Thứ Tư, 25/9/2024
Văn hóa
Chủ Nhật, 27/11/2016 21:3'(GMT+7)

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Việc bảo tồn văn hóa dân gian thông qua các hoạt động lễ hội đã thu hút sự quan tâm của đông đảo giới trẻ trong tỉnh.

Việc bảo tồn văn hóa dân gian thông qua các hoạt động lễ hội đã thu hút sự quan tâm của đông đảo giới trẻ trong tỉnh.

Trong những năm qua, công tác nghiên cứu, sưu tầm, phổ biến và truyền dạy những giá trị văn hóa, văn nghệ dân gian của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum luôn được cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành trong tỉnh tích cực quan tâm, đạt kết quả quan trọng.

Ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kon Tum cho biết: Thời gian qua, Sở thường xuyên phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cử những nghệ nhân có kinh nghiệm tham gia các lớp truyền dạy về diễn tấu nhạc cụ dân gian cồng chiêng tại các xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy), Đăk Pxi, Đăk Long (huyện Đăk Hà), Đăk Long (huyện Kon Plông) và nhiều xã biên giới huyện Ngọc Hồi…

Nhiều nghệ nhân - nghệ sĩ và các nhà nghiên cứu trên địa bàn tỉnh đã đầu tư công sức, trí tuệ xây dựng các công trình nghiên cứu có giá trị cao. Trong đó tiêu biểu là: “Cải tiến nâng cao nhạc khí dân gian” của nhạc sĩ A Đũh; “Giới thiệu về mỹ thuật dân gian” của các tác giả Phùng Sơn, Hà Tiến Dũng; tư liệu nghiên cứu, sưu tầm của nhóm tác giả văn nghệ dân gian về “Folklore Brâu”….

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh triển khai có hiệu quả việc thực hiện nghiên cứu, sưu tầm, chế tác, truyền dạy nhạc cụ truyền thống và phục dựng một số lễ hội truyền thống của dân tộc Brâu. Cùng với đó, công tác bảo tồn văn hóa phi vật thể trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật được triển khai mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả có ý nghĩa, như: bảo tồn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; xây dựng hồ sơ đề nghị đưa “Homon” (sử thi) của người Ba Na - Rơ Ngao (thuộc loại hình ngữ văn dân gian) vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia…

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã phối hợp với các ban, ngành, tổ chức có liên quan ở Trung ương và tỉnh thực hiện phục dựng, tái hiện 20 lễ hội truyền thống do cộng đồng buôn làng đứng ra tổ chức, như Lễ hội mừng lúa mới của các dân tộc Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ Triêng; Lễ hội ăn trâu mừng nhà rông mới của người Xơ Đăng, Gia Rai, Giẻ Triêng; Lễ hội bắt máng nước của dân tộc Xơ Đăng; Lễ hội mừng nước giọt của dân tộc Ba Na (Rơ Ngao); Lễ hội Pen ChuPi (bắn heo, dê) của dân tộc Xơ Đăng (Tơdrá), Ba Na (Jơ lâng); Lễ bỏ mả của dân tộc Rơ Măm...

Công tác xuất bản liên quan đến lĩnh vực này cũng đã được ngành Tuyên giáo quan tâm chỉ đạo định hướng, ngành Văn hóa triển khai tích cực. Cùng với những tác phẩm văn học gắn với chủ đề cách mạng được tiến hành tái bản và xuất bản (như hồi ký “Sống giữa lòng dân”; sách “Ngục Kon Tum” của Lê Văn Hiến; truyện “Rừng xà nu” của Nguyên Ngọc”...), nhiều ấn phẩm liên quan đến đời sống và văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh cũng đã được xuất bản (“Nghề đan lát của người Xơ Đăng ở Kon Tum”; “Di tích và danh thắng tỉnh Kon Tum”; “Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Xơ Đăng ở Kon Tum”; “Lễ bỏ mả của dân tộc Rơ Măm ở Kon Tum”; các tập sách ảnh về di sản văn hóa cồng chiêng, tượng gỗ dân gian, nhà rông các dân tộc tỉnh Kon Tum...).

Cùng với các triển lãm mỹ thuật do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Kon Tum tổ chức, công tác bảo tồn, truyền bá các loại hình văn học, nghệ thuật truyền thống của các dân tộc bản địa đã được các cấp chính quyền địa phương quan tâm thực hiện. Những hoạt động văn hóa, văn nghệ gắn liền với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống được tổ chức thường xuyên nhân các ngày lễ lớn và sự kiện chính trị của đất nước, của tỉnh. Qua đó thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ rộng khắp ở cơ sở; duy trì hoạt động thường xuyên của 350 đội nghệ nhân cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa; thu hút đông đảo công chúng tham gia, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Bên cạnh những hoạt động bảo tồn và phát triển các loại hình văn hóa dân gian, cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành liên quan của tỉnh cũng đã chú trọng việc duy trì tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số trong nhà trường; duy trì hệ thống phát thanh tiếng dân tộc với 3 thứ tiếng Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ Triêng. Đây là những hoạt động góp phần bổ trợ cho công tác lưu giữ, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, “hội nhập mà không hòa tan” trên địa bàn tỉnh Kon Tum./.

Bài, ảnh:
Kim Sơn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất