Chủ Nhật, 6/10/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 30/3/2011 17:24'(GMT+7)

Bất cập về giá bán điện - “nút thắt”quá trình cổ phần hóa ngành điện

 

Cổ phần hóa... dở dang

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 - 2015, xét đến năm 2025 (Quy hoạch điện VI), có tổng vốn đầu tư là 80 tỉ USD (mỗi năm 4 - 5 tỉ USD). Để tiếp nhận, cải tạo lưới điện hạ thế nông thôn đạt tiêu chuẩn kỹ thuật ở mức độ tối thiểu của 27 tỉnh phía Bắc, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (NPC) cũng cần tới hơn 10.000 tỉ đồng... Lượng vốn khổng lồ trên ngành điện khó kham nổi, bởi vậy, đa dạng hóa các nguồn đầu tư thông qua cổ phần hóa là một đòi hỏi tất yếu trong quá trình phát triển và hiện đại hóa hệ thống điện lực quốc gia.

Cổ phần hóa không chỉ giải quyết bài toán huy động vốn, mà còn minh bạch hóa tài chính, nâng cao năng lực các doanh nghiệp ngành điện và với việc nhiều chủ thể tham gia đầu tư, kinh doanh về điện, đây được coi là bước đi cần thiết để dần hình thành thị trường điện cạnh tranh theo đúng nghĩa của nó.

Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đã tiến hành hai đợt cổ phần hóa. Đợt thứ nhất thực hiện 2006, cổ phần hóa các công ty điện lực tỉnh trực thuộc, thử nghiệm ở các tỉnh Hà Tĩnh, Thái Bình, Thanh Hóa... Đợt thứ hai, thực hiện năm 2008, tiến hành cổ phần hóa toàn bộ Tổng Công ty. Tuy nhiên, cả hai đợt sau khi lập phương án cổ phần hóa, đều không thực hiện được vì nhiều điều kiện không hội đủ cho quá trình trên.

Ngoài nguyên nhân về yếu tố định giá doanh nghiệp, đặc thù riêng của ngành điện trong điều kiện hiện nay là Nhà nước phải nắm giữ một số khâu trọng yếu để bảo đảm an ninh năng lượng..., thì việc chậm chạp, ách tắc trong quá trình cổ phần hóa tại NPC phần lớn do hiệu quả kinh tế kém của các doanh nghiệp trực thuộc.

Theo lý giải của ông Nguyễn Phúc Vinh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc NPC: “Do khâu phân phối điện chưa mang đặc trưng của thị trường, nguyên vật liệu đầu vào sản xuất điện, như: dầu, than, khí... có giá biến động liên tục, nhưng giá bán điện cho khách hàng lại cố định theo quy định của Chính phủ. Giá thành một kWh điện hiện nay khoảng trên 1.400 đồng, nhưng giá bán của NPC thu được về như năm 2010 bình quân chỉ khoảng 936 đồng, dẫn tới các doanh nghiệp trực thuộc kinh doanh không hiệu quả. Việc cổ phần hóa không thực hiện được vì khó có nhà đầu tư nào muốn mua cổ phần của các doanh nghiệp làm ăn liên tục không lãi, nhất là các nhà đầu tư chiến lược. Bởi vậy, quá trình cổ phần hóa của NPC hiện nay phải tạm dừng”.

Cổ phần hóa bị ngưng trệ của NPC cũng là thực trạng chung của ngành điện. Phân phối là khâu hiện nay rất ít nhà đầu tư quan tâm, bởi giá bán điện thấp, hơn nữa, 28% sản lượng điện thương phẩm thực hiện trợ giá đối với người dân ở nông thôn, hộ nghèo.

Trước những khó khăn trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp kinh doanh, phân phối điện, tại văn bản số 1332/TTg-ĐMDN, ngày 18-9-2007, liên quan tới việc thành lập công ty mua - bán điện độc lập, Chính phủ cũng đã chỉ đạo, tạm thời dừng cổ phần hóa các công ty phân phối điện tại EVN.

Công việc tưởng chừng hết sức cần kíp trên, một phần do vướng cơ chế về giá, đã trở thành... dang dở!

Nghịch lý về giá điện

Xung quanh câu chuyện về giá điện hiện nay chứa đựng nhiều điều bất hợp lý.

Giá điện không theo cơ chế thị trường mà tính theo chi phí bình quân dài hạn, trên cơ sở kế toán nội bộ ngành, có sự điều tiết của Nhà nước. Cách tính giá trên nhằm bảo đảm cân bằng cán cân kinh tế vĩ mô, cũng như các mục tiêu công ích. Song, chính sự định giá không căn cứ vào thị trường kéo dài quá lâu, nặng yếu tố chủ quan, kế hoạch, dẫn tới sai lệch giữa giá thực sản xuất và giá bán. Giá điện thấp tạo sức ỳ của nhiều ngành kinh tế.

Tuy nhiên, các bước chuẩn bị điều kiện cho việc tính giá điện theo cơ chế thị trường lại chậm. Bởi vậy, hiện nay, ngành điện đề xuất giá điện vận hành theo cơ chế thị trường, với luận giải giá đầu vào mang yếu tố thị trường, thì giá bán cũng phải tương tự. Song sẽ là nghịch lý, khi giá bán theo cơ chế thị trường nhưng môi trường để nó tồn tại là thị trường điện cạnh tranh lại chưa hình thành!

Cũng sẽ là bất cập nếu cho phép cơ chế chuyển thẳng các chi phí đầu vào của giá điện vào giá bán lẻ, trong khi chưa có thị trường điện để định giá chính xác nhất khâu phát điện (chiếm trên 70% giá thành điện), thông qua hoạt động cạnh tranh. Nếu cơ chế trên được thực thi thì giá bán lẻ điện sẽ liên tục chịu áp lực tăng, ảnh hưởng rất nhiều tới lạm phát, tăng trưởng kinh tế và đời sống nhân dân.

Giá điện thấp của nước ta hiện nay (trong tương quan với một số nước thuộc khu vực, như: Trung Quốc, Phi-líp-pin, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a...) vô hình trung đang khuyến khích công nghệ lạc hậu, hao tổn năng lượng phát triển. Một số ngành tiêu hao năng lượng rất lớn, do áp dụng nhiều công nghệ lạc hậu, như xi-măng, sắt thép..., nhưng hàng loạt dự án lớn vẫn được cấp phép, dù nhu cầu trong nước đã bão hòa. Bởi vậy, lợi nhuận của những ngành tiêu tốn năng lượng lớn này (riêng hai ngành xi-măng, sắt thép tiêu thụ điện năng chiếm 10% tổng điện năng cả nước), nhiều khi lại không bằng khoản lỗ mà ngành điện phải bù do bán giá thấp! Điều này tạo ra lợi nhuận “ảo”, sự tăng trưởng không thực chất.

Quan điểm tăng trưởng chạy theo số lượng, thiếu chất lượng trên rất nguy hiểm, nếu không thay đổi, Việt Nam sẽ trở thành bãi thải công nghệ lạc hậu của các nước khác. Ngay trong Quy hoạch điện VI, được Chính phủ phê duyệt, cũng đã lộ rõ quan điểm bất cập này, khi đặt ra chỉ tiêu để tăng trưởng GDP khoảng 8,5 - 9%, thì điện năng sẽ tăng ở mức là 17%, cao nhất là 22% - mức tăng cao trên vừa thiếu tính khả thi, vừa gây áp lực lớn cho ngành điện, rộng hơn là cho vốn đầu tư của cả nền kinh tế.

Ngành điện ngoài chức năng kinh doanh, còn phải đảm đương nhiệm vụ công ích, hỗ trợ giá điện cho các đối tượng có thu nhập thấp. Tuy nhiên, cách tính giá điện lũy tiến như hiện nay, chúng ta đang bao cấp giá cho cả hộ nghèo lẫn hộ giàu và các nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều nhà đầu tư này vô tình hay cố tình, trở thành những “nhà xuất khẩu hời” năng lượng của Việt Nam, khi sản xuất sản phẩm giá rẻ vì hưởng lợi từ giá điện thấp, nhưng xuất bán ra ngoài với giá cao. Tính công ích, xã hội trong giá điện, như mục đích ban đầu của nó, đã không thể hiện rõ nét.

Giá bán điện thấp cũng là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư trong, ngoài nước không mặn mà bỏ tiền vào các khâu của quá trình sản xuất điện. Đối với việc cổ phần hóa, thì đây chính là một rào cản lớn.

Lỗi tại cơ chế hay năng lực quản lý?

Bất cập của giá điện như trên là khó tránh khỏi khi cơ chế hoạt động của EVN đang có sự chồng chéo giữa phần kinh doanh và công ích. Mặt khác, với cơ chế Nhà nước không bù lỗ mà ngành điện tự bù chéo, lấy điện giá rẻ (chủ yếu là thủy điện) bù nguồn điện giá cao hơn, khi xảy ra thiên tai, hạn hán, nguy cơ thiếu điện sẽ lại hiển hiện cùng áp lực tăng giá điện.

Mô hình tổ chức theo dạng khép kín, vẫn giữ phần chi phối ở nhiều khâu có thể tách ra độc lập của EVN cũng được coi là chưa phù hợp, dẫn tới sự thiếu cạnh tranh để tạo giá điện hợp lý. Mặt khác, để điều hòa, ổn định nền kinh tế vĩ mô, vai trò điều tiết của Nhà nước đối với giá điện rất quan trọng. Song về lâu dài, giá điện cũng cần chuyển sang cơ chế thị trường, khi đó vai trò điều tiết của Nhà nước chủ yếu thể hiện ở các quy định của Luật Điện lực, mà các bên tham gia thị trường điện phải tuân thủ chặt chẽ.

Những bất cập của giá điện cũng nảy sinh từ chính năng lực quản lý của EVN. Hàng loạt dự án lớn về nguồn điện, như nhiệt điện Hải Phòng, Quảng Ninh, Mạo Khê... đều bị chậm tiến độ so với quy hoạch gần hai năm, do việc lựa chọn nhà thầu chất lượng kém, công nghệ nhà máy điện lạc hậu... Hậu quả của những chậm trễ trên khiến Quy hoạch điện VI tới năm 2010 chỉ đạt 74% nguồn điện so với yêu cầu. Đây chính là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây tình trạng thiếu điện. Dư luận đang đặt dấu hỏi lớn về trách nhiệm của chủ đầu tư những dự án này!

Hiệu quả kinh doanh thấp của các doanh nghiệp ngành điện một phần cũng do sức ỳ lớn vì hoạt động quá lâu trong cơ chế cũ. Việc cổ phần hóa cũng đồng nghĩa với áp lực lớn hơn về lợi nhuận, sự năng động trong sản xuất kinh doanh, do đó với sức ỳ trên, nhiều doanh nghiệp... ngại cổ phần hóa! Như vậy, bất cập về giá điện đến từ cả hai phía: cơ chế và năng lực quản lý, qua đó ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình cổ phần hóa.

Gỡ “nút thắt” trước hết là... giá điện

Theo lộ trình Chính phủ phê duyệt, thị trường bán lẻ điện cạnh tranh sẽ được thực hiện sau năm 2022. Trên lộ trình đó, giá điện sẽ dần được vận hành theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên để thị trường trên hoạt động, cần chuẩn bị, tạo dựng rất nhiều các điều kiện.

Trong giai đoạn trước mắt, giá điện thấp, cùng với khó khăn của ngành điện là một thực tế rõ ràng. Việc tăng giá điện là điều khó tránh khỏi, thậm chí nên làm, vấn đề quan trọng là cần thay đổi nhận thức về tăng giá điện và cách thức tăng ra sao.

Việc tăng giá điện không phải để bắt kịp các nước xung quanh, hay để bù lỗ cho ngành điện đơn thuần, mục đích chính của nó là tạo nút nhấn để góp phần tái cơ cấu cả nền kinh tế, tăng sức cạnh tranh thực chất của các doanh nghiệp trong môi trường toàn cầu. Theo đó, nên tăng giá điện sản xuất trước tăng giá điện sinh hoạt, nhằm loại thải dần thói quen tận dụng công nghệ cũ, tiêu tốn năng lượng trong nhiều lĩnh vực, của không ít nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

Trong ngắn hạn, việc tăng giá điện sẽ làm tăng lạm phát, giảm tăng GDP, song về dài hạn, sẽ có lợi rất lớn cho nền kinh tế, sàng lọc và loại thải những hiện tượng tăng trưởng “ảo”, sức cạnh tranh “ảo” núp bóng giá điện thấp, coi trọng chất lượng thay vì số lượng tăng trưởng của nền kinh tế.

Giải quyết sự chồng chéo giữa nhiệm vụ kinh doanh và công ích, ngành điện đã đề xuất tách bạch hai phần trên. Nếu không tách được, thì có thể dùng một quỹ công ích độc lập để bù đắp theo kênh riêng. Song các phương án trên đến nay vẫn chưa thực hiện được, vì khá phức tạp và không có cơ quan nào đứng ra đảm nhận. Bởi vậy, cơ cấu giá điện lũy tiến bậc thang nên duy trì, đồng thời giãn rộng hơn nữa khoảng cách giá của 100 số đầu (giá thấp), để hỗ trợ người nghèo hiệu quả hơn, vừa khuyến khích tiết kiệm điện - tất nhiên cách tính trên vẫn chỉ có ý nghĩa tương đối.

Giá điện nên được một đơn vị kiểm toán độc lập uy tín định giá. EVN cũng nên công khai cơ chế tính giá, cùng một cam kết cải cách ngành điện hợp lý nhất, tăng giá phải có lộ trình, từng bước và gắn với tăng chất lượng điện. Đa dạng hóa các nguồn cung điện, tránh lệ thuộc tối đa vào điện nhập khẩu, để chủ động bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Một số chuyên gia cho rằng, cần tách bạch các khâu trong quy trình sản xuất, tiêu thụ điện mà ngành điện không cần thiết nắm giữ ra khỏi EVN, như nguồn, phân phối, thậm chí điều độ. Ngay cả với khâu truyền tải, ngành điện có thể chỉ nắm giữ phần điều hành, còn đầu tư nên xã hội hóa. Việc huy động vốn được thực hiện thông qua đấu thầu cạnh tranh, song hành với cổ phần hóa.

Công ty cổ phần Điện lực Khánh Hòa (KHP) là đơn vị kinh doanh, phân phối điện duy nhất đã cổ phần hóa của EVN. Bước đi mạnh dạn, táo bạo thay đổi mô hình tổ chức, cùng với việc niêm yết trên thị trường chứng khoán, đã mang lại hiệu quả tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Chưa nói đến các khoản lợi nhuận đạt được hằng năm, đơn cử một dẫn chứng nhỏ, mới đây nhất, trong đợt phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn, KHP đã thu về 206 tỉ đồng, qua đó chi trả cho EVN phần tiền vay mua lưới điện 110 kV Khánh Hòa.

KHP đã giải tốt bài toán về vốn và hiệu quả hoạt động của mô hình cổ phần hóa này cho thấy, nút thắt quá trình cổ phần hóa của ngành điện, có lẽ không hoàn toàn chỉ nằm ở giá điện như nhiều lý giải, mà còn nằm ở tư duy và hành động dám thay đổi, dám bứt phá của chính những người trong cuộc!./.

Theo TCCS

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất