Chủ Nhật, 6/10/2024
Thế giới
Thứ Hai, 7/5/2012 22:36'(GMT+7)

Bầu cử Quốc hội Hy Lạp: Không đảng nào đủ ghế để giành quyền thành lập chính phủ

Hy Lạp: 2 chính đảng lớn không thể giành đủ đa số ghế cần thiết để thành lập liên minh

Hy Lạp: 2 chính đảng lớn không thể giành đủ đa số ghế cần thiết để thành lập liên minh

Bộ Nội vụ Hy Lạp cho biết với 95% số phiếu được kiểm, đảng Dân chủ Mới (ND) bảo thủ dẫn đầu nhưng chỉ giành được 19,18% số phiếu, tương đương 109 ghế trong tổng số 300 ghế tại Quốc hội, kém xa con số 151 ghế cần thiết để có thể giành quyền tự đứng ra thành lập chính phủ. Đảng Syriza cánh tả về thứ hai với 16,3% số phiếu (tương đương 50 ghế). Trong khi đó, đảng Xã hội (Pasok) - đảng truyền thống cầm quyền nhiều năm ở Hy Lạp, chỉ đứng thứ ba với 13,6% số phiếu ủng hộ, được 42 ghế.

Theo các nhà phân tích , nếu đây là kết quả cuối cùng thì sẽ là thảm họa với Pasok - chính đảng vốn giành chiến thắng vang dội với trên 43% số phiếu ủng hộ hồi năm 2009.
Kết quả này cũng tương tự với kết quả thăm dò dư luận được tiến hành trước bầu cử.
Đáng chú ý tại cuộc bầu cử, đảng "Bình minh vàng" theo khuynh hướng phát xít mới dự kiến giành 20 ghế Quốc hội sau khi có được 6,5-7,5% số phiếu và đây là lần đầu tiên đảng này có chân trong Quốc hội Hy Lạp kể từ năm 1974.

Các nhà quan sát cho rằng với kết quả này, cử tri Hy Lạp đã giáng một đòn mạnh vào triển vọng Hy Lạp ở lại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) khi các đảng đối lập vốn phản đối chính sách "thắt lưng buộc bụng" lại giành được tới hơn 60% số phiếu ủng hộ, trong khi hai đảng chính là đảng Dân chủ mới và đảng Pasok chỉ giành được tổng cộng hơn 32,4 % phiếu, giảm mạnh so với con số 77,4% mà họ có được hồi năm 2009.

Hiện hai đảng giành được số phiếu cao nhất trong cuộc bầu cử này đang có những ý kiến trái chiều đối với gói cứu trợ của quốc tế: Trong khi Dân chủ Mới muốn thành lập một chính phủ liên minh nhằm giữ Hy Lạp ở lại trong Eurozone và sửa đổi các điều khoản trong gói cứu trợ quốc tế thì Syriza lại muốn hủy bỏ việc cứu trợ này.

Ngay sau khi có kết quả sơ bộ, lãnh tụ đảng Pasok, cựu Bộ trưởng Tài chính , Êvangiêlốt Vênidêlốt ( Evangelos Venizelos) đã kêu gọi thành lập một chính phủ liên minh rộng rãi gồm các đảng thân châu Âu, bác bỏ một chính phủ hai đảng sau khi Pasok bị thất bại trong cuộc bầu cử.

Theo Hiến pháp Hy Lạp, tổng thống nước này sẽ dành cho lãnh đạo đảng giành được nhiều phiếu nhất thời gian 3 ngày để tìm kiếm thoả thuận với các chính đảng khác về việc thành lập chính phủ liên minh. Nếu nỗ lực này thất bại, nhiệm vụ thành lập chính phủ liên minh sẽ được chuyển lần lượt cho các chính đảng về thứ 2 và thứ 3 trong cuộc bầu cử. Tình hình trên khiến các tổ chức quốc tế như Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) lo ngại vì sự bất ổn chính trị ở Hy Lạp có thể đẩy Khu vực đồng tiền chung châu Âu rơi trở lại khủng hoảng./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất