Thứ Sáu, 18/10/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Bảy, 21/4/2018 14:37'(GMT+7)

Nghị quyết 27 về trí thức - Đúng và trúng nhưng gian nan thực hiện

 

Mới đây, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức cuộc Tọa đàm đánh giá những vấn đề đặt ra trong việc triển khai Nghị quyết 27. Nhiều ý kiến nhận định, đây là một nghị quyết hay và trúng về trí thức, nhưng trong quá trình thực hiện, nhận thức còn chưa thông, hành động còn chưa quyết liệt, con đường thể chế hóa thành cơ chế, chính sách còn nhiều khoảng trống phải trăn trở.

Không chỉ là 10 năm

Với Nghị quyết 27, không đơn thuần chỉ là câu chuyện “đến hẹn lại lên” về tổng kết, nhiều chuyên gia cho rằng, không chỉ là tổng kết 10 năm, đây là thời điểm đánh dấu bước chuyển quan trọng sang một giai đoạn mới, rất cần có sự nhìn lại, điều chỉnh và thực hiện quyết liệt công tác trí thức trong bối cảnh ngày nay.

 

10 năm trước đây, nhiều khái niệm còn vô cùng xa lạ. Chúng ta mới chỉ nói đến kinh tế tri thức, cách mạng khoa học và công nghệ. Giờ đây, những khái niệm cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp thông minh, thành phố thông minh, kết nối thông minh, internet kết nối vạn vật, nền kinh tế số… trở nên phổ biến, chi phối mạnh mẽ tới từng quốc gia, dân tộc trên thế giới. Tri thức của con người vốn đã được khẳng định là quan trọng lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Thậm chí, người ta còn nói đến chiến tranh trí tuệ. Sự cạnh tranh quốc gia phụ thuộc hàm lượng chất xám mà quốc gia đó sở hữu và sử dụng có hiệu quả hay không. Trong chiến lược phát triển của các quốc gia, xây dựng và phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức là chiến lược mang tính thời đại.

 

Sau hơn 30 năm đổi mới, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có vai trò then chốt của đội ngũ trí thức, nguồn lực con người luôn ở vị trí trung tâm. Xây dựng và bảo vệ đất nước trong giai đoạn hiện nay, trước những thời cơ to lớn và thách thức ngày càng gay gắt của thời đại, động lực tăng trưởng mới được xác định là đến từ những kiến tạo và phát kiến. Nhiều nhiệm vụ đang đặt lên vai trí thức, đòi hỏi phải phát huy mạnh mẽ lực lượng này để đây thực sự là “nguồn lực đặc biệt”, là “động lực cho phát triển”. Vậy thái độ tiếp cận với giai đoạn mới - thời kỳ chuyển đổi này như thế nào? GS. TS. Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: Việc đánh giá lại đội ngũ trí thức đến nơi, đến chốn, thẳng thắn, khoa học, nghiêm túc, mạnh mẽ là cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Tổng kết sớm, có thể kịp thời phục vụ Hội nghị Trung ương 7 khóa XII tới đây bàn về xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược.

 

Một nghị quyết hay về trí thức

 

Vấn đề trí thức luôn luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm trong suốt quá trình cách mạng, bảo vệ và xây dựng đất nước. Trong hơn 30 năm đổi mới cũng đã ban hành một số chủ trương, chính sách liên quan đến trí thức, tạo điều kiện để trí thức phát triển và hoạt động sáng tạo. Nhưng với Nghị quyết 27, lần đầu tiên Đảng có một Nghị quyết chuyên đề riêng bàn tổng thể về xây dựng và phát huy đội ngũ trí thức, giải quyết một cách căn bản hơn những vấn đề liên quan đến trí thức, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ phát triển mới.

 

Trong đợt kiểm tra thực hiện Nghị quyết 27 sau 3 năm ban hành, tức là cách đây 7 năm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Cùng với các nghị quyết khác thì Nghị quyết 27 của Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước có vai trò rất quan trọng, thể hiện sự quan tâm, tin cậy, đánh giá cao của Đảng đối với đội ngũ trí thức trong điều kiện hội nhập quốc tế và phát triển mạnh khoa học, công nghệ…”.

GS.TS. PHÙNG HỮU PHÚ:

Có cơ chế phù hợp để trọng dụng, tôn vinh trí thức Tôi cho rằng, 4 nhân vật trung tâm, cấp chiến lược dẫn dắt cả một dân tộc, một đất nước phải bao gồm: 1) chính khách, 2) cán bộ điều hành, tham vấn tầm chiến lược (chuyên gia), 3) các tướng lĩnh tài ba, 4) các nhà quản trị tài năng. Lâu nay ta tập trung vào số 1 mà bỏ quên số 2,3,4. Cho nên, về nhận thức, trong quan niệm về đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, phải có trí thức đầu ngành.

 

Phải thay đổi hệ thống, căn bản, toàn diện cơ chế chính sách để người trí thức tập trung, say sưa vào chuyên môn thay vì dẫm đạp lên nhau làm lãnh đạo. Tiêu chuẩn đề bạt, trọng dụng, đãi ngộ ảnh hưởng đến động cơ phấn đấu, nếu cơ chế khuyến khích làm quan mạnh hơn thì động lực để làm chuyên gia giảm đi. Nếu cơ chế, chính sách dành cho một nhà khoa học đầu ngành ngang với một ông bộ trưởng thì lúc đó người ta sẽ phấn đấu làm chuyên môn, bởi làm khoa học tự do hơn, say mê hơn mà đãi ngộ tương xứng thì trí thức đầu ngành sẽ phấn đấu để lao động và cống hiến. Vậy phải nhận thức cho đúng, phải nuôi dưỡng, phát triển, có cơ chế chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh xứng đáng. Như vậy, tự khắc những biểu hiện tiêu cực sẽ bớt đi, bớt đấu đá, bớt lèm nhèm đi.

GS. TSKH. Phạm Thị Trân Châu - Chủ tịch Hội nữ trí thức Việt Nam bày tỏ: “Tôi đọc lại Nghị quyết 27 thấy sao mà hay thế, đầy đủ thế, nói đâu trúng đấy. Những quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết đến nay còn nguyên giá trị. Chúng ta thực hiện nghiêm túc được Nghị quyết 27 thì vô cùng quý báu rồi”. GS. TS. Phùng Hữu Phú, người tham gia xây dựng Nghị quyết đồng tình là cho đến nay, sau 10 năm, những quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết nêu còn nguyên giá trị, viết đến thế là “hết tầm đại bác”, không còn câu chữ nào hay hơn, đúng và trúng hơn. Nghị quyết khẳng định, đội ngũ trí thức là “lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức”, trở thành “nguồn lực đặc biệt quan trọng” tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển. Nghị quyết cũng tôn vinh và xác định rõ: “Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư cho trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”. …

 

Nhưng gian nan thực hiện

 

Nghị quyết 27 đặt ra mục tiêu: “Đến năm 2020, xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, đạt chất lượng cao, số lượng và cơ cấu hợp lý”. Nhưng dường như, sẽ còn gian nan để thực hiện được mục tiêu này, bởi còn quá nhiều vấn đề đặt ra. Sau 10 năm, câu chuyện chiến lược tổng thể về phát huy vai trò của đội ngũ trí thức vẫn còn để ngỏ. Nhiều chủ trương, chính sách về trí thức chậm đi vào cuộc sống, thiếu hiệu quả, có nơi thực hiện không nghiêm túc, có nơi tích cực hiện thực hóa nhưng lại vướng cơ chế, pháp luật hiện hành và cũng chưa thể tháo gỡ. GS. TS. Phùng Hữu Phú thẳng thắn nhận định: Nghị quyết rất sáng tỏ, nhưng cho đến giờ, nhận thức vẫn chưa thông, chưa chuyển hóa được thành hành động, thể chế hóa thành văn bản có tính đột phá cao.

Theo đánh giá, số lượng trí thức ngày càng đông, trình độ được nâng lên, nhưng chất lượng lại không được bao nhiêu, chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển của đất nước. Vẫn thiếu các chuyên gia đầu ngành tầm cỡ quốc tế, thiếu các nhóm nghiên cứu mạnh, tập thể nghiên cứu mạnh và thiếu trầm trọng những chuyên gia làm được tổ chức khoa học, đóng vai trò là “tổng công trình sư” liên kết các ngành.

 

Cơ chế, chính sách với đội ngũ trí thức đến nay chưa có gì đặc biệt, đột phá, còn có sự vênh giữa chủ trương - chính sách. Các giải pháp còn thiếu hệ thống, thiếu đồng bộ, cơ chế phát hiện, tiến cử, tuyển chọn, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài còn nhiều lúng túng. Và ai cũng hiểu, khi chính sách đãi ngộ, sử dụng trí thức còn chưa thỏa đáng, thì chưa thể thật sự tạo được động lực phát huy năng lực chuyên môn, mong muốn được cống hiến của trí thức. Câu chuyện lãng phí, chảy máu chất xám không chỉ là người Việt Nam giỏi đi ra nước ngoài làm việc, mà ngay cả tại môi trường trong nước cũng có sự lãng phí trong sử dụng nhân lực. Việc thu hút, sử dụng nguồn lực trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài dù đã có những chuyển biến tích cực song vẫn chưa khai thác hết tiềm năng.

 

Bị tác động bởi mặt trái của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, một bộ phận trí thức chưa tâm huyết, còn thiếu trách nhiệm với sự nghiệp phát triển của đất nước, tinh thần say mê nghề nghiệp, lòng tự trọng bị giảm sút, có biểu hiện suy thoái về đạo đức và tư tưởng chính trị, có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong khoa học… Những biểu hiện tiêu cực đó dẫn đến nguy cơ tụt hậu trong trí thức, mà khi trí thức tụt hậu, thì cũng có thể trở thành vật cản trong quá trình phát triển, đi lên của đất nước, kéo lùi những bước đi của thời đại.

 

Cần làm rõ thêm về nội hàm trí thức

 

Trong thực tế, để thống kê được số lượng, thành phần trí thức thường gặp khó khăn và được hiểu theo cách là trí thức bao gồm những người có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu hiểu theo tiêu chí dựa vào học vấn thì không phản ánh đầy đủ nội hàm trí thức. Trong điều kiện ngày nay, trình độ học vấn tối thiểu ở mức nào thì được coi là trí thức, đó cũng là vấn đề đáng phải quan tâm. Có những người lao động trí óc, có đóng góp lớn cho xã hội nhưng trình độ dưới cao đẳng, đại học vậy có được tính là trí thức không?

 

Những người tham gia soạn thảo Nghị quyết cho hay, định nghĩa như trong Nghị quyết 27 đã bao hàm cả những người đào tạo có bằng cấp và những người tự học, tự đào tạo: “Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội”. Trong Nghị quyết, cũng đã cho thấy việc định vị “đội ngũ trí thức” là những người hoạt động và có thành tựu phủ trên nhiều lĩnh vực: làm chính sách, làm giáo dục, văn học, nghệ thuật, khoa học và công nghệ… Nghị quyết có nêu đích danh “bộ phận trí thức tham gia công tác lãnh đạo, quản lý”, “đội ngũ trí thức trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh”, “trí thức trẻ” và “trí thức Việt Nam ở nước ngoài”. Một số từ dùng khác trong những đánh giá của Nghị quyết cũng cho thấy quan niệm về trí thức đã “chạm” đến tính khu biệt hơn như “trí thức tinh hoa và hiền tài”, “chuyên gia đầu ngành”…

 

Tuy khái niệm trí thức trong Nghị quyết có tính khái quát một số đặc điểm cơ bản, phổ quát nhưng vì chưa cụ thể hóa, xác định rõ các tiêu chí đối với trí thức trong các lĩnh vực khác nhau, thời kỳ khác nhau nên nhiều ý kiến cho rằng, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, có lúc, có nơi còn có sự lẫn lộn giữa trí thức nói chung với “nhân lực khoa học công nghệ”, “nhân lực chất lượng cao”, trí thức tinh hoa, trí thức nòng cốt chưa được khu biệt để có chính sách trọng tâm. Sự không phân định rõ trong nhận thức, dẫn đến sự lúng túng, cào bằng trong cơ chế, chính sách. Vì thế, mà cũng ít tạo ra được đột phá.

 

PGS. TS. Lê Phước Minh - Phó Chủ tịch Hội trí thức và khoa học trẻ Việt Nam cho rằng, phải có định nghĩa tốt hơn về hình mẫu người trí thức. Trí thức không thể chỉ xét vào bằng cấp, học hàm, học vị. Và cũng nên có khái niệm “trí thức nòng cốt” (trí thức tinh hoa) để phân định với trí thức phổ rộng. Có như vậy mới xác định được cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ trí thức cho phù hợp với từng đối tượng cụ thể.

 

Sửa nhận thức thì mới sửa được cơ chế, chính sách

 

Trong bối cảnh ngày nay, xây dựng đội ngũ trí thức là trách nhiệm chung của xã hội, của hệ thống chính trị, trong đó trách nhiệm của Đảng, Nhà nước giữ vai trò quyết định, đúng như Nghị quyết đã nêu. Đồng thời, trí thức có vinh dự và bổn phận trước Tổ quốc và dân tộc, không ngừng phấn đấu, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn, đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

 

Muốn vậy, phải thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của trí thức. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghề nghiệp của trí thức. Trọng dụng trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến; có chính sách đặc biệt đối với nhân tài của đất nước.

 

Nghị quyết cũng đã nêu rõ quan điểm, để cụ thể hóa những nội dung của Nghị quyết phải bổ sung những nội dung không còn phù hợp, nhất là về cơ chế, chính sách, tạo tiềm lực vật chất và tinh thần để phát huy mạnh hơn nữa tiềm năng, trí tuệ của đội ngũ trí thức, thu hút và tập hợp được trí thức trong và ngoài nước, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi thông qua đãi ngộ thỏa đáng để trí thức cống hiến cho đất nước. Trong tổ chức thực hiện, Nghị quyết 27 cũng có mở ra một chiếc “then cài” quan trọng: “Rà soát hệ thống luật pháp và các văn bản liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới phù hợp với Nghị quyết”. Song, dường như, đó lại là một câu chuyện khác, rất gian nan mới thành hiện thực. Khi tư duy hành chính đè nặng cả về nhận thức và cơ chế thì trước tiên, việc sửa mạnh nhận thức mới có thể mở ra cánh cửa sửa mạnh được cơ chế, chính sách.

 

Đồng chí ĐẶNG THỊ THU HÀ (Vụ Quan hệ kinh tế, khoa học và công nghệ - Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao):

Kết nối để thu hút trí thức Việt kiều Hiện nay, có khoảng hơn 400.000 chuyên gia, trí thức trong số khoảng 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Họ tập trung ở các nước phát triển, có cơ hội nắm bắt thông tin, kinh nghiệm mới nhất của các nước tiên tiến. Đây là nguồn lực quan trọng, là cơ hội cho đất nước.

 

Sau khi Nghị quyết 27 được ban hành, để thể chế hoá và đưa Nghị quyết vào cuộc sống, Bộ Ngoại giao đã kiến nghị và Chính phủ đã ban hành Nghị định 87/2014/NĐ-CP ngày 22/9/2014. Thực hiện Nghị định, hằng năm Bộ có tổng kết và đánh giá trên cơ sở báo cáo về việc sử dụng chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài của các bộ, ngành, địa phương.

 

Chúng tôi nhận thấy, những năm gần đây, đóng góp của trí thức Việt Nam ở nước ngoài ngày càng trực tiếp hơn. Từ thế hệ 2 - 3 đã xuất hiện các nhóm kết nối mạnh như Chương trình Sáng kiến Việt Nam là một trung tâm toàn cầu về chính sách phát triển cho Việt Nam đặt tại Đại học Indiana với mạng lưới gồm các giáo sư, chuyên gia người Việt và người nước ngoài đến từ hơn 40 trường đại học, các trung tâm, viện nghiên cứu quốc tế tại Mỹ và trên toàn thế giới, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế và các viện nghiên cứu hàng đầu ở Việt Nam. Hội các nhà khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVES Global), bắt đầu từ nhóm các nhà khoa học và chuyên gia Việt Nam ở Pháp nay đã mở rộng kết nối ở phạm vi toàn cầu, hiện đang tham gia tư vấn cho các dự án về đặc khu ở Vân Đồn, Phú Quốc, đóng vai trò cầu nối giữa trong và ngoài nước tới các đối tạng hạng A nước ngoài, Mới đây, AVSE Global đã phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổ chức diễn đàn về phát triển bền vững, thu hút nhiều chuyên gia nổi tiếng thế giới tham dự.

 

Hiện nay, trong Tổ tư vấn của Chính phủ có 4 người là người Việt Nam ở nước ngoài. Tuy nhiên, việc phát huy nguồn lực tri thức của người Việt Nam vẫn chưa xứng với tiềm năng. Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cần có môi trường làm việc tốt và cần được tôn trọng. Họ không đặt nặng việc đãi ngộ, tuy vậy, chính sách đãi ngộ cũng cần ở mức phù hợp để thể hiện sự trân trọng. Nghị định 87 có quy định về việc thỏa thuận nhưng điều này chỉ phù hợp với doanh nghiệp có khả năng tự chủ, còn với những cơ quan nhà nước sẽ khó vận dụng. Thêm vào đó, cần có sự phối hợp thông tin giữa trí thức ngoài nước với trong nước để đáp ứng nơi đang cần... Bộ Ngoại giao đang xây dựng trang thông tin điện tử kết nối chuyên gia trí thức toàn cầu, hy vọng sẽ giải quyết được bài toán cung - cầu này.

 

Bùi Thu Thanh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất