Chiều 27-4, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW về “Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam” (Chỉ thị 15); triển khai Chỉ thị 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng” (Chỉ thị 20).
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Việc triển khai Chỉ thị 15 đã đạt được những kết quả quan trọng
Báo cáo tổng kết tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sự lãnh đạo của các cấp ủy các cấp, việc triển khai Chỉ thị 15 đã đạt được những kết quả quan trọng.
Sau khi Chỉ thị 15 ra đời, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch số 04-KH/HVCTQG gửi các ban, ngành ở Trung ương, Ban Thường vụ, Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương để phối hợp triển khai những nội dung cơ bản của Chỉ thị. Trên cơ sở đó, hầu hết các ban, ngành, đoàn thể trực thuộc Trung ương và các cấp ủy đảng trong cả nước tổ chức Hội nghị quán triệt Chỉ thị 15 của Ban Bí thư.
Việc quán triệt Chỉ thị đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng về vị trí, vai trò, nhiệm vụ công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng, lịch sử ban, ngành, đoàn thể. Nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết, thông tri, kế hoạch nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống các ban, ngành, đoàn thể.
Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 15, tính chung trong cả nước, đã có 10.325 công trình khoa học lịch sử Đảng, trong đó có 865 công trình cấp tỉnh; 1336 công trình cấp quận, huyện; 6.385 công trình cấp phường, xã; 1.371 công trình của các sở, ban, ngành đoàn thể và 365 công trình do Viện Lịch sử Đảng biên soạn và xuất bản. |
Đặc biệt, Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) - cơ quan chuyên môn có nhiệm vụ tổ chức, nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng đã tập trung nghiên cứu, bổ sung, nâng cao chất lượng 3 tập Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và 7 tập Biên niên sự kiện Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Bên cạnh đó, Viện đã biên soạn, xuất bản một số công trình lịch sử Đảng quan trọng như: Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp trên địa bàn Liên khu IV (1945-1954); Biên niên xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975); Lịch sử xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục Miền Nam (1954-1975); Lịch sử Chính phủ Việt Nam tập 3 (1976-2005); Biên niên Lịch sử Chính phủ tập 3 (1976-1985) và tập 4 (1976-2005); Lịch sử đấu tranh của các chiến sỹ yêu nước và cách mạng tại Nhà tù Côn Đảo (1862-1975).
Các công trình nghiên cứu lịch sử toàn Đảng đã tập trung làm rõ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam, sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể của đất nước; quá trình Đảng lãnh đạo, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, thực hiện đường lối cách mạng; tổng kết sâu sắc bài học kinh nghiệm trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, khái quát thành những vấn đề lý luận, mang tính quy luật. Nhìn chung, các công trình đảm bảo tính Đảng, tính khoa học, có sức hấp dẫn, góp phần giáo dục truyền thống vẻ vang của Đảng, tổng kết lý luận và cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Nhìn lại 15 năm qua, cùng với thành tựu chung của cả nước, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng đã làm tốt vai trò tổng kết lịch sử hoạt động lãnh đạo của Đảng. Những kết quả đó không chỉ khẳng định, tôn vinh vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam từ năm 1930 đến nay, mà còn đúc kết bài học kinh nghiệm quý từ thực tiễn lịch sử, góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn cho quá trình hoạch định, bổ sung, phát triển đường lối của Đảng trong thời gian tới.
Những thành tích đã đạt được trong việc thực hiện Chỉ thị 15 của Ban Bí thư, với bề dày thành tích 55 năm hoạt động, trưởng thành của ngành Lịch sử Đảng là bằng chứng sống động ghi nhận sự cố gắng vượt bậc của đội ngũ cán bộ làm công tác Lịch sử Đảng; là nguồn động viên, tiếp thêm sức mạnh cho đội ngũ cán bộ ngành Lịch sử Đảng nỗ lực, đoàn kết nhất trí, phát huy trí tuệ để thực hiện những nhiệm vụ chính trị được giao, xứng đáng với các phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng ngành và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Chỉ thị số 20 thể hiện nhận thức mới, tư duy mới của Đảng
Quán triệt, triển khai Chỉ thị số 20, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, Chỉ thị số 20 thể hiện nhận thức mới, tư duy mới của Đảng và sự quan tâm đặc biệt của Ban Bí thư Trung ương Đảng đối với công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trong giai đoạn mới. Để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 20, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, các cấp, các ngành, các địa phương trước hết cần phải nắm chắc nội dung của Chỉ thị, đặc biệt là sự phát triển về nhận thức và những điểm mới của Chỉ thị số 20.
Nếu như Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư mới tập trung vào công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng thì Chỉ thị số 20 đã khẳng định nội hàm của công tác lịch sử Đảng rộng hơn, không chỉ là công tác nghiên cứu, biên soạn mà trên cơ sở kết quả nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống, tăng cường và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng nhằm bồi dưỡng ý chí và tình cảm cách mạng, làm cho lịch sử Đảng thấm sâu vào tâm trí của mỗi cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng nhân dân, tạo động lực và năng lực nội sinh để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Từ nhận thức đó, cùng với việc khẳng định “tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng”, Ban Bí thư nhấn mạnh đến công tác “tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”.
Điểm khác của Chỉ thị 20 so với Chỉ thị 15 là Ban Bí thư khẳng định, để tạo ra sự chuyển biến thực sự trong nhận thức cũng như tổ chức thực hiện hiệu quả công tác lịch sử Đảng thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng phải nhận thức đúng đắn, sâu sắc về vị trí, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng.
Điểm mới của Chỉ thị 20 là ngoài việc giao nhiệm vụ chung cho cấp ủy, Ban Bí thư đã giao “trách nhiệm trực tiếp và thường xuyên là thường trực cấp ủy các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác lịch sử Đảng”.
Chủ trương này đòi hỏi thường trực cấp ủy các cấp cần phải sát sao hơn nữa trong chỉ đạo công tác lịch sử Đảng nhằm tạo ra sự chuyển biến về chất đối với công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng.
Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, trong thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực còn diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra những vận hội song cũng chứa đựng nhiều nhiều thách thức. Trong bối cảnh đó, nghiên cứu sâu sắc đi đôi với tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng càng trở nên đặc biệt quan trọng nhằm chống lại các quan điểm sai trái, luận điểm phản động bôi nhọ lịch sử, phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của các thế lực thù địch.Việc tổ chức quán triệt Chỉ thị 20 góp phần làm thay đổi một bước nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo các cấp về vị trí, tầm quan trọng của việc tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền giáo dục lịch sử Đảng.
Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, với tư cách là cơ quan nghiên cứu đầu ngành, Viện Lịch sử Đảng cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện nâng cao chất lượng, tính khách quan, khoa học của các công trình lịch sử chung toàn Đảng; chú trọng nghiên cứu, biên niên sự kiện lịch sử Đảng, văn kiện Đảng. Cùng với đó, tập trung nghiên cứu những vấn đề tồn đọng trong lịch sử Đảng, đồng thời, tổng kết sự lãnh đạo của Đảng trên các lĩnh vực sau hơn 30 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, phục vụ đắc lực nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn mới….
Phát huy những thành tựu và kinh nghiệm sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 15
Tại Hội nghị, đại diện các tỉnh, thành ủy đã trao đổi, thảo luận về những kết quả đạt được trong thực hiện Chỉ thị số 15, nêu lên những thuận lợi, khó khăn; đồng thời kiến nghị những giải pháp nhằm tăng cường nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời gian tiếp theo.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng lưu ý, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư còn một số hạn chế như: Một số cấp ủy chưa nhận thức sâu sắc về vị trí,vai trò của công tác lịch sử Đảng; chưa thực sự quan tâm và chỉ đạo sát sao công tác này. Đến nay, chưa xuất bản được toàn bộ lịch sử của toàn Đảng; năng lực tổng kết thực tiễn lịch sử để làm rõ những vấn đề lý luận còn hạn chế. Chất lượng một số công trình lịch sử Đảng bộ và lịch sử truyền thống cách mạng địa phương còn hạn chế.
Để phát huy những thành tựu đạt được và kinh nghiệm sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 15 và quán triệt nội dung của Chỉ thị số 20, trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị, các tỉnh, thành ủy, ban tuyên giáo các tỉnh, thành ủy, Viện Lịch sử Đảng cần tập trung làm tốt một số nội dung quan trọng như sau:
Thứ nhất, quán triệt sâu sắc Chỉ thị 20 của Ban Bí thư đến các cấp ủy Đảng nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử, lịch sử truyền thống cách mạng; coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác chính trị - tư tưởng của các cấp ủy Đảng, các tổ chức Đảng.
Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy Đảng, người đứng đầu cấp ủy đối với công tác lịch sử Đảng. Ban Tuyên giáo, bộ phận chuyên môn làm công tác lịch sử Đảng cần đổi mới tư duy, đề cao tinh thần trách nhiệm, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch dài hạn và hằng năm để tham mưu hiệu quả cho các cấp ủy Đảng về công tác lịch sử Đảng, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới và phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương.
Thứ ba, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa công tác sưu tầm, khai thác tư liệu và công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bảo đảm tính khách quan, khoa học và tính Đảng.
Thứ tư, chú trọng công tác sưu tầm, lưu trữ tư liệu, đặc biệt là tư liệu lịch sử Đảng ở nước ngoài và tư liệu qua phỏng vấn các nhân chứng lịch sử.
Thứ năm, thực hiện nghiêm túc các quy trình, quy định về nghiên cứu, biên soạn, thẩm định, xuất bản Lịch sử Đảng bộ các cấp, lịch sử các ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương, nhằm vừa nâng cao chất lượng khoa học, vừa đảm bảo tính Đảng của các công trình lịch sử.
Thứ sáu, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng địa phương, với những hình thức phong phú, sinh động, phù hợp với từng đối tượng.
Thứ bảy, xây dựng quy hoạch về tổ chức, biên chế, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là công tác lịch sử Đảng theo hướng ổn định và lâu dài.
Thứ tám, hằng năm, bảo đảm đủ kinh phí, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng từ nguồn ngân sách Nhà nước.
* Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đã trao tặng Huân chương Độc lập Hạng Ba cho Viện Lịch sử Đảng – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tặng Bằng khen cho 12 tập thể và 21 cá nhân đã có nhiều thành tích trong thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư.
Các tập thể được khen thưởng
Các cá nhân được khen thưởng
Thu Hằng