Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 27/11/2016 9:23'(GMT+7)

Di sản "xuống đường"

Hẳn mọi người sẽ hình dung chuyện gì xảy ra nếu bây giờ một bạn trẻ mua tặng bạn bè mấy cặp vé đi xem biểu diễn... tuồng, chèo, cho dù đó là chiếc vé đến những rạp trung ương, với đêm diễn của những nghệ sĩ xuất sắc nhất. Sẽ càng bất thường, nếu một bạn trẻ thành phố làm điều ấy. Giới trẻ, nếu không quán xá, cà phê "sang chảnh", hay những nơi chụp ảnh lãnh mạn, thì điểm đến phải những rạp chiếu phim, với những bộ phim bom tấn.

Thế nhưng, khu phố cổ Hà Nội những dịp cuối tuần lại có một điều... bất thường khác. Góc phố Mã Mây - Lương Ngọc Quyến là nơi diễn các vở tuồng, hát quan họ, chầu văn... lúc nào cũng đông nghịt người xem. Và ở đó có rất nhiều khán giả tuổi "teen". Thậm chí, có cả những em nhỏ mới năm, sáu tuổi. Có những em nhỏ ngây thơ vừa xem vừa hát theo các nghệ sĩ. Tuồng vốn là loại hình nghệ thuật rất "khó xem". Ấy vậy mà nhiều buổi diễn, những tràng pháo tay, những tiếng cười râm ran đến tận khuya. Cách đó không xa lắm, khu vực đền Quán Đế thường là nơi diễn của những nghệ sĩ, nghệ nhân hát xẩm. Nhiều buổi kiếm một chỗ đứng cũng không dễ dàng. Tại khu phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, những buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại khu vực trước đình Nam Hương chưa bao giờ vắng khán giả. Mà ai cũng biết, đến với khu phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, phần đông vẫn là giới trẻ.

Vẫn là nghệ thuật truyền thống, vẫn là những vở tuồng, chèo ấy, vẫn những bài hát quan họ, bài xẩm ấy, song thái độ của cộng đồng lại hoàn toàn khác nhau. Không khó để nhận ra, sự khác biệt ấy đến từ không gian tổ chức các hoạt động. Một bên là không gian mở, nghệ thuật truyền thống trình diễn trong không gian đường phố; một bên là "đóng khung" trong các nhà hát, giống như những hiện vật được bảo quản cẩn thận trong các bảo tàng.

Di sản, đương nhiên là quý. Nhưng không thể "bắt" mọi người có thái độ như nhau với di sản. Xã hội ngày nay là một cuộc cạnh tranh. Tuồng, chèo, quan họ, hát xẩm... suy cho cùng vẫn là những loại hình nghệ thuật để giải trí. Và dù muốn, dù không nó buộc phải "cạnh tranh" với các loại hình giải trí khác. Trong thế giới hiện đại, hội nhập, công nghệ giải trí ngày càng cao, có cả công nghệ nghiên cứu tâm lý, thị hiếu của từng đối tượng. "Thực đơn" giải trí của giới trẻ ngày càng dài ra. Có quá nhiều lý do để chúng từ chối nghệ thuật truyền thống.

Nói hai câu chuyện đối lập nhau ở trên để thấy, cách tiếp cận với di sản cần phải thay đổi. Di sản chỉ quý nếu người ta hiểu. Cái hiểu ấy, trước hết bắt đầu từ cái "biết". Sự thực thì mỗi chúng ta bao nhiêu người từng xem hết một buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống? Và xem ở đâu? Rất khó để thuyết phục một người mua vé vào nhà hát xem tuồng, chèo, cải lương, hát xẩm... Thay vì thụ động, câu chuyện về những buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống trong khu phố cổ Hà Nội, hay bên bờ hồ Hoàn Kiếm cho thấy tác dụng của việc di sản "xuống đường", nghệ thuật truyền thống đi "tìm" khán giả.

Cách đây vài hôm, Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội biến 200m của phố Đào Duy Từ thành sân khấu cho một buổi trình diễn trang phục cung đình, trình diễn áo dài. Cả con phố được trang hoàng đẹp mắt bằng 1.000 mô hình chiếc guồng tơ. Nhiều người đi qua mới "ồ, à" ngạc nhiên. Buổi trình diễn đã thu hút hàng nghìn khán giả đủ lứa tuổi. Nếu không có buổi trình diễn trên phố, rất khó để mọi người hiểu thế nào là trang phục cung đình, thế nào là nghệ thuật thêu phục chế - loại hình nghệ thuật đang được đề nghị đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó là thí dụ mới nhất về câu chuyện di sản "xuống đường". Không chỉ đối với nghệ thuật truyền thống, nhiều loại hình di sản khác cũng cần tìm cách để đến với công chúng.

Hẳn nhiên sẽ đặt ra bài toán kinh tế, từ việc biểu diễn có thu tiền với biểu diễn miễn phí. Nhưng với bảo tồn di sản, đôi khi không dễ dùng thước đo kinh tế đánh giá thiệt hơn. Cái "mất" trước mắt, chưa chắc đã bằng cái "được" trong tương lai...

Tuệ Minh (nhandan.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất