(TG)- Tiêu chí của Đạo làm người trong xã hội ngày nay đòi hỏi sự phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng nghĩa tình, lối sống có văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng và xã hội.
Ngày 25-4, tại Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Đạo làm người trong văn hóa Việt Nam”.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi ý kiến, tập trung vào 3 nội dung chính là: Những vấn đề chung về Đạo làm người, Đạo làm người trong văn hóa Việt Nam, Giáo dục Đạo làm người trong bối cảnh hiện nay.
Đạo làm người là triết lý nhân sinh, phương châm sống của con người, trả lời câu hỏi: “Con người phải sống thế nào cho phải (Đạo)?”. Để có Đạo làm người, trước hết mỗi người phải hoàn thành bổn phận, nghĩa vụ, trách nhiệm của con người đối với gia đình là đạo Hiếu, người công dân đối với đất nước đó là đạo Trung. Yêu nước là tiêu chí hàng đầu của đạo làm người trong văn hóa Việt Nam.
Theo PGS.TS Trần Đăng Sinh (ĐH Sư phạm Hà Nội), đạo Hiếu có thể được hiểu là gốc của mọi giá trị đạo đức xã hội, là thước đo, xác định giá trị con người Việt Nam. Đó là tình cảm tự nhiên của con người, biểu hiện tập trung nhất là sự phụng dưỡng, chăm sóc ông bà, cha mẹ với lòng thành kính và tự hoàn thiện bản thân mình làm cho ông bà, cha mẹ vui lòng; là chuẩn mực đạo đức quan trọng nhất, chi phối các quan hệ khác và các chuẩn mực đạo đức khác trong gia đình. Hiếu là giá trị đạo đức hàng đầu của người Việt Nam, trở thành đạo Hiếu – Đạo Làm người trong truyền thống văn hóa Việt Nam. Trong xã hội hiện đại, đạo Hiếu vẫn giữ vai trò là nền tảng đạo đức, là thước đo giá trị đạo đức của con người trong gia đình Việt Nam.
Trong thời đại ngày nay, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cần phải giáo dục, xây dựng con người mới. Con người mới phải có ý thức làm chủ, ý thức trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khỏe và lao động giỏi; sống có văn hóa và tình nghĩa; giàu lòng yêu nước và tinh thần quốc tế chân chính.
Tiêu chí của Đạo làm người trong xã hội ngày nay đòi hỏi sự phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng nghĩa tình, lối sống có văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng và xã hội.
PGS. TS Nguyễn Đình Tường (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng đạo làm người và giáo dục Đạo làm người cho thế hệ trẻ hiện nay, trước hết, mỗi cá nhân phải tự giáo dục, tu dưỡng nhân cách văn hóa, kỹ năng sống cho chính bản thân mình. Cá nhân vừa là chủ thể, vừa là khách thể trong quá trình tự giáo dục, tu dưỡng, điều mà không ai có thể làm thay được. Tiếp đó, gia đình có vai trò hết sức quan trọng trong mỗi người, trong quá trình hình thành nên đời sống tình cảm, nghĩa vụ, trách nhiệm đối với bậc sinh thành, đối với những người thân ruột thịt. Trường học cũng là nơi các em lĩnh hội các kiến thức, nhưng đồng thời cũng là nơi giáo dục các em về đạo đức, kỹ năng và nhân cách sống, để các em biết cách sống giữa người với người một cách có văn hóa, có lý, có tình. Các tổ chức, đoàn thể cần phải tạo ra một môi trường xã hội lành mạnh, có tính giáo dục nhân cách công dân, văn hóa công dân, phải có kỷ cương pháp luật nghiêm minh để hướng các em đến nhận thức và hành động phù hợp với xu thế của thời đại và dân tộc.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ, kế thừa phát triển các giá trị về đạo làm người của văn hóa dân tộc, cũng như khắc phục các hiện tượng tiêu cực như đã kể trên, cần phải thực hiện tốt ở vị trí cá nhân, gia đình, nhà trường và xã hội. Cần hướng đến việc tạo ra sự đoàn kết dân tộc, đồng thuận xã hội nhất trí cao nhằm đạt đến những giá trị chung của dân tộc, kết hợp hài hòa những giá trị phổ biến của nhân loại.
Phát biểu tại Hội thảo, GS. Hoàng Chí Bảo (Hội đồng Lý luận Trung ương) nhấn mạnh, trong đạo làm người của Hồ Chí Minh, tỏa sáng đức hy sinh, bền bỉ hành động và nỗ lực thực hành, tất cả chỉ vì dân, vì nước, làm tất cả cho dân có ăn, có mặc, có nhà ở, được học hành, được, chăm sóc sức khỏe, được hưởng tự do độc lập, được tự làm chủ. Người làm gương và nêu gương cho tất cả mọi người, cho tuổi trẻ Việt Nam, phải ham học, đứng ngoài vòng danh lợi, không mảy may dính líu vào vòng danh lợi. Đạo làm người của Hồ Chí Minh là suốt đời tu dưỡng đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân mà Người coi là giặc nội xâm.
Trong thời đại ngày nay, cần phải làm cho việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành nhu cầu văn hóa, nhất là văn hóa đạo đức của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tổ chức, đoàn thể, mỗi cơ sở trong cả nước. Đặc biệt cần thiết và quan trọng là thực hành đạo đức, văn hóa đạo đức, văn hóa chính trị trong Đảng; như sinh thời, Bác Hồ đã nói một điều giản dị “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, “gương mẫu là cách lãnh đạo tốt nhất”, “một tấm gương sống quý hơn hàng trăm bài diễn văn”.
Đạo đức là cốt lõi của đạo làm người, của văn hóa làm người. Đạo đức và văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh có tầm vóc tư tưởng, có cả triết lý và chủ thuyết phát triển vô cùng sâu sắc, mới mẻ và hiện đại. Cả tư tưởng và đạo đức của Bác còn uẩn tàng trong đó những giá trị minh triết, với tất cả sự mẫn tiệp, thông tuệ Hồ Chí Minh. Thân dân và chính tâm một cách chân thành, có trí, có tâm, có tình sẽ tạo ra sức mạnh đoàn kết gắn bó ý Đảng, lòng dân, phép nước làm một, với sức đẩy của đoàn kết và đồng thuận trên cơ sở dân chủ đưa dân tộc ta, nhân dân ta, mỗi người chúng tới tới những thắng lợi mới, triển vọng mới.
Bảo Châu