Liên hoan nghệ thuật hát then-đàn tính lần thứ V vừa được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) phối hợp cùng UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức vào những ngày cuối tháng 9 vừa qua. Cùng với đó là hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật hát then” đã thu hút sự tham gia của các nhà khoa học và chuyên gia của UNESCO. Từ liên hoan này, “then Tày, Nùng, Thái của Việt Nam” đang có nhiều hy vọng được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Then đang sôi nổi lắm!
Đến huyện Chiêm Hóa, vào các xã được coi là "nôi hát then" của người Tày, Nùng như: Tân An, Xuân Quang, Hòa An, Nhân Lý… những ngày tỉnh Tuyên Quang mở Liên hoan nghệ thuật hát then-đàn tính thì sôi nổi lắm! Anh Hà Ngọc Cao, 46 tuổi, ở xã Xuân Quang đã có 26 năm theo thực hành then và nổi tiếng ở vùng Chiêm Hóa với cái nghệ danh “thầy Then Cao”. Trong khuôn khổ hội thảo quốc tế, trước đông đảo các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học về nghệ thuật truyền thống trong nước và quốc tế, đặc biệt là các chuyên gia của UNESCO, anh Cao được chọn là "thầy then" trình diễn nguyên bản lễ chúc thọ người già. Ngày thường bà con “tín nhiệm” mời lễ, mời diễn mừng năm mới, tuổi mới cho con trẻ, diễn trong đám cưới, cầu chúc mùa màng, chúc thọ… “đắt sô” quanh năm, rộn ràng khắp nơi đấy; nhưng lần đầu diễn trước những vị khách nước ngoài, anh Cao bảo lo lắm, chẳng biết họ có hiểu tiếng Tày mình hát không. Những phút đầu dè dặt trôi qua, giống như một diễn viên thể hiện nhiều vai cùng lúc, “thầy Then Cao” vừa hát theo những giai điệu biến chuyển linh hoạt, mặt vừa diễn theo những cung bậc cảm xúc… để làm tròn vai trò sứ giả của thần thánh chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của mọi người tới thần linh. Anh Hà Ngọc Cao là đời thứ 9 trong gia đình của mình theo hát then, và đến nay, anh Cao cũng đã tìm được “đệ tử” chân truyền là Hà Hữu Nông, cháu họ ở cùng xã theo anh Cao được hơn 10 năm nay. Anh bảo rằng, thế là cũng yên lòng vì nghệ thuật truyền thống của dòng họ đã có người kế tục.
Không chỉ ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang mà hầu hết các vùng then nổi tiếng của đồng bào Tày, Nùng, Thái các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang, Sơn La, Lai Châu, Hà Giang… đều rộn ràng hát then. Các câu lạc bộ then trên khắp cả nước thì có lẽ chưa có con số thống kê cụ thể, bởi then còn theo đồng bào Tày, Nùng, Thái di cư vào các tỉnh Tây Nguyên, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh và thậm chí còn “sống” rất tốt trong các địa phương vùng lõi của di sản phi vật thể đờn ca tài tử như Bạc Liêu, Cần Thơ…
Theo ông Hoàng Đức Hậu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VH,TT&DL), từ bao đời nay, vì then đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái, nên ở bất cứ nơi đâu, trong nước hay vươn xa các quốc gia trên thế giới có cộng đồng những dân tộc này sinh sống, thì ở đó có hát then và đàn tính vang lên, lập CLB. Nét đặc sắc ở hát then là không chỉ người Tày, Nùng, Thái mới tự hào, mê mải theo giai điệu tính tẩu của dân tộc mình, mà đến cả những người dân tộc Dao, Mông, Pà Thẻn… cũng thích thú thưởng ngoạn trong không gian âm nhạc của nó. Bằng chứng là ở nhiều trường dân tộc nội trú phía Bắc hầu hết có các CLB hát then, đàn tính, hội tụ rất đông các nam thanh nữ tú tham gia tập luyện. CLB nghệ thuật hát then, đàn tính của Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Tuyên Quang do cô giáo Bùi Thị Thu làm chủ nhiệm, hằng năm đều thu hút được trên dưới 50 em học sinh liên tục sinh hoạt, và là một trong những CLB nổi bật trình diễn trong những sự kiện chính trị, đón lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước tới thăm tỉnh… Còn Khoa Dân tộc của Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc đã đưa hát then vào chương trình giảng dạy.
Phát huy tính liên kết
Giống như mỗi nốt nhạc trong một bản nhạc, từng vùng then ở các tỉnh miền núi phía Bắc góp vào những giai điệu, cách thể hiện rất riêng. Nếu then Lạng Sơn da diết, đằm thắm; then Hà Giang chậm rãi, dìu dặt; then Bắc Kạn thủ thỉ tâm tình thì then Tuyên Quang lại dồn dập, mạnh mẽ như tiếng trống xuất quân… Tất cả quyện lấy nhau, mang theo từng cung bậc cảm xúc, hòa cùng tiếng suối đại ngàn tuôn chảy dạt dào qua bao thế hệ.
Tuy nhiên, cũng như nhiều loại hình âm nhạc dân tộc khác, tính chất phức hợp và lan tỏa bằng phương thức truyền miệng đang đặt hát then đứng trước nguy cơ mai một. Các nghệ nhân còn thuộc được những điệu then cổ giờ đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm, còn những nghệ nhân có khả năng truyền dạy hát then chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Bên cạnh đó là sự lấn sân và tác động mạnh mẽ của các loại hình âm nhạc giải trí mới.
Theo Giáo sư, TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, then vốn dĩ ra đời để thực hiện chức năng thờ cúng, chữa bệnh, dùng để cầu tự (cầu con), cầu duyên, hay nối số (kéo dài tuổi thọ). Nhưng trong cuộc sống hiện nay, chức năng này không còn phù hợp, chỉ có thể lưu giữ then cấp sắc mà điển hình là lẩu then-một hình thức nâng cấp bậc cho then. Còn hát then mà mọi người vẫn nghe, vẫn xem biểu diễn là hình thức sáng tác then mới. Khi có định hướng bảo tồn, đặc biệt là khi lập hồ sơ di sản, cần đặt then trong sự toàn vẹn của nó, trên cơ sở lưu giữ những giá trị nguyên gốc.
Đại diện đơn vị đảm nhiệm lập hồ sơ di sản, Tiến sĩ Nguyễn Bình Định, Viện trưởng Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) cho biết, hiện nay Tuyên Quang là tỉnh đầu mối trong việc làm hồ sơ then, các tỉnh khác cũng góp phần. Nhưng vai trò của cơ quan khoa học chỉ là chấp bút, còn UNESCO yêu cầu phía tham gia phải là người dân, cộng đồng. Vì thế, trong hồ sơ di sản then có nhiều tỉnh tham gia thì điều cần thiết là tính liên kết cộng đồng. Cũng theo TS Nguyễn Bình Định, từ trước đến nay, chưa có loại hình nghệ thuật nào của bà con các dân tộc vùng núi phía Bắc được công nhận danh hiệu di sản của UNESCO. Việc làm hồ sơ xin xét duyệt then cũng là một cách khẳng định vai trò của họ trong di sản văn hóa dân tộc./.
Bài và ảnh: Vương Hà (QĐND)