Chủ Nhật, 6/10/2024
Thế giới
Thứ Hai, 7/5/2012 0:47'(GMT+7)

Cuộc bỏ phiếu lịch sử

Ứng viên Nicolas Sarkozy bỏ phiếu tại Paris sáng 6/5

Ứng viên Nicolas Sarkozy bỏ phiếu tại Paris sáng 6/5

 

Động thái ban đầu

Tiếp theo cuộc bỏ phiếu của cử tri Pháp đang sinh sống ở lãnh thổ hải ngoại hoặc đang công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài trong ngày thứ bảy 5-5, gần 46 triệu cử tri Pháp đã được kêu gọi đi bỏ phiếu ở 65.000 điểm bỏ phiếu trên toàn quốc trong ngày 6-5 để lựa chọn hai ứng cử viên đứng đầu danh sách ở vòng một là ông François Hollande và đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy. Các điểm bỏ phiếu mở cửa cho cử tri đến bỏ phiếu bắt đầu từ 8 giờ sáng. Phần lớn các điểm bỏ phiếu đóng cửa vào 18 giờ và một số điểm bỏ phiếu ở các thành phố lớn mở cửa đến 20 giờ. Thông tin công bố kết quả kiểm phiếu sơ bộ sẽ được đưa ra vào lúc 20 giờ (tức là 1 giờ sáng ngày 7-5 giờ Việt Nam). Tính đến thời điểm 12 giờ ngày 6-5, Bộ Nội vụ Pháp cho biết tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 30,66%. Con số này cao hơn tỷ lệ đi bỏ phiếu vòng một ngày 22-4 vào cùng thời điểm là 28,29% nhưng vẫn thấp hơn tỷ lệ đi bỏ phiếu vòng hai năm 2007 vào cùng thời điểm là 34,11%.

Cả hai ứng cử viên tranh cử tổng thống đã bỏ phiếu trong sáng nay. Tổng thống Nicolas Sarkozy và phu nhân đã đi bỏ phiếu tại quận 16, thủ đô Paris. Vào tối nay, Tổng thống Nicolas Sarkozy sẽ có bài phát biểu trước các cảm tình viên và ủng hộ viên của đảng UMP tại Nhà Tương tế ở thủ đô Paris. Trong trường hợp tái cử, ông Nicolas Sarkozy sẽ ra quảng trường Concorde để dự lễ ăn mừng chiến thắng, nơi ông đã tổ chức buổi lễ ăn mừng chiến thắng năm 2007. Tại quảng trường Concorde, đảng UMP đã dự tính lắp đặt một sân khấu lớn và trang bị hệ thống ánh sáng, âm thanh trong trường hợp thắng lợi.

Trong khi đó, ứng cử viên François Hollande đã đi bỏ phiếu ở thành phố Tulle, miền tây nam nước Pháp vào lúc 10 giờ 30. Trả lời các nhà báo khi đến phòng bỏ phiếu cảm nhận ban đầu của ông, ông François Hollande thận trọng: “Cảm giác của tôi giống như một ngày chủ nhật của vòng bầu cử thứ hai ».

Để đến được phòng bỏ phiếu, ông François Hollande đã vượt qua một quãng đường dài chào đón những người ủng hộ ông xếp hàng hai bên đường và rất nhiều phóng viên đã chờ ông trước phòng bỏ phiếu. Sau khi bỏ phiếu, ông François Hollande đến thăm các phòng bỏ phiếu khác trong thành phố mà ông từng làm thị trưởng và các phòng bỏ phiếu ở vùng lân cận.

Vào chiều tối nay, ông François Hollande sẽ trở về văn phòng của ông ở Hội đồng tỉnh Corrèze cùng với ê-kíp tranh cử để chờ đợi kết quả bỏ phiếu. Trong trường hợp có kết quả, ông sẽ tuyên bố từ quảng trường trung tâm trước nhà thờ lớn của thành phố. Tại đây, một sân khấu đã được dựng lên chuẩn bị cho bài phát biểu của ông François Hollande. Nếu đắc cử tổng thống, ông François Hollande sẽ bay ngay lên thủ đô Paris để dự lễ mừng chiến thắng tổ chức tại quảng trường Bastille, nơi Tổng thống François Mitterrand đã tổ chức lễ mừng chiến thắng năm 1981.

Có hơn 1.200 phóng viên nước ngoài đăng ký đến theo dõi không khí bầu cử ở bên ngoài trụ sở đảng Xã hội ở phố Solférino ở thủ đô Paris nhưng do điều kiện khu phố này quá chật hẹp, chỉ có khoảng 600 phóng viên được cấp thẻ.

Chủ tịch Đảng Phong trào dân chủ (MoDem) François Bayrou đã đi bỏ phiếu rất sớm theo truyền thống tại điểm bỏ phiếu đặt trong trường học ở thành phố Pau, miền tây nam nước Pháp.

Ông François Bayrou cho biết ông sẽ có bài phát biểu sau khi có kết quả cuộc bỏ phiếu nhưng không tham gia các cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình về kết quả cuộc tranh cử tổng thống lần này. Ông François Bayrou là người về thứ năm trong vòng một với 9,13% số phiếu bầu.

Ông đã tuyên bố ngày 3-5 sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên François Hollande ở vòng hai với tư cách cá nhân vì cho rằng ông François Hollande là người có khả năng đoàn kết dân tộc các lực lượng vì nền cộng hòa Pháp trong bối cảnh kinh tế xã hội khó khăn như hiện nay. Trong bài phát biểu ngày 3-5, ông François Bayrou cho biết ông không bầu cho ứng cử viên Nicolas Sarkozy vì ông Sarkozy đang tiến hành một chiến dịch tranh cử nguy hiểm theo đường lối của đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN) của bà Marine Le Pen.

Ứng cử viên Jean-Luc Mélenchon của Mặt trận cánh tả (FG) thu được 11,1% số phiếu bầu ở vòng một cũng đi bỏ

phiếu tại điểm bỏ phiếu ở một trường tiểu học ở quận 10, thủ đô Paris. Phát biểu với các nhà báo sau khi ra khỏi phòng bỏ phiếu, ông Jean-Luc Mélenchon cho biết: Theo nguyên tắc bầu cử, ở vòng một là lựa chọn ứng cử viên yêu thích, còn ở vòng hai là loại bỏ người mình không thích.

Ông Mélenchon sẽ phát biểu tại trụ sở của chiến dịch tranh cử ở thành phố Lilas, ngoại ô phía đông bắc thủ đô Paris sau khi có những kết quả dự đoán ban đầu vào công bố vào lúc 20 giờ đêm nay. Sau đó, ông sẽ đến trụ sở đài truyền hình TF1 để tham gia cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình vào lúc 21 giờ và tham gia cuộc tranh luận trên kênh truyền hình France 2 vào lúc 21 giờ 45. Ông Jean-Luc Mélenchon cho biết trong trường hợp ứng cử viên François Hollande thắng cử, ông có thể sẽ ra quảng trường Bastille để dự lễ mừng chiến thắng của cánh tả.

Những yếu tố bất ngờ

Sau chiến dịch tranh cử kéo dài bị ảnh tác động mạnh mẽ bởi cuộc khủng hoảng kinh tế và kết quả thuận lợi của ứng cử viên François Hollande ở vòng một với 28,63% số phiếu bầu so với con số 27,18% số phiếu bầu của đương kim tổng thống Nicolas Sarkozy, cán cân cuộc đua vòng hai phụ thuộc rất nhiều vào cử tri trung dung của ông François Bayrou với 9,13% ở vòng một và cử tri cực hữu của bà Marine Le Pen với 17,90%. Đây là lượng cử tri rất lớn mà quyết định cuối cùng của họ có thể tạo nên những bất ngờ ở vòng hai này. Trong khi đó, phần lớn cử tri bỏ phiếu cho ông Jean-Luc Mélenchon ở vòng một đã tuyên bố sẽ quay sang ủng hộ ông François Hollande ở vòng hai.

Một yếu tố cũng có khả năng gây bất ngờ ở vòng hai là tỷ lệ cử tri tham gia đi bầu cử. Ở vòng một, có 79,48% cử tri đã thực hiện quyền công dân. Theo thống kê, kể từ năm 1974 đến nay, sự tham gia của cử tri ở vòng hai của cuộc tranh cử tổng thống thường có vai trò quan trọng hơn ở vòng một. Năm 2007, tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu tranh cử tổng thống lên tới 83,97%. Đây là một trong những tỷ lệ được đánh giá là cao kỷ lục trong lịch sử nền cộng hòa thứ V. Để thu hút mối quan tâm của tỷ lệ cử tri vắng mặt, cả hai ứng cử viên đều kêu gọi các cử tri vắng mặt này đi bỏ phiếu cho đến giờ phút cuối cùng.

Theo quy định bầu cử của Pháp, tất cả các bình luận, kết quả các cuộc thăm dò dư luận về kết quả của cuộc bỏ phiếu vòng hai sẽ bị cấm công bố kể từ 0 giờ sáng ngày thứ bảy đến 20 giờ ngày chủ nhật của chiến dịch tranh cử. Các cơ quan báo chí của Pháp công bố sớm kết quả sẽ bị Ủy ban bầu cử phạt tới 75.000 euro. Tuy nhiên, nhiều cơ quan báo chí nước ngoài đã công bố kết quả dự đoán ban đầu trước 20 giờ ngày chủ nhật. Để đối phó với tình trạng này, hãng thông tấn AFP của Pháp đã quyết định cung cấp cho các khách hàng của AFP số liệu dự đoán ban đầu của các hãng thăm dò dư luận của Pháp về kết quả sơ bộ vòng hai.

Dù ứng cử viên nào trúng cử ở vòng hai, cuộc bầu cử tổng thống năm 2012 cũng tạo nên những sự kiện mang tính lịch sử của nước Pháp. Trong trường hợp ông François Hollande đắc cử, ông sẽ trở thành tổng thống thứ hai của đảng Xã hội dưới Nền cộng hòa thứ V sau thắng lợi liên tiếp của Tổng thống François Mitterrand trong hai cuộc tranh cử năm 1981 và 1988.

Thắng lợi của ông François Hollande cũng đồng nghĩa với việc đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy, người giành chiến thắng năm 2007 trước ứng cử viên Ségolène Royal của đảng PS, trở thành vị tổng thống thứ hai không thể tái cử sau thất bại của Tổng thống Valéry Giscard d’Estaing năm 1981 trước ứng cử viên François Mitterrand.

Ngược lại, nếu ông Nicolas Sarkozy tái cử, ông sẽ là nguyên thủ hiếm hoi của khu vực đồng tiền chung châu Âu tiếp tục nắm quyền sau khi hàng loạt nhà lãnh đạo khu vực này mất chức bởi ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính vẫn đang tiếp tục lan rộng.

HUY THẮNG Phóng viên báo Nhân Dân thường trú tại Pháp
Nguồn: Nhân Dân 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất