Thứ Bảy, 23/11/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Tư, 25/4/2018 15:19'(GMT+7)

Ninh Bình trong mạch nguồn truyền thống quê hương Cố đô

'

Thực hiện sứ mệnh lịch sử, từ đất Hoa Lư, người anh hùng Đinh Bộ Lĩnh đã phất cờ tụ nghĩa. Bằng tài năng xuất chúng, Đinh Bộ Lĩnh đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử: “Dẹp loạn 12 sứ quân”, thống nhất đất nước, lập ra Nhà nước Đại Cồ Việt-nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên ở nước ta, mở ra kỷ nguyên mới-kỷ nguyên độc lập, tự chủ sau hơn một nghìn năm Bắc thuộc.

Quốc hiệu “Đại Cồ Việt” tồn tại trong lịch sử dân tộc từ năm 968 đến năm 1054, trải qua 3 triều đại: Đinh (968 -980), Tiền Lê (980-1009) và thời kỳ đầu của nhà Lý (1009-1054). Với 86 năm tồn tại, trong đó có 42 năm định đô trên mảnh đất Ninh Bình, Nhà nước Đại Cồ Việt có vị trí và vai trò quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc; khẳng định sức mạnh của ý chí độc lập dân tộc, hòa bình, thống nhất đất nước của nhân dân ta. Nhà nước Đại Cồ Việt mở ra những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ đầu xây dựng và bảo vệ đất nước-kỷ nguyên độc lập, tự chủ lâu dài xuyên suốt các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý và Trần, Hậu Lê sau này. Các chủ trương, chính sách và những thành tựu, kết quả của Nhà nước Đại Cồ Việt đặt nền móng cho sự ra đời, tồn tại và phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, tài chính, đối ngoại, giao thông… của nhà nước phong kiến Việt Nam.

Tiếp đó, Ninh Bình ghi nhiều dấu ấn đặc biệt trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, khẳng định bản lĩnh, cốt cách, khí chất của vùng đất “địa linh, nhân kiệt”. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Nguyên, nhà Trần đã xây dựng Trường Yên (Ninh Bình) làm căn cứ địa chiến lược, thực hiện kế sách lui quân, bảo toàn lực lượng, đợi thời cơ đến phản công diệt giặc. Đầu thế kỷ 15, Trần Ngỗi đã dựa vào vùng đất Mô Độ (huyện Yên Mô ngày nay) để tập hợp lực lượng kháng chiến chống quân Minh. Trong thắng lợi to lớn của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, vùng đất và người dân Ninh Bình có những đóng góp quan trọng. Năm 1789, trước sự xâm lược của nhà Thanh, vị trí chiến lược của vùng đất Ninh Bình lại được nghĩa quân Tây Sơn lựa chọn làm “nước cờ Tam Điệp” để lập phòng tuyến Tam Điệp-Biện Sơn chặn giặc. Và chính nơi đây, Quang Trung-Nguyễn Huệ chọn làm nơi hội quân, trước khi thần tốc tiến ra giải phóng kinh thành Thăng Long. 

Truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm ngày càng được nhân dân Ninh Bình kế thừa, hun đúc và phát huy mạnh mẽ trong những năm đầu thế kỷ 20, nhất là trong thời đại Hồ Chí Minh. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, vùng đất Ninh Bình luôn là tâm điểm trong các cuộc hành quân đánh chiếm và ném bom phá hoại của kẻ thù. Đặc biệt, trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, thị xã Ninh Bình là một trong 6 thị xã của miền Bắc bị bom Mỹ phá hủy hoàn toàn. Mặc dù phải chịu đựng những tổn thất, hy sinh chưa từng có, nhưng Đảng bộ đã lãnh đạo toàn quân, toàn dân trong tỉnh nêu cao ý chí tự lực, tự cường, luôn phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, vươn lên mạnh mẽ, giành nhiều chiến công hiển hách, góp phần cùng cả nước đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước, cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Không chỉ kiên cường, anh dũng trong kháng chiến chống ngoại xâm mà trong thực tiễn xây dựng quê hương, đất nước, người dân Ninh Bình đời sau nối tiếp đời trước đã sáng tạo một không gian văn hóa đặc sắc. Những công trình kiến trúc, điêu khắc, những áng thơ, văn, làn điệu chèo, hát xẩm, hát văn... được bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Truyền thống lịch sử, cách mạng vẻ vang cùng những giá trị văn hóa đặc sắc được kết tinh trên đất Ninh Bình trở thành nền tảng, là tiền đề, động lực quan trọng cho quá trình đổi mới và phát triển quê hương.

Phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình đã tích cực, khẩn trương khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng kiến thiết quê hương. Trong hơn 30 năm qua, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhất là từ khi tái lập tỉnh (1992) đến nay, Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình đã nỗ lực phấn đấu vượt qua thách thức, khó khăn, không ngừng tìm tòi, sáng tạo trong lao động sản xuất, biến những tiềm năng, thế mạnh thành nội lực, tạo đà phát triển kinh tế-xã hội và đã giành được kết quả quan trọng và khá toàn diện.

Năm 2017, GRDP của tỉnh tăng 7,95%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh, một số ngành chiếm tỷ trọng lớn như lắp ráp ô tô, sản xuất phân bón, thiết bị điện tử có mức tăng trưởng khá; tổng vốn đầu tư phát triển công nghiệp đạt 23,7 nghìn tỷ đồng. Giá trị sản phẩm trên 1ha đất canh tác nông nghiệp đạt 110 triệu đồng, sản lượng lương thực có hạt cả năm đạt 46,55 vạn tấn; phong trào xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh, đến hết năm 2017 toàn tỉnh có 80/119 xã và 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành, được công nhận huyện nông thôn mới; dịch vụ, du lịch phát triển khá, số khách đến tham quan tại các điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh đạt trên 7 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt xấp xỉ 2.500 tỷ đồng. Hoạt động xuất khẩu tăng khá; kim ngạch xuất khẩu đạt 1.154 triệu USD. Năm 2017, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 8.745,5 tỷ đồng. Văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao. Năm học 2016-2017, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT của tỉnh đạt 98,86%; điểm trung bình các bài thi của thí sinh Ninh Bình đạt 5,76 điểm, xếp thứ 3 toàn quốc; toàn tỉnh có 402 trường học đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 84,9%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường. Công tác cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, lãng phí được tập trung chỉ đạo và có chuyển biến tích cực. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền được triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả; hệ thống chính trị được củng cố ngày càng vững mạnh.

Những thành tựu mà Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình giành được trong những năm qua là hết sức to lớn, là kết quả của sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân và lực lượng vũ trang toàn tỉnh. Kết quả đó góp phần quan trọng vào thành tựu chung trong công cuộc đổi mới của đất nước, cùng cả nước đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa để sớm xây dựng nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Thành tựu ấy một mặt khẳng định vai trò lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng bộ Ninh Bình; đồng thời là kết quả tất yếu của việc kế thừa, phát huy những truyền thống tốt đẹp của quê hương. Chính những kết quả đó đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp mà Nhà nước Đại Cồ Việt đã tạo dựng và vun đắp từ hơn một nghìn năm về trước trên vùng đất Ninh Bình.

Kỷ niệm 1.050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của quê hương, tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân đã thống nhất giang sơn, mở ra thời kỳ độc lập, tự chủ cho dân tộc. Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đoàn kết, năng động, sáng tạo, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, phấn đấu xây dựng quê hương Ninh Bình phát triển nhanh, bền vững, giàu đẹp, văn minh.

Nguyễn Thị Thanh,  Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất