Thứ Sáu, 20/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 29/10/2015 14:1'(GMT+7)

Đọc sách cũng cần có văn hóa

1. Năm xưa, vào thời Trần mạt, chính sự suy vi, triều đình thối nát, vua quan đua nhau ăn chơi hưởng lạc, khiến dân tình đói khổ lầm than, cảnh oán thán đến cùng cực, đến nỗi cụ Trần Nguyên Đán (một quý tộc nhà Trần) đã phải than: “Đọc sách vạn trang mà bất lực/ Bạc đầu xin phụ nỗi thương dân”.

Chao ôi! Tấm lòng đầy thương cảm với nhân dân mà cũng thấy sự bất lực của bản thân, đọc vạn trang sách, biết ngàn lý thuyết mà không giúp ích gì cho được dân chúng khỏi lầm than, giúp cho nước non được thái bình. Rõ ràng là người trân trọng sự đọc sách có văn hóa, và cũng ý thức rõ lương tâm, trách nhiệm của người trí thức trước thời đại mình đang sống, mà cụ Trần Nguyên Đán có lời than, lời trần tình sâu sắc. Đáng trọng và đáng kính biết bao!

2. Tôi vẫn thích sự ung dung tự tại của Cụ Hồ khi đọc sách: “Đọc sách chim rừng vào cửa đậu/ Phê văn hoa núi ghé nghiêng soi” (Tặng Bùi Công).

Cảnh thì đẹp, Người thật là triết nhân! Sang trọng là thế, mà cũng rất đỗi giản dị, con người hòa đồng với thiên nhiên. Trang sách đã được mở rộng đến là trang sách vũ trụ bao la!

Còn nhớ sau 30 năm tìm đường cứu nước trở về Tổ quốc năm 1941 để trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam, Bác Hồ có mang theo cuốn sách "Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô"-một tài liệu rất có ý nghĩa đối với Người, cung cấp nhiều bài học kinh nghiệm quý báu từ Đảng Cộng sản Liên Xô, đứng đầu là V.I.Lê-nin trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi Cách mạng Tháng Mười Nga và xây dựng Nhà nước Xô-viết vững mạnh trước mọi sự bao vây, chống phá của 14 nước đế quốc. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng/ Cuộc đời cách mạng thật là sang”.

Rõ ràng trang sách kết tinh từ cuộc sống và sự nghiệp cách mạng lan tỏa, làm sâu sắc thêm từng trang sách.

3. Khi ở Pháp về nước, triết gia Trần Đức Thảo mang theo cuốn sách “Hiện tượng học tinh thần của Hê-ghen”. Nhiều nhà nghiên cứu triết học đánh giá hiện tượng học tinh thần chứa đựng toàn bộ bí mật triết học của Hê-ghen.

Ông đọc rất kỹ, đánh dấu chi tiết bằng hai loại mực: Mực xanh-thể hiện sự đồng ý, mực đỏ-thể hiện sự hoài nghi. Trần Đức Thảo đang tranh luận với Hê-ghen, đang đối thoại với “người khổng lồ” của Triết học cổ điển Đức, để rồi sau này ông viết một cuốn sách rất đặc sắc "Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng" bằng tiếng Pháp.

4. Hiện nay, không ít người được coi là trí thức nhưng sự đọc còn không mấy tiến bộ. Tủ sách của nhiều cơ quan còn ít cập nhật những sách mới. Thậm chí cả những tác phẩm kinh điển của các nhà sáng lập Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, vẫn có một số người cố tình trích dẫn không đúng về thời gian, tên tác phẩm. Chẳng hạn, có tác giả một bài báo khoa học lại viết: “Năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đọc tác phẩm “Luận cương về dân tộc và thuộc địa” của Lê-nin, rõ ràng đó là sự không chính xác về thời gian cũng như tên tác phẩm. Thực ra, tháng 7-1920, tại Pa-ri (Pháp), Nguyễn Ái Quốc đọc tác phẩm của Lê-nin: “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa" đăng trên Báo L'Humanité (Nhân đạo) số ra ngày 16 và 17-7-1920. Tác phẩm của Lê-nin đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc con đường đấu tranh giành độc lập, tự do cho đồng bào. Một văn kiện lịch sử quan trọng như vậy, thế mà có nhà khoa học vì quá bận rộn, hay đọc không đến nơi đến chốn nên mới có sai sót đáng tiếc như vậy?

Mới hay, càng đọc kỹ, càng đọc sách có văn hóa thì mới hy vọng tích lũy được thêm kiến thức quý báu và bồi đắp thêm những phẩm chất của trí nhớ là “nhớ nhanh, nhớ nhiều, nhớ đầy đủ, nhớ chính xác”./.

Phú Quý (QĐND) 
         

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất