Trước những chiêu trò ngày càng tinh vi của tội phạm công nghệ cao, cần
phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ ở cơ sở trong việc tuyên truyền, tập
huấn, hướng dẫn người dân, nhất là NCT nhận diện những phương thức lừa
đảo trực tuyến và các biện pháp để tự bảo vệ bản thân
Hiện nay, người cao tuổi (NCT) ở nước ta được chăm lo ngày càng tốt hơn về đời sống vật chất, tinh thần và được tiếp cận nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng tốt. Ngày càng có nhiều NCT tiếp cận internet và tham gia mạng xã hội là một trong những bước tiến quan trọng, qua đó nâng cao mức độ thụ hưởng về đời sống tinh thần của NCT.
Mặc dù vậy, những năm gần đây, NCT đã và đang phải đối mặt với vấn đề
đáng báo động là tình trạng bị lừa đảo trực tuyến, lừa đảo trên không
gian mạng ngày một gia tăng và phức tạp hơn.
Theo các cơ quan chức năng, NCT thường bị các đối tượng dùng công
nghệ giả dạng hình ảnh và giọng nói người thân để nhờ chuyển tiền. Phổ
biến nhất là các đối tượng giả danh công an, cán bộ tòa án gọi điện đe
dọa, thu thập thông tin cá nhân rồi yêu cầu chuyển tiền hoặc chiếm quyền
điều khiển điện thoại thông minh và thực hiện chuyển tiền từ các app
ngân hàng cài đặt trên điện thoại...
Bởi thế, có rất nhiều NCT ở không ít địa phương đã bị các đối tượng
xấu chiếm đoạt tiền, nhiều người bị lừa mất hết số tiền cả đời dành dụm,
tích cóp và còn bị tổn thương sâu sắc về tâm lý, tinh thần.
Những thủ
đoạn lừa đảo trên, dù không mới và đã được các cơ quan chức năng liên tục đưa ra cảnh báo nhưng nhiều người vẫn mất cảnh giác, “sập bẫy”.
Từ những vấn đề trên thấy rằng, dù ở trong môi trường nào, NCT luôn
là đối tượng cần được bảo vệ. Đặc biệt, trên không gian mạng, NCT có ít
thông tin, chưa nhiều kỹ năng để tự bảo vệ mình trước những đối tượng
lừa đảo trực tuyến với rất nhiều thủ đoạn tinh vi.
Trong khi đó, người
thân và gia đình thường chỉ chú trọng quan tâm, chăm lo về vật chất, sức
khỏe của ông bà, cha mẹ mà ít để ý đến hành vi, thói quen trên không
gian mạng. Đến khi con cháu hay tin ông bà, cha mẹ mình bị lừa đảo trực
tuyến thì “chuyện đã rồi”. Hệ quả là “tiền mất tật mang”.
Để mỗi NCT tìm thấy niềm vui, lợi ích từ internet và mạng xã hội,
nhất là để không ai trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến, quan
trọng nhất vẫn là sự quan tâm thường xuyên của các thành viên trong gia
đình đối với NCT.
Các con cháu cần thường xuyên quan tâm, trò chuyện,
tuyên truyền cho ông bà, cha mẹ về những thủ đoạn của các đối tượng lừa
đảo và cách bảo vệ bản thân. Song song với đó, các cơ quan chức năng cần
tăng cường đưa ra cảnh báo trên tin nhắn điện thoại, trên các mạng xã
hội mà NCT thường xuyên tham gia như Zalo, Facebook...
Trước những chiêu
trò ngày càng tinh vi của tội phạm công nghệ cao, cần phát huy vai trò
của đội ngũ cán bộ ở cơ sở trong việc tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn
người dân, nhất là NCT nhận diện những phương thức lừa đảo trực tuyến và
các biện pháp để tự bảo vệ bản thân./.
MINH MẠNH (qdnd.vn)