chất lượng cao - rất đắt chứ chả rẻ chút nào; ham đọc sách báo tức là mọi khoản thu chi của ngân sách gia đình đều phải tính toán cẩn thận.

Vẫn biết, ở ta bây giờ sách giải trí tầm tầm hoặc vô bổ thì khá nhiều, còn những cuốn sách mà người viết phải bỏ ra một lượng chất xám, một vốn kiến thức rất lớn, còn người đọc cũng phải chăm chú đọc, vừa đọc vừa suy nghĩ, so sánh đối chiếu kiến thức đã đọc hôm qua với kiến thức đang đọc có gì mới không, có gì khác nhau không, thì lại khó bán. Khi thú vui đọc sách không còn thì những trò giải trí vô bổ và tệ cờ bạc có đất để phát triển cũng không lấy gì làm lạ.

Vậy phải làm gì để lấy lại thói quen đọc sách?

(Theo: Hoàng Huy/ND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất