Vậy là ca trù của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Đây là một tin mừng cho những ai yêu thích và quan tâm đến nghệ thuật ca trù. Sự kiện này có ý nghĩa hết sức quan trọng vì rằng từ đây, di sản ca trù của Việt Nam đã chính thức được thế giới ghi nhận và chính thức là một di sản quý giá mà Việt Nam đóng góp vào kho tàng văn hóa nhân loại.
Mừng, nhưng chưa phải là vui. Vì chính tên gọi của danh hiệu: Xác nhận ca trù là một di sản văn hóa phi vật thể (không xác định mức độ quý giá của nó) và cần được bảo vệ khẩn cấp (xác định rằng vì nhiều lý do, nó đang đứng bên bờ vực thẳm mai một). Việc một di sản của Việt Nam được UNESCO biết đến, và đưa vào danh sách di sản cần được bảo vệ khẩn cấp là một điều chúng ta không thể lấy làm vui được. Nhưng danh hiệu ấy, rất cần đối với ca trù. Vì đó là một tinh hoa đặc sắc vào bậc nhất của văn hóa Việt Nam, nhưng đã trải qua biết bao thăng trầm luân lạc…
Ca trù - một loại hình nghệ thuật đặc sắc
Ca trù chỉ một lối hát cổ truyền của người Việt. Tên gọi ca trù là gọi những chiếc thẻ làm bằng tre, trên thẻ có ghi số tiền (hoặc quy định ngầm với nhau là mỗi thẻ tương ứng với một khoản tiền), dùng để thưởng cho đào và kép ngay trong khi biểu diễn thay cho việc thưởng bằng tiền mặt; cuối chầu hát sẽ căn cứ vào số thẻ mà tính tiền trả cho đào và kép hoặc giáo phường. Người quyết định việc thưởng này chính là vị quan viên (khách nghe hát), sử dụng trống chầu (gọi là cầm chầu).
Ca trù sử dụng ba nhạc khí đặc biệt (không chỉ về cấu tạo mà còn về cách thức diễn tấu) là đàn đáy, phách và trống chầu. Về mặt văn học, ca trù làm nảy sinh một thể loại văn học độc đáo là hát nói.
Ca trù gắn liền với nghi thức tế thần ở các đình làng ngoài những điệu hát còn có các nghi lễ với vũ điệu và cả các cách thi tuyển tại đình làng trong dân gian nên các lề lối biểu diễn ca trù được gọi là thể cách. Thể cách ca trù vừa bao gồm làn điệu, vừa bao gồm các hình thức diễn xướng khác như múa, biểu diễn kỹ thuật nghề (đàn, trống).
Ca trù là một di sản văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Đặc sắc ở sự phong phú làn điệu, thể cách (thư tịch cổ ghi nhận 99 thể cách), cả không gian, thời gian biểu diễn (ca trù có mặt ở khắp các sinh hoạt của người Việt) và phương thức thưởng thức (thưởng thẻ); đặc sắc còn vì từ cội nguồn nó gắn bó mật thiết với lễ nghi, phong tục, với sinh hoạt cộng đồng. Ca trù làm người ta nhớ tới những tao nhân mặc khách với lối chơi ngông, chơi sang, rất tinh tế và giàu cá tính sáng tạo của những danh nhân như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, Tản Đà… Và cùng với đó là mối quan hệ giữa văn nhân (nhà thơ, nhà báo, họa sĩ) với ả đào-mối quan hệ quan trọng nhất của lối thưởng thức ca trù. Bởi quá trình tham gia sinh hoạt ca trù là quá trình văn nhân sáng tạo, thể nghiệm và thưởng thức các tác phẩm của mình.
Sau năm 1945, trong một thời gian khá dài sinh hoạt ca trù vốn tao nhã và sang trọng trước đây đã bị hiểu lầm và đánh đồng với các sinh hoạt thiếu lành mạnh ở một số ca quán đô thị khiến cho xã hội chối bỏ và quyết loại sinh hoạt ca trù ra khỏi đời sống văn hóa. Ca trù đã không được nuôi dưỡng và phát triển một cách tự nhiên, không được tôn vinh đúng mức, phải chịu tồn tại thiếu sinh khí và tàn lụi. Nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ đã phải cố quên đi nghiệp đàn hát và giấu đi lai lịch của mình.
Khoảng chục năm trở lại đây, dư luận xã hội và các cơ quan thông tấn báo chí đã từng lên tiếng về nguy cơ thất truyền của ca trù. Nguy cơ mai một dần và vĩnh viễn mất đi ca trù là một nguy cơ có thực, đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn ca trù như một vốn quý văn hóa của dân tộc.
Ca trù - nghệ thuật của âm thanh đồng vọng
Xưa nay, đến với ca trù là những tâm hồn yêu tiếng hát, tiếng thơ, tiếng tơ, nhịp phách ca trù, để sẻ chia tâm sự, để hòa mình vào thế giới nội tâm sâu thẳm của những tri âm, để hào hứng dốc sạch túi tiền vào một cuộc hát mà thưởng cho một ngón nghề tài hoa.
Khác với nghệ thuật chèo, hát văn, đi thưởng thức ca trù gọi là đi “nghe hát”, chứ không phải là đi “xem hát”. Đào nương ca trù khi múa và diễn, không có các trang phục nhiều màu vẻ như hát chèo hay hát văn. Đào nương ca trù chỉ ngồi yên gần như bất động trong suốt cuộc hát trên một mảnh chiếu cạp điều, với vẻ mặt bình thản, đoan trang. Dù khi đào nương cất lên tiếng hát, thì khóe miệng vẫn luôn ở hình chữ nhất (-) rất kín đáo. Đào nương chỉ có một cỗ phách tre đặt trước mặt và “đối thoại” với khách nghe chỉ bằng giọng hát và tiếng phách của mình. Do đó, vẻ đẹp của ca trù là vẻ đẹp của âm thanh đã chuốt thành những chuỗi ngọc lung linh mà người hát trao cho người nghe hát, cũng đồng thời là những người làm ra các bài thơ đó, lại cũng là người phẩm bình, chấm điểm cho tiếng hát, tiếng phách ấy.
Và như vậy, sau sáu bảy mươi năm vắng bóng, ca trù lại bắt đầu đi tìm tri âm “Tri âm ta lại bắt đầu tri âm”./.
(Theo: TS. Nguyễn Xuân Diện/QĐND)